Toàn văn cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Iraq về Roma
Lòng bác ái, tình yêu và tình huynh đệ là con đường cần đi. Đức Thánh Cha đã nói điều này trong cuộc trò chuyện với các nhà báo trên chuyến bay từ Baghdad về Roma, sau chuyến đi lịch sử bốn ngày đến Iraq. Đức Phanxicô kể lại những ấn tượng của mình về cuộc gặp với Đại Ayatolla Al Sistani, cảm xúc trước những nhà thờ bị phá hủy ở Mosul và nói rằng ngài đã hứa với Đức Thượng phụ Bechara Rai sẽ có một chuyến viếng thăm Li-băng. Khi bắt đầu cuộc gặp, Đức Thánh Cha chào mừng Đức ông Dieunonné Datonou, điều phối viên mới về các chuyến tông du của Đức Giáo hoàng, người mà ngài gọi là “cảnh sát trưởng mới”. Sau đó, ngài nói với các nhà báo như sau: “Trước hết, cảm ơn quý vị vì công việc, sự đồng hành và sự mệt mỏi của các bạn. Hôm nay là Ngày Phụ nữ, xin chúc mừng các chị em phụ nữ! Trong cuộc gặp với phu nhân của Tổng thống Iraq, họ đã nói về lý do tại sao không có ngày của nam giới. Tôi đã nói: nhưng vì đàn ông chúng ta luôn luôn mừng lễ! Phu nhân của Tổng thống đã nói với tôi về phụ nữ, bà ấy nói những điều tốt đẹp ngày nay, về sức mạnh mà các phụ nữ có để tiếp tục cuộc sống, lịch sử, gia đình, nhiều thứ.
1. Thưa Đức Thánh Cha, hai năm trước tại Abu Dhabi, đã có một cuộc gặp gỡ với Imam Al Tayyeb của Al Azhar và việc ký kết Tuyên ngôn về tình huynh đệ. Ba ngày trước, ngài đã gặp Đại Ayatollah Al Sistani: chúng ta có thể nghĩ về điều gì đó tương tự cả với Hồi giáo Shiite không? Và câu hỏi thứ hai về Li-băng: Thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng nó không chỉ là một quốc gia mà còn là một thông điệp. Ngày nay, thật không may, với tư cách là một người Li-băng, con thưa với Đức Thánh Cha rằng thông điệp này hiện đang biến mất. Ngài sẽ sớm có chuyến thăm Li-băng chứ?
Tài liệu của Abu Dhabi ngày 4 tháng 2 đã được chuẩn bị với Đại Imam cách bí mật, trong sáu tháng, bằng cầu nguyện, suy tư và sửa chữa văn bản. Đó là – nói cách hơi tự phụ, hãy coi nó như một giả định – một bước đầu tiên của những gì bạn hỏi tôi. Chúng ta có thể nói rằng đây sẽ là lần thứ hai và sẽ có những lần khác. Con đường của tình huynh đệ là quan trọng. Tài liệu Abu Dhabi để lại trong tôi sự khắc khoải về tình huynh đệ, và rồi Thông điệp “Fratelli tutti” – Tất cả anh em – ra đời. Cả hai tài liệu đều phải được nghiên cứu vì chúng đi theo cùng một hướng, trên con đường của tình huynh đệ. Ayatollah Al Sistani có một cụm từ mà tôi cố gắng nhớ kỹ: Con người hoặc là anh em theo tôn giáo hoặc bình đẳng bởi được tạo thành. Trong tình huynh đệ là bình đẳng, nhưng chúng ta không thể đi xa hơn nếu không có bình đẳng. Tôi tin rằng đó cũng là một con đường văn hóa. Ví dụ chúng ta hãy nghĩ về các Ki-tô hữu chúng ta, về cuộc Chiến tranh Ba mươi năm, về đêm của Thánh Bartolomeo. Chúng ta thay đổi não trạng thế nào: bởi vì đức tin của chúng ta giúp chúng ta khám phá ra rằng chính mặc khải của Chúa Giê-su là tình yêu và lòng bác ái và dẫn đưa chúng ta đến điều này: nhưng cần bao nhiêu thế kỷ để thực hiện chúng! Đây là điều quan trọng, tình huynh đệ của con người, mọi người đều là anh em, và chúng ta phải tiến bước với các tôn giáo khác.
