TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN
HIỆP HỘI THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI
881/4 CMT8, P.7, Q. Tân Bình, TP. HCM
ĐT: 028.3970.8814; email: [email protected]
SỐ 01/TMV/03/21/TPT
THƯ MỤC VỤ THÁNG 03 NĂM 2021
Quí Cha, Quí Thầy Và Quí Anh Em Rất Thân Mến,
Truyền thống của Giáo Hội là dành tháng 03, để kính Thánh Giuse cách riêng. Đặc biệt năm nay Đức Giáo Hoàng mở năm thánh để kính nhớ và học hỏi các nhân đức của Thánh Giuse.
Thánh Giuse đã được Đức Francis nhắc lại trong lời kinh mỗi ngày trong hơn 40 năm. Sau kinh sáng, tôi đều đọc một kinh cầu nguyện Thánh Giuse trích trong quyển sách kinh Pháp vào thế kỷ XIX của dòng nữ tu Chúa Giêsu và Mẹ Maria . Kinh này nói lên lòng yêu mến, tin tưởng và thậm chí còn đặt ra một thách đố cho Thánh Giuse nữa:
Lạy Thánh Giuse tổ phụ vinh hiển là Đấng có quyền năng biến đổi điều không thể thành có thể. Xin đến cứu giúp con trong nhứng lúc đau khổ và khó khăn này. Xin bảo vệ con trước những tình thế ngặt nghèo và rắc rối mà con phó thác cho cha đây, hầu có một kết thúc tốt đẹp. Lạy cha yêu dấu của con, con đặt niềm tin tưởng nơi cha. Xin đừng để người ta nói rằng con đã cầu xin uổng công và vô ích; và vì cha có thể làm mọi sự với Chúa Giê su và Mẹ Maria, xin cha cho con thấy rằng lòng nhân hậu của cha cũng vĩ đại như quyền năng của cha. Amen ( chú thích10- Công Giáo và Dân Tộc số 312, trang 54)
Người Ai Cập đời vua Pharaô, dân chúng gặp nạn đói đã đến xin vua cho bánh ăn. Vua dạy họ: Hãy đến cùng Giuse và làm những gì ông dạy bảo. (St 41,55).
Hãy đến với Giuse con tổ phụ Giacóp, là người con mà anh em ghen tị, bán em cho người lái buôn Ai Cập để làm nô lệ… sau đó trở thành phó vương Ai Cập. (St 41,41-44).
Thánh Giuse thuộc dòng dõi Đavít ( Mt 1, 16-20) mà từ đó Chúa Giêsu được sinh ra theo lời hứa đã dược tiên tri Nathan báo cho Đavít ( 2Sm7). Người là bạn trăm năm của Đức Maira Nazareth.
Thánh Giuse là người công chính ( Mt 1, 19), vì Ngài đã nhờ ơn Thánh, giữ luật Chúa truyền và vâng theo ý Chúa.
Thánh Giuse, người đính hôn với Đức Mẹ Maira (Mt1,18), nhưng chưa về chung sống (Mt1,18), Bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,18).
Ông Giuse là người công chính, ông không dám nghi kỵ về sự không đứng đắn, đạo đức của Maria, đã định tâm bỏ Maria cách kín đáo. Khi Sứ thần Chúa đến báo mộng cho ông: “Này ông
Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà đã cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1, 20). Bà sẽ sinh con trai và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21). Giuse tin lời sứ thần, không dám nghi ngờ lòng chung thủy của Maria, không do dự, không suy diễn sai trái, không giãi bày tâm trí ngược Thánh ý Chúa, Giuse đã đón Maria, vợ mình về nhà như lời Sứ thần dạy. Vâng lời, Giuse đã làm một đại nghĩa: cứu sống Maria và
Chúa Giêsu thai nhi, vì theo luật Môsê truyền chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà ngoại tình đó (Ga 8,5)
Ông là hậu duệ của vua Đavít và như vậy trẻ Giêsu, nghĩa tử của ông sẽ là hậu duệ hợp pháp của vua Đa vít. Để bảo vệ Giêsu và Mẹ Người khỏi bạo chúa Hêrôđê (Lc 2, 22-35). Thánh Giuse đã đưa mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập sống như người ngoại kiều (Mt2, 13-18). Cuộc sống xã hội nơi đất khách, Giuse phải gồng mình chống chọi biết bao khó khăn từ bát cơm manh áo đến thuê nhà ở trọ, liên hệ xã giao, ngôn ngữ bất đồng, bảo vệ mạng sống mong manh … muôn vàn khổ cực trong ngoài, Hài Nhi, Mẹ Maria đều nhờ sự tháo vát khôn ngoan của Thánh Giuse.
