Bài đọc: (Is 60,1-6)
60
1Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5Trước cảnh đó,
mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực,
vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang
sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước
sẽ tràn đến với ngươi.
6Lạc đà từng đàn che rợp đất,
lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA.
Tìm hiểu nội dung bản văn
Isaia gồm 66 chương là sách có số chương nhiều thứ hai trong toàn bộ các sách trong Kinh Thánh, sau Thánh Vịnh (150 chương). Nếu tính theo số câu thì sách Isaia có độ dài xếp thứ 4 với 1292 câu, sau Thánh Vịnh (2461 câu), Sáng Thế (1533 câu) và Giê-rê-mi-a (1364 câu).
Sách Isaia được viết khoảng từ năm 740 đến 450 TCN. Theo mốc thời gian ấy, sứ mạng của Isaia được kéo dài từ thời các vua Giu-đa như Út-di-gia-hu, Giô-tham, A-khát, Khít-ki-gia…; kéo dài qua thời lưu đày ở Ba-by-lon và mãi tới sau khi dân xây dựng lại Đền Thờ thời hậu lưu đày. Điều này rõ ràng cho thấy bộ sách này không phải là công trình của một soạn giả nhưng là sự đóng góp của nhiều soạn giả cùng “trường phái Isaia” và là nỗ lực trong một thời gian dài.
Nội dung của sách Isaia có thể được chia thành 3 phần với 3 giai đoạn lịch sử khác nhau và chức năng ngôn sứ, cách thức truyền tải sứ điệp cũng khác nhau. Tất cả 3 phần của sách Isaia đều diễn tả một Thiên Chúa công minh, quan tâm và yêu thương dân.
+ Các chương 1-39 có giọng điệu mạnh mẽ, Isaia kêu gọi vua và toàn dân thống hối mà quay về với Thiên Chúa và Người sẽ gìn giữ dân trước sự đe dọa của quân Asyria và Babylon. Lời kêu gọi của Isaia không được hưởng ứng và dân rơi vào cảnh lưu đày tha hương.
+ Từ chương 40 đến 55, Isaia sử dụng giọng văn nhẹ nhàng, đầy hy vọng để khích lệ con cái Ít-ra-en đang trong cảnh lưu đày hướng lòng lên Thiên Chúa công chính và Ngài sẽ giải thoát dân.
+ Chương 56 trở đi đến hết chương 66 diễn tả thời kỳ sau lưu đày của dân. Isaia khích lệ dân đang xây dựng lại Đền Thờ với giọng văn trầm buồn nhưng sâu lắng và vẫn đầy hy vọng vào vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban cho dân Người.
Theo bố cục trên, đoạn sách bài đọc chúng ta đang tìm hiểu nằm ở phần cuối của sách, diễn tả niềm hy vọng vinh quang và danh dự mà Thiên Chúa sẽ ban cho dân. Một cách cụ thể, các chương 60-62 làm cụm mô tả vinh quang mà Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa trên thành Giê-ru-sa-lem. Ngài sẽ giải thoát mọi nỗi đau khổ, tủi nhục của dân và cho con cái Ít-ra-en trở thành nhóm những người đứng đầu những người được chúc phúc và được nhận biết vinh quang của Thiên Chúa, Đấng công minh khi gìn giữ những ai trung thành với lề luật của Người.
Đoạn (Is 60,1-6) mang nội dung đầy an ủi. Trong đó, Thiên Chúa mời gọi con cái Ít-ra-en hãy mạnh mẽ vì vinh quang của Chúa như bình mính chiếu tỏa trên họ. Thực ra, câu 2 trong bản văn Do Thái không nêu đối tượng rõ ràng; nhưng bản LXX đã nêu rõ đối tượng là thành Giê-ru-sa-lem. Có thể thấy, nội dung câu 1-3 chính là điều được Thiên Chúa từng hứa ban cho dân trong “Ngày Đức Chúa” ở (Is 2,1-5).
Điều đặc biệt ở đây là ánh vinh quang của Đức Chúa không còn được đề cập như chỉ dành riêng cho dân Ít-ra-en, nhưng muôn dân nước đều tiến về phía ánh vinh quang của Chúa và thờ lạy Ngài. Điều này tiên báo việc Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho muôn dân qua Ngôi Lời Nhập Thể và muôn người sẽ dâng lời tôn vinh Thiên Chúa (Is 60,6; Mt 2,2).
Các câu 4-6 diễn tả khung cảnh của niềm vui và tự hào của dân Chúa, khi mà mọi dân nước, không chỉ những dân từng đô hộ con cái Ít-ra-en mà khắp mọi dân, đều tiến về với Giê-ru-sa-lem để cùng nhau ca tụng và thờ lạy Thiên Chúa. Điều này có sự tương đồng với đoạn (Is 49,18-22), khi Chúa kêu gọi con cái Ít-ra-en quay về với Ngài để được Ngài cứu thoát khỏi cảnh nô lệ khốn quẫn. Cũng trong câu 6, những kho tàng châu báu từ phương Đông được triều cống làm nổi bật yếu tố đại đồng, muôn nước đều thờ lạy Thiên Chúa. Đây là hình ảnh tiên trưng cho việc ba vua từ phương Đông đem lễ vật đi theo ánh sao dẫn lối đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su (Mt 2,1-2.11).
Như vậy, ơn cứu độ được phổ quát cho muôn dân nước và muôn người sẽ đến với Giê-ru-sa-lem để cùng nhau ca tụng Chúa được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, như được diễn tả trong bài Tin Mừng (Mt 2,1-12) hôm nay.
Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj
Tham Khảo
CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1535-1548.1649.
John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.481.
Thomas L. Constable, Notes on Isaiah, 2012 electric ed., published by Sonic Light, pp.5-11.282-285.
Nguồn: sjjs.edu.vn