Học hỏi Thánh Kinh 100 tuần – Tuần 73
Sách Khôn ngoan
***
- TỔNG QUÁT
Tựa đề nguyên thủy của sách là Sách Khôn Ngoan của Salomon nhưng các văn bản La tinh chỉ gọi đơn giản là Sách Khôn Ngoan. Salomon không bao giờ xuất hiện trong sách như tác giả nhưng đại từ “tôi” rõ ràng nhắc đến những hành động của Salomon (chương 9). Dựa vào nội dung của sách, các học giả suy đoán rằng tác giả của sách là một người Do thái đạo đức, trung thành với Lề luật, học thức cao, biết thi ca và triết học Hi lạp.
Sách Khôn Ngoan có lẽ đã được biên soạn vào giữa thế kỷ 1 tức khoảng năm 50 trước Công nguyên. Nơi biên soạn có thể là Ai Cập vì tác giả quan tâm nhiều đến những vấn đề liên quan đến Ai Cập.
Mục đích của sách là nhằm củng cố đức tin của các độc giả Do thái. Một số độc giả là những người đạo đức và tác giả khuyến khích họ giữ vững đức tin giữa những xáo trộn của đời sống. Một số khác xem ra đã bị lung lay trước sức hấp dẫn của triết học Hi lạp, và Sách Khôn Ngoan muốn nhắc họ nhớ lại vẻ đẹp của tôn giáo và niềm tin truyền thống so sánh với niềm tin và tư tưởng của dân ngoại. Đối với những người đã bỏ đạo, Sách Khôn Ngoan kêu gọi họ trở về với Chúa. Cuối cùng có thể có độc giả là dân ngoại, Sách Khôn Ngoan chỉ cho họ thấy sự sai lầm khi thờ phượng các ngẫu tượng.
Sách Khôn Ngoan dạy ta rằng Thiên Chúa hoạt động khắp mọi nơi, biết hết mọi sự, và yêu thương hết mọi loài. Thiên Chúa cũng trừng phạt và ban phần thuởng dù phần thuởng ở đây không nhất thiết là của cải trần gian. Sự ác trong thế gian bắt nguồn từ sự ghen tị của ma quỷ. Sự khôn ngoan gần như được đồng hoá với Thiên Chúa vì phát xuất từ Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong thế giới. Theo đuổi sự khôn ngoan là điều tốt đẹp nhất, và đạt đến khôn ngoan là được đến gần Chúa hơn. Sách Khôn Ngoan cũng dạy rằng con người có linh hồn bất tử; sau khi chết, người công chính sẽ được ở bên Chúa và các thánh. Tuy nhiên tác giả không nói về sự phục sinh thân xác. Sống công chính là con đường dẫn đến sự khôn ngoan và con người có tự do chọn lựa Chúa hay điều ác.
Sách Khôn Ngoan có ba phần chính:
– Khôn ngoan, phần thuởng của công chính (1,1 – 6,21)
– Salomon ca tụng sự khôn ngoan (6,22 – 11,1)
– Sự quan phòng của Chúa trong cuộc Xuất hành (11,2 – 19,22)
- LỐI SỐNG CỦA PHƯỜNG VÔ ĐẠO (1,16 – 2,24)
Câu mở đầu (1,16) khẳng định gốc rễ của sự ác là chọn lựa của mỗi cá nhân. Phường vô đạo ở đây có thể hiểu về Adam và Eva “đã lên tiếng vẫy tay mời thần chết,” nhưng cũng có thể hiểu về con người tội lỗi nói chung. Những từ “bầu bạn, kết giao” cho thấy sự gắn bó với cái ác và trở thành sở hữu của ma quỷ.
2,1-5 nói đến quan niệm của phường vô đạo về cuộc sống và cái chết. Đối với họ, hiện hữu và cuộc sống này chỉ là do tình cờ ngẫu nhiên chứ không do tình yêu của Thiên Chúa (câu 2-3), và chết là hết, không còn gì khác. Quan niệm này phản ánh một số tư tưởng triết học thời đó, nhưng cũng là suy nghĩ của nhiều người ngày nay.
Quan niệm sống đó dẫn đến lối sống buông thả (2,6-9) được mô tả bằng những từ cụ thể: hưởng lấy của đời này, say rượu quý, truy hoan, dấu vết ăn chơi. Điều nguy hiểm nhất là lối sống đó lại trở thành xác tín “đó chính là phần, là số ta được hưởng” (câu 9). Đây chẳng phải là lối sống của nhiều người ngày nay sao? Họ quên rằng cũng giống như mọi thực tại, khoái lạc phải có giới hạn của nó; nếu không chính nó sẽ hủy diệt con người.