Ròng rã bảy năm sống đời ngoại kiều, Giuse được sứ thần bảo đưa gia đình về quê cha đất tổ. Khi Hài Nhi được 12 tuổi, Mẹ Maria đưa Chúa đi hành hương mừng lễ vượt qua ở đền thờ Giêrusalem (Lc 2, 41-50). Khi trở về cha mẹ cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đi đường mới đi tìm kiếm cậu Giêsu ở những nhóm bà con và người thân thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Cuộc tìm kiếm đầy lo âu và tràn nước mắt, sợ hãi lạc mất Giêsu, quy trách cho hai ông bà. Sau ba ngày, khi đã mệt nhoài, thất thểu bước vào đền thờ, ông bà trông thấy Giêsu đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe vừa hỏi, ông bà sửng sốt ngạc nhiên, vỡ òa niềm vui khôn tả, Maria nói với Người : Con ơi sao con lại xử với cha mẹ như vậy. Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con . Chúa Giêsu không cần Đức Mẹ giới thiệu mình với Thánh Giuse mà Chúa đã bày tỏ mình là ai: Sao cha mẹ lại tìm con, cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao. Nhưng Bà và Thánh
Giuse không hiểu lời Người nói có nghĩa gì. Sau đó, Chúa Giêsu cùng với cha mẹ trở về Nazareth.
Đến đây chúng ta hiểu thêm về Nazareth. Nazareth nơi Đức Mẹ,Thánh Giuse và Chúa Giêsu định cư ở đó. Một thành phố miền Bắc Israel, cách biển hồ Tibêria 14km về phía Tây Nam, Chúa Giêsu người Nazaret vì Chúa được dưỡng dục và lớn lên tại đó. Từ thế kỷ IV, Hoàng đế Constantinus chọn Kitô giáo làm quốc giáo. Ngày nay, Nazaret là một thành phố lớn, một trung tâm hành hương của Israel.
Người ta không thể cân đo đong đếm được nhũng công ơn Thánh Giuse bầu cử cùng Chúa cho nhân loại. Không thể ví công ơn đó với hạt khí trong khí quyển, giọt nước trong đại dương, hạt cát trong sa mạc hay lá ở trong rừng.
Công ơn Thánh Giuse để lại cho chúng ta là gương sáng đơn sơ, đứng đắn, trưởng thành, Thánh Giuse đã vâng lời Đức Kitô ( Ep 6,5), bởi Ngài chỉ nghĩ tới Chúa và làm theo ý Chúa không do dự, tính toán. Ngài làm mọi việc một cách âm thầm. Đọc Phúc Âm ta không tìm thấy Ngài tự ý phô trương, hãnh diện vì được diễm phước làm cha nuôi Chúa Giêsu. Ngài luôn luôn theo lệnh Chúa truyền từ việc nhận đón Đức Mẹ về nhà mình, để bảo vệ an ninh sự sống cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Theo lệnh Chúa đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn khỏi bạo chúa Hêrôđê, âm thầm theo lệnh Chúa đưa Thánh gia trở về Nazaret. Âm thầm với mồ hôi lao động để nuôi sống Thánh Gia. Trong suốt cuộc đời ẩn dật của
Chúa Giêsu, Ngài là nơi ẩn náu cho cuộc đời Chúa Giêsu khi chưa công khai rao giảng Tin Mừng.
- Ngài luôn làm mọi việc là vì bổn phận (Lc 17,10)
- Ngài kiên trì, nhẫn nại sống đức tin vào Chúa. Ngài bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ không biết mệt mỏi. Không gì làm cho Ngài bỏ niềm hy vọng vào Chúa , Đấng đã ban lệnh cho Ngài là Bạn trung thành của Maria, là cha nuôi của Chúa Giêsu.
- Ngài nhận lấy trách nhiệm Thiên Chúa trao phó.
- Thật vậy, chúng ta chưa khai thác hết những đức tính cao cả, trọng đại như Đức Tin, Cậy và đặc biệt Đức Mến, nhẫn nại chịu đựng… Hãy suy ngẫm về con người của Thánh Giuse. Chúng ta cúi đầu khâm phục và yêu mến, để rồi phó thác trong uy quyền mà Thiên Chúa dành cho Ngài.