Công đồng Vatican II đã thực hiện một bước tiến lớn trong việc này, và các tổ chức sau đó, Hội đồng Hiệp nhất các Kitô hữu và Hội đồng Đối thoại Liên tôn. Đức Hồng Y Ayuso đồng hành với chúng ta hôm nay. Bạn là con người, bạn là con của Chúa và bạn là anh em của tôi! Đây sẽ là dấu hiệu tốt nhất, và nhiều khi người ta phải chấp nhận rủi ro để thực hiện bước này. Bạn biết rằng có một số chỉ trích: rằng Giáo hoàng không can đảm, ngài là một người liều lĩnh đang đi ngược lại với giáo lý Công giáo, tức là gần trở thành lạc giáo, có những rủi ro. Nhưng những quyết định này luôn được thực hiện trong cầu nguyện, đối thoại, xin lời khuyên và suy tư. Chúng không phải là một ý thích bất chợt và chúng cũng là điều mà Công đồng đã dạy.
Tôi đến với câu hỏi thứ hai: Li-băng là một thông điệp, Li-băng đau khổ, Li-băng không chỉ là một sự cân bằng, nó có điểm yếu là sự đa dạng, một số vẫn chưa được hòa giải, nhưng nó có sức mạnh của dân tộc hòa giải vĩ đại, như pháo đài của những cây hương nam. Trong chuyến đi này, Đức Thượng phụ Rai đã đề nghị tôi dừng lại ở Beirut, nhưng đối với tôi nó có vẻ hơi ngắn … Một mảnh nhỏ trước một vấn đề, ở một đất nước đang gặp nhiều khó khăn như Li-băng. Tôi đã viết thư cho ngài, hứa rằng sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm. Nhưng Li-băng lúc này đang gặp khủng hoảng, gặp khủng hoảng – tôi không muốn xúc phạm – khủng hoảng về sự sống. Li-băng rất quảng đại trong việc chào đón những người tị nạn.
2. Ở mức độ nào cuộc gặp gỡ với Ayatollah Al Sistani cũng là một thông điệp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo của Iran?
Tôi tin rằng đó là một thông điệp hoàn vũ. Tôi đã cảm thấy nghĩa vụ thực hiện cuộc hành hương đức tin và sám hối này và đi gặp một nhà đại thông thái, một con người của Thiên Chúa: chỉ cần lắng nghe ngài chúng ta cảm nhận được điều này. Nói về thông điệp, tôi muốn nói đó là thông điệp dành cho tất cả mọi người, và ngài cũng là một người có sự khôn ngoan và thận trọng đó. Ngài nói với tôi: “10 năm rồi tôi không tiếp những người đến thăm tôi với mục đích chính trị và văn hóa… chỉ những người có mục đích tôn giáo. Và ngài tỏ ra rất tôn trọng, rất tôn trọng trong cuộc gặp gỡ. Tôi cảm thấy vinh dự. Ngay cả lúc chào hỏi, ngài cũng không bao giờ đứng dậy … Nhưng ngài đã đứng dậy chào tôi, hai lần, một người khiêm tốn và khôn ngoan, và cuộc gặp gỡ này làm tâm hồn tôi cảm thấy vui. Đó là ánh sáng, và những nhà hiền triết này ở khắp mọi nơi vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được gieo vãi khắp thế giới. Điều tương tự cũng xảy ra với các vị thánh, không chỉ là những vị thánh trên bàn thờ. Nó xảy ra hàng ngày, những người mà tôi gọi là các thánh ở nhà bên cạnh, những người nam nữ sống đức tin của họ, bất kể họ là ai, với sự nhất quán. Những người sống cách nhất quán các giá trị nhân văn, tình huynh đệ. Tôi nghĩ chúng ta cần khám phá những người này, làm cho người ta thấy gương sáng của họ, bởi vì có rất nhiều tấm gương … Khi có rất nhiều vụ bê bối cả trong Giáo hội, và điều này không giúp ích gì, nhưng chúng ta hãy chỉ cho những người đang tìm kiếm con đường của tình huynh đệ thấy các vị thánh ở bên cạnh, và chúng ta chắc chắn sẽ tìm thấy những người trong gia đình chúng ta, một số ông bà nội ngoại.
