Ban Loan Báo Tin Mừng
—oOo—
Chủ đề
THI HÀNH SỨ VỤ THEO SÁT ĐỨC GIÊSU – SỐNG CẦU NGUYỆN
Lời mời gọi mở đầu
Kính thưa cộng đoàn,
Cầu nguyện luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống của người tín hữu. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, Người vẫn dành thời giờ cầu nguyện để thể hiện một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa Cha. Những giờ phút cầu nguyện của Người không chỉ là những khoảnh khắc tĩnh lặng, mà còn là những giây phút Người hướng lòng mình về sứ mệnh lớn lao mà Cha đã trao phó. Người cầu nguyện để tìm sự nâng đỡ từ Cha, để lắng nghe ý Cha và thực hành ý Cha trong sứ vụ cứu độ nhân loại.
Theo sát Đức Giêsu trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, chúng ta luôn được mời gọi noi gương Người, để thấy rằng cầu nguyện không chỉ là một thói quen tôn giáo, mà là nguồn sức mạnh cho việc sống và loan báo Tin Mừng.
Đặt Mình Thánh Chúa (quỳ)
Lời Chúa
Tin Mừng theo thánh Máccô (Mc 1, 35- 39)
Sáng sớm tinh sương, lúc trời còn tối, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn cùng đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa; vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ.
(Ngồi và thinh lặng giây lát.)
Suy niệm 1 (ngồi)
Người Kitô hữu, trong hành trình đức tin và sứ vụ của mình, được mời gọi không ngừng noi gương Đức Giêsu, không chỉ nơi những việc bác ái, lòng thương xót, sự khiêm nhường, mà còn trong đời sống cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện không phải là một phần phụ của đời sống đức tin, nhưng là nguồn mạch nuôi dưỡng và gắn kết chúng ta với Thiên Chúa. Khi chiêm ngắm Đức Giêsu, chúng ta thấy Người không chỉ là Thiên Chúa quyền năng mà còn là người Con hiếu thảo, luôn gắn bó, kết hợp với Chúa Cha trong cầu nguyện để tìm sức mạnh và hướng đi trong sứ vụ cứu độ trần thế.
Ngay từ khi bắt đầu sứ vụ công khai cho đến khi hoàn tất sứ vụ trên thập giá, Đức Giêsu đã không ngừng cầu nguyện. Từng khoảnh khắc trong đời sống của Người đều được thấm đẫm bằng cầu nguyện, và chính nhờ đời sống ấy mà Người giữ được sự hiệp thông trọn vẹn với Cha ngay cả trong thử thách và đau thương.
Với mỗi người Kitô hữu hôm nay, đời sống cầu nguyện cũng là điều cốt lõi giúp chúng ta sống đức tin cách sinh động và sâu sắc. Trong một thế giới đầy xao động, vội vã và nhiều cám dỗ làm lu mờ mối tương quan với Thiên Chúa, thì cầu nguyện không còn là một việc tùy chọn, nhưng là nhu cầu thiết yếu. Cầu nguyện không chỉ là nói với Chúa những gì mình cần, nhưng là lắng nghe, là ở lại, là hiệp thông và phó thác. Qua cầu nguyện, chúng ta học được sự lắng đọng nội tâm để nhận ra tiếng Chúa đang âm thầm vang vọng giữa trăm chiều thử thách của cuộc sống. Cầu nguyện giúp chúng ta nhìn lại chính mình, thấy rõ hơn ý nghĩa cuộc đời, sứ mạng, và được đổi mới từng ngày trong ánh sáng của Thánh Thần. Chúng ta được mời gọi sống cầu nguyện không chỉ khi sắp làm những việc lớn lao, mà còn trong chính những giây phút thường nhật bình thường: một chút thinh lặng buổi sáng để tạ ơn và dâng ngày mới cho Chúa, một lời kinh nguyện trong lúc mệt mỏi khi đêm về, một tâm tình biết ơn trong bữa ăn, hay một ánh mắt hướng lên Trời khi gặp khó khăn hoặc có được một niềm vui nho