Khi duyệt qua ngôn ngữ và kiểu hành văn của sách Diễm Ca trong hình thái hiện nay của nó, chúng ta có thể nghĩ rằng nó là một sáng tác thời hậu lưu đầy, những quy chiếu các bài ca tình yêu và các nhân vật cổ xưa đã khởi xướng kiểu sáng tác này. Chúng ta nghĩ tới công trình của một người biên soạn, có ảnh hưởng lớn, hay tới cộng đoàn đang từ từ thành hình sau khi từ Babilonia trở về, như viết trong sách Esdra chương 3: “Khi thợ xây nhà đặt nền móng Đền Thờ của Giavê thì các tư tế, y phục chỉnh tề, tay cầm kèn, và các thầy Lê-vi, con cái ông A-xáp, tay cầm chũm choẹ, đứng ở đó mà ca tụng Giavê, theo như vua Đa-vít, vua Ít-ra-en, đã quy định. Họ luân phiên xướng đáp mà ca tụng và cảm tạ Giavê: “Vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương đối với Ít-ra-en! ” Toàn dân lớn tiếng reo hò ca tụng Giavê, vì bấy giờ Nhà Giavê đã có nền móng. Nhiều tư tế và thầy Lê-vi, nhiều người đứng đầu gia tộc nay lớn tuổi, là những người đã thấy Nhà Thiên Chúa trước kia, khóc to tiếng khi thấy người ta đặt nền móng Nhà mới này trước mắt họ; nhưng cũng có nhiều người khác cất tiếng reo hò vui sướng. Không ai có thể phân biệt được tiếng reo hò vui sướng với tiếng khóc của dân, vì dân lớn tiếng reo hò và tiếng họ vọng đi xa.” (Er 3,10-13). Và mục đích biên soạn là đọc hiểu lại tác phẩm theo nhu cầu lúc bấy giờ.
Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng người biên soạn sách Diễm Ca cũng chính là tác giả đã viết các chương 1-9 sách Châm Ngôn, vì các đề tài, ngôn ngữ sử dụng và các lý do giống nhau. Ông đã đọc lại các bài ca tình yêu của dân tộc cổ xưa của mình trong giới hạn của một ngôn ngữ và của một tư tưởng khôn ngoan của kinh nghiệm cuộc sống đúng cho thời đó của ông và khá thích ứng với các đòi hỏi của cộng đoàn mới lúc bấy giờ. Một giả thuyết loại này sẽ có thể cho chúng ta chìa khóa của việc giải thích sách Diễm Ca như người biên soạn đã cưu mang, và lý do giải thích tại sao sách Diễm Ca đã mau chóng được nhận vào trong danh sách các tác phẩm Kinh thánh, mà không có các tranh luận nào, ít nhất là cho tới công nghị của Do thái giáo triệu tập tại Jamnia năm 90 sau công nguyên.
Việc xác định văn thể của sách Diễm Ca tùy thuộc phần lớn cấu trúc mà chúng ta muốn cho nó. Nghĩa là nó thay đổi tuỳ theo kiểu người ta nghĩ về sách như là một tác phẩm có hệ thống, hiệp nhất, hay chỉ là một thu thập các bài ca tách rời nhau, do một người biên soạn sống vào sau thời lưu đầy bên Babilonia, và khi biên soạn đã cố ý cho nó một sự hiệp nhất nào đó, và một lược đồ văn chương giúp có một đọc hiểu thần học hiển nhiên hơn.
Trong số các nhà chú giải bênh vực một sự hiệp nhất cứng nhắc trong việc sáng tác sách Diễm Ca, có vài vị trông thấy nó như là một biểu tượng lịch sử, một diễn tả bóng bẩy xa xôi các biến cố của dân Israel, từ khi ra khỏi Ai Cập cho tới khi trở về từ Babilonia, đã được tác giả văn chương nghĩ như thế.