Sự suy đồi của phường vô đạo còn đi xa đến chỗ triệt hạ người công chính (2,10-20). Chúng chống đối người khôn ngoan (gồm cả người già có kinh nghiệm khôn ngoan) và gạt bỏ lề luật của Thiên Chúa đòi hỏi phải chăm sóc người nghèo khổ và kẻ mồ côi. Câu 12-16 cho thấy động lực tâm lý sâu xa của phường vô đạo khi triệt hạ người công chính, đó là triệt hạ tiếng lương tâm, tiếng nói của chân lý, tiếng nói phê phán và tra vấn lối sống tội lỗi của họ. Phải triệt hạ người công chính để có thể an tâm vui hưởng lối sống tội lỗi của mình.
Câu 17-20 nói đến việc quân vô đạo thử thách người công chính xem có đủ kiên trì trung thành với Chúa không. Khi thử thách như thế, chúng tự đặt mình thành đối thủ của Chúa vì chúng lý luận “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ nó và cứu nó khỏi tay địch thù” (2,18). Các Kitô hữu đọc những lời này và nghĩ đến Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Ngài.
Trong phần cuối (2,21-24), tác giả lên tiếng phê phán quan niệm và lối sống của phường vô đạo. Chúng hành động như thế không chỉ vì ngu dốt mà còn vì đã liên kết với quỷ dữ (1,16). Chúng không biết rằng con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, và vì Thiên Chúa là Đấng bất diệt nên con người cũng được trường tồn bất diệt. Nhưng chỉ vì quỷ dữ ganh tị nên cái chết mới đột nhập vào trần gian. Ở đây tác giả không phân biệt rõ ràng cái chết thể lý và cái chết thiêng liêng.
Những suy tư này được viết cách đây 22 thế kỷ nhưng vẫn mang tính thời sự cụ thể cho con người ngày nay, giúp ta cảnh giác trước những lý lẽ và lối sống được gọi là hiện đại nhưng không thực sự mang lại hạnh phúc và sự sống viên mãn cho con người.
III. TÌM KIẾM KHÔN NGOAN (6,1-21)
Phần mở đầu (câu 1-4) kêu gọi mọi người đang nắm quyền lực trên trái đất. Điều họ phải lắng nghe và thấu hiểu là công việc của họ nằm dưới sự kiểm tra của Thiên Chúa, vì thế họ phải hành xử quyền bính cách công bằng.
Cũng như Thiên Chúa đã ban quyền bính cho Đavít và các vua, tác giả khẳng định rằng chính Chúa là nguồn mọi quyền bính của vua chúa. Tư tưởng này được xây dựng trên niềm xác tín vào Thiên Chúa là Chủ của lịch sử, là quan điểm được nhấn mạnh rất nhiều trong Thánh Kinh. Tác giả nhắc lại điều này để cảnh giác những người ngạo mạn, tự coi mình như độc lập hoàn toàn với Thiên Chúa.
Câu 5-8 mô tả án xử của Thiên Chúa. Người không phân biệt sang hèn. Người phận nhỏ còn được thương tình miễn thứ, còn kẻ quyền thế sẽ bị Chúa tra vấn nghiêm ngặt. Đây là cách nhìn khác hẳn với quan điểm quen thuộc của người đời, chỉ đánh giá con người dựa trên sở hữu (quyền lực, tiền bạc…), và coi khinh những người nghèo khổ, cô thân cô thế.
Chính vì thế, những người nắm quyền bính cần phải học lẽ khôn ngoan, tức là học sống công chính. Đây cũng là điều khá xa lạ với những người có quyền lực trong xã hội ở mọi nơi mọi thời, vì họ thường tìm cách đạt quyền lực nhờ mánh khoé và thủ đoạn, đồng thời duy trì quyền lực cũng bằng những thủ đoạn độc ác. Giáo huấn của Sách Khôn Ngoan vẫn là những bài học mang tính thời sự cho chúng ta.
Các câu 12-21 mô tả những đặc tính của khôn ngoan và hành trình tìm kiếm khôn ngoan.
– Khôn ngoan là điều dễ tìm (câu 12). Như thế nếu kẻ ngu si và vô đạo không gặp được là vì họ không muốn, họ chỉ tìm kiếm những điều độc ác.
– Khôn ngoan sẽ có mặt khi ta tìm kiếm (câu 13-14). Kẻ ngu si và vô đạo đã không gặp được khôn ngoan “ngồi ngay trước cửa nhà” vì họ không chịu tìm kiếm.