nhỏ; tất cả đều là những bước đi trong hành trình cầu nguyện. Chúng ta cần tạo không gian và thời gian dành riêng cho Chúa, dù chỉ là vài phút trong ngày, để giữ cho mối dây liên kết ấy luôn sống động. Chúa không chờ đợi nơi chúng ta những lời hoa mỹ hay những nghi lễ dài dòng, nhưng Người khao khát một trái tim chân thành, một tâm hồn đơn sơ trong tin tưởng và yêu mến như Đức Giêsu đã dạy trong kinh Lạy Cha – một lời cầu nguyện đơn sơ nhưng thấm đượm tâm tình con thảo. Do đó, khi cầu nguyện, người Kitô hữu không chỉ cầu nguyện bằng môi miệng mà còn bằng trái tim, bằng chính đời sống, nghĩa là để cho lời cầu nguyện thấm vào mọi hành vi và tương quan của mình. Cầu nguyện đích thực luôn dẫn đến hành động, và hành động được hướng dẫn bởi cầu nguyện sẽ mang dấu ấn của sự lành thánh và yêu thương.
Thế nhưng, thật dễ để chúng ta viện cớ rằng đời sống bận rộn khiến ta không có thời gian cầu nguyện. Nhưng nếu nhìn vào Đức Giêsu, dù rất bận rộn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, Người vẫn luôn duy trì việc cầu nguyện. Cầu nguyện không chiếm thời gian của hành động, nhưng là nền tảng để hành động được đúng đắn và chắc chắn. Nếu không được “kết nối” với Thiên Chúa, chúng ta dễ rơi vào hoạt động thuần túy loài người, thiếu chiều sâu và dễ mất định hướng. Noi gương Đức Giêsu, mỗi Kitô hữu cần học cách ưu tiên cho cầu nguyện trong lịch trình sống của mình. Càng bận rộn, càng phải cầu nguyện trong từng công việc. Càng yếu đuối, càng cần gắn bó với Chúa; vì cầu nguyện là con đường dẫn chúng ta đến sự biến đổi từ bên trong. Chúng ta được mời gọi đến với Chúa không chỉ để xin ơn, nhưng để trở nên giống Con của Người. Trong cầu nguyện, ta học được sự khiêm nhường, để nhận ra mình nhỏ bé. Ta học được lòng thương xót, để nhận ra mình cần được tha thứ. Ta học được sự kiên nhẫn, để nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa luôn vượt trên suy nghĩ hạn hẹp của ta. Và quan trọng nhất, ta học được cách sống theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Chúng ta không cầu nguyện để trốn tránh thực tại, nhưng để đối diện với nó bằng sức mạnh từ Trên Cao, biến đau khổ thành lễ dâng, thành cơ hội kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa. Cầu nguyện không làm biến mất khổ đau, nhưng cho ta một suy nghĩ khác, một cách thế sống khác: can đảm hơn, hy vọng hơn, yêu thương hơn và nhất là nhiệt huyết hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
(Thinh lặng giây lát.)
Hát: Thắp Sáng Trong Con. (Sr.Trầm Hương.FMSR)
ĐK:Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa. Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời.
- Ðể con hân hoan đem tin yêu đi về muôn lối. Tựa như mưa tuôn, mưa hồng ân Chúa trên trần đời.
- Ðể con say mê tim reo vang rộn ràng đi tới. Niềm tin cao dâng, ôi niềm tin thánh ân tuyệt vời.
Suy niệm 2 (ngồi)
Khi chiêm ngắm đời sống của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng cầu nguyện luôn là khởi điểm cho mọi hoạt động của Người. Nếu chính Đức Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, cũng cần đến cầu nguyện để thi hành sứ mạng cứu độ, thì chúng ta – những môn đệ của Người – lại càng không thể thiếu cầu nguyện trong hành trình loan báo Tin Mừng.
