DẤN THÂN XÃ HỘI: BÀI HỌC TỪ NHÂN VẬT TOBIT

DẤN THÂN XÃ HỘI: BÀI HỌC TỪ NHÂN VẬT TOBIT
Lm. Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ

DẪN NHẬP

Người Ki-tô hữu, nếu muốn sống theo những gì Chúa Giê-su dạy bảo,sẽ phải lưu tâm và thực hành những điều vị Vua Hằng Sống nói với những người bên phải, trong ngày Ngài ngự giá mây trời đến phán xétmuôn dân: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36).[1]

Không cần phải nói chi nhiều, những lời này của Chúa Giê-su hiển nhiên đặt người tín hữu vào tâm thế dấn thân phục vụ xã hội, phục vụ con người, nhất là nâng đỡ những ai được chính vị Vua Hằng Sống gọi là “những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây”, vì khi thực thi điều Ngài dạy như vậy, họ đang làm cho chính Ngài vậy (x. Mt 25,40).

Nhưng những lời trên đây vị Vua Hằng Sống đâu chỉ nói với người Ki-tô hữu, tức là những người tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của họ, mà nói với tất cả mọi người, với bất cứ ai muốn sống trọn vẹn ơn gọi làm người trong tình liên đới với tha nhân, cho dù “những người đứng bên phải” này thuộc dân tộc, tôn giáo, giới tính, hoàn cảnh chính trị, văn hóa nào đi nữa.

Quả thật, cách thời Chúa Giê-su tại thế hơn 700 năm,[2] một nhân vật Kinh Thánh đã sống và thực hành theo sát nghĩa những gì vị Vua Hằng Sống nói trên đây. Nhân vật ấy chính là ông Tobit, một người Do-thái thuộc chi tộc Naphtali đang sống cảnh lưu đày cùng với đồng bào của mình tại thành Nineveh thuộc đế quốc Assyria (x. Tb 1,1-2). Vị này được kể là người tôn quý và lương thiện, công chính và hay bố thí, một người hết lòng kính sợ Đức Chúa (YHWH). Từ nơi nhân vật này, bất cứ ai muốn sống dấn thân xã hội, sẽ học được nhiều điều hữu ích, và đi kèm theo đó, sẽ tìm được sự nâng đỡ khích lệ cho mọi nỗ lực trải rộng tấm lòng nhân ái của mìnhcho tất cả anh chị em đồng loại đã và đang ở vào những hoàn cảnh khốn khó đau thương.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn trình bày đôi nét suy tư về nhân vật Tobit như đã được Kinh Thánh kể lại. Tôi xác tín một điều: đành rằng bất cứ ai, dù đang ở trong tình trạng đổ vỡ hay khiếm khuyết một điểm nào đó về đức tin hay về luân lý, cũng đều được kêu gọi, và ít nhiều đều có khả năng, thực thi việc dấn thân xã hội, theo những gì vị Vua Hằng Sống đã nói trên đây; nhưng quả thật, việc dấn thân này sẽ mang một ý nghĩa trọn vẹn hơn, có chiều sâu, đậm tính nhân bản và thiêng liêng hơn, nếu chúng ta có được một đời sống đức tin thâm sâu, có những phẩm hạnh, và một lối sống dấn thân đã được Kinh Thánh đề cao nơi nhân vật Tobit.

Bài viết này, vì thế, sẽ tìm cách trình bày những nét chính về nhân vật Tobit (Phần A), để từ đó chúng ta có được cái nhìn tương đối toàn diện về nhân cách, đức tin, và cuộc đời ông. Theo thiển ý của người viết, đây là những điểm cần thiết làm nền tảng và chỗ dựa vững chắc cho nỗ lực dấn thân xã hội của ông (Phần B).Người viết cũng xác tín rằng ông Tobit không thể sống dấn thân xã hội một cách bền bỉ, nếu ông không nhận lãnh được nguồn sức mạnh linh thiêng đến từ Thiên Chúa. Vì thế, người viết sẽ dành Phần C để nói đôi điều về hình ảnh của Thiên Chúa trong quyển sách giàu ý nghĩa này.

A. NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ NHÂN VẬT TOBIT

Trong quy điển Thánh Kinh Công Giáo, Sách Tobit được xếp vào thể loại các Sách Sử, vì đề cập đến nhiều yếu tố mang tính niên đại, nhưng nội dung của sách cũng phản ánh nhiều điểm tương đồng với dòng Văn Chương Khôn Ngoan.[3] Sách Tobit được xếp ngay sau Sách Nehemiah và ngay trước Sách Judith. Sách Tobit gồm có 14 chương, xoay quanh một số nhân vật tiêu biểu như: cậu Tobiah; sứ thần Raphael trong vai người đồng hành tên là Azariah; bà Anna mẹ của Tobiah; cô Sarah; ông bà Raguel, là cha mẹ của cô Sarah và cũng là nhạc phụ mẫu của cậu Tobiah, khi cậu kết hôn với cô; ông Gabael. Nhưng nhân vật xuất hiện thường xuyên nhất và là trọng tâm của toàn câu chuyện chính là ông Tobit; ông là bạn đời của bà Anna và là cha của cậu Tobiah.[4]

Đọc qua sách Tobit, độc giả chúng ta sẽ bắt gặp lời nhận xét của hai nhân vật có thế giá, có lòng kính sợ Đức Chúa, là ông Raguel và ông Gabael. Nhân vật thứ nhất, đó chính là ông Raguel, người họ hàng với ông Tobit, và là cha của cô Sarah; vị này đang sống cùng với gia đình mình tại Ecbatana. Khi nghe Tobiah kể về tình trạng mù lòa của cha mình, ông Raguel đã khóc òa lên, và đã đau đớn nhận xét về ông Tobit. Ông nói với Tobiah: “Này cháu, cháu thật là có phước, vì được một người cha tôn quý và lương thiện! Nhưng khốn thay, người công chính hay làm phước bố thí đó đã bị mù lòa!” (Tb 7,7).

Còn nhân vật thứ hai là ông Gabael, đang sống tại Rages, xứ Media; ông Gabael là người đã được ông Tobit ký gửi số bạc của mình 20 năm về trước (x. Tb 5,3). Khi ông Gabael đến dự đám cưới của cậu Tobiah và cô Sarah tại Ecbatana, tức là tại nhà cha mẹ cô Sarah, ông đã có những lời nhận xét tương tự về ông Tobit. Ông nói với cậu Tobiah: “Ôi con người tôn quý và lương thiện, con của một người cha tôn quý và lương thiện, công chính và hay bố thí! Xin Đức Chúa đổ phúc lành từ trời xuống cho cháu, cho vợ và cha mẹ vợ cháu! Chúc tụng Thiên Chúa vì tôi đã được thấy lại Tobit, người anh em họ của tôi, qua người con giống ông như đúc!” (Tb 9,6c).

1. Ông Tobit, một người tôn quý và lương thiện

Cả hai lời nhận xét trên đây có nội dung tương tự. Chúng củng cố thêm những gì độc giả có thể cảm nhận được về ông Tobit qua cách tác giả Sách Tobit trình bày ở sáu chương đầu. Có thêm những nhận xét hay lời chứngcó giá trị từ chính các nhân vật trong cuộc (chương 7 và 9), khi mà hai nhân vật này theo chuyện kể lại là những người có lòng kính sợ Đức Chúa, sống ngay thẳng và có thế giá trước dân chúng (về ông Raguel, x. Tb 6,10-13; 7,1-13; 8,15-17.19-21; 10,10-12; 14,12-13; về ông Gabael, x. Tb 1,14; 9,5-6), thì những gì chúng ta cảm nhận tích cực về nhân vật Tobit, lại càng được củng cố vững chắc hơn.

Sự tôn quý của ông Tobit được thể hiện nơi vị thế cao quý của gia tộc ông (x. Tb 1,1.8),[5]nhưng trên hết nơi đời sống đạo hạnh của một người hết lòng tôn kính Đức Chúa, và tín thác vào Người; nơi những lời giáo huấn thiết thân mà ông dành dành cho cậu con trai mình là Tobiah, đó là những lời chỉ dạy thật khôn ngoan, khi đặt Đức Chúa ở vị trí trung tâm của đời người, và đề cao đức công bình, cũng như lòng xót thương đối với những người cùng khổ. Những lời dạy bảo này không dừng lại ở mức độ lý thuyết, nhưng đã được chứng thực cách sinh động qua chính cuộc sống đức tin của ông đối với Đức Chúa, qua tấm lòng yêu mến người nghèo của ông, và qua những nghĩa cử cao đẹp của ông đối với những người xấu số bị loại trừ khỏi xã hội một cách bi thương.

Nơi ông Tobit, độc giả chúng ta có thể cảm nhận được sự lương thiện của một người hết lòng kính sợ Đức Chúa, luôn biết tuân giữ luật Người truyền, và đặt cuộc đời mình vào bàn tay quan phòng của Người. Sự lương thiện của ông được thể hiện cụ thể nơi cảm thức công bình và lòng tốt với mọi người. Ông là người sống rất công bình với mọi người, không muốn và cũng không làm thiệt hại ai điều gì. Ông dạy cậu con trai Tobiah của mình rất kỹ về điểm này. Quả thật, vì nghĩ rằng mình đã xin được chết, và có lẽ Đức Chúa sẽ sớm thành toàn điều mình xin, nên ông Tobit đã nói những lời tâm huyết với Tobiah liên qua đến chuyện thảo hiếu với cha mẹ, chuyện kính sợ Đức Chúa, và chuyện sống công chính, công bình và quảng đại. Riêng về đức công bình, ông Tobit đã dạy con: “Bất cứ ai đã làm việc cho con, thì tiền công của người ấy, con không được giữ lại trong nhà, nhưng phải trả ngay cho họ… Điều gì con không thích, thì đừng làm cho ai cả” (Tb 4,14-15).

Cảm thức về sự công bình được thể hiện rất rõ nét nơi ông. Ông nhất định đòi người bạn đời của mình là bà Anna phải trả lại con dê con mà người chủ đã tặng cho bà,vì bà đã chu toàn công việc một cách tận tâm,[6] nhưng ông Tobit, do phán đoán sai, lại xem nólà của ăn cắp.[7] Ông Tobit thuật lại: khi nghe tiếng dê kêu be be trong nhà, ông nói với bà Anna: “Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi, vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp!” (Tb 2,13). Bà Anna giải thích: “Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công!” (Tb 2,14a).

Nhưng ông Tobit không chịu nghe lời bà Anna giải thích, mà nhất định đòi bà phải trả lại chủ nhân nó cho bằng được. Chúng ta đọc chuyện, qua lời thuật lại của ông Tobit [ở ngôi thứ nhất: “tôi”], thì biết rằng ông Tobit đã phán đoán sai lầm trong trường hợp này; thậm chí, ông cũng sai nốt, khi ông không tin vào lời giải thích của người bạn đời. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng, khi chuyện này đang xảy ra, ông Tobit là một người trong cuộc, ông không hiểu rõ sự tình như những gì ông thuật lại cho chúng ta nghe sau đó. Vào thời điểm này, ông đơn giản phán đoán: con dê nhỏ là của ăn cắp, mà đã là của ăn cắp thì phải trả lại cho chủ nhân của nó. Đó là lẽ công bình thường tình trong xã hội, và ông muốn gia đình ông sống lẽ công bình này dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ông Tobit không tin vào lời bà Anna giải thích, có thể vì ông ngờ rằng bà đang nói dối với ông. Ông Tobit vào thời điểm đó có thể đã ngờ rằng: vì gia đình ông đang lâm cảnh khó khăn, gây nên do tình trạng mù lòa của ông khiến ông không thể làm gì được nữa, trong khi ông lại từng là trụ cột kinh tế trong gia đình, nên trong nghịch cảnh đó, bà Anna đã đánh liều ăn cắp con dê nhỏ của người khác; sau đó, bà đã nói dối để ông được an tâm.

