Cho tới nay chúng ta đã tìm hiểu 100 thánh vịnh. Còn 50 thánh vịnh nữa chúng ta sẽ tìm hiểu khi có dịp. Trong loạt bài mới này để cho việc trình bầy các tác phẩm của nền văn chương khôn ngoan trong Thánh Kinh được trọn vẹn chúng ta tìm hiểu sách Diễm Ca hay Diễm Tình Ca là tác phẩm cuối cùng được xếp vào loại văn chương khôn ngoan.
Diễm Ca là một tác phẩm ngắn chỉ gồm 8 chương, dễ đọc và rất hay đến độ có thể được so sánh với các bài thơ tình yêu được yêu thích nhất trong thế giới đông phương và thế giới hy lạp. Tác phẩm có đề tài là tình yêu giữa hai người trẻ, một tình yêu đích thực, đam mê, nhưng như là một văn bản được linh hứng và hợp quy có tên trong danh sách các tác phẩm của Thánh Kinh. Nhưng nó đặt ra các vấn nạn hầu như không thể giải quyết được liên quan tới tác giả, thời gian sáng tác, văn thể, sự tuỳ thuộc các sáng tác có trước của thế giới đông phương, tính cách hợp quy, việc giải thích, ý nghĩa bí ẩn hay hiển nhiên. Cho tới nay giới học giả vẫn còn thảo luận về các vấn đề này, như các rabbi do thái đã làm cách đây 2.000 năm, khi họ nhóm công nghị tại Jamnia, cả khi đối với chúng ta vài khó khăn đã mất đi các lồi lõm ban đầu của nó.
Trong cuốn sách nhỏ này tên gọi của Thiên Chúa không bao giờ xuất hiện, cũng không có quy chiếu thực tại tôn giáo Do thái nào là nét nòng cốt trong sứ điệp của các tác phẩm khác của sách Thánh Kinh như đền thờ, giao ước, luật lệ, lịch sử Do thái, chức tư tế, vương quyền. Đây đó có vài tên địa lý của đất Palestina, thực thụ hay giả tạo, nhưng luôn luôn như là phạm trù so sánh với vẻ đẹp của hai người trẻ yêu nhau.
Trái lại toàn sách Diễm Ca được cấu tạo bởi một bài ca tình yêu của hai nhân vật và bởi các miêu tả vẻ đẹp của thân xác họ. Rất hiếm nhận thấy các đức tính cao quý hơn của linh hồn hay của con tim. Các miêu tả này đụng tới một thực tại kích thích, cả khi người ta chấp nhận rằng các bài ca này hiếm khi được hát trong hình thức như hiện nay, nhưng là các sáng tác bàn giấy, một loại thơ dễ thương, không ngôi vị, gần như toàn loại thơ của trào lưu loại thơ ngọt ngào mới.
Làm sao có thể coi là tôn giáo một cuốn sách chú ý tới và truyền đạt một sứ điệp về tình yêu nẩy nở vì thân xác xinh đẹp và các biểu hiện bề ngoài của nó, được gợi hứng từ thiên nhiên, sự trừu tượng được làm thành bởi bất cứ sự hiểu biết về thiên nhiên bị hư hỏng được? Chúng ta có lỗ tai đã từng quen với các bài thánh thi Kitô về tình yêu, bắt đầu từ các bài thánh thi của thánh Phaolô (Rm 8,31-38; 1 Cr 13,1-13) hay của thánh Gioan (1 Ga 4,16-21), vì thế các bài hát của sách Diễm Ca còn hơi xa lạ, và cảm tưởng đầu tiên là sự đảo lộn khiến chúng ta cho rằng chúng không thích hợp với một cuốn sách do Thiên Chúa viết.
Chúng ta sẽ tìm trả lời cho các vấn nạn trên đây mà không yêu sách giải quyết được mọi nút thắt và nghi ngờ cũng như đánh tan mọi lưỡng lự.
Trước hết là tựa đề và chỗ đứng của sách Diễm Ca trong danh sách các tác phẩm Kinh Thánh. Trong văn bản Thánh Kinh tiếng Siriac sách Diễm Ca được gọi là “Khôn ngoan của sự khôn ngoan của Salomon”, là tựa đề xem ra cố ý nêu bật đề tài của sách như là hoa các hoa của sự khôn ngoan và của kinh nghiệm cuộc sống.