3. Chuyến tông du của ngài đã có một tác động rất lớn trên toàn thế giới, ngài có nghĩ rằng đó có thể là “cuộc hành trình” của triều đại giáo hoàng không? Nó cũng được cho là rủi ro nhất. Có lúc nào trong chuyến đi của mình ngài lo sợ không? Ngài sắp kỷ niệm năm thứ tám của triều đại Giáo hoàng, ngài có vẫn còn nghĩ là triều đại Giáo hoàng của ngài sẽ rất ngắn không? Cuối cùng, một câu hỏi quan trọng: ngài sẽ trở lại Argentina một lần chứ?
Tôi bắt đầu với câu cuối cùng, câu hỏi … mà tôi hiểu và được kết nối với cuốn sách của nhà báo Nelson Castro, bạn tôi, một bác sĩ. Ông ấy đã viết một cuốn sách về các căn bệnh của các vị tổng thống và có một lần tôi đã nói với ông ấy rằng: nhưng nếu ông đến Roma, ông phải viết một cuốn sách về bệnh của các Giáo hoàng, bởi vì sẽ rất thú vị khi biết các bệnh của họ, ít nhất là của một số vị trong thời gian gần đây. Ông ấy đã phỏng vấn tôi, và một cuốn sách ra đời: họ nói với tôi sách đó hay nhưng tôi chưa xem. Ông ấy hỏi tôi một câu: “Nếu từ chức, ngài sẽ quay trở về Argentina hay sẽ ở lại đây?” Tôi nói: Tôi sẽ không trở về lại Argentina, nhưng tôi sẽ ở lại đây trong giáo phận của tôi. Nhưng trong giả thuyết đó, câu trả lời được kết hợp với câu hỏi.
Khi nào tôi đi Argentina hay tại sao tôi không đi … Tôi luôn trả lời một cách hài hước rằng: Tôi đã ở Argentina 76 năm, vẫn chưa đủ sao? Có một điều mà tôi không biết tại sao lại không được nói ra: một chuyến viếng thăm Argentina đã được lên kế hoạch vào tháng 11 năm 2017. Chúng tôi đã bắt đầu làm việc, chúng tôi đã lên kế hoạch thăm Chile, Argentina và Uruguay. Đó là vào cuối tháng 11… Nhưng khi đó Chile đang trong chiến dịch bầu cử, khi đó, vào tháng 12, người kế nhiệm Michelle Bachelet đã được bầu, và tôi phải đi trước khi thay đổi chính phủ. Vì vậy tôi không thể đi. Chúng tôi đã nghĩ làm như thế này: chúng tôi đi Chile vào tháng 1, sau đó đến Argentina và Uruguay… Nhưng không thể, vì tháng 1 giống như tháng 7-tháng 8 ở hai quốc gia này. Khi suy nghĩ lại về sự việc, gợi ý được đưa ra: tại sao không kết hợp với Peru? Bởi vì Peru đã bị tách khỏi chuyến thăm Ecuador, Bolivia, Paraguay. Nó đã bị gạt sang một bên. Và từ đó chuyến đi vào tháng 1/2018 tới Chile và Peru đã ra đời. Nhưng tôi muốn nói điều này để không có những tưởng tượng về “chứng sợ hãi quê hương”: khi nào có cơ hội thì có thể thực hiện, vì có Argentina, Uruguay, và miền nam Brazil.