Kính thưa Quí Cha và Quí Anh Em,
Trong những lần gặp gỡ, chia sẻ ý kiến về cuộc sống, tôi biết nhiều anh em đã tận dụng thời gian để học tập, trau dồi tri thức, thực hành lao động, nhưng có những người đã có tầm ước hạn hẹp: học đến đây là đủ rồi, không nghĩ đến cuộc sống thừa sai đòi hỏi chúng ta phải cần cù, phải học tập đủ thứ để bước sang hội nhập đa văn hóa, trau dồi tri thức, đạo đức, v.v là một khuyết điểm lớn khi tiếp cận với người miền quê, vùng sâu, vùng xa.
Hôm nay chúng ta lại có dịp học với Thánh Giuse về gương lao động.
Đức Phanxicô nói: “Lười biếng là một thứ thuốc phiện, nếu lười lâu sẽ nghiện”. Người lười biếng là người ham vui vẻ nhưng sợ cộng việc, sợ khó nhọc, vất vả nhất là trong việc bổn phận, làm cẩu thả, không lo làm đến nơi đến chốn.
Đi học trễ về khuya: Người không giữ được luật giờ nào việc nấy; học tập, đạo đức thì nguội lạnh; việc làm qua quýt cho xong thôi.
Một bài học cho người lười – lao động: Lao động là việc làm ý thức của con người nhằm cải biến thiên nhiên, biến chó sói thành gia súc, biến gió thành điện lực, biến đất thành cơm gạo.
Lao động chân tay và lao động trí óc đều cần thiết, cả hai kết hợp làm ra của cải. Càng thiết tha lao động, càng làm cho dân giàu nước mạnh.
Lao động cần cù đem lại niềm vui cho người lao động.
Lao động trí thức để đưa người lao động chân tay cân bằng sức khỏe. Nhà trí thức không có phần lao động chân tay sẽ dễ dàng lâm bệnh vì thiếu sức khỏe.
Người lao động được đánh giá cao khi kết quả lao động sinh hoa trái tốt cho mình, cho gia đình, cho xã hội.
Một người vệ sinh đường phố vẫn được quý trọng như bao lao công trong ngành nghề khác.
Lao động có giá trị nhân bản.
Lao động tạo ra của cải: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”.
Lao động phát huy tài năng, nâng cao văn hóa.
Lao động để mưu sống, người lao động còn phục vụ cao hơn: nghệ thuật, văn hóa, khoa học, đạo đức,…
Lao động có tính sáng tạo: “Nhàn cư vi bất thiện”.
Lao động để tự rèn luyện và thăng tiến: Ở không là cha đẻ của ưu sầu, là mẹ đẻ của các tật xấu.
Lao động để xây dựng xã hội: Công đồng Vatican II – “việc làm là phương tiện xây dựng hòa bình, đem lại no ấm cho người khác, hiệp nhất giữa các dân tộc” (số 35).
Giá trị siêu nhiên của lao động: Con người được kêu gọi cộng tác với Thiên Chúa hầu cải tạo thế giới và cứu độ chính mình cũng như tha nhân qua lao động, xác định giá trị siêu nhiên như thông điệp “Lao động của con người” năm 1981.
Lao động là tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Lao động là có tính cách cứu độ: lao động giúp người Kitô hữu sống và hoàn tất Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô để cứu chuộc nhân loại, khi lao động giúp ta đền tội và thánh hóa bản thân.
Lao động có phương pháp, có tổ chức: Một thú viên, một quầy thuốc được ghi số thứ tự, ngành nghề, chủ đề,… nếu không ghi theo phuơng pháp sẽ tốn thời gian tìm.
Lao động có phương pháp là làm việc có lề lối, có quy củ giúp ta làm việc mau tiến bộ và đạt kết quả cao.
Muốn nghiên cứu khoa học tự nhiên, phải: quan sát, thí nghiệm, kiểm chứng.
Làm việc có phương pháp đạt kết quả cao, đồng thời tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, giảm lao nhọc,…
Chúng ta – những người còn ngồi trên ghế nhà trường , chúng ta sống làm sao cho học hỏi đạt kết quả:
- Những lúc nhàn rỗi, xem qua bài học cho ngày mai.
- Càng chăm chú nghe giảng bài, càng dễ thuộc và làm bài cho ngày hôm sau.