Nếu quả đúng theo những gì ông suy đoán, thì cho dù có thương người bạn đời, thương con, trước cuộc sống đang trở nên khó thở với gia đình ông, thì ông cũng không thể vì thế mà làm ngơ trước tình trạng bất công bà Anna đã gây ra cho người khác. Đối với một người có cảm thức thật tốt về đức công bình như ông Tobit, thì không thể vì gia cảnh khó khăn, mà người thân của ông lại phải đi ăn cắp. Sống một chút sung túc hơn nhờ vào của ăn cắp đó thì nào có ích gì. Thêm một chút tài sản hay một chút thịt cho bữa ăn gia đình nhờ con dê nhỏ này, thì có ích lợi gì không cho gia đình ông, nếu chuyện này lại khiến cho ông bà và cậu con trai không còn sống đúng luật Đức Chúa truyền về lẽ công bình.

Đức công bình nơi ông Tobit còn được thể hiện qua việc trả công cho Azariah, là người dẫn đường cho con trai ông đến xứ Media và trở lại nhà ông cách bình an. Azariah thực ra là sứ thần Raphael cải trang, được Đức Chúa sai đến đến giúp cho ông Tobit, cô Sarah, cậu Tobiah, và một số người khác; cả ông Tobit, cậu Tobiah và mọi người trong câu chuyện không hề hay biết chuyện này, cho đến khi sứ thần cho biết căn tính đích thực của ngài (x. Tb 12,11-15).

Dù hai bên (Tobit và Azariah) đã đồng ý trước khi Tobiah lên đường đến xứ Media, là người dẫn đường Azariah sẽ nhận được mỗi ngày một quan tiền [một drachma, ngày lương của một người làm công], được đài thọ những gì Azariah cần dùng, như cách thế ông Tobit đối xử với Tobiah con ông vậy, và sẽ được tặng thêm tiền thưởng vào số tiền công nhật (x. Tb 5,15-16).[8] Nhưng khi Tobiah, Sarah và người dẫn đường Azariah trở lại nhà ông Tobit với số tiền và tài sản rất lớn thu được sau chuyến hành trình dài, Tobit muốn con mình phải trả cho người dẫn đường nửa số tài sản ấy, hiển nhiên hơn hẳn những gì ông đã hứa trước đó với Azariah. Thật vậy, ông Tobit nói với Tobiah về việc trả công cho Azariah: “Này con, theo lẽ công bằng, anh ấy được quyền lấy phân nửa tất cả những gì anh ấy mang về” (Tb 12,4).

Cậu Tobiah đã làm như vậy, vì thực ra chính cậu cũng có cùng cảm thức với cha mình, khi cậu nói với cha trước đó: “Thưa cha, biết trả anh ấy bao nhiêu bây giờ? Dù con có đưa cho anh ấy phân nửa những gì anh ấy đã mang về với con, con cũng không bị thiệt! Anh ấy đã đưa con trở về mạnh khỏe, chữa lành cho vợ con, và đã chữa cho cha lành bệnh. Con phải trả thêm cho anh ấy bao nhiêu nữa?” (Tb 12,3). Quả đúng là cây lành sinh quả tốt tươi như trong trường hợp của ông Tobit và cậu Tobiah.[9]

2. Ông Tobit, một người công chính và hay bố thí

Đi liền với hai phẩm tính vừa kể, ông Tobit còn được hai người anh em của mình ca ngợi là một người công chính và hay bố thí. Độc giả chúng ta chắc không thấy có điều gì khó hiểu hay đáng nghi về lời nhận xét tốt đẹp của hai nhân vật Raguel và Gabael dành cho ông Tobit. Quả thật, nơi ông Tobit, lòng thương người, được thể hiện cụ thể qua việc rộng tay làm phúc,[10] là một hệ quả tự nhiên từ cuộc sống công chính của ông. Đọc chuyện, chúng ta thấy nơi ông Tobit sự công chính và việc rộng tay làm phúc được khởi đi từ một tâm hồn luôn biết kính sợ Đức Chúa, yêu mến Người, và hết lòng tuân giữ các huấn lệnh của Người trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận lợi hay lúc gặp thử thách gian truân, lúc sống tại quê hương hay khi sống nơi đất khách quê người.

a. Lúc sống tại quê nhà

Khi ông Tobit chưa phải đi lưu đày tại đế quốc Assyria, mà đang còn ở Vương Quốc Phía Bắc (VQPB) (hay Vương Quốc Israel), vốn vào lúc này đã ly khai với nhà Đa-vit, thì ông phải đối diện với một thách đố lớn lao, nếu ông muốnsống trọn vẹn lệnh truyền của Đức Chúa đối với dân Người. Thách đố ấy đến từ quyết định đậm tính chính trị của vua Jeroboam I.

Số là vua này đã cho dựng tại VQPB hai đền thờ đặt tại Đan và Bethel, và truyền cho 10 chi tộc phía Bắc hãy đến hai nơi này mà thờ phượng Đức Chúa, chứ không cần phải lên Đền Thờ Đức Chúa tại Jerusalem [lúc này thuộc Vương Quốc Phía Nam (VQPN), hay Vương Quốc Judah, thuộc nhà Đa-vit]. Lệnh truyền này trên thực tế muốn triệt tiêu ý định của những ai trong Dân Chúa muốn về Jerusalem để thờ phượng Người, như lệnh Người truyền được ghi trong Sách Luật. Hiển nhiên, kẻ trái lệnh này, là tự đặt mình vào thế đối nghịch với nhà vua, mà thời nào cũng vậy, trái lệnh của kẻ cầm quyền, thì mạng sống người ấy ít nhiều có thể lâm vòng nguy hiểm. Ông Tobit hiển nhiên phải có lòng yêu mến Luật Chúa tha thiết, và dám đặt cược cuộc đời mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa, thì ông mới có thể dám đi ngược lại xu thế của dân Israel thời bấy giờ tại VQPB.

Ông Tobit, như vậy, không vì sợ vua mà bỏ qua mệnh lệnh minh nhiên của Đức Chúa, như được trình bày trong Sách Luật: “Mỗi năm ba lần mọi nam nhân của các ngươi phải đến trình diện Đức Chúa ở nơi Người chọn: vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Không ai được phép tay không đến trình diện Đức Chúa” (Đnl 16,16). Ông đã đặt Đức Chúa lên trên bất cứ thế lực cầm quyền nào. Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta, điều này quả không sai nơi ông Tobit. Thực vậy, nơi Đức Chúa chọn để dân Israel tiến dâng lễ vật cho Người chính là tại Đền Thờ Jerusalem, chứ không phải tại Đan hay Bethel do vua Jeroboam I chọn. Điều này đã thực sự minh nhiên đối với toàn thể Dân Chúa, kể từ khi Người minh nhiên truyền cho vua Salomon xây Đền Thờ tại Jerusalem, làm nơi Người hiển trị giữa Dân Người (x. 2Sm 7,12-13; 1V 5,19; 6,12-13; 8,10-13). Hầu như ai trong Dân Chúa cũng hiểu như vậy. Chỉ có điều là, trong các hoàn cảnh đầy thách đố, họ có dám sống điều họ hiểu hay không thôi.

Vua Jeroboam I có chủ đích rõ ràng: ông không muốn để 10 chi tộc trong vương quốc của ông hằng năm đều xuống VQPN mà thờ phượng Đức Chúa tại Đền Thờ Jerusalem như lệnh Người truyền. Nếu họ thực hiện như vậy, thì e rằng một ngày nào đó, lòng dân phía Bắc sẽ trở lại với nhà Đa-vit. Nếu thế, việc ly khai chính trị của VQPB với nhà Đa-vit sẽ tan thành mây khói. Và để giữ cho VQPB được độc lập kể cả về mặt tôn giáo với VQPB, vua Jeroboam I đã cho dựng tại Đan và Bethel hai tượng bò vàng được xem là ngai của Đức Chúa; ông cũng cho lập nhiều chỗ tế tự trong vương quốc Israel ở “các nơi cao” hay trên các sườn đồi. Dân phía Bắc đã đến Đan và Bethel để thờ phượng Đức Chúa theo lệnh vua truyền, nhưng dần dà họ đồng hóa việc thờ phượng Đức Chúa với việc thờ phượng hai con bò vàng. Hai con vật vô tri vô giác này, vốn là sản phẩm của con người, nay lạ trở thành một thứ ngẫu tượng đối với 10 chi tộc phía Bắc (x. 1V 12,26-33).

Ông Tobit thuộc chi tộc Naphtali, sống tại VQPB vào thời điểm này, nhưng ông không theo thói thường của dân phía Bắc sợ lệnh vua hơn lệnh Đức Chúa (x. Tb 1,5), mà đã “nhiều lần một mình trẩy lên Jerusalem vào các dịp lễ” như Luật Chúa truyền (x. Tb 1,6).[11] Tại đây, ông Tobit đã tiến dâng Đức Chúa những gì là tốt nhất, như lời ông thuật lại: “các hoa quả đầu mùa và các con vật đầu lòng, cũng như một phần mười đàn vật, và lông các con cừu được xén lần đầu, tôi đều mau mắn đưa tới Jerusalem. Tôi dâng các thứ đó cho các thầy tư tế, con cái ông Aharon, để lo việc tế lễ” (x. Tb 1,6-7). Ông thành tâm làm việc này một cách mau mắn, không hề do dự hay do bị ép buộc.

Ngoài các tư tế thuộc dòng Aharon, chi tộc Lê-vi[12] còn được biết đến nhờ vai trò phụng sự Nhà Đức Chúa của các thầy Lê-vi (x. Ds 1,48-53; 3,5-9.11-13; 8,23-28 …), họ là những người cần được quan tâm nâng đỡ, vì Đức Chúa đã truyền cho dân Israel là họ không được bỏ rơi các vị này (x. Đnl 12,19; 14,27). Để thực thi việc Đức Chúa đã phán bảo, ông Tobit đã dùng “một phần mười lúa miến, rượu nho, ô-liu, thạch lựu, vả cùng những trái cây còn lại, mà dâng cho con cái ông Lê-vi đang phục vụ tại Jerusalem” (Tb 1,7b; x. Ds 18,20-24). Ngoại trừ năm Sabbath, năm nào ông Tobit cũng dành 1/10 hoa màu vừa kể, được hoán chuyển thành tiền mặt, để làm tiền tiêu dùng hằng năm tại Jerusalem (x. Tb 1,7c).

Ngoài ra, đi xa hơn điều luật quy định 3 năm một lần (x. Đnl 14,28-29), ông Tobit hằng năm dành 1/10 hoa lợi để biếu tặng cho các cô nhi, quả phụ, và khách ngoại kiều tại Jerusalem (x. Tb 1,8). Đây là những đối tượng được ông Tobit quan tâm vì họ dễ lâm vào tình trạng cô thế cô thân, hay phải đối diện với đủ loại khó khăn nơi đất khách.[13]

b. Khi sống cảnh lưu đày tại Nineveh

Còn khi phải đi lưu đày tại đế quốc Assyria, ông Tobit cũng không để mình bị cuốn theo thói đời của nhiều người, bỏ quên Luật Chúa mà “dùng thức ăn của dân ngoại” (Tb 1,10). Ông vẫn luôn trung tín với Đức Chúa và với Luật Người dạy, không lây nhiễm lối sống dân ngoại, hay chạy theo lối sống đó để được an thân. Và vì ông luôn tưởng nhớ Đức Chúa, nên Người ban cho ông được đẹp lòng vua Shalmaneser của đế quốc Assyria, đến độ ông được tin dùng làm người “mua sắm cho vua tất cả những gì vua cần dùng” (Tb 1,13).

