HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN: TUẦN 59 – 60, SÁCH CHÂM NGÔN

Sách Châm Ngôn, chương 1-15

***

  1. TỔNG QUÁT
  2. Văn loại

Sách Châm ngôn sử dụng hai thể văn: châm ngôn và giáo huấn. Đặc tính của thể văn châm ngôn là (1) ngắn gọn, (2) khôn ngoan, (3) dễ nhớ, (4) phát xuất từ kinh nghiệm, (5) trình bày chân lý phổ quát, (6) nhằm mục đích thực hành, (7) có giá trị lâu dài. Các châm ngôn thường được trình bày do những tác giả khuyết danh, như những bài học thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Thể văn giáo huấn (các chương 1-9; 22,17 – 24,23): được trình bày như di sản người cha để lại cho con cái, với những huấn lệnh và những lý do giải thích tại sao phải vâng theo.

  1. Mục đích

Sách Châm Ngôn nhấn mạnh đến cả hai mặt: tri thức và đạo đức. Văn hoá của Israel cổ xưa xem “tâm” như là nguồn của suy nghĩ, lý luận và quyết định; do đó những giáo huấn trong sách Châm Ngôn nhắm đến “tâm” chứ không chỉ là trí theo quan niệm ngày nay. Nếu sách Châm Ngôn nhấn mạnh suy nghĩ như là chìa khoá của hiểu biết, thì suy nghĩ ở đây không chỉ được nhìn thuần túy là tư tưởng trừu tượng nhưng phải được thể hiện và đánh giá trong đời sống cụ thể. Vì thế, khía cạnh tri thức luôn song hành với khía cạnh đạo đức. Cách nhìn này khá gần gũi với truyền thống văn hoá Việt Nam.

  1. Thần học của sách Châm Ngôn

Những tư tưởng trọng tâm trong sách Châm ngôn là lý tưởng về đời sống gia đình và lòng hiếu thảo, sự chân thật và ngay chính, quan tâm đến người nghèo, tự chủ và kềm hãm các đam mê. Nguồn gốc và tóm kết của tất cả các nhân đức này là sự khôn ngoan, hiểu như sự kính sợ Chúa và tin tưởng nơi một mình Chúa. Aån bên trong những lời khuyên này là niềm xác tín rằng sự ác không thể được dung thứ trong trật tự của Thiên Chúa. Chương 1-9 đồng hoá đức khôn ngoan với chính quyền bính của Thiên Chúa. Vì thế, những người trung tín sẽ được chúc phúc và những kẻ bất tín sẽ bị nguyền rủa.

  1. Các phần chính trong sách Châm Ngôn

– Phần I: Những giáo huấn về khôn ngoan
(1,1– 9,18)
– Phần II : Các châm ngôn của Salomon
(10,1– 22,16)
– Phần III: Ba mươi lời của hiền nhân (22,17 – 24,22)
– Phần IV: Sưu tập của Hezekiah (25,1 – 29,27)
– Phần V: Các lời của Agur và Lemuel (30,1 – 31,31)

  1. ĐỨC KHÔN NGOAN
  2. Giá trị của đức khôn ngoan

Mọi hiểu biết và phúc lành đều từ Thiên Chúa mà đến. Khôn ngoan là quà tặng của Thiên Chúa chứ không chỉ là sản phẩm của trí khôn nhân loại. Nói như thế không có nghĩa là khinh thường những nỗ lực tìm kiếm và nghiên cứu nhưng để thấy đâu là điều chính yếu (2,1-11).

Đức Khôn Ngoan được nhân cách hoá (8,12-16) và đã hiện diện trước nhan Thiên Chúa như mẫu mực trong ngày Chúa tạo dựng thế giới. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được coi là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (x. Mt 11,19tt; Lc 11,49; 1Cor 1,24-30).

Khởi điểm của sự khôn ngoan là lòng kính sợ Chúa (1,7) và trung thành với Chúa (9,1-18). “Đừng khinh thường sự sửa trị của Giavê và đừng nhàm chán lời Người quở mắng. Bởi Giavê quở mắng kẻ Người thương mến, như người cha quở mắng đứa con ông yêu dấu” (3,12).

  1. Những lời cảnh giác

– Cảnh giác trước đường lối của kẻ vô đạo (2,12-15) từ tư tưởng đến lời nói:
“Con sẽ bước đi trong đường kẻ lành,
con sẽ giữ nẻo người công chính.
Người ngay chính sẽ ở trong xứ sở…
còn phường gian ác sẽ bị tiễu trừ khỏi xứ sở.”
– Cảnh giác trước những phụ nữ lăng loàn (5,1-18):
“Môi miệng vợ người khác tiết ra mật ngọt,
và lời của nó trơn tru hơn dầu;
nhưng rốt cuộc nó đắng hơn khổ ngải, và sắc như gươm hai lưỡi.
Chân nó bước vào cõi chết, và bước đi đạt thấu âm phủ;
nó chẳng màng tới đường sự sống, lạc đường lạc lối nó nào có hay.”