Tiếp đến về các chuyến viếng thăm: Để đưa ra quyết định thực hiện các cuộc viếng thăm, tôi lắng nghe, tôi lắng nghe lời khuyên của các cố vấn và đôi khi có người đến và tôi nói: bạn nghĩ sao, tôi có nên đi đến nơi đó? Lắng nghe là điều rất tốt cho tôi; nó giúp tôi đưa ra quyết định sau đó. Tôi lắng nghe các cố vấn và cuối cùng tôi cầu nguyện, tôi suy tư rất nhiều về một số chuyến đi. Sau đó, quyết định đến từ trong lòng, từ trong ruột, gần như tự phát, nhưng như một kết quả chín mùi. Đó là một chặng đường dài. Một số chuyến đi khó quyết định hơn, một số dễ hơn.
Quyết định về chuyến đi này trước hết xuất phát từ bà đại sứ, bác sĩ nhi khoa, người đại diện Iraq: bà rất giỏi, bà kiên trì. Sau đó, bà đại sứ ở Ý đến, bà là một người phụ nữ của đấu tranh. Sau đó, đại sứ mới cạnh Vatican đến. Trước đó Tổng thống Iraq đã đến. Tất cả những điều này đã lưu lại trong lòng tôi. Nhưng có một điều đằng sau quyết định mà tôi muốn đề cập: một trong số các bạn đã đưa cho tôi ấn bản tiếng Tây Ban Nha mới nhất của cuốn sách “Cô gái cuối cùng” của Nadia Mourad. Tôi đã đọc nó bằng tiếng Ý, nó là câu chuyện của những người Yazidis. Và Nadia Mourad kể những điều kinh hoàng. Tôi khuyên các bạn nên đọc nó, ở một số chỗ, nó có vẻ nặng nề, nhưng đối với tôi đây là lý do căn bản cho quyết định của tôi. Cuốn sách đó đã hoạt động trong lòng tôi. Ngay cả khi tôi lắng nghe Nadia, người đã đến kể cho tôi nghe một số điều khủng khiếp… Tất cả những điều này chung với nhau đã đưa đến quyết định, suy nghĩ về tất cả các vấn đề, rất nhiều. Nhưng cuối cùng quyết định đã đến và tôi đã làm.
Vào năm thứ tám của triều đại giáo hoàng. Tôi nên làm điều này không? Tôi không biết là các chuyến đi có thành hiện thực hay không, chỉ thú thật là trong chuyến viếng thăm này tôi mệt hơn những chuyến khác rất nhiều. 84 tuổi không đến một mình, đó là một hệ quả … nhưng chúng ta sẽ xem. Bây giờ tôi sẽ phải đi Hungary để tham dự Thánh lễ cuối cùng của Đại hội Thánh Thể Quốc tế, không phải là một chuyến thăm đất nước, nhưng chỉ để dâng Thánh lễ. Nhưng Budapest cách Bratislava hai giờ lái xe, tại sao không đến thăm Slovakia? Mọi thứ đến như thế…
4. Chuyến đi này có một ý nghĩa đặc biệt đối với những người có thể nhìn thấy nó, nhưng nó cũng là một cơ hội lây lan virus, đặc biệt là với những người tập trung đông đúc cùng nhau. Ngài có lo lắng họ có thể bị bịnh và chết vì muốn gặp ngài không?
Như tôi đã nói trước đó, các chuyến đi được “nung nấu” theo thời gian trong ý thức của tôi, và đây là một trong những điều khiến tôi trở nên mạnh mẽ. Và đại dịch này là một trong những điều khiến tôi tự hỏi trong đầu, có thể là, có thể là… Tôi đã cầu nguyện rất nhiều về điều này và cuối cùng tôi đã đưa ra quyết định thực sự đến từ trong nội tâm. Và tôi đã nói, ‘Đấng hướng dẫn tôi đưa ra quyết định, hãy để Người chăm sóc cho mọi người’. Tôi đã quyết định, nhận thức về những rủi ro. Sau tất cả mọi việc.