Thời gian này cũng như thời gian sau đó khi vua Sennacherib lên kế vị vua Shalmaneser,[14] ông Tobit luôn rộng tay làm phúc cho những người bà con và đồng hương của mình (x. Tb 1,16). Ông kể lại: “Cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng” (Tb 1,17b). Khi rộng tay làm phúc, ông Tobit không đi tìm một thứ tiếng vang hay lợi lộc nào. Ông thực hiện vì lòng thương người và vì lòng kính sợ Đức Chúa và yêu mến Luật Người dạy. Lòng thương người nơi ông là điều rất tự nhiên, và người nghèo đối với ông là các thượng khách.

Thật vậy, vào dịp lễ Ngũ Tuần dưới triều vua Esarhaddon, khi ông Tobit đã được phép trở về nhà sau khi phải lẩn trốn vua Shalmaneser vì việc nghĩa “chôn xác kẻ chết” mà ông đã thực hiện, ông Tobit được dọn ra một bữa ăn thật ngon có nhiều món. Ông không vội ăn ngay, mà nghĩ ngay tới người nghèo, ông mong muốn và sẵn lòng chờ đợi người nghèo để được mừng lễ với họ. Ông nói với con mình là Tobiah: “Con ơi, con hãy đi tìm trong số các anh em chúng ta bị đày ở Nineveh, một người nghèo hết lòng tưởng nhớ Thiên Chúa, rồi dẫn người ấy về đây cùng dùng bữa với cha. Này, con ơi, cha đợi con cho đến khi con về” (Tb 2,2).[15]

Cách hành xử này của ông Tobitít nhiều phản ánh được điều Chúa Giê-su sau này khuyên dạy chúng ta thực hiện, khi Người nói: “Khi nào anh đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại anh, và như thế anh được đáp lễ rồi. Trái lại, khi anh đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế anh mới thật có phúc, vì anh sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,12-14).Có điều, lời khuyên của Chúa Giê-su được mở rộng sang cả những ngày thường, chứ không chỉ giới hạn vào các dịp lễ. Nhưng giả như chúng ta chưa thể thực hiện hằng ngày lời khuyên dạy này của Chúa Giê-su, thì chí ít chúng ta cũng được mời gọi sống như Tobit vào những dịp đặc biệt trong năm.

Trở lại chuyện của ông Tobit, độc giả cũng nhận thấy lòng kính sợ và yêu mến Đức Chúa nơi ông còn được thể hiện rõ nét nơi lời kêu than của ông. Khi lòng ngập tràn đau khổ trước những câu châm chích cay đắng của bà Anna, ông Tobit đã kêu lên cùng Đức Chúa, ông mong được Người cất đi khỏi cõi đời này,để khỏi phải nghe những lời nhục mạ khiến tâm hồn ông buồn phiền quá đỗi (x. Tb 3,6). Trong lời kêu than này, ông Tobit không hề cho thấy ông đã đánh mất niềm tin vào Đức Chúa. Ông cũng không tỏ cho thấy mình đang bị Đức Chúa đối xử bất công. Trái lại, ông nhìn nhận tình trạng ông đang gặp phải, hay nói rộng hơn, tình cảnh lưu đày mà dân tộc ông đang gặp phải nơi đất khách quê người, đều phát xuất từ tình trạng tội lỗi và ngu muội của bản thân và của tổ tiên cha ông mình.[16]

Ông tuyên nhận Thiên Chúa thật công chính, từ bi, và chân thật, khi Người xét xử thế gian, và hiển nhiên, khi Người phán xử với dân tộc ông và với chính ông: “Ngài đã để chúng con bị cướp phá, phải tù đày và chết chóc, nên trò cười, đề tài châm biếm và bia nhục mạ cho mọi dân tộc, nơi chúng con đã bị Ngài phân tán. Vâng các phán quyết của Ngài thì nhiều và chân thật; Ngài đối xử như thế với con vì tội lỗi con, bởi chúng con đã không thi hành mệnh lệnh Ngài, và chẳng sống theo chân lý trước nhan Ngài” (Tb 3,4-5).[17]

B. DẤN THÂN XÃ HỘI NƠI NHÂN VẬT TOBIT

Trong Tân Ước, người Samaritano nhân hậu là hiện thân tuyệt vời về lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho những người đau khổ, bị bỏ rơi trên đường đời. Câu chuyện đó thật ý nghĩa, và độc giả chúng ta có quyền tin rằng, người Samaritano nhân hậu này sẽ không chỉ giới hạn việc nghĩa của mình vào một trường hợp duy nhất mà ông đã bắt gặp trên quãng đường nối liền Jerusalemvới Jericho (x. Lc 10,30-35), nhưng “kẻ ngoại lai” này, như cách gọi không mấy thiện cảm của nhiều người Do-thái đương thời, còn có thể đi xa hơn nữa. Quả vậy, nếu đó đã là một tố chất hay một phẩm tính nơi ông, thì ông sẽ sẵn sàng còn thực hiện bao việc thương người khác nữa.

Chúng ta có quyền tin vào điều này, vì trong Cựu Ước, chúng ta có được lời chứng sống động cho điều này từ nhân vật Tobit. Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết ông Tobit không chỉ là người luôn rộng tay làm phúc cho kẻ nghèo, ông còn thực sự dấn thân phục vụ con người, mà đây là những người đã bị loại trừ ra khỏi xã hội trong những hoàn cảnh bi thương nhất. Sự dấn thân xã hội nơi Tobit được thể hiện cách cụ thể và rõ nét qua nghĩa cử “chôn xác kẻ chết”, mà ở đây, không phải là chôn xác kẻ chết thông thường, nhưng là tử thi của những người bị cường quyền Assyria sát hại, khi những kẻ cầm quyền muốn dùng cái chết thê thảm của những nạn nhân này vừa để trừng phạt, bêu xấu họ, vừa để ngăm đe những người Do-thái khác.[18] Việc dấn thân xã hội được thể hiện qua việc chôn xác những người đã chết trong những hoàn cảnh bi thương này, vì thế, càng tô đậm ý nghĩa của tình thương vô vị lợi, khi ông Tobit phải đánh đổi chính mạng sống của mình cũng như sự an nguy của gia đình mình để tiếp tục sống dấn thân cho nghĩa cử cao đẹp này.

1. Trực tiếp trả giá cho sự dấn thân xã hội

Sách Thánh ghi lại lời ông Tobit nói về nghĩa cử cao đẹp này khi ông sống tại Nineveh dưới thời vua Shalmaneser và vua Sennacherib: “nếu thấy ai trong số đồng bào của tôi chết và bị quẳng thây ra phía sau tường thành Nineveh, thì tôi chôn cất người đó. Nếu có ai bị vua Sennacherib giết chết trên đường vua trốn khỏi Judea trong những ngày Vua trên trời trừng phạt vua về những lời phạm thượng đã thốt ra, thì tôi cũng chôn cất. Quả vậy, trong cơn phẫn nộ, vua đã giết chết nhiều người trong số con cái Israel, còn tôi cứ đi lấy trộm xác họ mà chôn cất. Vua Sennacherib đi tìm những xác đó mà không thấy” (Tb 1,17-18).

Vì việc nghĩa này mà ông Tobit bị tố cáo cùng vua Sennacherib, khiến ông phải lẩn trốn kẻo bị vua quan sát hại, bao nhiêu của cải bị tịch thu hết, sung vào kho vua, không còn gì ngoài bà vợ Anna và cậu con trai Tobiah (x. Tb 1,19-20). Như thế, ông Tobit đã phải trả giá rất lớn cho việc dấn thân phục vụ con người, nhất là cho những người khốn khổ nhất đang bị bỏ rơi ngoài kia, thây phơi ngoài đường, khi vua Sennacherib đã điên cuồng sát hại họ để thỏa cơn tức giận của mình.[19]

Ông Tobit đã phải trả giá bằng tất cả của cải mình đang có, bằng cả sự an toàn của bản thân, bằng sự ly tán của gia đình, cho đến khi ông được cho phép trở lại Nineveh, nhờ sự lời cầu xin của Ahiqar với vị tân vương là vua Esarhaddon, lên kế nghiệp vua cha là Sennacherib, người vừa bị hai hoàng tử ám sát cách đó không lâu. Ahiqar là con trai của ông Anael, người anh em của ông Tobit (x. Tb 1,21-22). Ahiqar làm đến chức quan “đại chước tửu, chưởng ấn, người trông con việc quản trị và tài chính” dưới triều vua Esarhaddon (Tb 1,22).[20]

Ông Tobit đã ý thức rất rõ về sự nguy hiểm của công việc mình đang làm vì tình thương dành cho những kẻ khốn cùng, nhưng không vì mối hiểm nguy đến tính mạng vẫn còn treo lơ lửng trên đầu mà ông đành dập tắt tiếng nói và nghĩa cử của lòng xót thương. Sách Thánh kể tiếp: vào dịp lễ Ngũ Tuần, khi ông Tobit còn đang chờ cậu con trai Tobiah dẫn về cho ông một người nghèo khổ hết lòng tưởng nhớ Đức Chúa, để ông cùng mừng Đại Lễ với người này, thì Tobiah trở về, chưa thấy dẫn theo người nghèo, nhưng lại cung cấp một thông tin ngoài dự định: “Thưa cha, có một người trong đồng bào chúng ta đã bị giết và quăng ngoài chợ, là nơi bây giờ người ấy còn đang bị thắt cổ” (Tb 2,3).

Phản ứng của ông Tobit thật cấp thời, ông biết ông phải làm gì, ông hành động thật nhanh, như thể có một thứ sức mạnh vô hình khiến ông không thể cưỡng lại. Mà thực ra ông làm vì lòng xót thương, có nhận thức, có chủ đích đầy đủ, chứ không phải như một thứ quán tính nào đó. Ông Tobit thuật lại: “Tôi liền chồm dậy, bỏ cả ăn, chẳng kịp nếm chút gì. Tôi đem người ấy ra khỏi quảng trường và đặt trong một căn nhà nhỏ, chờ lúc mặt trời lặn sẽ đem chôn. Trở về nhà, tôi tắm rửa, rồi ăn bánh mà lòng cảm thấy ưu sầu tang tóc. Tôi nhớ lại lời ngôn sứ Amos đã nói về Bethel rằng: ‘những ngày lễ của các ngươi sẽ biến thành tang tóc, mọi bài hát các ngươi sẽ nên khúc ai ca’. Rồi tôi khóc. Khi mặt trời lặn, tôi đào huyệt chôn người ấy” (Tb 2,4-6).[21]

Ông Tobit thương khóc phận người của kẻ xấu số kia, hay có lẽ cũng khóc thương cả số phận của dân tộc ông đang lâm cảnh lâu đày, khi vì hoàn cảnh này mà có người đồng hương phải chết trong cảnh tủi nhục, còn những người khác thì không ai dám thực hiện nghĩa cử nghĩa tận với kẻ ấy. Tất cả dường như đều sợ hãi trước kẻ cầm quyền nơi chốn tha hương này; dường như không ai muốn liên lụy đến bản thân và gia đình mình vì kẻ xấu số kia. Ông cảm thấy ưu sầu, tang tóc, như thể mình đang mất đi một người thân vậy.[22] Vì chuyện đào huyệt chôn kẻ này, mà ông Tobit bị láng giềng nhạo cười, xem chuyện ông làm là một việc thật liều lĩnh và thiếu khôn ngoan: “Hắn vẫn còn chưa sợ! Người ta truy nã để giết hắn về tội ấy và hắn đã trốn đi, thế mà hắn lại vẫn chôn cất người chết” (Tb 2,8).[23]

2. Gián tiếp trả giá cho sự dấn thân xã hội

Nghĩa cử cao đẹp “chôn xác kẻ chết” đã là duyên cớ khiến triều đình Assyria gây ra cho ông Tobit bao mối hiểm nguy trực tiếp, khi ông thực hiện nghĩa cử thương xót này với cả những người bị giới cầm quyền không chỉ sát hại mà còn muốn những nạn nhân này phải nếm trải cái chết một cách nhục nhã, thây phơi ngoài đường hay bị quẳng ra ngoài tường thành, bị trương sinh hôi thối, làm mồi cho thú vật hay chim trời. Đây cũng có thể là một thứ đòn áp chế, gây khiếp sợ của nhà cầm quyền đối với những người Israel tha hương khác. Ông Tobit hiển nhiên phải có một sức mạnh và sự tự do nội tâm lớn lao mới có thể đi ngược lại chủ đích của nhà cầm quyền, để thực thi lòng xót thương mà Đức Chúa đã thúc đẩy ông sống.