Trong tiếng Do thái tên gọi của sách là “Thánh ca của các thánh ca”, hình thái tuyệt đối này được đọc lại là “Thánh ca tuyệt diệu”, “Bài thánh ca đẹp nhất”,hay theo tinh thần truyền thống Do thái và Kitô: “Bài ca thánh thiêng nhất”.
Từ “Thánh ca” có lẽ là từ kỹ thuật ám chỉ một sáng tác thơ văn được hát bằng tiếng hay theo tiếng của các nhạc cụ, phát xuất từ các hình thức động từ ám chỉ hành động hát một bài ca đời (Ds 21,17; 1 Sm 18,6; 2 Sm 19,36; 1 V 10,12) hay một bài thánh ca chúc tụng Thiên Chúa (Tl 5,1; Tv 87,7; 13,6; 21,14 cùng với động từ ám chỉ việc gẩy hạc cầm). Hồi thế kỷ thứ II Rabbi Aqiba viết: “Mọi sách đều thánh, nhưng “Thánh ca của các Thánh ca” là cực thánh”. Và giáo phụ Origene sau này còn thêm rằng “Phúc thay ai bước vào trong Nơi Thánh; còn phúc hơn nữa người vào trong Nơi Thánh của các Nơi Thánh; nhưng còn phúc hơn nữa người hiểu và hát các Thánh Ca của Thánh Kinh; và lại còn phúc hơn nữa người hát Thánh Ca của các Thánh Ca”.
Chỗ mà sách Diễm Ca có trong Thánh Kinh thay đổi: trong văn bản tiếng Do thái tân tiến nó được kể như là cuốn đầu tiên trong năm cuốn sách Hội đường Do thái gọi là “Các cuộn sách”, được dành để đọc trong hội đường nhân dịp các lễ lớn nhất. Sách Diễm Ca được đọc vào lễ Vượt Qua. Xem ra đây không phải là việc đặt định ban đầu, nhưng mãi sau này, có lẽ vào thời sau sách Talmud, tức trong các thế kỷ thứ IV-V sau công nguyên, vì nó đã không được biết tới bởi văn bản hy lạp, thánh Girôlamô và văn bản Talmud, và xem ra gợi ý rằng việc đọc nó trong hội đường Do thái với cuốn sách này vào lễ Vượt Qua đã bắt đầu một loạt các lễ trọng. Liên quan tới lý do việc đọc sách Diễm Ca trong ngày lễ Vượt Qua hay trong tuần bát nhật lễ Vượt Qua nhiều học giả cho rằng tín hữu Do thái trông thấy nơi văn bản chương 1 câu 9 một quy chiếu kín đáo biến cố dân Do thái ra khỏi Ai Cập, nhưng có nhiều lý do khác hay hơn. Theo một rabbi nổi tiếng trong sách Diễm Ca theo ám tỷ Talmud, tín hữu ca tụng tình yêu giữa dân Israel là thiếu nữ và Thiên Chúa là phu quân. Tình yêu thần bí này đã nhiều lần là trung tâm các sáng tác của các ngôn sứ, được nhớ lại trong đêm Vượt Qua, trong đó từ hàng ngàn năm nay dân Do thái đợi chờ kết thúc các cuộc hành hương, đợi chờ các cuộc bách hại kết thúc, đợi chờ khởi đầu của kỷ nguyên hạnh phúc là biến cố Đức Messia Đấng Cứu Thế đến.
Trong bản văn Hy lạp và La tinh sách Diễm Ca được đặt giữa các sách khôn ngoan được gán cho vua Salomon, bình thường sau sách Giảng Viên và trước sách Khôn Ngoan, hiển nhiên bởi vì nó được coi như một tác phẩm của vua Salomon hay phát xuất từ sự khôn ngoan và kinh nghiệm cuộc sống của nhà vua, và vì thế có dấu vết khôn ngoan: một sự khôn ngoan của tình yêu, sau các sự khôn ngoan hay kinh nghiệm khác được miêu tả trong sách Châm Ngôn, sách Giảng Viên và sách Khôn Ngoan.
