Sáng thế 11, 1-9 Khác Biệt Ngôn Ngữ: Chúc Dữ Hay Chúc Phúc?

Sáng Thế 11, 1-9 KHÁC BIỆT NGÔN NGỮ: CHÚC DỮ HAY CHÚC PHÚC?

Giới thiệu bài viết của cha André Wénin “St 11,1-9: Tháp Ba-ben” 

Tác giả: Nt. Maria Thanh Nga, 

Khi đọc các trình thuật trong 11 chương đầu của sách Sáng thế, nếu không đặt lại bản văn trong ngữ cảnh và ngữ nghĩa độc đáo của nó thì quả thật không dễ dàng để khám phá hết các ý nghĩa nhân văn và thần học trong sứ điệp của các tác giả biên soạn. Các trình thuật này không phải là những câu truyện thần thoại, cũng không phải là những câu truyện dạy đạo làm người mà là những câu truyện giúp người thời nay khám phá “Thiên Chúa là ai” trong lòng tin của dân Ít-ra-en khi xưa.

Đối với dân Ít-ra-en, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo tốt lành, là Đấng đã giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ lầm than và đưa họ vào miền đất tự do, là Đấng công minh chính trực nên dễ nổi cơn lôi đình khi họ thất tín bất trung, nhưng cũng là Đấng thành tín yêu thương, sẵn sàng tha thứ mọi tội ác tày trời. Thiên Chúa của dân Ít-ra-en là Thiên Chúa của giao ước, Thiên Chúa “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương”. Vì vậy, khi đọc Cựu Ước, chúng ta đừng vội sửng sốt khi thấy xuất hiện một Thiên Chúa nổi giận trừng phạt, nhưng hãy kiên nhẫn tìm hiểu ý định của các tác giả khi kể truyện bằng ngôn ngữ Híp-ri giàu hình ảnh biểu trưng và đầy ý nghĩa súc tích.

Bằng lối tiếp cận “phân tích thuật truyện”, cha André Wénin, -Khoa trưởng khoa Kinh Thánh Thần học tại đại học Louvain-la-Neuve, và là giáo sư các môn Cổ ngữ và Chú giải Cựu Ước- đã và đang cố gắng giúp các độc giả ngày nay hiểu rõ mặc khải Cựu Ước, biết nhận ra Thiên Chúa là Đấng chủ động trong tương quan yêu thương tha thứ, Đấng kiên trì dạy dỗ con người trong mọi sai lầm nó đã mắc phải, Đấng trung thành với lời hứa và lời chúc phúc đã dành cho tổ phụ Áp-ra-ham.

Kính mời quý độc giả cùng tôi học hỏi ý nghĩa câu truyện “tháp Ba-ben” dưới ngòi bút phân tích và diễn giải của cha Wénin. Đây là bài thuyết giảng của cha vào tháng 02-2011 vừa qua tại Rô-ma.

 

Sáng thế 11, 1-9

KHÁC BIỆT NGÔN NGỮ : CHÚC DỮ HAY CHÚC PHÚC ?

Vấn nạn về các nền văn hóa với  nhiều dạng thức khác nhau vốn là trọng tâm của nhiều cuộc bàn luận trong thế giới chúng ta ngày nay, bởi vì vấn nạn này đặt ra nhiều khó khăn cụ thể mỗi khi các nền văn hóa giao thoa  hoặc đôi khi đối lập ; điều này không chỉ đã trở nên bình thường, mà còn không thể tránh khỏi trong thế giới toàn cầu hóa như thế giới chúng ta đang sống. Kinh Thánh chẳng có một giái đáp cụ thể nào cho những vấn nạn đương thời, vốn không hề xảy ra trong bối cảnh bản văn đã được khai sinh. Kinh Thánh đã được ghi chép lại trong lòng một dân tộc nhỏ bé trải qua dòng lịch sử từng đương đầu với biết bao nền văn hóa mang tính thống trị hay thiểu số, một dân tộc nhỏ bé đã từng kiên trì giữ vững căn tính mạnh mẽ của mình cho dù phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng thường không thể tránh khỏi. Nỗi ưu tư gìn giữ căn tính này đôi khi diễn tả qua nỗi sợ hãi đóng kín mình lại, xem người khác như một kẻ thù tấn công và buộc mình phải lo tự vệ, nhưng đôi khi cũng thể hiện qua thái độ khôn ngoan cởi mở giúp nhìn người khác như một đối tác không chỉ có thể trao đổi mà còn giúp phong phú hơn trong tương quan. Nhưng cho dù dưới dạng thức cụ thể nào đi nữa, mối ưu tư gìn giữ căn tính cần được thiết lập trên xác tín này : người ta chỉ có thể gặp gỡ người khác khi chịu xóa mình đi và trong tương quan hài hòa giữa các dân tộc, mỗi dân vẫn giữ căn tính riêng biệt của mình trong một vị trí  sẵn sàng thực hiện  điều tốt lành chung cho mọi dân.

Để khơi mào cho suy tư này, tôi muốn cùng đọc lại với các chị bản văn sách Sáng thế, một « trình thuật nền tảng » có đề cập thẳng vấn nạn về sự đa dạng văn hóa. Đó là trình thuật xây dựng tháp Ba-ben (St 11,1-9). Trong ngữ cảnh bản văn, trình thuật này vẽ ra một thế giới con người trong diễn tiến gọi là “lịch sử cứu độ”. Tác giả thuật truyện (người kể lại câu truyện dưới hình thức bản văn Kinh Thánh chúng ta đang có) đã dàn dựng kể lại phản ứng của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa It-ra-en, trước ý định của dân này muốn duy trì sự đồng nhất trong ngôn ngữ và văn hóa giữa các dân. Phản ứng của ĐỨC CHÚA diễn đạt rõ điều thiết yếu quan trọng là gìn giữ sự khác biệt đa dạng của các dân với các ngôn ngữ. Đây chính là vấn đề then chốt trong trình thuật ngắn ngủi này.