Nhưng Sách Thánh còn cho chúng ta hay người dấn thân xã hội cũng có thể gặp phải những thử thách khác, cũng có thể gọi là những điều bất hạnh theo cái nhìn thông thường của con người. Những điều bất hạnh này gián tiếp xảy ra sau nhưng nỗ lực dấn thân phục vụ người bị loại trừ. Và ông Tobit là người đã ở vào trong hoàn cảnh như vậy. Thật vậy, ông kể cho chúng ta nghe chuyện hi hữu này: “Ngay tối ấy [tức là sau khi ông chôn cất người xấu số vừa kể],tôi tắm rửa, rồi đi vào sân nhà tôi. Tôi nằm dọc theo bức tường ở sân, mặt để trần vì trời nóng. Tôi không biết là trong bức tường phía trên tôi có chim sẻ. Phân chim nóng hổi rơi xuống mắt tôi, tạo ra những vết sẹo trắng. Tôi đến thầy thuốc xin chữa trị, nhưng họ càng xức thuốc cho tôi, thì các vết sẹo trắng càng làm cho mắt tôi lòa thêm, cho đến khi tôi bị mù hẳn. Suốt bốn năm, mắt tôi không nhìn thấy gì cả. Tất cả anh em tôi đều lấy làm buồn cho tôi, và ông Ahiqar cấp dưỡng cho tôi trong hai năm, trước khi ông đi Elymais” (Tb 2,9-10).

Câu chuyện hi hữu xảy ra ngay vào đêm ông Tobit chôn cất xác một người đồng bào bị thắt cổ trước đó không lâu, sau khi ông đã âu sầu khóc thương người xấu số và có thể cả số phận của một dân tộc tha hương. Sự việc này không chỉ lấy đi ánh sáng nơi đôi mắt ông, khiến ông lâm cảnh mù lòa, mà còn đẩy ông Tobit và gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn kinh tế sau đó.[24] Ông phải sống nhờ vào sự cấp dưỡng của người anh em họ (x. Tb 2,10). Bà Anna, người bạn đời của ông, phải đảm đương việc kiếm sống cho gia đình. Đã có hiểu lầm sau đó. Khi nhiều lần bị ông Tobit bắt đem trả con dê con, vốn là quà tặng của người chủ cho bà ngoài tiền công, mà ông Tobit cứ nằng nặc cho rằng đó là của ăn cắp, thì bà Anna, trong lúc uất ức và cay đắng với chồng mình vì chuyện ông không chịu tin lời bà, và khi không thể tự kiềm chế, đã thốt ra những lời làm chồng bà thực sự tổn thương, đau đớn trong lòng. Bà nói: “Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi” (Tb 2,14).

Những lời này đối với ông Tobit chẳng khác nào một mũi tên cắm sâu vào tim ông. Những lời này được thốt ra không phải từ người bên ngoài, mà từ chính một trong hai người thân yêu nhất của ông Tobit, bởi thế chúng làm ông thực sự đau đớn trong lòng.[25]Có lẽ đối với ông Tobit, nếu những lời này không phủ nhận toàn bộ ý nghĩa của việc ông dấn thân phục vụ người nghèo khổ, thì chúng cũng đặt một dấu nghi ngờ rất lớn trước những gì ông đã làm. Ông Tobit có thể cảm thấy những lời của bà Anna hàm ý: bao việc tốt đẹp ông làm cho nhiều người đều trở nên vô ích cả, lợi đâu không thấy, chỉ thấy hại ngay trước mắt thôi.

Bà Anna ở đây hiển nhiên đã nhìn sự việc theo lối nhìn nhân quả: nếu điều A tốt đẹp được thực hiện, thì điều B gặt hái được cũng phải tốt chứ; còn nếu điều B không tốt đẹp gì (bản thân mù lòa, kinh tế gia đình eo hẹp, khó khăn…), thì thực hiện điều A (bố thí, chôn xác kẻ chết) để làm gì. Giá trị của điều A, vì thế, theo cái nhìn nhân quả này, cũng phải đặt thành vấn đề: việc bố thí, việc chôn xác kẻ chết có nên làm không, có đáng làm không?

Độc giả chúng ta hiểu rằng bà Anna đã thốt ra những lời này, vì bà đang ở vào những giây phút căng thẳng của cuộc sống. Không nên chỉ vì một số lời bà thốt ra trong lúc uất ức trong lòng, trong lúc cảm xúc tiêu cực dâng trào nơi bà, mà người đọc lại đánh giá không hay về bà. Thực tình mà nói, câu chuyện cho chúng ta biết dù cảm thấy cay đắng và bị tổn thương trước những lời của người bạn đời mình, ông Tobit không vì thế mà tỏ ra xem thường bà, ông lại càng không để cho người con trai Tobiah của mình tỏ ra thất thố với mẹ mình.

Thật thế, ngay sau sự cố này xảy ra trong gia đình mình, ông Tobit đã thống thiết kêu lên cùng Đức Chúa, bày tỏ nỗi lòng cùng Người (x. Tb 3,1-6), và khi nghĩ rằng mình sắp được Đức Chúa cất đi khỏi cõi đời này, thì ông Tobit đã trối lại cho con mình những lời tâm huyết như sau: “Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con, và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn người bên cạnh cha, trong cùng một mộ phần” (Tb 4,3-4).

Những lời tâm huyết này là phần đánh giá khách quan của Tobit về người bạn đời mình. Nó thể hiện sự quan tâm của ông Tobit dành cho bà Anna. Nó cũng cho thấy tình cảm yêu thương ông dành cho bà. Ông muốn bà được chăm sóc chu đáo, được Tobiah thảo kính, và không phải ai khác, mà chính là bà sẽ cùng ông “an giấc ngàn thu” trong một không gian riêng của hai người. Dù hai ông bà đã có giây phút dậy sóng khi họ làm tổn thương nhau như chúng ta vừa thấy, nhưng thử hỏi, nhìn một cách tổng thể trong tương quan giữa hai người cho đến thời điểm này, nếu ông Tobit không có sự yêu mến và kính trọng dành cho người bạn đời, như bà xứng đáng được như vậy, thì ông đã không nói lên những lời di chúc đầy ý nghĩa này cho con trai mình.

Tóm lại, ông Tobit đã phải trả giá rất đắt một cách trực tiếp và gián tiếp cho việc sống dấn thân xã hội: (a) mạng sống của ông bị đe dọa; (b) có lúc tán gia bại sản (vì của cải bị tịch thu); (c) gia đình ly tán; khó khăn kinh tế nảy sinh; tương quan vợ chồng ít nhiều bị sức mẻ, chồng hiểu lầm vợ, vợ gây tổn thương cho chồng; (d) bị nhiều kẻ bên ngoài chê cười, bị người thân trong gia đình châm chích.

Nhưng khi trải qua vô vàn thách đố như vậy, phẩm chất lòng xót thương đích thực nơi ông Tobit mới càng được làm sáng tỏ hơn. Việc ông dấn thân phục vụ xã hội, hay cụ thể hơn, việc chôn xác những kẻ bất hạnh, hoàn toàn không phát xuất từ tư lợi, hay từ việc tìm kiếm danh tiếng cho mình hay cho gia đình mình, mà đích thực trào dâng từ lòng xót thương, từ sự xả thânvô vị lợi của ông, vì phẩm giá đáng được trân trọng của người khác. Ai đó trong chúng ta có thể tự hỏi: tại sao một người như ông Tobit lại có thể tiếp tục công việc bác ái của mình dù mạng sống luôn bị đe dọa, bị chê cười?Tại sao ông không chấp nhận một cuộc sống “yên thân” như bao người khác? Tại sao phải khổ sở đến thế để làm gì?

Vô số các câu hỏi tương tự có thể được đặt ra cho ông Tobit, và nói cho cùng, dường như chỉ có một câu trả lời khả dĩ thuyết phục,đó là vì ôngcó lòng yêu mến, tôn kính Thiên Chúa, và mong ước tuân giữ những gì Người truyền dạy. Lòng yêu mến Thiên Chúa đích thực sẽ phải được thể hiện qua việc yêu mến con người, nhất là yêu mến những cô thế, cô thân, kẻ nghèo khổ bất hạnh và bị loại trừ một cách bất công, vì họ là đối tượng được Thiên Chúa yêu mến và quan tâm bậc nhất. Khi chúng ta càng có lòng yêu mến đích thực, thì chúng ta càng trở nên giống hơn với hình ảnh của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Tình yêu càng mang tính xả thân, vô vị lợi, và càng mang tính phổ quát, càng nhằm đến những đối tượng nghèo khổ, bất hạnh, không thể trả ơn, thì tình yêu đó càng làm cho chúng ta sống đích thực hơn phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa, vì Người là Tình Yêu Tuyệt Đối, Người sáng tạo nên con người khởi đi từ tình yêu và sự thiện hảo tuyệt đối của Người, chứ không phải vì bất cứ ích lợi nào mà chúng ta có thể đem đến cho Người (x. St 1,26-30; 2,18-24).

Dấn thân xã hội để yêu thương và phục vụ những người nghèo khổ và bất hạnh nhất, không gì khác hơn, là một phương thế để sống ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Nơi ông Tobit, tình thương dành cho những kẻ bất hạnh bị loại trừ, được thể hiện qua việc ông liều mình chôn cất họ, bất chấp hiểm nguy đối với mình và gia đình mình, đã ít nhiều đạt đến tầm mức hoàn hảo, dù rằng tình thương mà ông Tobit thể hiện, mới chỉ giới hạn vào những người đồng bào, đồng hương của ông. Quả thật, ông Tobit đã sống được điều mà thánh Gioan đã xác tín: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18).

Trong Tân Ước, Chúa Giê-su đã khái quát Luật Chúa bằng những lời sau đây: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc và hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40; đc Đnl 6,5; Lv 10,18). Trong tin Mừng Luca, Chúa Giê-su còn dùng dụ ngôn “Người Samaritano nhân hậu” để giải thích cho chúng ta biết ai là người thân cận của mình (x. Lc 10,29-37). Người Samaritano đã đối xử ân cần với người bị cướp đánh trọng thương đang nằm ở co quắp trên đường [giả thiết là người Do-thái], như với người thân của chính mình, dù người ấy không cùng sắc tộc hay có khác biệt về tôn giáo hay đức tin.