Việc loan báo Tin Mừng không phải chỉ là một mệnh lệnh, nhưng còn là một lời đáp trả của tình yêu. Chỉ khi một người thật sự gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện, họ mới cảm nghiệm được niềm vui được cứu độ, và chính niềm vui ấy trở thành động lực thúc đẩy họ thông chia chính niềm vui và hy vọng mà mình đã nhận lãnh. Do đó, cầu nguyện là nguồn động lực sâu xa và mạnh mẽ nhất để chúng ta dấn thân vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Trong cầu nguyện, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, được lắng nghe tiếng Người và được thúc đẩy ra đi thi hành ý muốn của Người giữa lòng thế giới. Nếu không có cầu nguyện, sứ vụ truyền giáo sẽ trở nên như một công việc nhân đạo thông thường, thiếu chiều sâu thiêng liêng và sức sống Thần Linh hoán cải. Nhưng khi được khơi nguồn từ đời sống cầu nguyện, mỗi bước chân ra đi, mỗi lời nói và cả những hy sinh trong âm thầm đều trở thành một hành vi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, đưa con người ra khỏi chính mình để hướng đến người khác. Chính trong cầu nguyện, chúng ta được biến đổi để mang lấy tâm tình của Đức Kitô – Đấng đã yêu thương và hiến mình cho nhân loại. Như vậy, cầu nguyện không chỉ là một hành vi thiêng liêng hướng nội, mà là một cuộc biến đổi để được sai đi, sai đi để đối diện với những khó khăn, nghịch cảnh vì Chúa và vì Tin Mừng như tinh thần của Thánh Phaolô Tông Đồ:
“Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì xảy ra cho tôi tại đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi”. (Cv 20,22-23).
Để vững bước trong sứ vụ đầy gian nan ấy, người môn đệ cần có một sức mạnh siêu nhiên, một sự can đảm và bình an mà thế gian không thể ban tặng. Chính cầu nguyện là nơi người tông đồ kín múc được nguồn sức mạnh ấy. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội luôn khuyến khích các tín hữu cầu nguyện liên lỉ, đặc biệt là trước giờ phút được sai đi thi hành bất cứ công việc nào trong cộng đoàn hay giữa xã hội.
Thế nhưng, như đã nói, trong thế giới hiện đại, sự bận rộn của cuộc sống khiến nhiều người dễ quên hoặc không quan tâm đến đời sống cầu nguyện. Đây là một cám dỗ rất nguy hiểm. Vì không có cầu nguyện, đời sống đức tin sẽ trở nên khô khan và dễ mất phương hướng, dễ rơi vào tình trạng chán nản, bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Cầu nguyện không làm chúng ta mất thời giờ, nhưng là được thời gian cho việc đón nhận sức mạnh và sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
Và như vậy, cầu nguyện là điều kiện không thể thiếu của những người loan báo Tin Mừng đích thực. Một cộng đoàn truyền giáo là một cộng đoàn biết quây quần trong phụng vụ. Một người truyền giáo là người biết thiết lập mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Từ những giờ phút cầu nguyện ấy, nảy sinh ra những sáng kiến truyền giáo, những tấm lòng sẵn sàng dấn thân, những con người khao khát đem Tin Mừng đến vùng ngoại biên. Chính trong ngọn lửa cầu nguyện, ơn gọi truyền giáo được thắp sáng, được nuôi dưỡng và được bảo vệ. Ước gì mỗi chúng ta luôn biết yêu mến và trung thành với đời sống cầu nguyện, để nhờ đó, trở nên những chứng nhân sống động cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Thinh lặng giây lát.
ĐK: Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa. Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời.
- Trần gian hôm nay ôi bao nhiêu mây mờ giăng lối. Tựa như cơn mê, tâm hồn con quá xa tình Người.
- Rồi hôm mai đây khi lâm nguy con thuyền tan vỡ. Hồn con chơi vơi, xin tình thương Chúa luôn hộ phù.