Nhưng cũng giống như nhiều  đọan văn Kinh Thánh quen thuộc khác, trình thuật “tháp  Ba-ben” trong dấu vết riêng  biệt đã có lối diễn giải đặc thù và qua giòng thời gian đã được thay thế bằng nhiều cách hiểu. Thật vậy, cùng một đọan văn này, chúng ta có thể đọc ra nhiều nghĩa khác nhau tùy theo cách chúng ta đặt khung tách biệt bản văn hay ngược lại đặt trong ngữ cảnh sách Sáng thế. Điều tôi muốn trình bày ở đây : nhà biên sọan đã đưa trình thuật ngắn ngủi này vào đúng vị trí bối cảnh đương thời để làm toát lên ý nghĩa riêng của nó. (Xin theo dõi bản văn dịch sát của sách Sáng Thế chương 11, từ câu 1 đến câu 9).

Tháp Ba-ben : Thiên Chúa kết án tội kiêu ngạo của con người?

Trước hết chúng ta hãy đọc tách biệt trình thuật này ra khỏi mọi ngữ cảnh của nó, trong tình trạng biệt lập mà theo các chuyên gia Kinh Thánh, câu truyện chắc hẵn đã lưu truyền trong một thời điểm nhất định nào đó. Ý nghĩa bản văn gần gũi với cách hiểu thông thường tự nhiên thường có. Cho dù bản văn gốc có âm hưởng thế nào (bình luận về đường lối chính trị độc đáo của các vị vua miền Giu-đê-a, câu truyện mỉa mai về tháp cao chọc trời ở Ba-by-lon, hoặc truyền thuyết căn nguyên có liên quan đến gốc gác vô số ngôn ngữ), thì tự bản chất, tác giả trình thuật tháp Ba-ben đã đưa hành động phá hủy của Thiên Chúa vào công trình hợp lực của con người, mà ngay từ đầu bản văn, nhờ bởi con người “có chung một tiếng nói và ngôn ngữ”, sự hài hòa đó đã tạo điều kiện cho họ hiểu nhau và phóng mình vào những dự án chung.

Hợp nhất với nhau như thế, những người có mặt trên “khắp cõi đất”, đã “di chuyển” tìm kiếm một nơi chốn thuận tiện để định cư. Và khi đã tìm thấy địa điểm thích hợp, họ lên dự án và phấn khởi bảo nhau cùng xây thành. Để đạt được mục tiêu, theo ý tác giả giải thích cho các độc giả của ông, thì họ phải “đúc gạch” và sau đó thêm vào “nhựa đen”, bởi họ không dùng đến “đá” và “hồ” như cư dân miền Ca-na-an (câu 3). Điều này nhấn mạnh khía cạnh tháo vát và sáng tạo của những người xây thành, ngoại trừ trường hợp tác giả có ý mỉa mai thứ nguyên liệu xây dựng tầm thường vào một công trình đồ sộ như thế.

Trong thành này, họ còn muốn dựng lên “một  tháp có đỉnh cao chọc trời”. Vượt qua mọi giới hạn, họ tìm cách chống lại Thiên Chúa mà “gây danh tiếng cho mình” để được vinh vang lừng lẫy. Tháp Ba-ben vì thế là dấu chỉ của một thứ kiêu hãnh trong hành động ham hố của con người (truyện thần thoại Hy-lạp về thần Prométhée). Và bởi vì thái độ đồng lòng của những người này bảo đảm cho quyền lực, nên họ nhất quyết phải duy trì : thành sẽ là trung tâm cho mọi cuộc tập hợp, quy tụ và đối với những ai sẽ phải sống xa thành, đỉnh cao chọc trời của tháp trên các tầng mây sẽ là điểm mốc giúp họ hướng về thành đô dù họ ở bất cứ nơi nào, vì trong quan niệm cận đông cổ, trái đất chỉ là một cái đĩa dẹp.

Nhưng  câu truyện cho thấy  Thiên Chúa không tán thành khi nghe  biết  như vậy. Không phải là không kỳ lạ khi tác giả mô tả Thiên Chúa đang đi “xuống” để nhìn thành đô và tháp cao mà con người đang xây dựng. Nếu Thiên Chúa phải đi xuống như thế, thì không có nghĩa là dân này chưa lấn chiếm lãnh vực của Thiên Chúa ! Điều mà Thiên Chúa thấy cần phải báo động : dựa vào sự hiệp nhất, dân này nhắm thi thố quyền lực khiến Thiên Chúa phải thất bại. Thiên Chúa vì thế cân nhắc, tìm cách hạ bệ niềm kiêu hãnh này. Thiên Chúa “phân tán” con người và làm cho “xáo trộn” ngôn ngữ của họ, khiến họ “không hiểu được nhau”, để họ “thôi không xây thành nữa”. Thiên Chúa làm đổ vỡ sự hiệp nhất của nhân loại để họ tránh được thói kiêu hãnh, ham hố lập nên một tập đoàn tự mãn. Trong cách chơi chữ của ngôn ngữ hip-ri, tác giả dùng động từ “ Bälal” = làm xáo trộn, dùng kiểu nói láy đặt tên cho thành là Ba-ben, danh từ này tượng trưng cho sự thất bại về thái độ quá đáng của con người, cũng như xác định lại các giới hạn của con người gắn liền với thân phận phải chết.

Ngữ cảnh hiện nay : dân cư lan tràn cõi đất

Nếu ý nghĩa bản văn khi tách biệt khỏi ngữ cảnh lại trùng với điều người ta có thói quen hiểu như trên và không xa lạ gì đối với ý nghĩa truyện thần thoại vị thần Prométhée, thì ngữ cảnh bản văn chúng ta đọc lại ngày nay buộc chúng ta phải xem xét lại. Thật vậy, ở chương 10, sách Sáng thế đã nêu lên sự phân bố dân cư, bằng cách liệt kê 70 dân tộc đầy dẫy khắp mặt đất. Ở đây, sự phân tán của Thiên Chúa không phải là sự trừng phạt tội kiêu ngạo của con người, mà ngược lại, sự phân tán ấy chính là cách Đấng Tạo Hóa thực hiện công trình của Người. Sau khi ông Nô-ê và con cái rời khỏi tàu, Thiên Chúa đã lặp lại lời chúc phúc dành cho nhân loại “ Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nô-ê và các con ông, và Người phán với họ ‘hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất’… Về phần các ngươi, hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, hãy lan tràn và nảy nở cho nhiều trên mặt đất ” (St 9,1.7). Tác giả thuật truyện sẽ trở lại chủ đề này để cho thấy lời chúc phúc đó được thực hiện thế nào cho con cháu ông Nô-ê khi họ phát triển định cư trên khắp cõi đất “Từ họ, người ta đã phân tán thành các dân tộc trên các đảo. Mỗi người có đất riêng tùy theo tiếng nói, dòng họ trong các dân tộc của mình… Đó là các con ông Kham, theo dòng họ, tiếng nói, trong đất nước và dân tộc của họ… Đó là các con ông Sêm, theo dòng họ và tiếng nói, trong đất nước và dân tộc của họ” (St 10,5.20.31).