Còn người bị cướp đả thương thừa chết thiếu sống kia, sau khi hồi tỉnh và được nghe biết những gì đã xảy ra với mình, hẳn cũng thừa biết ai là người thân cận của chính mình trong số 4 hạng người có liên hệ đến vấn đề sống chết của mình: kẻ cướp, thầy tư tế, thầy Lê-vi, và người Samaritano. Và thánh Gioan sau này cũng đã minh định: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).

C. HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA TRONG SÁCH TOBIT

Đằng sau tất cả câu chuyện này về nhân vật Tobit, chính là sự quan phòng một cách huyền nhiệm của Thiên Chúa, chính Người là suối nguồn tình yêu, suối nguồn sức mạnh giúp ông sống sự dấn thân xã hội một cách mạnh mẽ, ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi nhất theo cái nhìn thông thường của con người. Dưới khía cạnh đức tin, ông Tobit sẽ không thể thực hiện được lòng bác ái thương người, nếu như không có ân sủng Thiên Chúa hằng ban cho ông, cho dù ông có hoàn toàn ý thức về điều này hay không. Các việc nghĩa của ông đối với những người cô thế, nghèo khổ, bất hạnh, không bao giờ chỉ được nhìn đơn thuần như nỗ lực của bản thân ông trong việc sống những gì Thiên Chúa đã truyền dạy. Ơn Chúa và sự cộng tác của con người luôn song hành với nhau, tất cả đều được đặt dưới sự quan phòng huyền nhiệm của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện với ông Tobit, với những gì tốt đẹp ông làm, ngay cả khi câu chuyện không minh nhiên đề cập đến điều này.

Dù rằng Thiên Chúa, xét như một chủ thể hành động, hầu như không được đề cập đến trong 3 chương đầu, và hầu như chỉ được đề cập cách gián tiếp trong 11 chương tiếp theo của Sách Tobit, nhưng dưới góc nhìn đức tin, qua những diễn biến thú vị của các câu chuyện khác nhau trong Sách Tobit, độc giả chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự quan phòng kỳ diệu và quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Ngay khi ông Tobit và cô Sarah lâm vào cảnh bế tắc cùng cực, khi hai người đều muốn nghĩ đến cái chết như phương thế giải thoát mình khỏi cảnh đau khổ đang vò nát tâm hồn mình, thì Đức Chúa đã xuất hiện như Đấng Thiên Chúa quyền năng, làm chủ mọi sự, Đấng thấu suốt mọi điều bí ẩn, Đấng chữa lành, Đấng ban và thăng tiến sự sống (x. Tb 3,16-17).Quả thật, những tình tiết ly kỳ trong các chương tiếp theo cho đến hết chuyện sách Tobit (chương 4-14), đều giúp làm sáng tỏ những hình ảnh này của một Thiên Chúa huyền nhiệm.

Nói cho cùng, Sách Tobit là một câu chuyện của đức tin, câu chuyện dành cho những người đang tin, lẫn cho những người đang gặp khủng hoảng niền tin và cần được củng cố niềm tin vào Thiên Chúa. Câu chuyện cũng mời gọi cả những người chưa tin, nếu có dịp tiếp xúc với nó, với tâm hồn tìm kiếm và luôn mở ra trước chân lý, cũng có thể tìm được nơi nó lời mời gọi tra vấn chính mình, và nhờ ơn Thiên Chúa, có thể tìm gặp được chính Thiên Chúa. Đấng Thiên Chúa ấy đã được Sách Tobit cụ thể hóa qua những nét chính sau đây:

1. Thiên Chúa là Đấng lắng nghe những ai tin tưởng tha thiết cầu xin Người

Hai trường hợp cụ thể được nêu lên trong chuyện, là lời cầu xin của ông Tobit (x. Tb 3,2-6) và lời cầu xin của cô Sarah (x. Tb 3,11-15).[26] Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Người thấu hiểu nỗi khốn khổ của hai nhân vật này. Câu chuyện dĩ nhiên không hàm ý trước khi hai nhân vật này kêu xin lên cùng Người thì Thiên Chúa chẳng hay biết gì về số phận của họ. Hàm ý như vậy là trái ngược với đức tin của chúng ta về một Thiên Chúa thấu suốt mọi sự. Thực ra, câu chuyện chỉ muốn khẳng định một điều: khi Thiên Chúa đoái nghe lời cầu xin của họ, thì Người sẽ hành động. Người sẽ cứu giúp họ.

2. Thiên Chúa là Đấng chữa lành

Trong câu chuyện này, Thiên Chúa không chỉ hiểu thấu nỗi lòng của ông Tobit và của cô Sarah, mà Người sẽ hành động để cứu chữa họ. Người sai thiên sứ Raphael đến chữa lành cho ông Tobit và cô Sarah. Trong vai người bạn đồng hành của cậu Tobiah, một người bạn đồng hành đầy khôn ngoan, am hiểu về đường xá, lẫn y thuật, thiên sứ Raphael đã giúp loại trừ quỷ dữ Asmodeus, không để nó tìm cách chiếm giữ cô Sarah cho riêng mình (x. Tb 3,8.17; 8,1-3), cất đi khỏi cô Sarah tiếng xấu đồn đại là kẻ “sát phu”, và cả lời nguyền “chết mà không con”, mà người nữ tỳ của cô đã thốt lên thay cho không ít người đang có những ý nghĩ tương tự như thế về cô. Đứa nữ tỳ này nói: “Chính cô là kẻ sát phu! Coi đó, cô đã có bảy đời chồng mà chẳng được mang tên ông nào! Tại sao cô chỉ vì mấy người chồng của cô mà cô lại đánh đập chúng tôi? Thôi, đi với mấy ông ấy cho rồi, và đừng bao giờ để chúng tôi thấy cô có con cái gì hết!” (Tb 3,8-9).[27]

Còn ông Tobit thì được chữa khỏi cảnh mù lòa (x. Tb 11,11-13; đc 3,17), vốn được xem là một trong các nguyên do khiến ông cảm thấy cuộc đời không còn mấy hương vị với ông; ông cảm thấy mình sống mà như đã chết. Thật thế, khi ông nghe lời chào của Azariah (thiên sứ Raphael) – “Chúc mừng, chúc mừng ông vui mạnh!” – ông Tobit liền đáp: “Còn vui gì nữa mà vui? Tôi là người đã mù cả hai mắt, không còn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng nằm trong bóng tối như những người đã chết không được ngắm nhìn ánh sáng. Tuy tôi sống, mà ở giữa người chết, nghe tiếng người, nhưng chẳng thấy một ai” (Tb 4,10). Nhưng câu chuyện sẽ cho chúng ta thấy, Thiên Chúa không để ông Tobit phải sống trong cảnh mù lòa, vì Người đã quyết định: ông Tobit sẽ được “chữa khỏi các vết sẹo trắng ở mắt, để ông được ngắm nhìn tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa” (Tb 3,17).

3. Thiên Chúa là Đấng ân thưởng và thăng tiến sự sống

Trong trường hợp của cô Sarah, Thiên Chúa không chỉ cất đi nỗi tủi nhục mang tiếng sát phu của cô, mà còn định liệu để cô có được người chồng xứng hợp với mình là cậu Tobiah,[28] là “người con tôn quý và lương thiện của một người cha tôn quý và lương thiện, công chính và hay bố thí” (Tb 9,6; đc 3,17). Cô cũng được gia đình chồng yêu quý đón nhận. Thật vậy, khi hay tin hai con trở về, ông Tobit đã “ra tận cửa thành Nineveh đón con dâu, vừa hoan hỷ vừa chúc tụng Thiên Chúa” (Tb 11,16). Ông Tobit chúc lành cho cô, cho gia đình cô, và nhận cô như người dâu hiền: “Ngày con, chúc con mạnh khỏe! Chúc tụng Thiên Chúa của con, Đấng đã dẫn con đến với cha mẹ, con ơi! Xin Chúa giáng phúc cho cha con, cho Tobiah, con của cha, cũng như cho chính con, hỡi con! Con ơi! Con hãy phấn khởi hân hoan bước vào nhà con đây, và xin Chúa giáng phúc cho con!” (Tb 11,17-18).

Còn trong trường hợp của ông Tobit, Thiên Chúa không để cho ông Tobit phải lìa xa cõi đời này, trong tâm trạng của một người đau khổ tư bề, chẳng tha thiết gì với cuộc sống này nữa. Người không chỉ cho đôi mắt của ông lại được thấy ánh quang, mà còn làm cho cuộc sống của ông thêm sinh động, đậm đà ý nghĩa: ông vui sướng thấy lại Tobiah, con trai ông, người mà ông gọi là “ánh sáng của đôi mắt cha” (Tb 11,13); ông được thỏa ước nguyện của mình là thấy con trai của ông “tránh xa mọi thứ dâm ô”, và đã lấy được “một người vợ thuộc dòng dõi cha ông làm vợ” (Tb 4,12).[29]

Thiên Chúa còn cho ông Tobit sống lâu thêm 50 năm nữa, kể từ khi ông tưởng mình sẽ được Người cất đi khỏi cõi đời đầy ưu phiền này. Thiên Chúa muốn chuyện này xảy ra, dường như một phần cũng để cho mọi người nghiệm thấy những việc dấn thân xã hội của ông đều có giá trị trước mặt Người. Một người có lòng xót thương như ông Tobit đã được Thiên Chúa nhớ đến và tỏ lòng thương, khi ông lâm cảnh ngặt nghèo, như lời thiên sứ Raphael nói với hai cha con ông: “Hãy biết rằng khi ông và cô Sarah cầu nguyện, chính tôi đã tiến dâng những lời cầu nguyện đó lên trước nhan vinh hiển của Đức Chúa, để xin Người nhớ đến hai người; tôi cũng làm như vậy khi ông chôn cất người chết. Và khi ông không ngại trỗi dậy, bỏ dở bữa ăn để đi chôn cất người chết, bấy giờ tôi được sai đến bên ông để thử thử thách ông. Thiên Chúa cũng sai tôi chữa lành cho ông và cô Sarah, con dâu ông” (Tb 12,12-14).

Tương tự như vậy, độc giả của câu chuyện sẽ hiểu thêm rằng những lời chê trách trước đây của người này người kia với ông Tobit, và cả những lời châm biếm của bà Anna với ông, xem chừng đều phát xuất từ sự khôn ngoan tính toán của con người, chứ không đặt nền trên lòng yêu mến và tôn kính Thiên Chúa, như những gì ông Tobit đã nỗ lực sống và thực thi. Chúng chỉ là những lời phê bình vô lý và vô nghĩa trước mặt Thiên Chúa.

Năm mươi năm thêm này là quãng thời gian nhiều ý nghĩa với ông Tobit và với nhiều người được lãnh nhận bao điều phúc lành từ Thiên Chúa qua ông. Thật vậy, câu chuyện đã khái quát những gì ông đã thực hiện trong quãng thời gian đáng sống này: “Ông Tobit qua đời bình an, thọ một trăm mười hai tuổi, và được mai táng trọng thể tại Nineveh. Ông bị mù vào năm sáu mươi hai tuổi; và sau khi được thấy lại, ông sống dư dật và hay làm phước bố thí. Ông không ngừng chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng Người là Đấng cao cả” (Tb 14,2). Cuộc sống của ông Tobit chẳng phải là điều độc giả chúng ta đáng ao ước hay sao?

