Lễ Giáng Sinh, Năm A – Thánh Lễ Rạng Đông: Mừng Lễ Giáng Sinh Với Tâm Tình Đơn Sơ

LỄ GIÁNG SINH, NĂM A

MỪNG LỄ GIÁNG SINH VỚI TÂM TÌNH ĐƠN SƠ

(LỄ RẠNG ĐÔNG)

 (Is 82, 11-12 ; Tt. 3, 47 ; Lc. 2, 15-20)

Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, Ngài là đấng Emmanen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Đây là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Sự hiện diện của Đức Giêsu trong tư cách là con người đã đem lại cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng, vì từ nay, con người có thể trở nên gần gũi hơn với Thiên Chúa và có thể đụng chạm được với Ngài, điều mà trước đó không ai dám nghĩ tới!

Vì thế, để khám phá và sống mầu nhiệm Giáng Sinh cho thật ý nghĩa, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở những lễ hội đông vui hay tiệc tùng nhộn nhịp thuần túy, nhưng mỗi người hãy nghiêng mình chiêm ngưỡng để cảm nghiệm được mầu nhiệm hóa thân của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, từ đó, cũng biết suy đi nghĩ lại trong lòng như Mẹ Maria và tôn vinh Thiên Chúa như các mục đồng.

1. Chúa Giáng Sinh và các mục đồng nghèo

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối trình thuật của lễ đêm hôm qua. Nếu khởi đầu chương hai, tác giả Luca trình thuật một sự vĩ đại, khiến cả triều thần hân hoan, vui nhộn và không ngớt xướng ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”, thì bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, khung cảnh đó không còn nữa, mà chuyển sang một hướng khác, đó là diễn tả niền hân hoan của những tâm hồn đi tìm kiếm Chúa, đó là các mục đồng. Mặt khác, cũng muốn làm toát lên sự khó nghèo của một Vị Thiên Chúa vốn giàu sang, nhưng đã chấp nhận nghèo để yêu thương con người.

Thật vậy, sau khi được báo tin, các mục đồng đã hối hả ra đi đến địa điểm mà thiên thần đã báo cho họ. Khi đến nơi, mục đồng chứng kiến cảnh nghèo của Đức Mẹ và thánh Giuse cũng như của Hài Nhi. Sau đó, khi ra về, họ đã hân hoan báo tin và thuật lại những gì đã thấy, đã nghe về hài Nhi Giêsu, cuối cùng, họ đã cùng nhau ca ngơi, tôn vinh Thiên Chúa.

Các mục đồng là những người nghèo của Thiên Chúa. Họ nghèo về vật chất; bình thường bởi công việc; đơn sơ trong cách sống. Nhưng tâm hồn của họ giàu. Giàu lòng yêu mến Chúa; giàu sự liên đới và lòng yêu thương nhau. Vì thế, họ sẵn sàng mở rộng tâm hồn để đón Chúa ngự đến.

Kinh Thánh không nói họ có gì để dâng cho hài Nhi Giêsu. Nhưng chúng ta có thể thấy rất rõ rằng: nếu Hài Nhi Giêsu là quà tặng vô giá mà Thiên Chúa Cha ban tặng cho nhân loại mà họ là những người đầu tiên được hưởng, thì nơi họ, quà tặng để dâng lại cho Hài Nhi Giêsu không phải là vàng bạc châu báu; cũng chẳng pải là những bài diễn văn chúc mừng hoành tráng. Nhưng quà tặng của họ chính là sự hiện diện với trọn tâm hồn chân thành, đơn sơ của mình. Chính vì vậy, chúng ta không lạ gì khi giữa họ với biến cố Giáng Sinh của Ngôi Hai có một mối tương quan rất đặc biệt. Sự đặc biệt đó được đánh dấu qua việc hân hoan loan báo cho mọi người cũng như tôn vinh Thiên Chúa.

2. Lễ Giáng Sinh với con người thời nay

Nếu trước kia, tâm trạng khát khao, thái độ đơn sơ, thánh thiện, chân tình và sẵn sàng loan báo tin mừng Giáng Sinh cho mọi người nơi các mục đồng thật đáng kính nể và noi gương, thì ngày nay, việc mừng lễ Giáng Sinh có vẻ ngược lại!

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể:

Đêm hôm qua và những ngày trước đó, chúng ta đã thấy được tâm trạng mừng lễ Giáng Sinh khác nhau ở nhiều thành phần và địa điểm. Tại các thành phố lớn, người ta mừng lễ Giáng Sinh trước cả tháng, cả tuần với những trang trí, tiệc tùng, quà cáp, thăm hỏi. Còn những nơi thôn quê, đêm Giáng Sinh thực sự là một đêm lễ hội. Các cặp uyên ương rủ nhau, chở nhau, dắt nhau đi xem trang trí, ca hát, kịch nghệ… Tuy nhiên, khác với các mục đồng khi xưa, nhiều người ngày nay, dù thành phố hay thôn quê, dịp Giáng Sinh là thời điểm thuận lợi để ăn chơi, nhậu nhẹt và đôi khi nhân cơ hội này để thực hiện những hành vi gian xảo hay tội lỗi…

Chính vì thế, chúng ta thấy: khi phần hoan ca hay nhạc kịch mừng Giáng Sinh được trình diễn thì rất đông, nhưng đến phần diễn nguyện và thánh lễ thì chỉ còn một số người lớn tuổi hay một thành phần nhỏ khác tham dự.