– Hành trình tìm kiếm khôn ngoan được tác giả mô tả: ham muốn học hỏi – yêu mến – tuân giữ Lề luật – trường sinh bất tử. Người môn đệ của Chúa Giêsu có thể học được ở đây con đường theo Thầy Chí thánh là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” Con đường theo Chúa cũng được dệt bằng niềm khao khát, tình yêu, tuân giữ Lời Chúa, và nên đồng hình đồng dạng với Chúa.
- SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA TRONG CUỘC XUẤT HÀNH (11,2 – 19,22)
Đây là phần thứ ba trong sách Khôn Ngoan và mục đích của phần này là muốn chứng minh sự khôn ngoan đã bảo vệ dân Israel như thế nào trong cuộc xuất hành. Tác giả đã làm việc này bằng cách nêu ra những tương phản, cho thấy những sự vật Chúa dùng để phạt quân thù lại là những sự vật mang điều lành đến cho Dân Chúa.
Ví dụ thứ nhất là nước (11,6-14). Thiên Chúa đã trừng phạt người Ai Cập bằng thứ nước ô uế (Xh 7,17-24) và đã nuôi sống dân Israel bằng nước thanh khiết (Xh 17,5-7). Nếu Thiên Chúa có trừng phạt Israel thì đó là sự trừng phạt mang tính giáo dục của người cha dành cho con cái.
Ví dụ thứ hai là các loài vật, được nhắc đến trong ba đoạn khác nhau (Xh 11,15-16; 12,23-27; 15,18 – 16,15). Người Ai cập bị coi là ngu muội vì đã tôn thờ các loài vật vô tri, vì thế Thiên Chúa đã dùng chính các loài vật đó như rắn rết, cóc nhái, mà trừng phạt họ. Trong khi đó các loài vật lại trở thành phúc lành cho dân Israel, ví dụ chim cút đã thành của ăn cho họ trong hành trình sa mạc, rắn đồng chữa lành cho dân chúng. Tuy nhiên tác giả nhấn mạnh họ được cứu không phải do rắn đồng, nhưng “do chính Ngài, Đấng Cứu độ muôn người hết thảy.”
Ví dụ thứ ba là manna (16,16-29). Thiên Chúa trừng phạt Ai cập bằng mưa đá và lửa, tức là hai yếu tố đối nghịch nhau nhưng lại cùng hoạt động theo ý Thiên Chúa (Xh 9,22-26). Trong khi đó, Chúa lại ban manna nuôi dân, và manna được mô tả là “như băng tuyết, chịu được lửa hồng mà không tan chảy.”
Ví dụ thứ tư là bóng tối và cột lửa (17,1 – 18,4). Khi nói đến bóng tối như sự trừng phạt người Ai cập, tác giả nhấn mạnh ý nghĩa luân lý hơn là thể lý (các câu 2-21). Trong khi đó, Thiên Chúa lại ban cho Israel cột lửa làm hướng đạo trên con đường xa lạ, làm vầng ô dịu hiền trong cuộc di dân (18,3).
Ví dụ thứ năm là đêm thảm sầu và đêm giải thoát (18,5 – 19,21). Trong đêm Vượt qua, con đầu lòng trong các gia đình Ai cập bị giết chết nhưng con đầu lòng dân Israel lại được cứu sống. Đêm đó là đêm kinh hoàng cho người Ai cập nhưng lại là đêm giải thoát cho dân Israel (19,1-21).
Tất cả những so sánh trên nhằm tôn vinh sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Israel. Bài học mà tác giả muốn mọi người quan tâm là hãy đọc lại lịch sử Israel để khám phá sự dẫn dắt khôn ngoan của Chúa và gắn bó với Chúa, đó chính là lối sống khôn ngoan.
Đọc lại lịch sử để khám phá sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa vẫn là một trong những cách thế hữu hiệu giúp ta sống đức tin. Có thể nói đây cũng là một trong những nền tảng cho phương pháp được gọi là Kinh nguyện hồi tưởng. Phương pháp này mời gọi ta cầu nguyện bằng cách nhìn lại chính đời mình để nhớ lại những khoảnh khắc đặc biệt ở đó ta cảm nhận sự hiện diện của Chúa cách rõ nét, nhớ lại những con người đã ghi dấu ấn sâu đậm trong đời ta, nhớ lại những biến cố lớn trong cuộc đời, nhớ lại cả những thương tích in sâu trong tâm hồn. Tất cả nhằm mục đích giúp ta cảm nhận rõ ràng sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong cuộc đời mình, nhờ đó ta đến với Chúa không chỉ bằng những suy nghĩ trừu tượng của trí khôn nhưng với cả con người của mình.
