Tình Huynh Đệ Trong Câu Chuyện Ca-in và A-ben

MANG LẤY NGƯỜI ANH EM TRONG CUỘC ĐỜI CỦA MÌNH

TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG CÂU CHUYỆN CAIN VÀ ABEN

Có lẽ chúng ta đã từng đọc hay từng nghe qua câu chuyện về Ca-in và A-ben trong sách Sáng Thế, dường như câu chuyện này quá đỗi quen thuộc và chẳng ăn nhập gì với bối cảnh mà chúng ta đang sống, dường như đó là một câu chuyện huyễn hoặc từ thủa nào, vào cái thời xa lơ xa lắc, một câu chuyện diễn ra thật chóng vánh chỉ có 16 câu (St 4, 1-16) kể về một gia đình rất đỗi kỳ lạ. Ấy! đừng vội, đừng vội, qua bài viết này, mời bạn cùng với tôi đọc chậm hơn câu chuyện này, một câu chuyện đầy ý nghĩa về tình anh em, một câu chuyện vẫn luôn mang tính thời sự và không chỉ giới hạn trong một gia đình cá biệt nhưng mở ra với toàn thể gia đình nhân loại. Thế nhưng, trước khi bàn luận xa hơn về ý nghĩa của câu chuyện, mời bạn cùng tôi đọc lại bản văn này một lần nữa nhé!

1 Con người ăn ở với E-và, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói : “Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người.” 2 Bà lại sinh ra A-ben, em ông. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai. 3 Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên ĐỨC CHÚA. 4 A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. ĐỨC CHÚA đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, 5 nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt. 6 ĐỨC CHÚA phán với Ca-in : “Tại sao ngươi giận dữ ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt ? 7 Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không ? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi ; nhưng ngươi phải chế ngự nó.” 8 Ca-in nói với em là A-ben : “Chúng mình ra ngoài đồng đi !” Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình.

9 ĐỨC CHÚA phán với Ca-in : “A-ben em ngươi đâu rồi ?” Ca-in thưa : “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao ?” 10 ĐỨC CHÚA phán : “Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta ! 11 Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. 12 Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất.” 13 Ca-in thưa với ĐỨC CHÚA : “Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi. 14 Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con.” 15 ĐỨC CHÚA phán với ông : “Không đâu ! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy.” ĐỨC CHÚA ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. 16 Ông Ca-in đi xa khuất mặt ĐỨC CHÚA và ở tại xứ Nốt, về phía đông Ê-đen.

Kinh Thánh thuật lại cho chúng ta Ca-in và A-ben là anh em với nhau. Ca-in làm nghề trồng trọt, cầy cấy đất đai và A-ben làm mục tử chăn nuôi đàn chiên. Tuy nhiên, dường như Ca-in không nhận ra mình có một người anh em. Điều thú vị đó là tác giả Kinh Thánh lặp đi lặp lại cụm từ: “A-ben em …” để nhấn mạnh mối tương quan huynh đệ giữa Ca-in và A-ben, tuy nhiên chỉ khi Thiên Chúa đặt Ca-in vào trong mối tương quan huynh đệ qua câu hỏi: “Aben em ngươi đâu rồi” thì Ca-in mới nhận ra mình có một người em là A-ben. Khi nói đến đây chúng ta sẽ đặt ra một câu hỏi: điều gì làm cho Ca-in không nhận ra A-ben là em của mình? Câu trả lời đó là sự đố kỵ.

Thật thế, chính sự đố kỵ đã che mắt Ca-in, thay vì nhìn nhận A-ben như người anh em của mình thì Ca-in đã coi A-ben như một đối thủ, như một kẻ thù cần phải tiêu diệt. Có lẽ Ca-in đã nghĩ rằng nếu ông tiêu diệt A-ben thì ông có thể được Thiên Chúa nhận lời. Thế nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại, ông không chỉ mất đi người anh em của mình nhưng còn mất đi những gì mà ông đang có, phải sống trong cảnh lang thang phiêu bạt, trốn tránh nhan Đức Chúa. Thế mới biết đạp người khác xuống không làm cho chúng ta cao hơn, dập tắt ngọn nến của người khác cũng không làm cho ngọn nến của chúng ta sáng hơn nhưng lại làm cho bóng tối phủ lấp cách mãnh liệt hơn.

Chúng ta thấy rằng ở đầu câu chuyện, sau khi sinh Ca-in bà E-và đã thốt lên “Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người.” (St 4,1) Chắc hẳn bà đã hy vọng vào người con này rất nhiều, người con mà nhờ ơn Chúa trợ giúp bà mới có được, người con mà bà hằng mong đợi nơi lời hứa của Đức Chúa sau khi ông bà sa ngã, về một dòng dõi sẽ chiến đấu và đạp nát đầu con rắn. Thế nhưng, niềm hy vọng ấy dường như đã sụp đổ hoàn toàn bởi lòng đố kỵ. Ca-in cũng đã đi vào vết xe đổ của cha mẹ ông, thay vì chế ngự sự đố kỵ, chế ngự tội lỗi thứ đang “nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ông” như Đức Chúa đã cảnh báo ông (St 4, 6-7) thì Ca-in lại để cho con rắn của sự dữ, của sự đố kỵ chiếm lấy mình. Chúng ta bất chợt nhận ra rằng Ca-in đã đáp lại lời cảnh tỉnh của Thiên Chúa không phải bằng lời nói nhưng bằng chính hành động của ông, hành động giết em mình.