4. Thiên Chúa là Đấng đáng được chúc tụng, ngợi khen, và khẩn cầu

Từ tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện, Sách Tobit dường như muốn độc giả chúng ta cùng cất lời ngợi khen, tán tạ, và cầu xin cùng Thiên Chúa, như các nhân vật trong câu chuyện tuyệt vời này. Chúng ta chỉ cần lược qua một số sự kiện chính. Trước hết, Tobit và Sarah, theo lời khuyên của Azariah (thiên sứ Raphael) trước đó,[30]đã cất lên những tâm tình thiết tha với Thiên Chúa trong đêm thành hôn của họ,: “Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con. Xin chúc tụng Chúa, xin chúc tụng Thánh Danh đến muôn thuở muôn đời!Các tầng trời và mọi công trình của Chúa phải chúc tụng Chúa đến muôn thuở muôn đời! […] Xin Chúa đoái thương con và em con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già” (Tb 8,5-7).

Kế đến, sau khi biết Thiên Chúa đã không để người con rể Tobiah của họ phải chết, qua đó, không để họ “trở thành đề tài cho người ta nhục mạ và nhạo báng” (Tb 8,10), ông bà Raguel đã cất lời chúc tụng Người: “Lạy Thiên Chúa, chúc tụng Ngài! Xin dâng Ngài mọi lời chúc tụng từ đáy lòng thuần khiết! Chúc tụng Ngài đã ban cho con niềm hoan lạc vì điều con lo ngại đã không xảy ra, trái lại, Ngài đã xử với chúng con theo lòng xót thương bao la của Ngài. Chúc tụng Chúa đã thương xót hai người con này. Lạy Chúa Tể, xin cho chúng được hưởng lòng xót thương và ơn cứu độ, để chúng được sống trọn cuộc đời trong niềm hoan lạc và lòng xót thương” (x. 8,15b-17).

Còn về bản thân ông Tobit, ngay khi được chữa lành, và vui sướng lại được thấy con trai mình, ông liền hoan hỉ cất lời ngợi khen Thiên Chúa và cả các thiên sứ của Người: “Chúc tụng Thiên Chúa! Chúc tụng Danh cao trọng của Người. Chúc tụng mọi thiên sứ thánh thiện của Người! Ước gì Danh cao trọng của Người che chở chúng ta! Chúc tụng mọi thiên sứ đến muôn đời! Vì tôi đã bị Người đánh phạt, nhưng nay lại được thấy Tobiah, con tôi!” (Tb 11,14). Hơn nữa, trước mặt dân cư thành Nineveh, ông Tobit còn “xưng tụng Thiên Chúa đã thương và mở mắt cho ông” (Tb 11,16). Và khi gặp mặt Sarah, ông cũng không quên chúc tụng Thiên Chúa và xin Người ban ơn cho con dâu mình, cho phụ thân và chồng của cô: “Chúc tụng Thiên Chúa của con, Đấng đã dẫn con đến với cha mẹ, con ơi! Xin Chúa giáng phúc cho cha con, cho Tobiah, con của cha, cũng như cho chính con, hỡi con! Con ơi! Con hãy phấn khởi hân hoan bước vào nhà con đây, và xin Chúa giáng phúc cho con!” (Tb 11,17).

Việc chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa lại càng được tô đậm nét hơn, khi đây cũng chính là điều thiên sứ Raphael ít nhất hai lần đã truyền dạy cho ông Tobit và cậu Tobiah, khi ngài tỏ cho họ biết rõ chân tính của ngài. Thật vậy, khi còn chưa tỏ mình ra, thiên sứ (hay trước mắt họ là Azariah) trước tiên đã đưa ra lời khuyên: “Hãy chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng Người trước toàn thể sinh linh, về những điều tốt lành Người đã làm cho cha con ông. Hãy chúc tụng và ngợi khen Danh Người! Những việc Thiên Chúa đã làm, hãy long trọng tỏ cho mọi người biết. Đừng ngần ngại xưng tụng Người! Giữ kín bí mật của vua là điều tốt đẹp, nhưng công trình của Thiên Chúa, thì phải tỏ bày và long trọng xưng tụng…” (Tb 12,6-7a).

Kế đó, vị này tiếp tục khuyên nhủ hai cha con về lối sống công chính, đời sống cầu nguyện, và các việc làm bác ái yêu thương (x. Tb 12,7b-10). Cuối cùng, vị này tỏ rõ chân tính của mình, là “Raphael, một trong bảy thiên sứ luôn hầu cận và vào chầu trước nhan vinh hiển của Đức Chúa”; và trước sự bàng hoàng sợ hãi của hai cha con ông Tobit, thiên sứ đã nói: “Hãy chúng tụng Thiên Chúa đến muôn đời! Phần tôi, tôi đã ở với các ngươi không phải do lòng tốt của tôi, mà do ý muốn của Thiên Chúa. Vậy ngày ngày các ngươi hãy chúc tụng Thiên Chúa, hãy ngợi khen Người! […] Giờ đây, hãy chúc tụng Đức Chúa nơi trần gian, hãy xưng tụng Thiên Chúa. Này tôi lên cùng Đấng đã sai tôi. Hãy viết ra mọi điều đã xảy đến cho hai cha con ông” (Tb 12,17-20).

Hai cha con liền “chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa, xưng tụng Người vì những công trình hùng vĩ của Người, là làm cho họ được thấy một thiên sứ của Thiên Chúa!” (Tb 12,21-22). Riêng ông Tobit, tâm tình ấy còn trải dài thêm nữa. Trong niềm hân hoan chứa chan, ông đã chúc tụng Thiên Chúa với những tâm tình thật dào dạt. Sách Tobit dành cả một chương (chương 13) để ghi lại lời xưng tụng tuyệt vời này, trong đó ông dùng khá nhiều hình ảnh thật ý nghĩa để nói về Thiên Chúa, Đấng ông tôn thờ.[31]

KẾT LUẬN

Dù có lúc hiểu sai vấn đề, có lúc thất vọng chán chường và bi quan, nhưng nhân vật Tobit vẫn luôn là một người tôn quý, chính trực, có lòng thương người, và luôn biết kính sợ Thiên Chúa. Đây chính là di sản quý giá ông để lại cho con cháu mình, ngoài của cải vật chất. Nơi ông, độc giả chúng ta bắt gặp một người có lòng yêu mến, tôn kính Thiên Chúa cách sâu sắc, mà nổi bật là tâm tình ngợi khen, chúc tụng Người. Thiên Chúa quả thật là nguồn sức mạnh thiêng liêng nuôi sống và nâng đỡ ông khi thực thi việc bác ái đối với những người nghèo khổ và bất hạnh nhất. Có thể nói được ông Tobit là hiện thân lòng xót thương của Thiên Chúa cho những người lâm cảnh ngặt nghèo.

Phần lớn trong số họ là những người nghèo khổ cần được chia sẻ cơm áo. Và không ít người trong số họ là những người đã bị sát hại, thây bỏ ngoài phố chợ. Ông Tobit tỏ lòng xót thương không vì một thứ lợi lộc nào cho mình, nhưng vì lợi ích của tha nhân. Ông tỏ lòng quý trọng những người cùng khổ. Ông chôn xác kẻ chết ngay cả khi tính mạng bị đe dọa và mối họa từ phía những kẻ cầm quyền đang treo lơ lửng trên đầu ông. Và ngay cả khi trải qua một kinh nghiệm để đời, phải bỏ trốn trước sự lùng bắt của vua quan triều đình Assyria, ông Tobit không vì thế mà sau này đâm ra sợ hãi, không còn dám làm theo tiếng nói của lòng xót thương mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng ông. Bất chấp mọi hiểm nguy, ông vẫn chôn xác những người bị sát hại cách tàn bạo, tử thi bị bêu xấu trước công chúng hay có nguy cơ làm mồi ngon cho thú hoang.

Đối với Thiên Chúa, Tobit luôn có lòng tôn kính, thần phục. Nơi ông không hề có một câu than trách Thiên Chúa, hay đổ lỗi cho Người, trước nghịch cảnh xảy ra với ông và gia đình ông. Nhưng ông là người biết soi lại chính mình. Ông đi tìm gốc rễ của vấn nạn, của nghịch cảnh mình đang trải qua. Ông tìm thấy vấn nạn sâu xa nằm ở tội lỗi cá nhân, lẫn tội lỗi của cả dân tộc ông, khiến họ phải lâm cảnh lưu đày, làm phát sinh bao vấn đề như tình trạng a dua, chạy theo lối sống của dân ngoại, tình trạng nghèo đói, và nhiều đồng hương bị kẻ vua quan triều đình Assyria sát hại. Muốn thay đổi tình trạng này thì cả dân tộc phải biết hoán cải, mà trên hết, là cậy dựa vào lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa.

Hiển nhiên, đó là điều ông Tobit suy nghĩ trước hiện trạng mù lòa của mình và trước những lời châm chọc chỉ trích của nhiều người, kể cả từ người bạn đời của mình. Còn về phía Thiên Chúa, tình trạng mù lòa của ông Tobit, hay hoàn cảnh khó khăn mà gia đình ông gặp phải, chỉ có tính tạm thời, chỉ là phép thử về lòng tin của ông và gia đình ông vào Thiên Chúa, để qua đó, Thiên Chúa sẽ biểu lộ quyền năng và vinh quang nhiệm mầu của Người, khi Người chữa lành và thăng tiến sự sống cho ông Tobit và gia đình ông; đồng thời, qua đó, Người cũng xác chuẩn và vinh danh những việc tốt đẹp mà ông đã làm cho những người nghèo khổ và bất hạnh.

Ở chương cuối cùng của Sách Tobit (chương 14), Thiên Chúa còn ban cho ông Tobit thêm lòng xác tín vào những lời Người phán qua miệng các ngôn sứ. Ông thấy được những gì sẽ xảy đến cho thành Nineveh (hay đế quốc Assyria), nên đã khuyên Tobiah và gia đình phải bỏ nơi đây để qua Media lập nghiệp.Ông cũng xác tín vào ngày Thiên Chúa sẽ xây dựng lại Jerusalem, khi Thiên Chúa quyết định khôi phục Dân Người.

Ông Tobit sau đó đã ra đi trong bình an. Nhưng trước khi lìa cõi thế, ông đã trối lại những lời tâm huyết cho Tobiah: “Giờ đây, hỡi các con, cha trối lại cho các con những lời này: hãy phụng thờ Thiên Chúa trong sự thật và làm đẹp lòng Người. Hãy truyền dạy con cháu thực thi công chính và làm việc bố thí, biết tưởng nhớ và chúc tụng Danh Người trong mọi lúc, trong sự thật, với hết sức mình” (Tb 14,8-9).

Những ai yêu mến nhân vật Tobit, và tìm được khởi hứng từ sự dấn thân xã hội của ông, cũng sẽ tìm thấy nơi những lời trăn trối này của ông một lời khuyên nhủ thiết thực và hữu ích cho đời sống của mình. Ước mong những lời khuyên nhủ này sẽ giúp chúng ta thêm lòng “mến Chúa yêu người”, hăng say dấn thân phục vụ những người bé nhỏ mà Vua Hằng Sống đã kể là anh em của Ngài!!