- NHỮNG NGẪU TƯỢNG (13,1 – 15,17)
Xen lẫn những suy tư về sự quan phòng của Thiên Chúa, sách Khôn Ngoan nói khá nhiều về việc thờ ngẫu tượng, đáng cho ta quan tâm. Chủ đề này được chia thành hai phần, một là việc thờ phượng thiên nhiên (13,1-9), và hai là việc thờ ngẫu tượng (13,10 – 15,17).
Trong phần nói về thờ phượng thiên nhiên, tác giả phê phán “những kẻ ngu si” vì họ thờ phượng những sự vật trong thiên nhiên như lửa và gió, tinh tú và bầu trời, sông nước hay mặt trời mặt trăng… mà không khám phá ra chính Đấng đã làm nên vạn sự, “Nếu chúng có đủ khả năng hiểu biết để có thể nghiên cứu các sự vật trên đời, thì sao lại không sớm nhận ra Đấng chủ tể của những sự vật đó” (13,9). Những phê phán này nhắc ta nhớ lại điều thánh Phaolô đã nói trong Rm 1,18-25, và giáo huấn của Hội Thánh về việc lý trí con người có thể nhận ra Đấng Tạo hoá qua những kỳ công Người thực hiện.
Ngoài việc thờ phượng thiên nhiên, còn có thứ thờ phượng tệ hại hơn nhiều, đó là thờ phượng những sản phẩm do chính tay con người làm ra (13,11 – 14,11; 15,7-13). Ông thợ mộc hay anh thợ gốm tạc nặn những tượng thần. Rõ ràng là sản phẩm do tay con người làm ra. Tác giả còn phê phán cách cay độc rằng tượng thần đó được làm từ một mẩu gỗ chẳng còn dùng vào được việc gì vì đầy mấu đầy mắt (13,13)! Thế nhưng sản phẩm đó lại được con người thờ lạy và khấn xin những điều mà ngẫu tượng đó hoàn toàn không thể đáp ứng, “Với vật không hồn, anh xin sự sống; với vật không kinh nghiệm, anh xin sự giúp đỡ; với vật không đi được nửa bước, anh xin thượng lộ bình an” (13,18). Thật là ngu xuẩn và điên rồ.
Cùng với những lời phê phán việc thờ ngẫu tượng, tác giả đưa ra những suy tư và phân tích sâu sắc về nguồn gốc và hậu quả của việc thờ ngẫu tượng (14,12 – 15,6). Tác giả nhắc đến hai nguồn gốc dẫn đến chỗ thờ ngẫu tượng: người cha mất con nên nặn hình tượng con rồi tôn kính như thần thánh và bắt mọi người phải làm theo (14,12-15); tạc hình tượng những nhà cai trị ở xa rồi cổ võ việc thờ kính ông ta (14,17-20). Hậu quả là một hiểu biết hoàn toàn sai lạc về Thiên Chúa (14,22), và một khi không hiểu biết và tôn thờ Thiên Chúa đích thực, con người để cho mình sa vào sự lôi cuốn của dục vọng với đủ thứ tội ác (14,23-26).
Những suy tư này vẫn còn nguyên giá trị cho cuộc sống con người hôm nay. Trong một thời đại phát triển khoa học kỹ thuật cao như ngày nay, con người không còn thần thánh hoá những sự vật trong thiên nhiên (dù vẫn có một số hình thức mê tín đị đoan). Thế nhưng nhiều người ngày nay lại có khuynh hướng thần thánh hoá những con người bằng xương bằng thịt, ví dụ một nhà lãnh đạo nào đó hoặc một siêu sao điện ảnh! Bên cạnh đó người ta tôn thờ quyền lực và tiền bạc, vốn chỉ là sản phẩm do tay con người làm ra, mà bỏ quên Thiên Chúa Tạo Hoá. Rồi người ta kiếm tìm những nghi lễ huyền bí, những cuộc lễ man rợ (14,23) đến độ thờ cả Satan. Nghĩ cho cùng, tất cả cũng đều phát xuất từ chỗ con người không nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa đích thực, rơi vào sự trống rỗng trầm trọng về mặt tinh thần, và cố gắng tìm những thứ bên ngoài để lấp đầy.
Cùng với tác giả sách Khôn Ngoan, người Kitô hữu tuyên xưng rằng, “Lạy Thiên Chúa chúng con, Ngài tốt lành, chân thật và kiên nhẫn, lấy lòng thương xót mà cai quản muôn loài…. Nhận biết Chúa tường tận là đạt được công chính hoàn hảo, nhìn nhận quyền năng Chúa là đạt được nguồn ơn bất tử” (15,1-3).