ĐI CÙNG VỚI CHÚA VÀ ĐỂ CHÚA CÙNG ĐI VỚI MÌNH
CHIẾC TÀU CỦA ÔNG NÔ-Ê (St 6, 14-16) VÀ THỬA ĐẤT TỐT TRONG DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG (Lc 8, 4-15)
Trong Cựu Ước, ông Nô-ê là một mẫu gương sáng chói của người công chính trước nhan Đức Chúa và sách Sáng Thế đã cho chúng ta một câu trả lời khá rõ ràng về sự công chính của ông: ông đi cùng với Chúa (St 6,9), lắng nghe lời Chúa truyền và làm theo điều Chúa dạy (St 6, 22; 7,5).
Một trong những chi tiết thú vị nhất nơi câu chuyện của ông Nô-ê đó là chính Thiên Chúa đã thiết kế con tàu cho ông, St 6, 14-16 cho chúng ta biết chi tiết thiết kế của con tàu như sau:
14 Ngươi hãy làm cho mình một chiếc tàu bằng gỗ bách. Ngươi sẽ làm tàu có những ngăn và lấy nhựa đen mà trám cả trong lẫn ngoài. 15 Ngươi sẽ làm tàu thế này : chiều dài một trăm năm mươi thước, chiều rộng hai mươi lăm thước, chiều cao mười lăm thước. 16 Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông ; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên.
Như chúng ta đã biết, với một con tàu có quy mô lớn như vậy thì bản thiết kế càng chi tiết sẽ càng trở nên hữu ích với người thi công. Thế nhưng, khi đọc đi đọc lại bản thiết kế này, dường như chúng ta còn thấy thiếu thiếu một điều gì đó, mà trớ trêu thay, cái thiếu này lại là một chi tiết vô cùng quan trọng đối với bất cứ con tàu nào: bánh lái. Một bản thiết kế đã vạch ra sẵn chất liệu để đóng tàu, kích thước của chiếc tàu, cấu trúc, kết cấu bên trong tàu nhưng lại thiếu đi cái hồn của con tàu là chiếc bánh lái, điều này làm cho độc giả không khỏi cảm thấy thú vị nhưng cũng không kém phần thắc mắc. Và rồi, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời ở đoạn ngay sau đó trong St 7,16 “ Rồi ĐỨC CHÚA đóng cửa lại sau khi ông vào.”
Thật thế, con tàu của Nô-ê không cần bánh lái bởi chính Thiên Chúa đã trở nên bánh lái, đã trở nên vị thuyền trưởng, trở nên người bạn đồng hành tài ba dẫn đưa con thuyền của ông đến với bến bờ bình an. Và nếu như ở phía trên Kinh Thánh khẳng định Nô-ê là người công chính vì ông đi cùng với Chúa (St 6,9), lắng nghe lời Chúa truyền, làm theo điều Chúa dạy (St 6, 22; 7,5) thì ở đây Kinh Thánh cũng khẳng định rằng ông đã để cho Chúa cùng đi với ông, để cho Chúa gìn giữ, lèo lái con thuyền của gia đình ông, của cuộc đời ông.
Khi đọc câu Kinh Thánh tiếp theo, St 7, 18 “Nước dâng và tăng thêm nhiều trên mặt đất, và tàu lênh đênh trên mặt nước” thì chúng ta có liên hệ gì đối với bản thân của mình? Nếu như cuộc đời của mỗi người được ví như một con thuyền thì chúng ta vẫn mãi là như thế, vẫn lênh đênh, vẫn nổi trôi theo dòng nước, vẫn chập chềnh, mất phương hướng trước những sóng gió của cuộc đời. Những lúc ấy, bánh lái của chúng ta ở nơi đâu? Chúng ta sẽ đi đâu, về đâu?
Đáng tiếc thay, trong cuộc sống, chúng ta thường muốn tự lái con thuyền của đời mình, chúng ta không muốn Chúa bước vào, không muốn Chúa can thiệp, không muốn Chúa đồng hành với mình, với gia đình của mình. Chúng ta muốn tạo cho bản thân những chiếc bánh lái bằng tiền bạc, bằng danh vọng, bằng đủ thứ tượng thần hư ảo khác và kết quả là con thuyền cuộc đời vẫn cứ ở đó, vẫn cứ xoay vòng, chòng chành và chỉ chực vỡ tan khi những vòng xoáy của cuộc đời ập đến. Đây cũng chính là một điểm thú vị giúp chúng ta liên hệ hình ảnh con tàu cuộc đời với hình ảnh của những thửa đất trong dụ ngôn người gieo giống (Lc 8, 4-15)
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.
Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.
Nếu như Lời của Chúa hay sự hiện diện của Chúa đang ở sẵn đây, ở buồng lái con thuyền của cuộc đời bạn thì liệu rằng bạn có muốn để cho Ngài hướng dẫn, lèo lái con thuyền ấy hay không? Bạn có từng mời Ngài bước ra khỏi cuộc sống của mình để rồi thay thế Ngài với những cám dỗ của ma quỷ, với bả vinh hoa phú quý của thế gian hay không? Bạn có từng vui vẻ chọn Lời Ngài làm lẽ sống nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau, khi thấy chiếc thuyền cuộc đời còn lênh đênh quá, tương lai phía trước còn mù mịt quá thì bạn đành tháo lui, đành mời Ngài ra một chỗ khác, ra một vị trí khác nằm ngoài cuộc đời của bạn?
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên, điểm chung nền tảng giữa hình tượng người công chính nơi ông Nô-ê và những người được ví với thửa đất tốt trong dụ ngôn chính là hành động lắng nghe và tuân giữ Lời của Chúa. Như thế chúng ta không chỉ cùng đi với Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài, qua việc tham dự Thánh Lễ và các Bí Tích mà thôi thế nhưng chúng ta còn để cho Ngài cùng đi với chúng ta, cùng đồng cam cộng khổ, sớt chia niềm vui nỗi buồn với chúng ta qua việc thực hành, tuân giữ Lời của Ngài.
Đúng! Có thể giờ đây chiếc thuyền cuộc đời của chúng ta còn đang lênh đênh, đang chấp chới bởi hậu quả tàn khốc của cơn đại dịch, của biết bao nỗi tang thương,mất mát, bất công đang tràn lan trước mắt. Thế nhưng, chúng ta có quyền tin và hy vọng khi chọn Chúa, chọn Lời của Chúa làm kim chỉ nam, làm bánh lái cho con thuyền cuộc đời của chúng ta. Nếu chúng ta xác tín rằng chúng ta đang “Cùng đi với Chúa và để Chúa cùng đi với mình” thì dù sóng to gió lớn đến đâu, có lụt đến cỡ trận đại hồng thủy năm xưa thì chúng ta vẫn sẽ “hạ cánh an toàn” , vẫn đến bến bờ bình an như điều Chúa đã thực hiện cho gia đình của ông Nô-ê.
Còn chần chừ gì nữa mà không lên tàu, Hãy để cho Ngài đóng cửa và khởi hành chuyến đi của cuộc đời chúng ta!
Lê Tùy Vũ Đức Anh, SSP