- Tránh những gì trở ngại cho tập trung học tập như điện thoại, tiếng ồn ào, nhạc vàng và bên ngoài.
- Bài khó làm trước, bài dễ làm sau. – Sau giờ học, nên nghỉ 5 – 10 phút.
- Có thể thư giãn bằng cách đổi sách, đổi môn học.
- Sáng sớm ôn lại bài học tối hôm trước.
- Ngày nghỉ nên thư giãn bằng thể thao, dã ngoại.
- Để tránh cuối năm học dồn dập, các bài đã học trong năm phải được tóm tắt những điều căn bản, những chi tiết không thể thiếu.
- Mùa hè không nên bỏ sách hoàn toàn, hãy ôn lại những gì đã học hay nghiên cứu khoa học hợp với năng khiếu: học một nhạc cụ (piano, guitar), học nghề may, học cắt tóc, có giờ chơi thể thao.
- Biết bao điều phải học để áp dụng trong thời gian sống tại giáo điểm.
- Những ngày yên tĩnh trước bãi biển, trên đỉnh núi ta có thể suy tư về những người tân tòng đòi hỏi chúng ta: tóm lại, chúng ta cần biết, cần học bổ túc những thiếu sót mà ta cần bổ khuyết.
Còn việc làm việc có tổ chức:
- Theo nghĩa chính: ghép lại, xỏ xâu lại.
- Theo nghĩa bóng: tổ chức là sắp đặt cho có thể thức, trật tự, nề nếp, trước sau.
- Theo nghĩa ứng dụng: tổ chức là xếp đặt công việc cho có đủ bộ phận, ngăn nắp để tiến hành công việc.
- Người có óc tổ chức: biết sắp đặt công việc, biết phân công, điều phối công việc để đạt kết quả tốt, mà còn tiết kiệm tiền bạc, thời gian, nhân lực đạt kết quả tối đa.
Tổ chức theo khoa học:
- Chuẩn bị: tìm phương tiện thích hợp với những nhu cầu đặt ra:
+ Tôi muốn làm gì?
+ Tôi có những gì?
+ Tôi thiếu những gì?
+ Tôi làm được cái gì trước?
+ Tôi tìm cách giảm bớt chi phí chính đáng khi khuếch đại mục tiêu, phương hướng.
- Chuẩn bị phân công: cần phải có người cộng tác, người cộng tác có khả năng chuyên môn sẽ thích những lãnh đạo không bao thầu tất cả.
- Kiểm soát, nhận định, đối chiếu kết quả để tìm ưu, khuyết điểm.
- Điều phối (phối trí): biết khả năng của các cộng sự viên, liên kết các khả năng, vậy phải đôn đốc, kiểm soát. Phải tạo năng suất tập thể, vậy có bảng phân công rõ ràng cho mỗi cộng tác viên làm bao lâu, dùng phương tiện gì.
- Hệ thống hóa: có cơ cấu, phân chức, phân việc.
- Chỉ huy: người cầm đầu, lãnh đạo,… có nhiệm vụ, họ phải:
+ Về trí óc: thông minh, nhìn xa trông rộng.
+ Ý chí: cương quyết, can đảm đi tới mục đích mong muốn.
+ Nhân cách: biết đắc nhân tâm, tình cảm tao nhã, tế nhị, tôn trọng, tín nhiệm cộng tác viên.
Kết luận:
Anh em nhớ châm ngôn: “Hãy làm việc tầm thường một cách phi thường”. Nhất định chúng ta không để ai bảo chúng ta biếng nhác. Chúng ta cầu xin Thánh Giuse trong Năm Thánh của Ngài, bầu cử cùng Chúa cho chúng ta biết dùng thời giờ Chúa ban để chuẩn bị hành trang của một thừa sai sẵn sàng xung phong tiến vào vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu vắng Linh mục, tu sĩ để Nước Chúa được tôn vinh. Hãy sống hoàn thiện như Cha chúng ta ngự trên trời là Đấng Hoàn Thiện.
Mến chúc Quí Cha và Quí Anh Em mùa Chay thánh thiện và chuẩn bị tâm hồn cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh sốt mến.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Trụ Sở Hiệp Hội, ngày 28/02/2021
Chúa Nhật II Mùa Chay
Lm. Louis Bertrand Cao Đức Thuận, S.S.P.
Tổng Phụ Trách