5. Chúng ta đã thấy lòng dũng cảm, sự năng động của các Kitô hữu Iraq, chúng ta cũng thấy những thách thức mà họ phải đối mặt, mối đe dọa của bạo lực Hồi giáo, xuất cư và chứng tá đức tin trong môi trường của họ. Đây là những thách thức mà các Ki-tô hữu trong toàn khu vực phải đối mặt. Chúng ta đã nói về Li-băng, nhưng cả Syria, Thánh địa. Một thượng hội đồng về Trung Đông đã được tổ chức cách đây mười năm nhưng nó đã bị gián đoạn bởi cuộc tấn công vào nhà thờ chính tòa Baghdad. Ngài có nghĩ đến việc thực hiện điều gì đó cho toàn vùng Trung Đông, một công đồng miền hay bất kỳ sáng kiến nào khác không?
Tôi không nghĩ đến một Thượng Hội Đồng, tôi sẵn sàng đón nhận nhiều sáng kiến nhưng không nghĩ đến một Thượng Hội Đồng. Bạn đã gieo hạt giống đầu tiên, chúng ta hãy đợi xem. Cuộc sống của các Ki-tô hữu gặp nhiều khó khăn, nhưng không chỉ có các Ki-tô, chúng ta đã nói về những người Yazidis… Và điều này, tôi không biết tại sao, đã cho tôi một sức mạnh rất lớn. Có vấn đề về di cư. Hôm qua khi chúng tôi đi xe từ Qaraqosh về lại Erbil, tôi thấy rất nhiều người, những người trẻ tuổi, tuổi còn rất trẻ. Và câu hỏi ai đó đã hỏi tôi: đâu là tương lai cho những người trẻ này? Họ sẽ đi đâu? Nhiều người sẽ phải rời bỏ đất nước. Trước khi khởi hành chuyến đi vào thứ Sáu, mười hai người tị nạn Iraq đã đến chào từ biệt tôi: một người mang chân giả vì anh ta chạy trốn từ các xe vận tải và gặp tai nạn. Di cư là quyền kép: quyền không di cư, quyền di cư. Những người này không có quyền nào, bởi vì họ không thể không di cư, cũng không biết phải làm như thế nào. Và họ không thể di cư vì thế giới vẫn chưa nhận thức được rằng di cư là nhân quyền. Lần trước, một nhà xã hội học người Ý đã nói với tôi về mùa đông dân số ở Ý: trong vòng bốn mươi năm nữa, chúng ta sẽ phải “nhập khẩu” người nước ngoài vào làm việc và trả thuế cho lương hưu của chúng ta. Người Pháp các bạn khôn hơn, các bạn đã đi trước 10 năm bằng luật hỗ trợ gia đình, mức độ tăng trưởng của các bạn rất lớn.
Nhưng di cư bị coi như một cuộc xâm lược. Hôm qua, sau Thánh lễ, tôi đã muốn gặp cha của Alan Kurdi, vì ông ấy đã yêu cầu. Đứa bé này là một biểu tượng, Alan Kurdi: vì thế tôi đã tặng bức tượng điêu khắc cho FAO. Nó là một biểu tượng vượt trên sự kiện một em bé đã chết trong cuộc di cư. Nó là biểu tượng của những nền văn minh đang chết dần chết mòn, không thể tồn tại, là biểu tượng của nhân loại. Cần có biện pháp cấp bách để đảm bảo người dân có việc làm tại chỗ và không cần phải di cư và cũng có các biện pháp bảo vệ quyền được di cư. Đúng ra, quốc gia nào cũng phải nghiên cứu kỹ khả năng tiếp nhận, bởi vì không chỉ tiếp nhận mà còn đồng hành, giúp họ tiến bộ và hội nhập. Sự hòa nhập của người di cư là yếu tố quan trọng. Hai giai thoại: ở Zaventem của Bỉ, những kẻ khủng bố là người Bỉ, sinh ra ở Bỉ nhưng là những người nhập cư sống cô lập, không hòa nhập. Một ví dụ khác, tôi đến Thụy Điển, khi tôi rời khỏi đất nước, vị bộ trưởng chào từ giã tôi còn rất trẻ và có một tướng mạo đặc biệt, không phải là người Thụy Điển điển hình. Bà ấy là con gái của một người di cư và một người Thụy Điển, nhưng đã hòa nhập và đã trở thành một bộ trưởng. Chúng ta hãy suy nghĩ hai điều này, chúng sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều: hòa nhập. Về vấn đề di cư, điều mà tôi tin rằng là thảm kịch của khu vực, tôi muốn cảm ơn các quốc gia quảng đại tiếp nhận người di cư: Li-băng, nơi tôi nghĩ rằng có hai triệu người Syria; Jordan, tiếc là chúng ta sẽ không đi ngang qua nó và quốc vương muốn tỏ lòng quý mến với chúng ta bằng những chiếc máy bay khi chúng ta đi qua, là quốc gia rất quảng đại: hơn một triệu rưỡi người di cư. Cảm ơn những quốc gia quảng đại này! Cảm ơn rất nhiều!