Cầu nguyện (đứng)
Chủ sự:
Cộng đoàn thân mến, chúng ta tụ họp nơi đây trong sự hiệp thông với Đức Giêsu, Đấng Mạc Khải và loan báo Tin Mừng tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa cho nhân loại; với tâm tình đó, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin:
1. Lạy Thiên Chúa toàn năng và giầu lòng thương xót, Chúa đã cho Con Chúa xuống thế để cứu độ nhân loại. Người là mẫu gương tuyệt hảo về đời sống cầu nguyện trong sứ vụ loan báo về tình yêu của Chúa. Xin cho Hội Thánh là thân thể của Kitô, cũng biết sống như Người, để mọi người nhận thấy Hội Thánh luôn là dấu chỉ tình yêu và ơn cứu độ cho thế giới.
2.Lạy Chúa, xin chúc lành và nâng đỡ các nhà thừa sai, những người đang hy sinh vì sứ vụ loan báo Tin Mừng. Xin cho họ luôn biết sống gắn bó với Chúa hơn nữa trong đời sống cầu nguyện, để họ có sức mạnh và lòng nhiệt thành trong việc rao giảng và phục vụ tha nhân.
3. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết theo sát Đức Giêsu trong đời sống cầu nguyện, để trong mỗi hoàn cảnh sống, chúng con không chỉ rao giảng bằng lời nói, mà còn bằng chính những việc làm cụ thể, được phát xuất từ tình yêu chân thành với Thiên Chúa và tha nhân.
Chủ sự:
Lạy Chúa, chúng cảm tạ Chúa vì đã chọn chúng con để chúng con bước theo Con yêu dấu của Chúa trong hành trình loan báo Tin Mừng. Xin giúp chúng con cũng biết sống mối tương quan mật thiết với Chúa như Người, để ngọn lửa loan báo Tin Mừng trong chúng con luôn bứng cháy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Kinh cầu nguyện cho công cuộc Truyền giáo
– Kinh Lạy Cha
– Kinh Kính mừng
– Kinh Sáng Danh
– Lời nguyện tắt (do Đức Tổng Giuse biên soạn): Lạy Chúa Thánh Thần, xin thánh hóa chúng con. Xin giúp chúng con trung thành thực thi Lời Chúa. Và xin mở lòng mọi người, để họ tin nhận Thiên Chúa là Cha nhân từ.
– Kinh Truyền Giáo
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng./ Cha yêu thương sáng tạo và cứu độ muôn loài./ Cha đã sai Con Một làm người ở giữa chúng con./ Người đã hy sinh chịu chết và phục sinh/ để qui tụ tất cả nhân loại về với Cha./
Cha đã gửi Thánh Thần đến/ để xây dựng một cộng đồng nhân loại mới,/ biết yêu thương và hiệp nhất/ theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi./ Giờ đây chúng con cảm tạ Cha/ vì hồng ân cứu độ Cha đã thương ban cho chúng con./
Xin Cha thắp lên ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn chúng con,/ và dạy chúng con biết chiêm ngắm/ và bước theo Đức Kitô/ trên con đường Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân nước./
Xin dạy chúng con luôn biết yêu thương và phục vụ,/ biết chia sẻ của cải tinh thần và vật chất/ cho người nghèo khổ và bất hạnh,/ và biết góp phần vào việc mở mang Nước Cha./
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria La Vang,/ xin Cha làm cho chúng con/ trở nên những chứng nhân Tin Mừng hôm nay và mãi mãi./ Amen.
Phép lành Thánh Thể (quỳ)
– Hát Cầu Cho Đức Giáo Hoàng.
– Lời nguyện.
Hát:
– Lời nguyện.
– Phép lành Thánh thể.
– Bài hát kết:
LỜI NGUYỆN TRUYỀN GIÁO
Hoài Chiên
Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành. Để nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên Tông Đồ thiện toàn mở Nước Chúa Trời.