Đối với các nhà chú giải khác sách Diễm Ca là một bản kịch với các màn, các cảnh và các diễn viên: nhà vua, một mục tử, người đàn bà Shulammít, ca đoàn các con gái Giêrusalem. Thế rồi đối với các nhà chú giải này nó là một vở kịch vương quyền có đề tài chính là các cuộc tình nhục dục của vua Salomon, và các cuộc tình của bà Shulammít trong sạch hơn và có giá trị hơn các cuộc tình của vua Salomon. Đối với vài người khác nữa sách Diễm Ca là một vở kịch mục tử, trong đó một mục tử Giêrusalem yêu một bé gái đồng quê, bị vua Salomon quấy rối, nhưng vẫn duy trì tình yêu của mình đối với người yêu trẻ là mục tử.
Thật ra, một bản kịch đích thật không có trong sách Diễm Ca, vì thiếu các hành động, các màn, một tiến triển từ từ của một đề tài, làm thành nòng cốt đích thực của một vở kịch. Hình thức đối thoại không được đánh lừa chúng ta, bởi vì trên thực tế chúng là các độc thoại được nói lên một mình, với các ngắt quãng của ca đoàn và phần hát.
Theo các nhà chú giải khác nữa sách Diễm Ca được làm thành bởi nhiều bài ca tách biệt nhau, có cấu trúc riêng, hiệp nhất với nhau, không phải vì đề tài tình yêu cho bằng bởi mục đích của chúng là để cho việc cử hành đám cưới trong một làng quê nào đó tại đất Palestina, và nó làm thành như một Lễ nghi của việc cử hành ấy.
Có một giả thuyết khác chúng ta có thể chấp nhận coi sách Diễm Ca như là một tuyển tập các bài ca tình yêu, dùng cho việc cử hành đám cưới tại Israel, hay chỉ ca tụng tình yêu giữa một thanh niên hay được gọi là “Yêu dấu” và một thiếu nữ của con tim gọi là người được đính hôn, em gái, bạn gái, không kể việc họ có lấy nhau trong thời gian gần hay trong tương lai hay không. Trong sách Diễm Ca không có các quy chiếu trực tiếp việc cử hành đám cưới sắp xảy ra giữa các nhân vật của các bài ca, hay đã có mà đã bị lấy đi chăng. Người ta cũng nghi ngờ không biết chúng đã được cưu mang ban đầu như là các bài ca dùng cho các dịp đặc biệt, hay đúng hơn là đã được sáng tác và soạn thảo trong môi trường thông thái và giả tạo của triều đình, sau đó trở thành bình dân và đã được hát thực sự, như chứng tá của rabbi Aqiba hay không.
Trong quan điểm này thì mỗi một ca khúc có cấu trúc riêng và văn thể riêng của nó, nằm trong các biên giới của văn thể tiết thái tình yêu rộng lớn hơn, cũng như có một âm luật và nhịp điệu riêng rất quan trọng đối với các dân tộc Đông Phương cả trong việc xác định văn thể.
Giờ đây cần tìm hiểu xem tuyển tập các bài ca khác nhau và thuộc các thời đại khác nhau đã có một hệ thống hoá ý thức từ phía người biên soạn hậu lưu đầy hay không, và đâu là hệ thống đó. Câu trả lời cũng liên quan tới kiểu giải thích sách Diễm Ca, và có lẽ còn hơn thế nữa. Việc giải thích sách Diễm Ca là vấn đề quan trọng nhất.