6. Trong ba ngày tại quốc gia trọng điểm ở Trung Đông này, ngài đã làm được điều mà các cường quốc trên trái đất đã bàn luận trong ba mươi năm. Ngài đã giải thích nguồn gốc thú vị của các chuyến viếng thăm của ngài, sự lựa chọn của các chuyến viếng thăm nảy sinh như thế nào, nhưng bây giờ trong tình huống ngẫu nhiên này, nhìn sang Trung Đông, ngài có thể nghĩ đến một chuyến thăm Syria không? Trong vòng một năm tới, đâu là những đối tượng của ngài đối với những nơi khác mà họ xin ngài viếng thăm?
Ở Trung Đông, chỉ có giả thuyết, và cũng là lời hứa, là Li-băng. Tôi không nghĩ về chuyến đi đến Syria, bởi vì tôi chưa có cảm hứng. Nhưng tôi rất gần gũi với đất nước Syria đầy đau khổ và yêu dấu, như tôi gọi nó. Tôi nhớ vào đầu triều đại Giáo hoàng của tôi, buổi chiều hôm đó cầu nguyện tại Quảng trường thánh Phêrô, có lần chuỗi Mân Côi, chầu Mình Thánh Chúa. Và có bao nhiêu người Hồi giáo với những tấm thảm trên mặt đất cầu nguyện với chúng tôi cho hòa bình ở Syria, cho việc ngừng ném bom, vào thời điểm đó khi người ta nói rằng sẽ có một cuộc ném bom ác liệt. Tôi mang cả Syria vào trái tim mình. Nhưng tôi không nghĩ về một chuyến viếng thăm.
7. Trong những ngày tháng này, hoạt động của ngài rất hạn chế. Hôm qua, ngài đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp gần gũi đầu tiên với những người dân ở Qaraqosh: ngài cảm thấy điều gì? Theo ngài, hiện nay với tình trạng sức khỏe như hiện tại, các buổi tiếp kiến chung với dân chúng, với các tín hữu, liệu có thể bắt đầu lại như trước không?
Tôi cảm thấy khác khi xa cách người dân trong các buổi tiếp kiến. Tôi muốn bắt đầu lại các buổi tiếp kiến chung càng sớm càng tốt. Hy vọng rằng các điều kiện sẽ phù hợp; về vấn đề này tôi thực hiện các quy định của các cơ quan chức năng. Họ phụ trách và họ có ơn Chúa để giúp chúng ta trong việc này, họ chịu trách nhiệm đưa ra các quy định. Chúng ta thích hay không thì họ là người chịu trách nhiệm và họ phải làm điều đó. Bây giờ tôi đã bắt đầu lại với việc đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường, với những khoảng cách có thể được thực hiện. Có đề nghị thực hiện các buổi tiếp kiến chung ở mức độ ít người, nhưng tôi vẫn chưa quyết định cho đến khi tình hình phát triển rõ ràng.