THƯ MỤC SÁCH THAM KHẢO

Benedikt Otzen, Tobit and Judith (Sheffield Academic Press, 2002)
CGKPV, Kinh Thánh Ấn Bản 2011 (Nxb. Tôn Giáo, 2011)
Devorah Dimant, From Enoch to Tobit (Forschungen zum Alten Testament 14; Mohr Siebeck, 2017)
Donald Senior – John J. Collins (eds), The Catholic Study Bible: The New American Bible (Oxford University Press, 2006)
Geoffrey David Miller, Marriage in the Book of Tobit (de Gruyter, 2011)
Irene Nowell, Jonah, Tobit, Judith (New Collegeville Bible Commentary OT 25; Liturgical Press, 2015)
Irene Nowell, “The Book of Tobit”, 1 & 2 Kings, 1 & 2 Chronicles, Ezra, Nehemiah, Esther, Tobit, Judith (The New Interpreter’s Bible Volume III; Abingdon Press, 1999)
Joseph A. Fitzmyer, Tobit (Commentaries on Early Jewish Literature; de Gruyter, 2003)
Richard Bauckham, “Tobit as a Parable for the Exiles of Northern Israel”, Studies in the Book of Tobit: A Multidisciplinary Approach, ed. Mark Brendin (Library of Second Temple Studies; T&T Clark, 2006)

________________________________________
[1] Tác giả bài viết sử dụng nguyên văn bản dịch Kinh Thánh Ấn Bản 2011của nhóm CGKPV, ngoại trừ một số chỗ cần thay đổi cho sát hơn với bản tiếng Hi-lạp (GII hay S). Xin nhóm CGKPV cho phép sử dụng bản dịch, và xin đón nhậntừ tác giả bài viết lòng chân thành tri ân.
[2]Irene Nowell, Jonah, Tobit, Judith, 22, xác định: “Tobit’s story is set toward the turn of the eighth-seventh century B.C, the time of the collapse of the northern kingdom”.
[3]Bản dịch New American Bible (NAB), trong phần dẫn nhập vào Sách Tobit, 537, đã nhận xét về sự tương đồng về mặt nội dung của sách này với dòng Văn Chương Khôn Ngoan như sau: “It contains numerous maxims like those found in the wisdom books (cf. 4:3-19.21; 12:6-10; 14:7.9) as well as the customary sapiential themes: fidelity to the law, the intercessory function of angels, piety towards parents, the purity of marriage, reverence for the dead, and the value of almsgiving, prayer, and fasting”.
[4] Sách Tobit dành 4 chương ở giữa (chương 6 đến chương 9) để kể về cuộc hành trình đến xứ Media của cậu Tobiah và người đồng hành tên là Azariah (sứ thần Raphael). Cậu Tobiah ra đi theo lời cha cậu để lấy lại số bạc mà ông Tobit, cha cậu, đã ký gửi tại nhà ông Gabael, hiện đang sống tại Rages xứ Media. Trong cuộc hành trình này, sứ thần Raphael (hay Azariah) đã chỉ cho cậu Tobiah bắt lấy một con cá lớn tại sông Tigris, lấy tim, gan, và mật của nó (x. Tb 6,1-6). Theo sự hướng dẫn của sứ thần Raphael, tim và gan cá đã được dùng để trừ tên quỷ Asmodeus, không cho nó tìm cách chiếm giữ cô Sarah cho riêng mình (x. Tb 8,1-3; 3,8); còn và mật cá để tra vào mắt của ông Tobit, khiến mắt ấy sáng lại (x. Tb 11,11-14).
[5]Tobit được giới thiệu với gia phả gồm các nhân vật có tên riêng tận cùng bằng -el, tức là “Thiên Chúa”, như Tobiel, Hananiel, Aduel, Gabael, Asiel (x. Tb 1,1). Còn khi thuật lại việc tuân giữ Luật Chúa truyền, ông Tobit cũng nói đến bà nội của mình, tên là Deborah, với lòng tôn kính: “[…] Chúng tôi dùng số tiền đó mà chi tiêu theo chiếu chỉ được ban truyền trong luật Mô-sê liên quan đến những việc ấy, và theo các huấn lệnh của bà Deborah, thân mẫu cha ông chúng tôi là Hananiel [GII:ἐνετείλατο Δεββωρα ἡ μήτηρ Ανανιηλ τοῦ πατρὸς ἡμῶν, theo Tb 1,1) thì thân mẫu của cha (ông) chúng tôi là Tobiel], vì cha tôi chết để lại tôi mồ côi” (Tb 1,8).
Liên quan đến vị thế của gia tộc ông Tobit, Devorah Dimant, From Enoch to Tobit, 224, khi trích dẫn lại quan điểm của hai học giả là Zimmermann, Tobit, 44 và Fitzmyer, Tobit, 92, đã viết rằng: “From the outset, the importance of Tobit’s own family is emphasized by the placement of his detailed lineage at the beginning of the book. All the names in this genealogy are theophoric, with the ending –el, most of them taken from biblical onomasticon. Through this pedigree itself, the narrator builds the righteous figure of Tobit and creates a biblical atmosphere of piety and rectitude”. Vị học giả này còn viết thêm trong cùng trang chú giải: “The choice of the name Deborah for Tobit’s grandmother and teacher is influenced by the figure of the biblical prophetess, Deborah, known for her leadership and piety in the battle of the northern tribes against Yabin, king of Hazor, and his general, Sisera (Judges 4-5)”.

[6] Irene Nowell, Jonah, Tobit, Judith, 27, cũng nhận xét tương tự và gợi mở thêm một vài chi tiết: “Anna thus becomes our first example of a working mother. She must have been good at her work, because her employers also give here a bonus, a young goat, probably for the celebration of the Purim festival (see Esther)”.
[7] Irene Nowell, Ibidem, 27, không minh nhiên cho rằng Tobit có phán đoán sai, mà nghĩ rằng do tình trạng mù lòa và phải bị lệ thuộc vào người khác nên ông đã phản ứng như vậy. Vị học giả này viết: “Tobit, however, is so depressed by his blindness and his dependence upon others that he strikes out at his wife, accusing her of bringing home stolen goods”. Tác giả bài viết tôn trọng quan điểm này của Irene Nowell, nhưng thực tình mà nói, không thấy có chỗ nào trong Sách Tobit cho đến thời điểm này trong câu chuyện hé lộ chút dấu chứng, để từ đó tác giả bài viết có thể rút ra điều tương tự như nhận định của Irene Nowell.
[8] Irene Nowell, “The Book of Tobit”, 1023, nhận xét: “Tobit’s business arrangements with Raphael demonstrate Tobit’s justness and his generosity. He states clearly what the salary will be, and he promises a bonus if the travelers return safely”.
[9] Irene Nowell, Ibidem, 1055, giải thích: “In the book of Tobit, half the wealth signifies Tobit’s and Tobiah’s generosity”.
[10] Về chủ đề “rộng tay làm phúc” (bố thí), sau khi cho biết đó là một chủ để xuất hiện thường xuyên trong Cựu Ước, nhất là trong Sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 14,28-29; 15,10-11; 16,11; 24,19-22; 26,12-13), và trong dòng Văn Chương Khôn Ngoan (x. Cn 3:27-28; Sir 4:1-5; 7:32-36, v.v.), Benedikt Otzen, Tobit and Judith, 35, đã đưa ra nhận xét về nét riêng của chủ đề này trong Sách Tobit: “When, in the book of Tobit, the motif is so prominent, it has to do with the social background of the book: in the Diaspora the Jews often formed smaller groups and were thrown upon each other to a degree that was not known in Palestine where the members of greater families subsidized each other”.
Benedikt Otzen, Ibidem, 37, cũng đưa ra bản tóm lược 7 nét chính về chủ đề này trong Sách Tobit: “If we survey the various pronouncements on almsgiving in the book of Tobit we get the following picture: (1) alms are given to fellow countrymen or kindred; (2) alms are given to personae miserae; (3) alms are given to ‘those who practise righteousness’; (4) alms are given according to one’s possessions; (5) alms are compared to sacrifice to God and are in the almsgiver’s own interest as they save from death and purge away sin; (6) alms are better than prayer with fasting, and (7) alms must be given without a begrudging eye”.

[11] Cùng quan điểm này, Benedikt Otzen, Tobit and Judith, 30, đã viết: “In chapter 1 Tobit looks back to his time before the exile, and describes his lonely struggle for the Law in Northern Israel. His tribesmen had deserted the kingdom and the temple in Jerusalem; only Tobit respected the position of Jerusalem as the only place for an Israelite to bring sacrifices and observed all the rules of tithes (1:6-8)”.
[12] Chi tộc Lê-vi được Đức Chúa tách riêng ra “để họ mang Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa, chầu chực trước nhan Đức Chúa, phụng sự Người và chúc phúc nhân danh Người…chi tộc Lê-vi không được chung phần và hưởng gia nghiệp với anh em mình, chính Đức Chúa là gia nghiệp của họ…” (Đnl 10,8-9).
[13]Irene Nowell, Jonah, Tobit, Judith, 24, tóm lại những điều chúng ta vừa bàn trên đây: “Besides the first fruits and firstlings for the priests (cf. Deut 2:4-7; 18:1-5), he offers the “first tithe,” which is the tenth of the harvest of grains and fruits (Deut 14:22-23). He also offers a “second tithe” of money, which seems to be a misreading of the Deuteronomic regulation that allows for the offerer to bring an equivalent sum of money, if it is difficult to bring the first fruits, firstlings, and the harvested material itself (Deut 14:24-25). In addition to all these, Tobit offers a “third tithe” for the relief of orphans and widows who live in Nineveh where he resides (Deut 14:28-29; 26:12). The original meaning of these three tithes, however, is this: the required tithe was to be brought to Jerusalem either in kind (Tobit’s “first tithe”) or in money (Tobit’s “second tithe”) in years 1,2,4,5. Then in years 3 and 6 the title (Tobit’s “third tithe”) was to be kept in the offerer’s home area for the relief of the poor (Deut 24:22-29; 26:12). Tobit interprets these offerings as separate and is contributing them all. This understanding of tithing reflects the practice in the second century, the time the book was written”.
[14] Tb 1,15 viết: “Khi vua Shalmaneser qua đời, thái tử Sennacherib lên ngôi kế vị…”, nhưng dường như có sự nhầm lẫn ở đây, vì người lên thay Shalmaneser V là Sargon II, chứ không phải Sennacherib. Irene Nowell, Jonah, Tobit, Judith, 23, đã giải thích rõ hơn về điểm này: “There is a problem with the listing of the kings in the book of Tobit. Shalmaneser V (727-722 B.C) was succeeded by Sargon II (722-705), not Sennacherib (705-681), as Tobit says (1:15). Sennacherib was the son of Sargon II, but Sargon was not a son of Shalmaneser V. sennacherib, however, was indeed murdered by his sons and was succeeded by his son Esarhaddon (681-669 B.C, Tob 1:21)”.
[15]Đnl 16,10-12 nói về cách thức mừng lễ Ngũ Tuần: “Ngươi sẽ mừng lễ Ngũ Tuần kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, dâng lễ vật tự nguyện, tùy theo phúc lành Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ở nơi Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã chọn cho Danh Người ngự, ngươi sẽ liên hoan trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, cùng với con trai con gái, tôi tớ nam nữ, cùng với thầy Lê-vi ở trong các thành của ngươi, với ngoại kiều và cô nhi quả phụ sống giữa ngươi”.
Về điểm này, Irene Nowell, Jonah, Tobit, Judith, 26, đã bình luận: “Tobit will follow these commands as closely as he can in his exile. He cannot go to the Temple, and there may be no Levites in his neighborhood. But he can certainly invite those less fortunate than he is. So he sends his son Tobiah to find a poor persson among the exiled Jews to bring him to this festal meal (2:2)”.
[16] Richard Bauckham, “Tobit as a parable for the exiles of Northern Israel”, Studies in the Book of Tobit, 146, có cùng nhận xét: “Tobit does not protest his innocence, but confesses his sins along with those of his people (3:3.5). Unlike Job’s questioning of the justice of God, Tobit begins his lament by emphatically confessing it (3:2), Tobit never questions God’s justice, however much the reader of the book may be tempted to do so”.
[17]Một số học giả cho rằng qua lời thú tội này, ông Tobit cho thấy mình chịu ảnh hưởng của nền thần học Đệ Nhị Luật khi ông nhìn về mình và về dân tộc mình: nếu sống trung tín với Đức Chúa, dân sẽ được chúc lành; ngược lại, nếu bất tín với Người, họ sẽ gánh lấy hậu quả do tội của mình. Hiện trạng dân phải sống trong cảnh lưu đày là một ví dụ điển hình về những tội lỗi họ đã phạm phải. Richard Bauckham, “Tobit as a Parable for the Exiles of Northern Israel”, Studies in the Book of Tobit, 141-142, nói khái quát về quan điểm thần học này: “the nation’s misfortunes are understood to be divine judgements on its sins, while repentance and righteousness can lead to God’s mercy delivering from judgement and restoring the nation’s fortunes”. Như những minh họa cụ thể về ảnh hưởng của nền thần học Đệ Nhị Luật trên ông Tobit (hay trên Sách Tobit), khi nhắc lại lập luận của A. A. Di Lella, học giả Joseph A. Fitzmyer, Tobit, 47, đã đề cập đến 9 điểm tương ứng trong lời trăn trối của ông Tobit dành cho Tobiah, như sau: “As A. A. Di Lella has shown, this [Deuteronomic retribution] is seen especially in nine points of Tobit’s discourse (14:3-11), which speaks of a long and prosperous life in the good land as a result of fidelity (14:4-5), as in Deut 4:40; of the offer of mercy after sin and judgment (14:4-6), as in Deut 30:1-4; of rest and security in the land (14:7); as in Deut 12:10-11 LXX; of the blessing of joy (14:7), as in Deut 12:12; of the fear and love of God (14:6-7.9), as in Deut 8:10; of remembering (14:9), as in Deut 9:27; of centralizing the cult (14:5), as in Deut 12:1-14; 16:6; of Tobit’s final exhortation (14:9), as in Deut 30:19-20. Other instances of the same ideas can be found elsewhere in the Book of Tobit. God has scattered Israelites, but He will gather them in again (13:3.5)”