Giải thích cổ xưa nhất của sách Diễm Ca xem ra được chứa đựng trong sách Esdra IV chương 5 câu 24 tới 26, trong đó các nhấn mạnh tới văn bản sách Diễm Ca chương 2 câu 2; chưong 2 câu 10; chương 4 câu 12, theo một vài nhà chú giải, chứng minh cho thấy một giải thích allegoric biểu tượng bóng bảy xa xôi, hay ít nhất là trong các văn bản kể trên, khi tác giả gọi Israel với các tên “ngôi vườn”, “bông huệ”, “bồ câu”. Các nhắc nhớ loại biểu tượng bóng bẩy xa xôi cũng có trong các Ca Thi XII của Salomon, trong các thủ bản Thánh Kinh Sinaitico tiếng Hy Lạp, ghi nhận một cách cẩn thận các can thiệp của các nhân vật khác nhau với một loại từ vựng đặc biệt “Phu quân”, “Hiền Thê”, “các bé gái”. Trong chương 7 câu 1 “Cho phu quân Kitô Đấng Được Xức Dầu” được văn bản Thánh Kinh Vetus latina viết lại với một thứ từ vựng rõ ràng biểu tượng bóng bẩy “Chúa Kitô”, “Giáo Hội” vv. Trong số các thủ bản Qumran nổi tiếng nhất là thủ bản Midrash sách Sáng Thế (1 Q Lamech), trong đó chúng ta có thể đọc một lời ca tụng đặc biệt vẻ đẹp của Sara, bắt chước văn bản chương 7 sách Sáng Thế. Đây cũng là lời giải thích của sách Targum và sách Talmud cũng như tất cả các bậc thầy Do thái qua các thế kỷ, theo đó Người Yêu là Giavê và quốc gia Israel là hiền thê của Ngài. Ngày nay tư tưởng chú giải Do thái không tiếp tục đường hướng này nữa của truyền thống, bởi vì nó giải thích sách Diễm Ca như một sưu tập các bài ca tình yêu tự nhiên giữa hai người trẻ Do thái.
Trong cuốn chú giải sách Diễm Ca của Dante Lattes xuất bản tại Roma năm 1965 tác giả viết: “Theo chúng tôi đây không phải là một bài thơ biểu tượng bóng bẩy như biết bao nhiêu rabbi Do thái đã nghĩ cho tới các thể kỷ cổ xưa cũng như các giáo phụ của Giáo Hội, nó cũng không phải là một bản kịch với các cảnh và các nhân vật kịch nghệ.
Theo chúng tôi đây là các bài ca tình yêu, các bài ca diễn tả với sự đơn sơ, tự nhiên, hơi ấm, sự đam mê thúc đẩy hai người trẻ khác phái đến với nhau, như đã luôn luôn xảy ra trong mọi thời và mọi nơi cả giữa người Do thái”. Đó cũng là lập trường của các học giả như Castelli, Gordon, Luzzatto và nhiều chuyên viên Do thái tân thời mà tác giả Lattes đã kể tên. Tuy nhiên, ông Lattes không giải thích lý do tại sao sách Diễm Ca lại được có tên trong danh sách các tác phẩm Kinh thánh, và đối với Hội đường Do thái trong số Cuốn Sách, trong khi hiển nhiên là đối với các rabbi xưa kia lý do được tìm thấy trong việc có thể giải thích biểu tượng bóng bẩy allegorico.
Khoa chú giải Kinh thánh Công giáo đã theo phương pháp giải thích cổ xưa của Do thái giáo, nhưng đọc hiểu trở lại sách Diễm Ca trong nghĩa mới theo các đòi hỏi và các điều kiện của Thánh Kinh Tân Ước. Như vậy, thay vì Phu Quân Giavê và Hiền Thê Israel của kiểu đọc Do thái thì là Chúa Kitô và dân Kitô. Hôn nhân giữa Giavê và Israel được giải thích như là hôn nhân giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, tiếp tục một truyền thống thần học đâm rễ sâu trong Thánh Kinh Tân Ước .
Thế rồi thật là tự nhiên sự tiến triển bình thường của khoa chú giải kitô có thêm các xác định chuyên biệt hơn đến sau, đặc biệt trong thời Trung Cổ, trong khi Chúa Kitô luôn luôn là Phu Quân của sách Diễm Ca, còn Hiền Thê đã trở thành, tuỳ từng trường hợp là toàn nhân loại, là linh hồn của mỗi Kitô hữu, và Đức Trinh Nữ Maria; đây là kiểu đọc hiểu đặc biệt trong Phụng vụ dưới ảnh hưởng của thánh Bênađô. Tiếng nói bất đồng duy nhất từ đầu cho tới thế kỷ XVI là của giáo phụ Teodoro thành Mopsuestia (350-428), là người đã giải thích sách Diễm Ca như các bài thánh thi tình yêu giữa vua Salomon và một công chúa Ai Cập.
DC 03
Linh Tiến Khải