Sau những tháng ngày bị giam cầm, tôi thực sự cảm thấy mình hơi bị tù túng, chuyến đi này đối với tôi là sống lại. Sống lại vì nó đang chạm vào Giáo hội, chạm vào dân thánh của Thiên Chúa, chạm vào mọi dân tộc. Một linh mục trở thành linh mục để phục vụ, để phục vụ dân Chúa, không phải vì quyền lợi, không phải vì tiền bạc. Sáng nay, trong Thánh lễ có bài đọc Kinh Thánh về việc chữa lành cho ông Naaman người Syria. Ông Naaman muốn tặng quà sau khi được chữa lành. Nhưng tiên tri Ê-li-sê đã từ chối. Kinh Thánh kể tiếp: khi họ rời đi, tiểu đồng của ngôn sứ Ê-li-sê đã vội vã đi theo Naaman và xin quà cho ông. Và Thiên Chúa phán, “căn bệnh phong cùi mà ông Naaman mắc phải sẽ đeo bám ngươi.” Tôi sợ rằng chúng ta, những người nam và người nữ của Giáo Hội, đặc biệt là các linh mục, không có sự gần gũi nhưng không này với dân của Chúa, Đấng cứu độ chúng ta. Và giống như người hầu của Naaman: vâng, giúp đỡ, nhưng sau đó quay lại lấy quà. Tôi sợ bệnh phong đó. Và Đấng duy nhất cứu chúng ta khỏi bệnh phong hủi của sự thèm muốn, kiêu ngạo là dân thánh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói với Đa-vít, “Ta đã đưa ngươi ra khỏi đoàn chiên, đừng quên đoàn chiên.” Điều đó Phao-lô đã nói với Ti-mô-thê: “Hãy nhớ mẹ và bà của anh, những người đã nuôi dưỡng anh trong đức tin,” nghĩa là, đừng đánh mất tư cách thành viên trong đoàn dân Chúa để trở thành một đẳng cấp đặc quyền của những người được thánh hiến, các giáo sĩ, hay bất cứ điều gì. Việc tiếp xúc với mọi người giúp cứu chúng ta, giúp chúng ta. Chúng ta ban Bí tích Thánh Thể, giảng dạy, sự phục vụ của chúng ta, nhưng họ cho chúng ta được thuộc về. Chúng ta đừng quên sự thuộc về dân Chúa.
Tôi đã gặp điều gì ở Iraq, ở Qaraqosh? Tôi đã không tưởng tượng ra những tàn tích của Mosul, tôi thực sự không tưởng tượng được …. Vâng, tôi có thể đã nhìn thấy những thứ, có thể tôi đã đọc cuốn sách, nhưng điều này chạm vào, nó đang chạm vào [những tàn tích]. Điều khiến tôi xúc động nhất là chứng từ của một bà mẹ ở Qaraqosh. Một linh mục thực sự biết nghèo khó, phục vụ, sám hối, và một phụ nữ mất con trai trong vụ đánh bom đầu tiên của Isis đã trình bày chứng từ của họ. Cô ấy nói một từ: tha thứ. Tôi rất cảm động. Một người mẹ nói: Tôi tha thứ, tôi cầu xin sự tha thứ cho họ. Tôi nhớ lại chuyến viếng thăm Colombia, về cuộc gặp gỡ ở Villavicencio, nơi rất nhiều người, trên hết là phụ nữ, các bà mẹ và con dâu, kể lại kinh nghiệm của họ về các vụ sát hại con và chồng của họ. Họ nói, “Tôi tha thứ, tôi tha thứ.” Chúng ta đã đánh mất lời đó, chúng ta rất biết cách xúc phạm, chúng ta rất biết lên án, tôi là người đầu tiên. Nhưng để tha thứ … để tha thứ cho kẻ thù của mình, đó là Phúc Âm tinh tuyền. Đó là điều khiến tôi ấn tượng nhất ở Qaraqosh.
8. Con muốn biết ngài cảm thấy thế nào khi nhìn thấy thành phố Mosul bị phá hủy và sau đó cầu nguyện trong đống đổ nát của một nhà thờ. Nếu có thể, vì là Ngày Phụ nữ, con cũng muốn hỏi một chút về phụ nữ. Ngài đã ủng hộ những người phụ nữ ở Qaraqosh bằng những lời lẽ rất đẹp, nhưng ngài nghĩ sao về việc một phụ nữ Hồi giáo yêu và không thể kết hôn với một Ki-tô hữu mà không bị gia đình ruồng bỏ hoặc tệ hơn?