[18]Về việc chôn xác kẻ chết trong Cựu Ước, Benedikt Otzen, Tobit and Judith, 42, đưa ra nhận xét: “Strangely enough, the duty to bury a corpse is only mentioned in the Law as fas as criminals are concerned (Deut 21:22-23). Apparently the duty is considered a matter of course, and the obligation to bury the dead is expressed indirectly in the not few utterances about the dreadful fate of those who are not properly buried but ‘shall be food for every bird of the air and animal of the earth’ (Deut 28:26; cf. Jer 16:4; Ezek 39:4.17-20; Macc 9:5 etc.). Burial is part of social order, and it is repulsive for an Israelite to think of relatives that are not buried, as the touching story of Rizpah (2 Sam 21) tells us […]. The tradition of burying parents and relatives is attested in the Old Testament not least in the patriarchal narratives”.
[19] Benedikt Otzen, Ibidem, 42, giải thích thêm: “The circumstances of Tobit’s good deed are connected with a well-know event in the history of Israel: Sennacherib had to raise the siege of Jerusalem and return to Nineveh with his reduced army (cf. 2 Kgs 19:35-36). The Israelites deported to Nineveh 30 years earlier had to pay for the humiliation Sennacherib had suffered in Jerusalem, the book of Tobit tells us. Many Israelites are killed, and Tobit risks his own life in burying them; he is searched for to be put to death, has to flee and loses his property (Tob 1:17-20)”.
[20] Irene Nowell, Jonah, Tobit, and Judith, 25-26, cho chúng ta thêm một vài thông tin mang tính tham khảo: “Sennacherib is assassinated and succeeded by his son Esarhaddon (681-669 B.C). The new king appoints a man named Ahiqar as his chief administrative assistant. Ahiqar intercedes for Tobit, and Tobit returns to Nineveh. Who is this Ahiqar? He was known as a wise man in Assyria, and several of his sayings were preserved in Syriac. Then in the early twentieth century, a papyrus document was discovered in Egypt that contained in Aramaic a short biography of a certain Ahiqar and several of his proverbs. The biography sets his work in the time of Sennacherbi and Esarhaddon. The writer of the book of Tobit makes him Tobit’s relative and helper”.
[21]Joseph A. Fitzmyer, Tobit, 134, giải thích: “Tobit again manifests his concern for the unburied dead. He brought the coprse to one of the oikidia, “little houses,” (GII) because he did not want to defile the house proper (see Num 9:14-19), yet wanted to protect it from desecration, differently from Vg. He waited for sundown so that he might not be seen caring for unburied deadl (recall :18-20), but also because at sundown the Feast of Weeks would be at an end”
[22]Joseph A. Fitzmyer, Tobit, 135, bình giải thêm về điều này: “Tobit quotes Amos 8:10 […]. The verse forms part of Amos’ indictment of Israel (8:4-14), which follows on the prophet’s fourth vision (8:1-3). Amos indicts Israel, because its merchants wanted the feasts to pass quickly so that they could resume their business practices and exploit the poor. This indictment was addressed to all the northern kingdom of Israel, and not merely to Bethel, the royal sanctuary, which became at times a concern for the prophet (3:14; 4:4; 5:5; 7:10), because he had been expelled from it and was forbidden to prophesy there. […] Tobit thus regards Amos’ writing as authoritative or canonical, quoting it to support his concern for the poor dead even on Pentacost. What started out for him as a joyous feast day has ended in sorrow and sadness, because a fellow Jew had been killed and his body tossed out on the streets and lies unburied. Cf Job 30:31”.
[23] Joseph A. Fitzmyer, Tobit, 136, giải thích thêm, khi đối chiếu với bản Vulgata (Vg): “Tobit thus becomes the butt of sarcasm among his neighbors and friends, fulfilling the words of Ps 31:11; 38:11; Jer 9:4. Vg also adds a verse that is not found in the other versions: ‘but Tobit, fearing God more than the king, kept snatching the corpses of the slain, and hiding them in his house, he would burry them in the middle of the night’. This addition cleary enhances the picture of Tobit as the faithful Jew in Assyrian captivity”.
[24]Benedikt Otzen, Tobit and Judith, 42-43, có cái nhìn tương tự, khi viết: “The ironic thing is, of course, that Tobit’s calamities, poverty and blindness, are both the result of acts representing obedience to the Law: the burial of dead Israelites. But it is part of the mystery of the works of God, as Raphael explains when he reveals his identity to Tobit and Tobias and tells them that it was he who brought Tobit’s prayer to the Lord and who reported to the Lord about Tobit’s burying the dead (12:11-5)”.
[25] Richard Bauckham, op.cit, 146, có cùng nhận định, khi vị này viết: “Anna’s reproach, rather like Job’s wife (Job 2:9-10), proves the final aggravation that precipitates his [Tobit’s] lament”.
[26] Joseph A. Fitzmyer, Tobit, 47, đưa ra nhận xét về chủ đề cầu nguyện trong Sách Tobit, đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của lời cầu nguyện mà ông Tobit và cô Sarah đã thưa lên cùng Đức Chúa: “Six formal examples of it are given: 3:2-6 (Tobit); 3:11-15 (Sarah); 8:5-8 (Tobiah); 8:15-17 (Raguel); 1:13-15 (Tobit); 13:1-18 (Tobit). The prayers punctuate the story at important intervals: the plight of Tobit and Sarah, the time of the consummation of the marriage of Tobiah and Sarah, Tobit’s song of praise after all the good has been done. The prayers are integral to the narrative and offer a way of understanding it, even though they are often formulaic. […] Usually, God is invoked, praised and adored, and then a petition is made. The double affirmation, ‘Amen, amen!’ is used. Chapter 3 is important because it recounts the simultaneous prayer of Tobit and Sarah in their time of plight. Their prayers echo those of Moses in Num 11:15, Elijah in 1 Kgs 19:4, and Baruch in Bar 1:15-22. Unwittingly, they are united in their prayers to die, and the narrative reveals that their prayers are answered. The effect of prayer is noted explicitely in 3:6-17: it is heard in God’s glorious presence; and Raphael instructs Tobit and Tobiah on the value of prayer (12:6-8) and on the role that he has played in it (12:12)”.
[27] Irene Nowell, “The Book of Tobit”, 1008, bình giải: “In this section, the narrator (v.8) presents the basic facts in a simple and straightforward fashion: (1) Sarah has been married to seven men (2) whom the demon Asmodeus has killed (3) before the marriages could be consummated. The taunts of the maids (vv. 8-9) repeat the first and the last points – seven husbands, dead before the consummation of the marriages. But the maids twist the facts of the second point in order to deepen Sarah’s grief. They accuse her of murdering the men and seem to know nothing of the demon Asmodeus. They point out Sarah’s childless state and the likelihood that she will remain so”.
[28] Geoffrey David Miller, Marriage in the Book of Tobit, 132-133, nhận xét: “the Book of Tobit reiterates the Old Testament’s claim that God has established the institution of marriage and can bestow blessings upon married couples. The author also demonstrates to his readers that success in their marriage depends on God, and they should imitate Tobiah and Sarah by praying for divine succor in order to live a happy and productive life with their spouse. Furthermore, even though the book does not support the notion that all marriages are ‘decided in heaven,’ it shows that God can intervene in a particular marriage in order to bring about a greater good for his people”. […] Readers of the Book of Tobit might fear that God has abandoned them, but they should be encouraged by God’s intervention in the lives of Tobiah and Sarah and realize that they, too, will return to their homeland and rebuild Jerusalem”.
[29] Về tầm quan trọng của hôn nhân nội tộc đối với nhân vật Tobit (hay Sách Tobit nói chung), Devorah Dimant,From Enoch to Tobit, 228, đã giải thích như sau: “In advocating endogamay, the author of Tobit is certainly influenced by the patriarchal stories of Genesis: Isaac marries Rebecca, granddaughter of his uncle, Nahor (Gen 24:47-48); Jacob marries his cousins, Leah and Rachel (Gen 29:10-12). Undoubtedly, this was also a practice current among the Jews during Second Temple times, both in the land of Israel and abroad. But the notion that all social connections of diaspora Jews should remain with the family and clan, and that only in this way can piety be maintained, seems to be particular to the author of the book of Tobit”.

[30] Araziah đã khuyên Tobiah: “Trước khi gần gũi nhau, cả hai hãy đứng lên cầu nguyện, xin Chúa trên trời rủ lòng thương và ban ơn cứu độ cho các em…” (Tb 6,18)
[31] Joseph A. Fitzmyer, Tobit, 46-47, đã đưa ra một bản tóm lược về hình ảnh Thiên Chúa trong Sách Tobit, mà trong đó, chương 13 đóng một vai trò nổi bật. Vị học giả này viết: “The deityis recognized as the ‘God of Israel’ (13:18); ‘God of our ancestors’ (8:5); ‘the Lord of the ages’ (13:10); ‘King of ages’ (13:6). God’s ‘glory’ or ‘glorious presence’ is acknowledged (3:16; 12:12.15), and His ‘name’ is extolled (3:11; 8:5; 11:14; 12:6; 13:18). He is said to be ‘our God’ and ‘our Father’ (13:4); ‘judge of the world’ (3:2), creator of Adam and Eve (8:6). ‘Nothing escapes His hand’ (13:2). God’s attributes are extolled: “righteousness’ (3:2; 13:6); ‘majesty’ (13:1.6); ‘mercy’ (6:18; 8:16; 11:17; 13:2.5). Most of these epithets are derived from the OT itself”

http://www.kinhthanhvn.net/dan-than-xa-hoi-bai-hoc-tu-nhan-vat-tobit-lm-giuse-pham-tuan-nghia-sj