Trong trình thuật tháp Ba-ben, Đấng Tạo Hóa thực hiện lời chúc phúc kèm với việc phân tán các dân tộc : các dân này sẽ làm thành những dân theo cơ cấu thị tộc, khác biệt ngôn ngữ hoặc văn hóa và tùy theo vùng họ định cư. Tuy nhiên, sự phân mảnh này không loại trừ nhân loại chỉ là một. Ngữ cảnh và cách khơi mào của bản văn quả thật tuyên bố rằng tất cả các dân này đều xuất phát từ duy nhất một người là ông Nô-ê, “Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nô-ê…Ba ông này là con trai ông Nô-ê, và từ họ, dân cư phân tán ra khắp mặt đất…Đây là thế hệ con cháu ông Nô-ê…” (St 9, 1.7.19 ; 10,1). Dù thế nào đi nữa, các dân tộc thuộc về cùng một nhân loại, do có gốc gác chung nhất. Tóm lại, nhân loại không ngừng tiến tới hợp nhất mà vẫn đa nguyên đa dạng và lan tràn khắp mặt đất. Tính phổ quát không thể xem như là một thể đồng nhất đồng bộ, mà ngược lại, phải nhìn như là một sự khác biệt minh chứng cho một sự phong phú tuyệt hảo.

Trên bản danh sách liệt kê các dân hơi tẻ nhạt, có một khuôn mặt nổi lên mà từ đó các dân bắt đầu
phát triển đặc biệt, đó là ông Nim-rốt (St 10,8-12) :

8
Ông Cút sinh ra ông Nim-rốt ; ông này là người anh hùng đầu tiên trên mặt đất.

9
Ông là thợ săn anh hùng trước mặt ĐỨC CHÚA. Vì thế có câu : “Như Nim-rốt, thợ săn anh hùng trước mặt ĐỨC CHÚA.”

10
Khởi đầu vương quốc của ông là Ba-ben, E-réc, Ác-cát, Can-nê , trong đất Sin-a.

11
Từ đất ấy, ông rời đế n Át-sua và xây Ni-ni-vê , Rơ-khô-vốt Ia, Ca-lác,

12
và Re-xen nằm giữa Ni-ni-vê và Ca-lác, đó là một thành lớn…

Ông này ra đời và trở thành một nhân vật điển hình, một người hùng mạnh đầu tiên trên mặt đất. Là một “thợ săn”, ông Nim-rốt đi vào truyền thuyết các vị anh hùng. Ông là “thợ săn anh hùng” trước mặt Chúa. Trong sách Sáng thế, Đấng Tạo Hóa mong muốn rằng con người hiện hữu sẽ hoàn thành chính bản thân mình là hình ảnh của Thiên Chúa, bằng cách cai quản muôn thú bằng sự nhẹ nhàng chứ không phải giết hại chúng (St 1, 28-29). Nhưng người thợ săn đã đi ngược lại ý muốn thiện hảo ấy, bởi vì ông chứng tỏ quyền quản cai thú vật bằng cách giết hại và ăn thịt nó, ngược lại với  ý muốn của Thiên Chúa khi trao quyền  bá chủ muôn loài cho con người trong bầu khí  hài hòa yêu thương (St 1). Chúng ta cần để ý rằng, để nói về phẩm chất của ông Nim-rốt, từ “gibbôr” hay “anh hùng” đã được lặp lại 3 lần trong vài câu văn ngắn ngủi. Trong tiếng Hip-ri, từ này có nghĩa là “giống đực”, “hùng mạnh”, và thường dùng để ám chỉ người chiến binh, vị anh hùng. Từ dung mạo này, ông Nim-rốt trở thành một kiểu mẫu đầu tiên cho các dòng dõi nối tiếp. Tóm lại, ông Nim-rốt được giới thiệu và nhấn mạnh như là một con người bạo động.

Bản văn còn cho thấy tính cách của ông thể hiện trong cả đường hướng chính trị (St 10,10). Ông
Nim-rốt quả thật còn là người khai mở cho nhiều đế chế hùng mạnh trong vùng lưỡng hà địa : đế
quốc Ba-by-lon với thủ phủ là Ba-ben, đế quốc At-sua với thành đô Ni-ni-vê. Hai đế quốc này được
biết đến trong các sách Cựu Ước như là những đế quốc xâm lược : đế quốc At-sua khiến vương
quốc phía Bắc It-ra-en sụp đổ và chiếm lấy Sa-ma-ri làm thủ phủ (năm 722, x.2V 17), trong khi đó
đế quốc Ba-by-lon dưới thời Na-bu-cô-đô-nô-so đã tàn phá thành Giê-ru-sa-lem và miền Giu-đê-a, một thế kỷ rưởi sau đó (năm 587, x.2V 24-25 ; Gr 39). Rất nhiều bản văn các ngôn sứ từng mô tả

các đế quốc này vô cùng tàn bạo. Bản văn St 10 đã đề cập đến các thủ phủ của hai đế quốc này giữa
nhiều thành phố khác, và nhấn mạnh đến các chiều kích hung tàn của chúng, qua sức mạnh và trọng
lực của chúng thời bấy giờ. Chính trong ngữ cảnh bản văn này mà chúng ta được nghe tác giả Sáng
thế đề cập (lần đầu tiên) đến thành phố Ba-ben : thủ đô đầu tiên của vương quốc ông Nim-rốt, hoặc
là những bước khởi sự (rë´šît) trong chiến thắng của ông. Và cũng lần đầu tiên độc giả biết rằng
tháp Ba-ben sẽ được xây lên “trong đất Sin-a” (St10,10).