Những diễn biến đó có thể cũng làm cho chúng ta vui vui, bởi lẽ cách nào đó, con người ngày nay vẫn còn nhớ đến lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, nó luôn làm cho chúng ta phải suy nghĩ, xót xa đến băn khoăn!

Băn khoăn bởi lẽ: ngày nay, khi kinh tế thị trường phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, nhu cầu của con người được cải thiện, gia cảnh nghèo như gia đình Thánh Gia khi xưa có lẽ hiếm gặp!

Tuy nhiên, lẽ ra, nhờ sự giàu có với đầy đủ tiện nghi, con người sẽ có nhiều cơ hội để được mừng lễ Giáng Sinh thật ý nghĩa và giá trị hơn bao giờ hết! Nhưng chớ trêu thay, chính sự giàu có đã làm cho con người ta thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm với nhau và ngay cả với Thiên Chúa. Sứ điệp Giáng Sinh vẫn chỉ là sứ điệp chết của một biến cố, sự kiện cách đây hơn 2000 năm, chứ không phải là sứ điệp sống nơi trái tim cũng như lương tâm của con người.

Đứng trước thực trạng đó, chúng ta hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi như: mỗi dịp lễ Giáng Sinh về, liệu mầu nhiệm quan trọng này có để lại nơi tâm hồn mình điều gì không hay chỉ là cơ hội vui chơi giải trí? Sứ điệp yêu thương có còn là điều quan trọng của việc Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh làm người hay chỉ là một biến cố lịch sử để rồi đến và lại đi như một kỷ niệm thuần túy? Nhất là, liệu có mấy ai khám phá ra sứ điệp Chúa muốn gửi đến cho riêng mình qua những gì mắt thấy, tại nghe? Có mấy ai hối hả đi tìm Chúa như các mục đồng khi xưa? Có mấy ai khao khát được sống mầu nhiệm tự hủy của Hài Nhi Giêsu? Và, có mấy ai tự hỏi: tâm hồn tôi có còn chỗ cho Chúa đến viếng thăm hay không?

Những câu hỏi đó làm cho lòng chúng ta trùng xuống ngay trong những niềm vui nhộn nhịp bên ngoài còn dang dở! Tuy nhiên, là người Công Giáo đích thực, chúng ta không thể sống như những người không có niềm tin. Là người Kitô hữu, chúng ta không thể sống như những người không thuộc về Đức Giêsu.

Vì thế, mỗi dịp Giáng Sinh về, chúng ta hãy nghiêm túc ngồi lại để suy tư và cật vấn lương tâm mình với những câu hỏi như thế, ngõ hầu chúng ta thêm ý thức mỗi khi đón Chúa Giáng Sinh.

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy trở nên con đường để cho Chúa đến và tâm hồn hãy trở thành máng cỏ cho Ngôi Hai cư ngụ. Tuy nhiên, con đường đó phải là con đường đẹp và sạch. Đẹp với sự đơn sơ, khiêm nhường và khao khát. Sạch với tâm hồn trong trắng không vướng mắc tội lỗi.

Những con đường đó, chúng ta gặp thấy nơi Mẹ Maria, thánh Giuse và các mục đồng. Nơi các ngài không hề có sự kiêu ngạo, tự tôn, vênh vang… mà là một con người với tâm hồn khiêm nhường. Nơi các ngài rất đơn sơ, không có gì để dâng cho Chúa, thì các ngài đã dâng cho Chúa trọn cả tâm hồn trong trắng, thánh thiện.

Thái độ để đón Chúa cách xứng hợp nhất, chính là tâm tình sám hối. Khi sám hối, chúng ta thể hiện rõ nhất lòng khao khát đón Chúa ngự vào. Chỉ khi nào chúng ta sám hối, thay đổi lối sống cũ, thì khi đó chúng ta mới gặp được Chúa như các mục đồng, nếu không, chúng ta cũng chỉ như Hêrôđê, đó là: muốn gặp mà không được gặp vì lương tâm không trong sáng.

Nếu không làm một cuộc đổi đời thực sự, có lẽ chúng ta mãi mãi là người đi tìm Chúa cách vô định, bởi vì tự căn, chúng ta bị mâu thuẫn, tức là một mặt muốn đi tìm Chúa, mặt khác lại muốn lẩn tránh Ngài.

Như vậy, mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy noi gương các mục đồng, đó là: khao khát đến gặp Chúa; cảm nghiệm được tình thương của Chúa; giới thiệu tình thương ấy cho anh chị em, và, cuối cùng, hãy tôn vinh  lòng thương xót Chúa. Đồng thời, biết noi gương Mẹ Maria, đó là: hãy trân trọng, âm thầm và sâu lắng dể suy đi nghĩ lại trong lòng những mầu nhiệm xót thương của Thiên Chúa, để rồi cũng biết sống tinh thần mầu nhiệm ấy ngang qua cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Mẹ Maria và thánh cả Giuse, xin cho chúng con lãnh nhận được nhiều ơn ích của mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh. Amen.

Tu sĩ: Jos.Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.