Viết Về Người Di Dân Và Ngày Quốc Tế Di Dân

                         

           

          Buổi chiều Chúa Nhật ngày 27 tháng 09 năm 2020 – một sự kiện lớn đã diễn ra tại thánh đường giáo xứ Thánh Phaolô, Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đó là ngày Quốc tế Di dân với sự có mặt của đông đảo người Công giáo di dân, các nam nữ tu sĩ, linh mục, chủng sinh.

            1. Tổng Quan Về Di Dân Ở Giáo Phận Sài Gòn

            Di dân là một vấn đề toàn cầu, là một thách thức đối với nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới. Giáo hội Công giáo là một tổ chức tôn giáo lớn, có ảnh hưởng sâu rộng tới lịch sử nhân loại hơn hai ngàn năm; vì lẽ đó, vấn đề di dân cũng là một chủ đề lớn trong công tác mục vụ của giáo hội hoàn vũ và giáo hội tại Việt Nam. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi Sài Gòn là vùng đất lý tưởng dành cho nhiều người từ mọi nơi để làm ăn, học tập và sinh sống. Từ lâu, vùng đất này được nhìn nhận là nơi tụ hội và dung nạp người dân tứ xứ[1]. Đó chính là thế mạnh hiếm có của vùng đất này, nhờ thế mà nó tiếp nhận được những tinh hoa từ mọi miền đất nước[2]. Hiện nay, Sài Gòn cùng với Hà Nội là hai đô thị đặc biệt, nên tỷ lệ gia tăng dân cư cao là điều dễ hiểu. Theo thống kê, năm 2019 dân số Sài Gòn là 8.993.082 người[3]. Trong tương lai, dân số Sài Gòn sẽ còn gia tăng bởi chính những thuận lợi về đời sống nơi đây. Làn sóng di dân vì thế cũng gia tăng không ngừng. Trong làn sóng di dân ồ ạt đó, người Công giáo chiếm một tỷ lệ khá lớn. Đây chính là khó khăn, thách thức mà các vị chủ chăn của Tổng Giáo phận Sài Gòn phải đối mặt. Vì thế, ngày Quốc tế Di dân là dịp để nhìn nhận sâu sắc hơn về những người Công giáo di dân, về đời sống và công việc của họ. Nhờ đó, các vị chủ chăn có thể tìm ra những đường lối mục vụ đúng đắn cho đàn chiên của giáo phận.

            2. Hoàn Cảnh, Lý Do Và Mục Đích Của Những Người Di Dân

            Vậy, những người di dân là những ai? Di dân là những người di chuyển nơi ăn chốn ở từ vùng này sang vùng khác với mục đích lập nghiệp, làm ăn, học tập. Một số lý do khác liên quan tới vấn đề di dân có thể vì chính trị, chiến tranh, dịch bệnh hay thiên tai. Có những người di chuyển từ nông thôn ra thành thị, có những người lại di chuyển từ quốc gia này tới quốc gia khác. Dù là di dân theo hình thức nào, theo nguyên nhân nào thì điều chính yếu của việc di cư chính là đời sống con người. Khi đời sống con người trở nên khó khăn, di dân sẽ là một điều tất yếu xảy ra sau đó. Đối với những người di dân Công giáo, đời sống hàng ngày bao gồm khía cạnh vật chất và tinh thần. Có những người sinh ra và lớn lên ở những vùng nông thôn Bắc Bộ, quanh năm suốt tháng phải lao động cực nhọc trên những cánh đồng, trên những mảnh đất hoa màu mới có được miếng ăn. Hàng ngày, họ luôn ở trong tình cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ luôn phải chịu đựng những vất vả của đời sống thôn quê để nuôi sống bản thân và gia đình. Chính vì thế, có nhiều người đã nghĩ tới việc “thoát nghèo”. Những người ở độ tuổi thanh niên, trung niên thì di cư tới Hà Nội và đặc biệt là Nam tiến để tìm công việc nơi những khu công nghiệp, nhà máy. Tại Sài Gòn, có rất nhiều khu công nghiệp. Theo thống kê của “Diễn đàn hợp tác đầu tư”, có tổng cộng 41 khu công nghiệp đang hoạt động tại vùng đất hoa lệ này[4]. Con số này không những minh chứng cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội mà còn nói lên nhu cầu cao về nhân lực nơi đây. Vì vậy mà nhiều giáo dân từ các vùng miền Bắc, miền Trung đã rời bỏ giáo xứ quê hương, để tìm đến mảnh đất hoa lệ phương Nam. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, có những em học sinh lựa chọn con đường học nghề hay con đường đại học, nhiều em cũng lựa chọn Sài Gòn là nơi học tập của mình. Sau khi hoàn tất chương trình học tập, các em có thể tìm được công việc tốt ở thành phố này. Có thể thấy Sài Gòn luôn là “vùng đất hứa” đối với người di dân nói chung và người Công giáo nói riêng. Những người Công giáo, dù là công nhân ở các khu công nghiệp hay là sinh viên ở các trường đại học thì họ đều có chung mục đích về đời sống vật chất. Họ luôn khát khao một cuộc sống no đủ, có đầy đủ tiện nghi. Nhiệm vụ của các vị chủ chăn là làm thế nào để những người giáo dân đó có điều kiện sinh sống, làm việc và học tập trên mảnh đất Sài Gòn.