Tuần 60: Sách Châm Ngôn (chương 16-31)

—o0o—

  1. CHÂM NGÔN CỦA SALOMON (10,1 – 22,16)
  2. Tổng quát

Đây là phần dài nhất trong sách Châm Ngôn, gồm 375 câu châm ngôn nói về mọi mặt của đời sống. Những câu châm ngôn này được gán cho vua Salomon. Những câu châm ngôn liên quan đến cùng một đề tài không được sắp xếp thành một phần riêng nhưng rải rác nhiều nơi. Tuy nhiên cũng có một số phần khá rõ: chương 10-15 chủ yếu là những châm ngôn bàn về sự đối kháng giữa người công chính và kẻ tội lỗi. Chương 16-22 có nhiều lời khuyên cụ thể về sự thành công. Những gợi ý tiếp theo sẽ tập trung vào một vài đề tài đáng được quan tâm.

  1. Thiên Chúa và sự khôn ngoan của con người (16,1-15)

Những châm ngôn của Salomon được ghi lại từ chương 10-22, nhưng 15 câu đầu trong chương 16 (16,1-15) là trung tâm điểm. Những câu này bàn đến mối tương quan giữa sự khôn ngoan nhân loại và Thiên Chúa. Thiên Chúa điều khiển mọi khía cạnh của đời sống cũng như những tính toán của con người.

– Câu 1 xác quyết chính Thiên Chúa đóng vai trò quyết định:

“Những mưu tính lòng dạ là của con người,
nhưng câu trả lời đến từ Giavê.”

– Câu 2 và 3 khai triển xác quyết trên: chỉ khi nào để cho Thiên Chúa điều khiển thì dự định của con người mới thành công:

“Hãy phú cho Giavê mọi công trình của ngươi,
và mọi dự tính của ngươi sẽ được thực hiện.”

– Câu 5-8 liệt kê những thái độ phải có: khiêm tốn thay vì kiêu ngạo, sống trung tín và tín nghĩa, lánh xa sự dữ dù phải chịu thiệt thòi.

– Câu 9 tóm kết xác tín:

“Lòng người suy tính về đường mình đi,
nhưng chính Giavê cho bước chân nên mạnh.”

Những câu châm ngôn này có ý nghĩa gì cho kinh nghiệm sống đức tin của tôi?

  1. Tầm quan trọng của lời nói (18,1-24)

Trong truyền thống trí thức của vùng Cận Đông, lời nói đóng vai trò hết sức quan trọng. Lời nói vừa là khí cụ xây dựng lại vừa là phương thế hủy diệt.. Trong phần Châm Ngôn của Salomon, có khá nhiều câu bàn về lời nói:

– Tai hại của những lời nói “ngu xuẩn”:

“Môi miệng người ngu xuẩn đưa đến kiện tụng
và miệng nó kêu gọi roi vọt” (18,6)

“Miệng người ngu là sự đổ vỡ của nó
và môi miệng nó là cạm bẫy cho mạng sống của nó” (18,7)

“Kẻ trả lời trước khi nghe,
chuốc lấy điên dại và thẹn thùng” (18,13)

Chết và sống đều do cái lưỡi
Những kẻ yêu mến nó sẽ được ăn hoa quả của nó” (18,21)

– Khi được sử dụng đúng cách, lời nói là sức mạnh của người khôn ngoan:

Lời có thể thay đổi con người:

“Người vứt bỏ lời sửa trị tự coi nhẹ mình,
người nghe lời quở mắng tích lũy thêm hiểu biết” (15,32)

Lời có thể chữa lành:

“Lời nói không suy xét đâm thủng như lưỡi kiếm,
những lưỡi người khôn ngoan làm lành vết thương” (12,18)

Phải biết tự chế trong lời nói:

“Kẻ giữ miệng, giữ được sự sống,
người môi toác hoác đến chỗ diệt vong” (13,3)

“Kẻ biết giữ miệng là người hiểu biết,
người bình tĩnh là người thông hiểu” (17,28)

– Thánh Giacôbê Tông đồ cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của lời nói: “Ai không sa ngã trong lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế toàn thân…Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rũa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được” (3,2-10).

Kết luận:

Sách Châm Ngôn được gán cho vua Salomon. Chắc chắn có nhiều câu châm ngôn trong sách phát xuất từ vị vua nổi tiếng khôn ngoan này; tuy nhiên sách này đúng ra là một sưu tập nhiều giáo huấn và châm ngôn từ nhiều thời đại. Như thế sách này chứa đựng kho tàng minh triết của nhân loại. Điều quan trọng là không chỉ đọc thoáng qua nhưng nên tập trung vào một lời nào đó, rồi suy nghĩ và đối chiếu với kinh nghiệm đời sống của mình. Có như thế, giáo huấn của sách này mới thực sự mang lại ích lợi cho ta, không những về mặt thiêng liêng mà ngay cả về mặt nhân bản cũng như trong những quan hệ xã hội hằng ngày.