Hành động giết em của Ca-in được tác giả Kinh Thánh diễn tả thật ngắn gọn chỉ trong 1 câu: Ca-in nói với em là A-ben : “Chúng mình ra ngoài đồng đi !” Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình. Lòng đố kỵ đã làm mờ mắt Ca-in, ông đổ mọi tỗi lỗi, trút đủ thứ giận dữ lên trên đầu người em của mình. Đối với Ca-in, A-ben trước mặt ông chỉ là kẻ thù, thế nên chẳng cần ngồi lại đối thoại, chẳng cần nói năng hay phân bua điều gì, Ca-in cứ làm theo bản năng của mình và rồi tình anh em tan vỡ. Trong câu chuyện này, nhân vật A-ben đã không nói bất cứ một lời nào và chính Ca-in cũng không cho ông một cơ hội để lên tiếng. Tình anh em, tình huynh đệ đã bị rạn nứt khi người ta chỉ hành động theo bản năng mà không cần đối thoại, không cần lắng nghe tiếng nói của người anh em mình.

“Con không biết. Con là người giữ em con hay sao ?” đó chính là câu trả lời của Ca-in trước câu hỏi của Đức Chúa “A-ben em ngươi đâu rồi ?” Thật lạ lùng khi Đức Chúa – Đấng toàn tri và toàn năng lại đặt ra câu hỏi ấy cho Ca-in. Thực ra không phải Ngài không biết Ca-in đã làm gì với em mình nhưng Ngài đặt ra câu hỏi ấy để Ca-in nhìn về thân phận của mình, nhìn về mối tương quan huynh đệ mà ông có đó nhưng chưa một lần nhận ra. Dường như sự hiện hữu của A-ben chẳng liên quan, chẳng dính dáng chút nào đến cuộc đời của Ca-in. “Con không biết”, đúng Cain đã không biết mình có một người em, ông đã không biết chế ngự lòng đố kỵ và ghét ghen của mình, ông không biết rằng chính tay mình đã nhuốm máu người anh em và đến khi ông nhận ra thì tất cả đã quá muộn. Thật thế, A-ben đã không nói khi ông còn sống, thế nhưng tiếng máu của ông đã kêu lên thấu trời, đến tai của Thiên Chúa. Tiếng kêu ấy khóc than cho sự oan ức, vô tội của bản thân và quan trọng hơn tiếng kêu ấy khóc than vì tình huynh đệ, tình anh em cốt nhục bị tan vỡ.

Nếu như câu chuyện chỉ tạm dừng ở đây thì có lẽ chẳng có gì đáng nói. Thế nhưng, chúng ta cần nhớ rằng, những câu chuyện trong Kinh Thánh chẳng bao giờ kết thúc một cách lãng xẹt hay buồn thảm, thế nhưng luôn luôn khơi lên niềm hy vọng và nói theo ngôn ngữ của chúng ta là sẽ có một cái kết có hậu. Chi tiết thú vị nhất mà chúng ta có thể tìm thấy trong câu chuyện lại ở nơi “Lời phán xét” của Thiên Chúa đối với Ca-in. Đối với tôi, điểm thú vị của lời phán xét này không chỉ ở chỗ Thiên Chúa thiết lập sự công bình của Ngài bằng cách trừng phạt Ca-in một cách thích đáng với tội lỗi của ông thế nhưng còn thú vị ở chỗ sau khi mối tương quan huynh đệ bị đổ vỡ, Ca-in đã phải gánh lấy, mang lấy số phận và cuộc sống của chính em mình. Như chúng ta đã biết, tên gọi A-ben hay He-ven trong tiếng Do Thái có nghĩa là làn hơi, làn khói, sự phù phiếm, lang bạt. Thêm vào đó, đặc tính của người mục tử, của người chăn nuôi gia súc như A-ben cũng là phiêu bạt nay đây mai đó và đây cũng chính là bản án được dành cho Ca-in. Ca-in đã mang lấy ý nghĩa tên gọi của em mình, hay đúng hơn, sau khi phạm tội, cuộc đời của hai anh em không còn là hai nữa, thế nhưng chính Ca-in đã mang lấy người anh em trong cuộc đời của mình.

Trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay, liệu rằng sự đố kỵ và lòng ghen ghét có làm mờ mắt chúng ta, khiến chúng ta không nhận ra những người anh em ở xung quanh mình hay không? Liệu rằng chúng ta có nghe thấy tiếng khóc than thấu trời của hàng ngàn, hàng vạn A-ben đang rên xiết mỗi ngày vì mối tương quan huynh đệ bị đổ vỡ, vì chủ nghĩa “Mackeno – Mặc kệ nó” đặc biệt trong thời gian khủng hoảng của đại dịch này hay không? Và liệu rằng mỗi người chúng ta sau khi đã đổ vỡ những mối tương quan có dám lựa chọn hàn gắn sự đổ vỡ ấy bằng cách mang lấy, gánh lấy cuộc đời của người anh em mình hay không?

Nguyện xin lòng thương xót của Thiên Chúa luôn phủ lấp cuộc đời của chúng ta và để rồi mỗi khi Ngài cất tiếng hỏi: … em/ anh ngươi đâu? thì chúng ta sẽ không trả lời là “Con không biết, con có phải là người giữ anh/em con đâu” nhưng ngay lập tức đáp lại rằng: Vâng lạy Chúa! chúng con đang ở đây, trong chính cuộc đời của con!

Lê Tùy Vũ Đức Anh, SSP