            Những người Công giáo di dân không chỉ thiếu thốn vật chất mà còn thiếu thốn tinh thần. Đời sống tinh thần của họ là tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè và trên hết là đời sống đức tin của người Kitô hữu. Nhiều người giáo dân khi rời bỏ quê hương, họ chấp nhận xa gia đình, xa bạn bè, xa giáo xứ để đến nơi “đất khách quê người”. Nhiều người cảm thấy nhớ ba mẹ, nhớ người thân, nhớ bạn bè để rồi nhiều khi không thể tập trung vào công việc làm ăn và học tập. Họ có ý chí lớn để lập nghiệp nhưng đôi khi ý chí đó bị cản trở bởi những ngăn cách tình cảm, từ đó có người bỏ cuộc, không muốn tiếp tục cuộc sống ở Sài Gòn và muốn trở về quê cũ. Người ta thường nói: “An cư lạc nghiệp”. Nhiều người Công giáo khi đặt chân tới Sài Gòn, điều đầu tiên họ cần là một nơi ở. Không có nơi cư trú, nhiều người cảm thấy bất an và không thể ổn định đời sống. Ở nơi xa lạ, nhiều người sẽ cảm thấy bỡ ngỡ bởi sự khác biệt về phong tục, tập quán vùng miền. Từ chính sự bỡ ngỡ đó, họ trở nên lạc lõng, mất phương hướng. Nếu không có sự hướng dẫn và chăm sóc của các vị chủ chăn, những người giáo dân đó vô tình sẽ bị hiểu lầm, bị phân biệt đối xử bởi người dân bản xứ. Đời sống tinh thần của những người giáo dân xa quê từ đó bị giảm sút. Một điều thiết yếu nữa trong đời sống tinh thần của họ là đức tin. Khi rời xa giáo xứ ở quê nhà, nhiều người sẽ mải mê làm ăn, học hành nên bỏ quên việc thực hành đức tin Kitô giáo. Vì quá chăm chú vào công việc, nhiều người có thể sao nhãng việc cầu nguyện, việc đi lễ hay học hỏi giáo lý. Từ việc lãng quên khía cạnh thiêng liêng, họ dễ dàng bị lôi cuốn bởi những đam mê thế tục, và rồi sa vào con đường tội lỗi. Như vậy, các vị chủ chăn của giáo phận Sài Gòn cần có những giải pháp nhằm linh hướng cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu di dân.

 

           

          3. Di Dân Dưới Cái Nhìn Thần Học

          Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa của hiện tượng di dân. Dân Israel có nguồn gốc từ một Abraham vâng nghe lời mời của Chúa, đã lìa bỏ quê hương để đi tới một miền đất lạ, với niềm xác tín vào lời Chúa hứa sẽ trở thành cha của một “dân vĩ đại” (St 12,1-2). Giacop, người Aram phiêu bạt, “đã trẩy đi Ai Cập với một gia đình bé nhỏ và sống ở đó như một ngoại kiều. Nhưng cũng chính tại đó mà ông trở thành một dân tộc đông đúc, hùng mạnh và vĩ đại” (Đnl 26,5). Sau thời gian dài sống kiếp nô lệ bên Ai Cập, Dân Israel đã ý thức mình là “Dân của Chúa” và dưới sự hướng dẫn của Môsê, đã làm một cuộc Xuất hành kéo dài 40 năm trong sa mạc để tiến vào Đất Hứa. Thử thách gian khổ kiếp di dân và lưu đầy mang ý nghĩa lớn lao vì trở thành nền tảng lịch sử của dân được tuyển chọn hầu trở thành ơn cứu độ cho mọi dân nước[5].