Sau khi lướt qua chương 10 với danh sách các dân bị phân tán khắp mặt đất và nói các ngôn ngữ
khác nhau, đúng như ý muốn của Đấng Tạo Hóa, thì bổng dưng độc giả sách Sáng thế bị kéo thụt
lùi lại với nội dung chương 11. Thật vậy, câu truyện tháp Ba-ben bắt đầu bằng lời dẫn cho biết “con
người” khởi sự là hiệp nhất và kết thúc với chuyện họ bị Thiên Chúa phân tán và ngôn ngữ trở nên
đa dạng. Hai chương này dường như chồng chéo lên nhau, trong cách dàn dựng lạ lùng, bởi vì để
cho hợp lý hơn thì phải đảo ngược hai bản văn : trước hết là trình thuật tháp Ba-ben, nhằm giải
thích nguyên do vì đâu các dân bị phân tán, rồi hẵn liệt kê “danh sách các dân”, mô tả kết quả của
sự bùng phát dân tộc. Nhưng chính trong tính cách biên soạn nghịch lý này mà chúng ta sẽ hiểu
được lý lẽ xác thực !

Cần phải thẩm tra  hiệu quả cũng như ý nghĩa cách sắp xếp hai bản văn này. Đối với tôi, tác giả
thuật truyện đã chọn xếp đặt chương 10 vào đúng chỗ cần phải có, giúp độc giả nắm được các chìa
khóa để hiểu được trình thuật tháp Ba-ben ở chương 11. Tôi sẽ đọc lai câu truyện này từng bước
một bằng cách chú ý đến khía cạnh tích cực mà chương 10 trình bày về việc các dân phân tán khắp
mặt đất, đồng thời để ý đến khía cạnh khá tiêu cực khi tác giả giới thiệu ông Nim-rốt là người đã
cho dựng tháp Ba-ben, thủ phủ đầu tiên của ông.
Dự định của con người ở Ba-ben (St 11, 1-4)

1
Thuở ấy, khắp cõi đất có chung một tiếng nói và ngôn ngữ như nhau.

Điều tác giả thuật truyện nhấn mạnh trong câu này, không chỉ con người nói chung một ngôn ngữ,
nhưng con người sử dụng cùng một tiếng nói, lặp lại cùng một ngôn từ. Chính vì thế, tác giả không
nhắm gợi ý đến sự hợp nhất cho bằng  nhấn mạnh sự đồng nhất. Sự đồng nhất này thiếu vắng các
khác biệt cần phải tôn trọng. Đi xa hơn nữa, câu 3 còn minh họa cụ thể : những người này nói với
nhau, từ người này truyền sang người nọ, lập bập cùng những từ ngữ “Nào ! Ta đúc gạch và lấy lửa
mà nung! ” (nil•Bünâ lübënîm wüniS•rüpâ liS•rëpâ). Ngoài ra, họ dùng đại từ ngôi thứ
nhất số nhiều là “chúng ta”, nên điều họ nói là cho chính họ nghe mà thôi.  Không có chỗ cho đối
tượng nào khác, mọi sự quy về đại từ “chúng ta”. Những người này cuối cùng quanh quẩn “giữa họ
với nhau mà thôi”…

2
Trong khi di chuyển ở phía đông,
họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sin-a và định cư tại đó .

Sau khi đã nhấn mạnh đến khía cạnh hoàn toàn giống nhau nơi những con người này, tác giả thuật
truyện cho biết họ “di chuyển về phía đông”. Theo khởi đầu sách Sáng thế,  “phía đông” được ám
chỉ cách tiêu cực. Trong St 3,24 ông A-đam và bà E-va ra khỏi vườn địa đàng, ở “phía đông” khu
vườn và cây sự sống. Còn trong St 4,16 Ca-in lìa xa khỏi nhan ĐỨC CHÚA ở “phía đông vườn Ê-
đen”. Vì thế, “phía đông” ám chỉ việc “xa lìa khỏi nhan Chúa”. Chuyển động xa lìa Thiên Chúa đưa
những người này đến đồng bằng xứ Sin-a, mà theo St 10,8-12 cho biết đó là nơi ông Nim-rốt chọn làm thủ phủ và xây dựng tháp Ba-ben, nơi khai sinh ra những đế chế tham tàn áp bức. Và khi nhữngngười này đến được thủ phủ của ông Nim-rốt, họ nghĩ ngay đến việc định cư.

3
Họ bảo nhau : “Nào ! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung !”
Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen thay hồ .

Dự định đầu tiên của những người này là “đúc gạch”. Lẽ ra điều phải đề cập trước tiên là cùng nhau
lên dự án xây thành, rồi mới nghĩ đến những phương tiện,  cách thức cụ thể, nguyên vật liệu  nào
phải sử dụng để thực hiện. Nhưng tác giả thuật truyện  lại cho thấy những người này hô hào “đúc
gạch” mà còn chưa biết  sẽ dùng gạch đó để làm gì. Tác giả đã lặp đi lặp lại công việc đúc gạch,
đem nung lửa mà chẳng cho thấy mục tiêu rõ ràng. Một công việc có thể nói là của những người nô
lệ, vì chỉ có người nô lệ mới không nhắm trước mục tiêu công trình.

Đọc giả Kinh Thánh chắc hẳn đang liên tưởng đến những người Hip-ri từng phải làm nô lệ bên Aicập, bị buộc phải đúc gạch để xây dựng các thành cho vua Ai-cập, tên chuyên chế khác của một đế
quốc áp bức hung tàn (Xh 1, 13-14 ; 5, 6-19 ; một trong những thành đã được xây mang tên vua Aicập Ram-xết Xh 1,11). Nhưng ở đây, trước hết, tác giả dường như cho thấy những người này không
phải là nô lệ : họ đang vận động nhau, kẻ này người nọ tham gia công việc, như thể chính họ đang
chọn lựa nếp sống lao công. Nhưng có bao giờ người nô lệ mà lại không có chủ nhân để phục tùng ?
Vậy thì ai là chủ nhân của đám người nô lệ này ? Câu hỏi này bỏ ngõ mà phần thuật truyện tiếp theo
sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn.