Thứ hai là tính cách hợp quy của sách Diễm Ca, hay sự hiện diện của sách trong danh sách các tác phẩm Kinh Thánh. Ngay trong công nghị các rabbi Do thái triệu tập tại Jamnia năm 90 sau công nguyên, sách Diễm Ca đã được duyệt xét nghiêm ngặt, trước khi được định nghĩa ở hải ngoại. Vấn đề hợp quy của nó cũng như linh hứng đã chiếm một chỗ quan trọng cùng với các sách Châm Ngôn, Giảng Viên, Ester và Edekiel. Trào lưu Pharisêu theo rabbi Shammai thì dè dặt đối với các tác phẩm này hay đối với vài văn bản của chúng đặc biệt là chuơng 7 các câu 11-13 sách Diễm Ca, sách Châm Ngôn chương 7 các câu 7 tới 29, sách Giảng viên chương 11 câu 9 và sách Edekiel chương 16. Trong khi đó trào lưu theo rabbi Hillel, do rabbi Aqiba (qua đời năm 135) dẫn đầu, lại mạnh mẽ bênh vực sự linh hứng và quyền của các tác phẩm này trong danh sách các tác phẩm hợp quy của Thánh Kinh, nhất là sách Diễm Ca. Rabbi Aqiba nhắc cho trường phái Shammai biết truyền thống cha ông và nói: “Đã không có ai trong dân Israel phản đối rằng sách Diễm Ca làm bẩn tay, bởi vì toàn thế giới không giá trị bằng ngày trong đó sách Diễm Ca đã được ban cho Israel. Thật ra mọi sách đều là thánh hết, nhưng sách Diễm Ca là thánh nhất trong các sách thánh”.
Cũng cần nhắc lại rằng trong các tài liệu của công nghị triệu tập tại Jamnia năm 90 sau công nguyên trường phái Hillel đã không bao giờ nhắc tới một kiểu đọc hiểu sách Diễm Ca theo truyền thống ngụ ý bóng bẩy, trái nghịch với kiểu đọc hiểu duy tự nhiên của trường phải Shammai, nhưng chỉ quy chiếu một truyền thống cổ xưa của sự thánh thiện và được linh hứng của sách. Điều này đặt vấn đề tranh luận liên quan tới một truyền thống cổ xưa và thường hằng đọc hiểu sách Diễm Ca theo hướng ngụ ý bóng bẩy allegorico giữa lòng Do thái giáo. Chính kiểu đọc hiểu này đã tạo thuận tiện, nếu không nói là đã chủ trương việc chấp nhận sách Diễm Ca vào danh sách các tác phẩm hợp quy của Thánh Kinh, tức các tác phẩm sách thánh được Thiên Chúa linh hứng. Chắc hẳn đây đã là một tiến trình lâu dài và từ từ như tiến trình của một tác phẩm có giá trị trở thành cổ điển.
Truyền thống Kitô đã mau chóng thừa hưởng sách Diễm Ca từ Hội đường do thái và tiếp nhận nó vào danh sách các tác phẩm thánh kinh mà không nghi ngờ gì, mặc dù ý thức được các vấn đề liên quan tới nguồn gốc và việc giải thích sách. Đã chỉ có một tiếng nói chống đối của Teodoro thành Mopsuestia. Giáo phụ đã chỉ giải thích sách Diễm Ca trong nghĩa sát chữ như tác giả đã muốn, nghiã là chúng là các bài ca tình yêu sáng tác nhân dịp đám cưới của vua Salomono với con gái Pharao Ai Cập. Giáo phụ cố ý giảm thiểu sự kiện Thiên Chúa linh hứng cho soạn giả của sách. Từ các tài liệu của Công đồng Costantinopoli II xem ra Công Đồng đã lên án lập trường chú giải sách Diễm Ca của giáo phụ. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ không biết hồi đó có thật là một kết án đích thật rõ ràng của Công đồng hay không.
Cả truyền thống Tin lành cũng chấp nhận tính cách hợp quy của sách Diễm Ca, mặc dù nhiều học giả không công giáo cho rằng sách Diễm Ca chỉ là một tác phẩm đời, không được Thiên Chúa linh hứng.
DC 01
Linh Tiến Khải