            Xét về khía cạnh đức tin, việc nhiều người Công giáo di cư tới giáo phận Sài Gòn có thể coi là một sự hiệp thông xuất phát từ sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa, qua Thần Khí của Ngài đã đưa nhiều người tín hữu từ nhiều nơi trên đất nước quy tụ dưới mái nhà của Tổng Giáo phận Sài Gòn. Mọi người đều gặp gỡ nhau trong tình yêu Thiên Chúa, qua đó họ cũng gặp gỡ Đức Kitô bởi mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa. Các tín hữu di dân làm cho giáo phận Sài Gòn trở nên một giáo hội địa phương đặc biệt. Tính đặc biệt đó được thể hiện qua nét đa dạng về văn hóa, lối sống, đời sống đạo đức của các tín hữu di dân đến từ khắp miền đất nước. Dường như, những người Công giáo di dân đã trở thành một phần không thể thiếu của giáo phận Sài Gòn. Thông qua ngày Quốc tế Di dân tại giáo xứ Thánh Phao-lô, các cộng đoàn di dân được biến đổi cuộc đời và lãnh nhận thêm ơn lành của Chúa như trong lời bài hát “Gặp gỡ Đức Kitô”:

                                            “Gặp gỡ Đức Ki-tô, biến đổi cuộc đời mình,

                                              Gặp gỡ Đức Ki-tô, đón nhận ơn tái sinh,

                                              Gặp gỡ Đức Ki-tô, chân thành mình gặp mình,

                                              Gặp gỡ Đức Ki-tô, nảy sinh tình đệ huynh”.

            4. Kết Luận

            Giáo hội ngày nay đang trăn trở với công việc truyền giáo. Di dân là một yếu tố quan trọng để phát triển công việc truyền giáo. Trước tiên, ở góc độ chủ quan thì người tín hữu di dân cũng là những nhà truyền giáo đích thực nơi công xưởng, xí nghiệp. Vì thế, nếu những người tín hữu di dân được đào sâu về mục vụ và giáo lý, họ sẽ đem về cho giáo hội nhiều linh hồn. Tiếp theo, ở góc độ khách quan, nếu các vị chủ chăn làm tốt công tác di dân, điều đó sẽ tác động tới những người di dân ngoại giáo và họ sẽ có cái nhìn thiện cảm với giáo hội. Dù thế nào, ở góc độ chủ quan hay khách quan, việc truyền giáo phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể qua công tác di dân. Trong thời đại hôm nay, việc loan báo Tin Mừng là một thách đố lớn đối với người tín hữu, bởi đòi buộc họ phải trở thành những chứng nhân đích thực của Tin Mừng[6]. Điều này đã được Đức Phaolô VI khẳng định: “Con người ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”.

            Trong ngày Quốc tế Di dân, nơi khuôn viên của nhà thờ Thánh Phao-lô trở nên nổi bật với sắc màu vàng. Đó là màu áo của những người tham dự ngày lễ di dân. Màu vàng là màu của sự thân thiện, tuổi trẻ, niềm vui, năng lực, hạnh phúc. Với những ý nghĩa đó, có lẽ ban tổ chức của đại hội di dân muốn gửi tới một thông điệp: “Những người di dân là những con người thân thiện, có tinh thần và nhiệt huyết. Công việc giúp đỡ người di dân là công việc của toàn thể mọi người, nhất là giới trẻ và đó là công việc đem lại niềm vui và hạnh phúc cho toàn thể dân Chúa”. Xét cho cùng, ở góc độ đức tin, tất cả thành phần dân Chúa kể cả hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều là những người di dân vì chúng ta đang trên đường lữ hành tiến về Nước Trời. Thông qua ngày Quốc tế Di dân, mọi người hiểu nhau hơn, từ đó nảy nở tình yêu thương làm cho công việc mục vụ di dân trở nên phát triển hơn. Điều đó được thể hiện rõ nét qua nghi thức sai đi của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cùng với sự lung linh của những ánh nến. Đó chính là ánh sáng của Đức Kitô, ánh sáng đó sẽ chiếu soi và thắp lên hy vọng cho những người di dân.   

                    Giuse Phạm Quang Huy

 

[1] nld.com.vn/phap-luat/sai-gon-va-dan-nhap-cu (ngày 04 tháng 01 năm 2005, 02:37 PM).

[2] như trên.

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thành_phố_Hồ_Chí_Minh.

[4] diendanhoptacdautu.com/du-an-keu-goi-dau-tu/khu-cong-nghiep/danh-sach-cac-khu-cong-nghiep-thanh-pho-ho-chi-minh (thứ Tư, ngày 14 tháng 11 năm 2012).

[5] gpbuichu.org/news/Di-dan/huong-toi-mot-nen-than-hoc-di-dan (thứ Tư ngày 22 tháng 05 năm 2019, 16:11).

[6] giaophanlangson.org/news/tien-chung-vien/con-nguoi-ngay-nay-ho-can-chung-nhan-hon-thay-day (thứ Bảy ngày 29 tháng 03 năm 2019, 20:34).