Trong cách nói nhắc đi nhắc lại, tác giả gây ấn tượng cho độc giả thấy rằng những người này cứ lập
bập cùng những từ ngữ và nhằm  gợi ý cho biết những viên gạch  đúc sẽ được dùng để xây dựng.
Cách nói lặp bặp (láy âm) này thật khó diễn tả trong các ngôn ngữ khác để hiểu ý hướng của người
Hip-ri  :  “gạch,  lübënâ  ”, được dùng thay cho “đá,  lü´äºben”, trong khi đó “nhựa đen,
haºHëmäºr”, thay  cho “hồ,  laHöºmer” (waTTühî lähem hallübënâ lü´äºben wühaºHëmäº r
häyâ lähem laHöºmer).

Cần phải đặt câu hỏi : đâu là hiệu quả về mặt ý nghĩa văn phong của tác giả thuật truyện, vì ông đã
nhấn mạnh đến sự khác biệt trong xây dựng công trình ở vùng lưỡng hà địa. Một sinh viên đã giải
thích cho tôi biết rằng, “gạch” khác “đá” ở chỗ “đá” sẽ được người ta đục đẽo trước khi dùng, còn
“gạch” thì thường được đúc rập theo một khuôn mẫu nhất định, giống nhau và được đem sắp xếp
theo trình tự đều đặn, cố định. Chính vì thế chỉ cần có “nhựa đen” láng cũng đủ để gắn dính các
viên “gạch” lại với nhau, trong khi “hồ” thì thô, nhưng cần dùng để lấp đầy những khoảng trống
giữa những khối đá. Nếu  theo kinh nghiệm như vậy,  những loại nguyên liệu được chọn để xây
thành chính là hình ảnh của những người thợ xây chọn lựa sự đồng bộ và thiếu khác biệt.

4
Họ nói : “Nào ! Ta hãy xây một thành cho ta
và một tháp có đỉnh cao chọ c trời.

Và bây giờ tác giả mới cho độc giả biết mục tiêu “đúc gạch” của các nhân vật : họ muốn xây một
thành và “một tháp có đỉnh cao chọc trời”. Dự án này không chỉ có mục đích đô thị hóa, mà còn giả
định mang mục tiêu chính trị : một dự án xã hội và một tổ chức cộng đồng. Trong ngữ cảnh này,
tháp được dựng lên chắc hẳn không chỉ là điểm mốc để bất cứ nơi nào cũng nhìn thấy, nhưng còn
mang ý nghĩa là một nơi chốn gặp gỡ giữa con người và các vị thần linh, một đền thờ, một cách nào
đó được xem như là một phương tiện để các thợ xây thần thiêng hóa công trình của mình. Ngoài ra,
trong tiếng Hip-ri, hạn từ “mig•Däl”, “tháp” còn ám chỉ „thành lũy‟ (x.Tl 8,9 ; Is 2,15 ; còn đối với
chiều cao các công trình xây dựng x. Đnl 1,28 ; 9,1). Trong ngữ nghĩa này, “tháp” như là một thành lũy không thể nào bị chiếm cứ được vì chiều cao của nó. Do đó, tháp Ba-ben hoàn toàn được xem là

biểu tượng của quyền lực minh nhiên, và là thái độ phòng thủ đối với các thế lực bên ngoài. Vì vậy
thành phố này được dựng lên trong đồng bằng Sin-a, và có thể đó chính là thủ phủ của ông Nim-rốt
(St 10,10).

Đây cũng là khởi điểm cho chúng ta hiểu ai là chủ nhân của những người đã tự ý chọn lựa làm nô lệ
cho chính họ. Còn một kiểu nói nhập nhằng khác trong tiếng Hip-ri cho phép chúng ta hiểu rõ hơn
bản văn. Hạn từ “rö´š ” = “đầu” ám chỉ đỉnh tháp, còn có thể hiểu là “thủ lãnh”. Như vậy, có thể
dịch “Nào, ta hãy xây một thành cho ta, một tháp có vị thủ lãnh ngự trên trời”. Vị thủ lãnh “được
tâng bốc” sẽ ngự trên ngai cao, trên trời, như ông André Neher đã từng gợi ý. Ai là thủ lãnh này,
nếu không phải là ông Nim-rốt, mà thủ phủ của ông yên bề tọa lạc trong đất Sin-a ?

Vế thứ hai của câu 4 cũng giúp xác định cách hiểu này, vì những người thợ xây sẽ khẳng định mục
tiêu công trình :

Ta phải gây danh tiếng cho ta,
để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.”

Mục tiêu này thể hiện trước hết nét tích cực và sau đó là nét tiêu cực.
Nét tích cực : “Ta phải gây danh tiếng cho ta”, những từ ngữ này biểu hiện rõ mục tiêu chính trị của công trình. Trong Kinh Thánh, cụm từ  “gây danh tiếng” cho ai  không phải là không có ý nghĩa.

Trong sách 2Sm 7, Thiên Chúa đã hứa với vua Đa-vit sẽ làm cho tên tuổi ông lẫy lừng (câu 9), sẽ
thiết lập cho ông một triều đại (câu 11-12) và ngai vàng vững chắc (câu 16).   Như thế cụm từ này
nhằm cho thấy công trình rồi sẽ vẽ vang, vua rồi sẽ hiển hách trên ngai vàng kiên cố ; cả một dân
rồi sẽ thống nhất hướng về thành đô, thủ phủ rồi sẽ là trung tâm của quyền lực cai trị (x. 2Sm 8,13
và 1V 5,11). Theo các yếu tố này, rõ ràng “danh tiếng” mà những người xây tháp sẽ mang lại là của
vị “thủ lãnh”, chứ không phải “danh tiếng” của dân tộc ! Những người xây tháp tự đứng vào hàng
ngũ những kẻ tự nguyện làm nô lệ phục dịch cho nhà vua và bảo đảm cho vua danh tiếng và vinh
quang. Nhưng vì sao lại có một thái độ như vậy ?