“Về Mosul, tôi đã nói một chút “nhân tiện” những gì tôi cảm thấy. Tôi dừng lại trước nhà thờ bị phá hủy, tôi không nói được lời nào. Không thể tin được, không thể tin được … Không chỉ nhà thờ đó mà các nhà thờ khác, thậm chí một nhà thờ Hồi giáo bị cũng bị phá hủy. Bạn có thể nói là (thủ phạm) không đồng ý với những người dân này. Không thể tin được sự tàn ác của con người chúng ta. Ngay bây giờ, tôi không muốn nói từ đó, chúng ta đang bắt đầu lại: hãy nhìn vào Châu Phi. Và với kinh nghiệm của chúng ta về Mosul, những nhà thờ này đã bị phá hủy và mọi thứ, nó tạo ra thù hận, chiến tranh, và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đang bắt đầu hoạt động trở lại. Điều này thật tồi tệ, rất tồi tệ. Một câu hỏi nảy ra trong đầu tôi trong nhà thờ là: ai đã bán vũ khí cho những kẻ hủy diệt này? Tại sao họ không tự chế tạo vũ khí ở nhà. Đúng, họ chế tạo một số thiết bị nổ … Nhưng ai bán vũ khí? Ai chịu trách nhiệm? Ít nhất tôi nên yêu cầu những người bán súng này thành thực nói rằng: chúng tôi bán súng. Họ đừng nói vậy. Thật xấu xa.
Bây giờ đến phụ nữ. Phụ nữ dũng cảm hơn đàn ông, nhưng điều đó đã luôn như vậy. Nhưng ngay cả ngày nay phụ nữ vẫn bị hạ nhục. Có người trong số các bạn đã cho tôi xem bảng giá dành cho phụ nữ (do Isis chuẩn bị, những người đang mua phụ nữ Ki-tô giáo và người Yazidi). Tôi không thể tin được: nếu phụ nữ là thế này, tùy theo tuổi,họ có giá cao đến thế … Phụ nữ bị bán, phụ nữ bị nô lệ. Ngay cả ở trung tâm Roma, công việc chống buôn người là công việc thường ngày. Trong Năm Thánh, tôi đã đến thăm một trong nhiều ngôi nhà của tổ chức của cha Benzi. Những cô gái được chuộc về, một người bị cắt tai vì không mang theo tiền vào ngày hôm đó, người còn lại được chở đến từ Bratislava trong cốp xe hơi, một người nô lệ, bị bắt cóc. Điều này xảy ra giữa chúng ta! Việc buôn bán người.
Ở những quốc gia này, đặc biệt là ở một phần của châu Phi, việc cắt âm hộ như một nghi lễ phải được thực hiện. Nhưng phụ nữ vẫn là nô lệ và chúng ta phải chiến đấu, đấu tranh, vì phẩm giá của phụ nữ. Họ là những người mang lịch sử tiến bước, đây không phải là một lời nói quá, phụ nữ mang lịch sử tiến bước và đó không phải là một lời khen ngợi vì hôm nay là Ngày Phụ nữ. Ngay cả chế độ nô lệ cũng như vậy, việc từ chối phụ nữ … Chỉ cần nghĩ rằng có những nơi đang diễn ra cuộc tranh luận về việc nên chối bỏ một người vợ bằng văn bản hay chỉ bằng lời nói. Thậm chí họ không có quyền có hành vi thoái thác! Điều này đang xảy ra ngày nay, nhưng để giúp chúng ta không đi lạc đề, hãy nghĩ đến chuyện xảy ra ở trung tâm của Roma, về những cô gái bị bắt cóc và bị bóc lột. Tôi nghĩ rằng tôi đã nói tất cả về điều này. Tôi cầu chúc các bạn một kết thúc tốt đẹp cho cuộc hành trình của các bạn và tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi.