KINH THÁNH 100 TUẦN – TUẦN 72, SÁCH HUẤN CA

Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 72

Sách Huấn ca

***

  1. THIÊN CHÚA TỎ MÌNH QUA THIÊN NHIÊN VÀ TRONG LỊCH SỬ (42,15 – 50,29)
  2. Ca tụng Chúa
  3. a) Ca tụng Chúa trong thiên nhiên (42,15 – 43,35)

Tác giả nói đến nguồn gốc những công trình của Thiên Chúa: “Do lời Đức Chúa mà có những công trình của Người” (42,15), đồng thời con người không thể kể hết mọi kỳ công của Chúa (42,17). Ông liệt kê những kỳ công của Chúa: bầu trời và mặt trời (43,1-5), các hiện tượng trên trời (43,6-12), thời tiết (43,13-23), biển cả (43,24-26). Câu kết “Người là tất cả” (43,27) không có ý diễn tả niềm tin phiếm thần nhưng muốn nói lên tâm tình của tác giả: chiêm ngưỡng kỳ công của Chúa dẫn ta đến tâm tình chúc tụng, ngợi khen “Làm sao đủ sức để tôn vinh Người? Vì chính Người là Đấng Cao cả, vượt trên mọi công trình Người thực hiện” (42,28).

  1. b) Ca tụng Chúa trong lịch sử (44,1 – 50,29)

Trong phần này, tác giả chúc tụng Chúa vì những việc vĩ đại Chúa đã làm trong lịch sử Israel bằng cách kể ra những nhân vật và thời đại cụ thể. Ở đây ta không có một bản tóm lược lịch sử theo nghĩa các biến cố đan kết chặt chẽ với nhau. Tác giả có thể bỏ qua một số chi tiết và đôi khi sắp xếp lại. Cấu trúc của phần này:

Dẫn nhập (44,1-15)

Các tổ phụ (44,16-23)

Môsê, Aaron, Phinehas (45,1-26)

Joshua, Caleb, Các thẩm phán, Samuel (46,1-20)

Nathan, David, Salomon (47,1-24)

Elia và Elisê (47,25 – 48,16)

Hezekiah và Isaia (48,17-23)

Josiah và các tiên tri (49,1-10)

Các vị anh hùng sau thời lưu đày (49,11-13)

Các vị anh hùng trước lụt Hồng thủy (49,14-16)

Simon (50,1-24)

Kết thúc (50,27-29)

  1. Nhận biết Thiên Chúa qua thiên nhiên và trong lịch sử

Thánh Phaolô khẳng định, “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mắt họ… Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,19-20). Thánh Augustino cũng viết những suy tư thật sâu sắc, “Hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, của biển khơi, của khí trời và bầu trời… hãy hỏi tất cả những thực tại ấy. Tất cả sẽ trả lời bạn: ‘Hãy xem đó, chúng tôi quả là đẹp.’ Vẻ đẹp của chúng là một lời tuyên xưng. Ai đã làm ra những cảnh đẹp thiên biến vạn hoá đó nếu không phải là Đấng Toàn mỹ không bao giờ đổi thay” (Thánh Augustino, Bài giảng 241,2).

Có bao giờ bạn dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa khi chiêm ngắm thiên nhiên? Có bao giờ bạn giúp con cái mình cầu nguyện giữa lòng thiên nhiên? Có bao giờ bạn cầu nguyện bằng cách nhìn lại chính lịch sử đời mình?

  1. GIÁO DỤC CON CÁI (30,1-13)
  2. Một quan điểm về giáo dục

Muốn giáo dục con cái nên người, phải biết áp dụng kỷ luật: “Thương con thì cho roi cho vọt, sau này sẽ vui sướng vì con” (30,1) và “Khi con còn bé nhỏ, cứ thẳng tay trừng phạt; kẻo nó ra bất trị, chẳng vâng lời nữa đâu” (30,12). Ngược lại, quá nuông chiều sẽ làm cho con cái ra hư hỏng, làm hỏng cuộc đời nó và làm khổ cha mẹ (30,7-11). Giáo dục con cái thành công đem lại niềm vui cho cha mẹ trong cuộc đời tại thế và cả cuộc sống mai sau: “Người cha có chết thì cũng như chưa chết, vì đã để lại đứa con giống như mình” (30,4). Ở đây chưa phải là niềm tin vào sự sống lại, chỉ là sự tồn tại nơi hậu duệ của mình.

  1. Vai trò của kỷ luật trong việc giáo dục con cái

Kỷ luật là đòi hỏi cần thiết trong mọi việc tập luyện: thể thao, sắc đẹp, tri thức. Đối với đời sống thiêng liêng cũng thế, cần có kỷ luật trong việc tập luyện các nhân đức, hình thành những thói quen tốt. Điều nghịch lý ngày nay là người ta nhìn nhận tầm quan trọng và tuân thủ kỹ càng những kỷ luật trong việc tập luyện thân xác và tri thức, nhưng lại cho những kỷ luật trong đời sống đạo đức là cổ hủ và không hợp thời.

Muốn giáo dục con cái nên người, cũng cần áp dụng kỷ luật. Nhiều bậc cha mẹ nhân danh tình yêu để nuông chiều con cái quá mức, không biết rằng làm như thế chỉ mang lại đau khổ cho con cái và cho chính mình. Tình yêu chân thật là nỗ lực đem lại cho con cái những điều tốt đẹp và vững bền nhất. Tình yêu đó thúc đẩy các bậc cha mẹ phải lo cho con cái được một nền giáo dục toàn diện. Chính ở đây, ta thấy được sự cần thiết của kỷ luật. Đồng thời, phải nhìn và áp dụng kỷ luật từ góc độ của tình yêu chân thật, khi đó ta mới có thể giúp con cái thấy giá trị tích cực của kỷ luật trong đời sống của chúng.