Nét tiêu cực : chỉ cần đọc vế cuối trong câu 4 sẽ hiểu được mục tiêu mang nét tiêu cực : “để khỏi bị
phân tán trên khắp mặt đất”. Chính nỗi sợ hãi “bị phân tán”, bị tan tác đã khiến những người trong
câu truyện tháp Ba-ben không tránh khỏi  việc chọn lựa sách lược  phải  xây tháp chọc trời. Họ đã
chọn lựa an toàn khi phục dịch dưới bóng vua Nim-rốt, trang chiến binh anh hùng sẵn sàng dùng
quyền lực để bảo vệ họ (St 10,8-9).

Một suy tư khác có liên quan đến dự án xây tháp Ba-ben : ngược lại với điều Thiên Chúa đã hứa
làm cho tên tuổi vua Đa-vit lẫy lừng, đó là những người trong câu truyện  này tự mình muốn gây
danh tiếng cho mình, một ước muốn quy ngã, không thích đón nhận căn tính của mình từ một ai
khác hay từ một người xa lạ. Nỗi sợ hãi bị phân tán biểu hiện nỗi lo âu đánh mất căn tính của mình,
vì khi bị phân tán thì phải chạm trán với người khác.

Khi ĐỨC CHÚA muốn làm cho danh vua Đa-vit lẫy lừng, Chúa đã từ chối  không để cho vị vua
được tuyển chọn này xây dựng cho Chúa một ngôi đền. Mọi sự diễn ra như thể Chúa không muốn
để cho ai lạm dụng chính Chúa để hợp pháp hóa quyền bính của họ, cho dù là gián tiếp đi nữa. Dựa
trên điều này, chúng ta hiểu rõ hơn nữa ý nghĩa trình thuật về tháp Ba-ben.  Khi muốn gây danh
tiếng cho mình, những người thợ xây thành đã tìm cách thần thiêng hóa công trình của họ, như thể
đấng thần linh sẽ từ trời giáng thế mà chúc phúc cho họ và thần thiêng hóa cho cả quyền bính của
các vị vua của họ.

Về điểm này, công trình tháp Ba-ben quả là công trình của một thể chế chuyên quyền, và dường
như có hai động lực :

– Một đàng là sự đồng lõa của cả một dân tộc trong thái độ nô vong, sự đồng lõa phát xuất từ
nỗi sợ hãi bị phân tán, nỗi lo âu về thân phận yếu hèn, sự đồng lõa dẫn đến thái độ vùng dậy
và đối đầu với người khác. Nỗi sợ hãi này còn là sợ sống tự do.

– Đàng khác, tinh thần cơ hội chủ nghĩa của một thủ lãnh đã lấy ước muốn thống trị và nỗi sợ
hãi của dân tộc để tìm cách gây danh tiếng cho mình và thi thố quyền bính. Quả là dấu ấn
khát vọng tầm thường, chỉ tìm an toàn dựa trên sách lược đồng nhất hóa dân chúng, áp đặt
cho mọi người một “tư tưởng duy nhất” mà chính mọi người cũng đòi phải được bảo đảm.
Do đó, sự hợp nhất được thực hiện dựa trên thể thức đồng nhất hóa và có khuynh hướng san bằng
mọi khác biệt, tẩy xóa mọi nét đặc thù của cá nhân và các nhóm, giảm thiểu các mối ly khai thực
thụ hay ngấm ngầm. Tuy nhiên, điều mà trình thuật tháp Ba-ben tỏ rõ, đó là trên nền tảng sự hội tụ
những thuận lợi mà chủ nghĩa chuyên quyền phát sinh : sợ sống tự do và sợ khác biệt, đưa tới khát
khao quyền bính của người khác.

Ở điểm này, chúng ta đã nhận ra rõ hơn ý hướng của hai bản văn St 10,10-12 : giới thiệu Ba-ben
như là thủ phủ của ông Nim-rốt và St 11,1-9 : trình thuật xây thành và tháp cao chọc trời. Hai bản
văn này quả đã bổ túc cho nhau để chúng ta hiểu được thành đô của đế chế đã khai sinh như thế
nào :

– Ở chương 10, đó là hậu kết hành động của ông Nim-rốt, chiến binh săn mồi : thủ phủ là biểu
tượng của một đế chế bạo tàn, tập trung quyền lực vào một thủ phủ duy nhất và từ đó làm
phát sinh ra những tình huống hung bạo khác.

– Trong chương 11,1-5, tác giả thuật truyện hướng độc giả về ý nghĩa  khác :  dân thực hiện
được một dự án chính trị như vậy, là vì đã e dè sống thiếu tự do, không chấp nhận sự khác
biệt và nét đặc thù riêng của ai ; một dân chỉ mong thoát khỏi mọi de dọa, đồng tình ủng hộ
tên độc tài và dung túng cho một thứ yêu sách chuyên chế, không ngần ngại thần thiêng hóa
yêu sách đó.

Sự can thiệp của ĐỨC CHÚA (11,5-9)
Trong khi những người thợ xây tra tay làm việc thì

5
ĐỨC CHÚA xuống để xem thành và tháp con cái loài người đang xây

Rồi ĐỨC CHÚA sẽ phản ứng thế nào đây ? Chúa sẽ ngự trị trên đỉnh tháp, hiện diện để thánh hóa
cho công trình của họ chăng ? Không thể nào được, bởi vì khi đọc lại chương trước trong sách Sáng
thế, hoa trái của lời chúc phúc và ý muốn của Thiên Chúa được trình bày qua sự đa dạng hóa con
người. Một dự định mang tính độc đoán chắc chắn đi ngược lại ý định của Thiên Chúa đã phác họa
trong những chương đầu của sách Sáng thế. Từ trong trình thuật tạo dựng của St 1, tác giả đã cho
thấy rõ công trình của Thiên Chúa bao hàm hành động phân loại, tách rời, cho đến đỗi một sự hài
hòa phong phú các khác biệt đã được thiết lập, nhờ vào những mối tương quan kết ước biết tôn
trọng sự khác biệt. Sự dị biệt của mọi sinh linh rất thiết yếu cho sự sống. Tóm lại, chính trong ý
nghĩa này, con người đã được phân tán ra bốn phương trời như chương 10 đã nêu lên. Và chính lúc
này, ĐỨC CHÚA can thiệp để ngăn cản tiến trình đồng nhất hóa, hay có thể nói là tiến trình « thoái
tạo dựng ».

Thay vì kể lại hành động của ĐỨC CHÚA, tác giả đã chọn cách cho chúng ta nghe  biết điểu Chúa
tự nhủ khi nhìn công cuộc con người đang làm :
 

6

ĐỨC CHÚA phá n :
“Đây, tất cả chúng là một dân và có chung một tiếng nói.
Chúng mới khởi công mà đã như thế ,
từ nay, tất cả những gì chúng định làm
thì không phải là không làm được.

Trao lời phát biểu này cho nhân vật ĐỨC CHÚA, tác giả muốn vén mở cho thấy một Thiên Chúa
mà ông tin đã phải phản ứng trước một cộng đồng cứng cõi, trước công trình độc quyền của họ
« Chúng mới khởi công mà đã như thế, từ nay, tất cả  những gì chúng định làm thì không phải là
không làm được ». ĐỨC CHÚA quả có lý khi cảnh báo điều đang nhìn thấy : không có gì là không
thể thực hiện được đối với một thể chế độc tài chuyên quyền vốn làm phát sinh một đàng là nỗi sợ
hãi bị phân hóa và lòng ham muốn trở nên đồng nhất, một đàng khác là ý định thi thố quyền lực của
vị thủ lãnh cuối cùng dẫn tới chuyên quyền. Nhưng khi đã nói đến chuyện không gì không thể làm
được thì cũng có nghĩa là  đám người này đã phủ nhận bản vị cá nhân, nét đặc thù riêng biệt của
từng cá nhân, cũng như sự tự do của họ đã phải hiến tế trên bàn thờ cho cả một dự án độc đoán. Bởi
vì một khi tất cả xếp hàng đứng sau một cái tên duy nhất thì đâu cần gì đến tên riêng của ai
nữa…Chẳng phải kẻ nô lệ thường chỉ mang một con số đó sao ?

Rõ ràng là ĐỨC CHÚA không hề muốn con người sống nô lệ : đó là điều ngược lại với ý Chúa
muốn khi tạo dựng muôn loài nhằm thiết lập những mối liên kết cưu mang sự sống. Vậy để bảo
đảm công trình tạo dựng của Thiên Chúa, để bảo vệ sự sống và bảo đảm khả năng sinh sôi phát
triển, Thiên Chúa đã chọn lựa một cách đề phòng, nhằm cản trở những vận hành của con người :

7
Nào ! Ta xuống và ở đó , Ta làm cho tiếng nói của chúng xáo trộn,
khiến chúng không hiểu được tiếng nói của nhau nữa.”

Khi dùng đại từ « ta » (ngôi thứ nhất số nhiều, « chúng ta », cách dùng hiếm thấy trong tiếng Hip-ri
khi ai đó đang nói với chính mình), ĐỨC CHÚA đã dùng cách đối đáp lại đại từ « chúng ta » trong
dự định của con người. Hơn nữa, bằng cách láy từ ngữ, các động từ Chúa dùng trong lời tự nhủ này
cũng ứng đối lại với những gì con người đã nói với nhau trong các câu 3-4. Rõ ràng là Chúa đang
trả lời cách gián tiếp cho những người thợ xây nô lệ kia, để cản trở dự án của họ. Chúng ta thấy
rằng những người này muốn họ là một thứ « chúng ta » khái quát, một « chúng ta » không có ai trực
diện, không có một ai khác, còn ĐỨC CHÚA thì chống lại thứ « chúng ta » thỏa hiệp không muốn
khác biệt, chỉ muốn đồng nhất.

Rào chắn con đường đi tới thái độ không muốn khác biệt, chỉ muốn đồng  nhất, đó chính là điểu
quan trọng cần nắm bắt. Bước đầu tiên Chúa đã nói và làm minh nhiên, đó là « làm cho tiếng nói
của họ xáo trộn », và như thế, họ « không hiểu được tiếng nói của nhau nữa », vì trước đó trong câu
3 họ đã bảo nhau, người này nói với người kia phải ra tay thực hiện công trình. Khi làm cho tiếng
nói của họ bị xáo trộn, ĐỨC CHÚA nhấn mạnh và thánh hóa sự khác biệt giữa mọi người, đến đỗi
từ nay họ không thể phủ nhận được nét đặc thù cá nhân và mơ tưởng một thứ đồng nhất đồng bộ tự
mãn. Khi đặt tầm quan trọng cho sự đa dạng cần phải có, Chúa nhấn mạnh đến tính cách khó khăn
trong mọi hình thức thông tin truyền đạt, đến đỗi không ai tin rằng mình đang truyền đạt hay cảm
thông được nếu tiên vàn không biết trân trọng sự hiện hữu của người khác, không biết chấp nhận và
tôn trọng những khác biệt của người khác.
 

8

Thế là ĐỨC CHÚA phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất,
và họ phải thôi không xây thành nữa.
9

Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben,
vì tại đó, ĐỨC CHÚA đã làm xáo trộn tiếng nói của toàn cõi đất,
và cũng từ chỗ đó, ĐỨC CHÚA đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất.

Sau khi nói, thì  ĐỨC CHÚA làm. Người « phân tán » họ ra « khắp nơi trên mặt đất », nghĩa là
khiến cho công trình  xây dựng của họ phải ngưng lại ngay. ĐỨC CHÚA đã thực hiện chính xác
điều mà con người sợ hãi (câu 4).

Sự phân tán trong nhân loại đi đôi với sự gia tăng các ngôn ngữ khác nhau dường như có cái gì đó
là lạ. Thật vậy, thoạt nhìn, dường như hành động này phủ nhận giá trị của sự hợp nhất khi bẻ gảy
ước muốn của con người là luôn tìm dựng xây sự hợp nhất giữa họ. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, thì
không phải như vậy. Trong thực tế, ĐỨC CHÚA trong bản văn ở đây chỉ muốn ngăn cản con người
đừng rút ngắn giai đọan vốn chỉ đưa đến hành động phủ nhận giá trị mà họ đang muốn tôn tạo ;
ĐỨC CHÚA chỉ muốn ngăn trở họ đừng làm biến chất giá trị hợp nhất thành một thứ đồng nhất 
giản tiện ngột ngạt.

Trong ý nghĩa này, khi ĐỨC CHÚA phân tán con người, Chúa đã tặng ban cho họ một cơ hội sống,
bởi vì Chúa đã thánh hiến sự khác biệt cần thiết phải có trong cuộc sống và cho mọi triển nỡ. Như
vậy, không thể có một Thiên Chúa ganh tỵ, chỉ tìm cách ngăn cản con người truất phế Thiên Chúa,
nhưng ngược lại, đây là một Thiên Chúa đam mê tìm kiếm sự sống và tự do cho con người, và lo
liệu sao cho con người đừng sa vào con đường chuyên quyền độc đoán. Và nếu đây không phải là ý
định của Thiên Chúa đi nữa thì ít ra bản văn cũng phản ánh được ý định của tác giả thuật truyện,
đang tìm cách thuyết phục độc giả tin rằng con đường chuyên quyền độc đoán chỉ là ngõ cụt cho xã
hội, cho nhân loại.

Cuối cùng, khi « đặt tên » cho thành phố đang xây dang dỡ ấy là Ba-ben, cái tên có âm hưởng của
sự xáo trộn (balal), tác giả cho thấy nhân vật ĐỨC CHÚA  nhấn mạnh  rõ tầm quan trọng của sự
khác biệt cho những người đang muốn « gây danh tiếng » cho mình, rèn đúc cho mình một căn tính
mà không cần đến người khác. Quyết định của Thiên Chúa đang hướng tới thiết lập một giao ước
thiết thực.

Tên Ba-ben này tự bản chất cũng có cái gì đó lạ lùng.

– Một phần theo nghĩa từ nguyên, qua cách chơi chữ của tác giả, từ Ba-ben gợi  ý về sự xáo
trộn ngôn ngữ và sự phân tán trong nhân loại (câu 9) ;

– Phần khác, trong ngôn ngữ Ba-by-lon, hạn từ Ba-ben còn có nghĩa là « Cửa Thiên Chúa »
(Cửa Trời).

Sự lạ lùng này dường như ẩn chứa một nghịch lý nào đó. Sự phân hóa trong nhân loại là một cơ hội
theo nghĩa nó đang gầy dựng một « cửa ngõ » hướng tới « Đấng Duy Nhất », đưa đến « Thiên
Chúa », nhưng không thể rút ngắn giai đoạn, mà phải ngang qua những nẻo đường chậm rải của
giao ước. Và theo nghĩa này, sự xáo trộn ngôn ngữ tại Ba-ben là một điều chúc phúc. Còn việc phân
tán con người và đa dạng hóa tiếng nói cũng nổi bật lên như đã được nhấn tới ở chương 10, trong
tính cách năng động của công trình tạo dựng. Nhưng không chỉ vì thế mà thôi, bởi vì trong sự phân
tán và đa dạng hóa này, bổn phận và ơn gọi của nhân loại được phác họa rõ nét : con người phải trở
nên « hình ảnh của Thiên Chúa ».

Để kết luận : trở lại câu truyện và ngữ cảnh bản văn Kinh Thánh

Khi chọn lựa sắp xếp truyền thuyết Ba-ben vào sau một loạt các trình thuật mang tính thần thoại
trong phần đầu của sách Sáng thế, các nhà biên soạn Tô-ra đã đặt vào đó một tầm cỡ phổ quát.
Trình thuật Ba-ben trở thành một quy chuẩn căn bản để giải trừ mọi khuynh hướng chuyên quyền
độc đoán khi thực hiện sự hợp nhất giữa mọi người. Bởi vì nếu chương 10 nhắc nhớ sự hợp nhất 
nền tảng trong nhân loại dựa trên một gia phả, phát xuất từ cùng một tổ tiên duy nhất, thì bản văn
Ba-ben cũng gợi ý hoàn toàn về sự phát triển phong phú và đa dạng mà không một ai có thể hủy bỏ
theo kiểu san bằng hay giảm thiểu, và Thiên Chúa trong Kinh Thánh không thể giải quyết kiểu như
vậy được. Đây mới là trọng tâm của trình thuật nổi tiếng này.

Vậy có thể kết luận thêm rằng sự hợp nhất trong nhân loại và giữa mọi dân tộc không nằm trong dự
định của Thiên Chúa  sao ? Tôi không nghĩ như vậy. Câu truyện Ba-ben muốn nói rằng sự hợp
nhất con người muốn thiết lập không thể nào dựa trên việc hủy bỏ các khác biệt. Thiên Chúa
trong Kinh thánh là một Thiên Chúa của giao ước. Một giao ước chỉ có thể tồn tại khi các đối
tác giữ nguyên căn tính của mình (tách biệt chứ không sáp nhập), với những nét riêng biệt
đặc thù, để tạo nên tương quan trong đó cả đôi bên cùng trao đổi và làm phong phú cho nhau.

Trong sách Công vụ các Tông đồ, có một trình thuật tương ứng với câu truyện tháp Ba-ben. Đó là
trình thuật ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2, 1-11) kể lại rằng dưới sự thúc đẩy của Thần Khí Thiên Chúa,
những người « đến từ mọi dân tộc đang ở dưới gầm trời » (câu 4) hiểu được  những kỳ công của
Thiên Chúa qua lời các Tông đồ đang loan truyền: « mỗi người nghe họ nói trong ngôn ngữ của
mình » (câu 7. 11). Như vậy, sự khác biệt ngôn ngữ đã không bị huỷ bỏ. Chỉ có điều nó không còn
làm  cản trở cho mọi truyền thông giữa người với người nữa. Thánh Lu-ca đã cho chúng ta hiểu
Thiên Chúa chân nhận thế nào là sự hợp nhất trong nhân loại. Đó không phải là một sự đồng
nhất đồng bộ xóa hết mọi đa dạng khác biệt, nhưng là một sự hiệp thông trong đó các khác
biệt trở thành nơi hình thành mối kết giao mới mẻ.

Lm. André WENIN
Giáo sư Chú giải Cựu Ước

Khoa trưởng khoa Kinh Thánh – Thần học
Đại học Louvain – Bỉ

(chuyển ngữ : lttn)

Nguồn> kinhthanhchomoinguoi.org