Chúng ta vừa kết thúc tháng truyền giáo ngoại thường với tựa đề: “Được rửa tội và sai đi”. Đối với tôi đây là một sứ điệp thật thiết thực và ấn tượng. Nó giúp tôi tìm lại được ý nghĩa của sứ vụ truyền giáo.
Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô Tông Đồ nhấn mạnh rằng: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những công trình vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9). Đúng vậy, khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã được xức dầu để trở thành Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả (Is 42,13). Với ba chức vụ này, Chúa Giêsu chu toàn sứ mệnh cứu độ được Chúa Cha trao phó. Như vậy, ngôn sứ là người được sai đi nói lời Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa. Chúa Giêsu là vị đại Ngôn sứ của Chúa Cha. Người được Chúa Cha sai đến trần gian, dùng lời nói và đời sống loan báo tin Mừng Nước Thiên Chúa. (Hc. Hội Thánh, số 35). Rồi chính Chúa Giêsu đã thông chia chức vụ ấy cho chúng ta, khi thiết lập Hội Thánh, để chúng ta làm ngôn sứ, nói lời Thiên Chúa cho muôn dân. Như vậy, qua Bí Tích Rửa Tội, người tín hữu được tham dự vào chức Ngôn sứ của Chúa Kitô khi lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, để ra đi thi hành chức vụ Ngôn sứ bằng lời nói và cuộc sống. Như vậy, qua Bí Tích Rửa Tội, ta có được một sứ mệnh đặc biệt, đó là RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG.
Trước đây, khi học về Bí Tích Bửa Tội, tôi đã được dạy về ba chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả này. Tuy nhiên, tôi đã không quan tâm lắm đến khía cạnh này, mà chỉ nghĩ đến vấn đến được rửa tội để làm con Thiên Chúa mà thôi. Thậm chí, tôi cũng nghĩ một cách đơn giản như nhiều người Kitô Hữu khác rằng: vấn đề truyền giáo (Ngôn sứ) là dành cho các Giám mục, Linh mục và các nhà truyền giáo mà thôi. Chính vì thế tôi đã không quan tâm lắm đến việc truyền giáo. Vì cho rằng: mình thấp cổ, bé họng, thuộc hàng tép riu thì nói ai nghe. Hơn nữa, ra đi rao giảng Tin Mừng để đem người khác vào đạo không phải là việc dễ dàng. Cho nên tôi đã không nhiệt huyết cho lắm. Thế nhưng, kể từ ngày gia nhập Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại; qua Hiến pháp của Hiệp Hội và qua chỉ thị của cha Tổng Phụ Trách, tôi đã ý thức được tầm quan trọng về sứ mệnh truyền giáo của mình. Cũng kế từ đó, tôi cố gắng học hỏi Kinh Thánh, phương thức truyền giáo, cũng như kinh nghiệm truyền giáo từ các cha, các thầy và những người làm việc truyền giáo để chuẩn bị cho hành trình truyền giáo của mình. Cho đến hôm nay thì tôi đã tự tin dấn thân ra đi dưới sự chỉ định của cha Tổng Phụ Trách và sự dẫn dắt của cha Phó Tổng Phụ trách. Tôi nhận thức được rằng; ra đi truyền giáo là một hành trình khó khăn, gian nan, vất vả và khổ cực. Phải trải qua nhiều thách đố và chướng ngại vật trên hành trình của mình. Biết thế, nhưng tôi đã không ngần ngại với các khó khăn trước mắt. Tôi quyết tâm với sự trợ giúp của Chúa, sẽ vượt qua mọi gian lao thử thách, miễn sao Đức Kitô được rao giảng.
Cũng như thánh Phaolô – tôi cũng có thể nói rằng -: “Tình yêu của Đức Kitô đã thúc bách tôi”. Vâng, vì nhiệt huyết mong muốn làm sao cho nhiều người được nhận biết Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ, nên tôi đã không ngần ngại dấn thân ra đi trên cánh đồng truyền giáo.
Khi đến với những người đồng bào vùng sâu, vùng xa, tôi mới cảm nghiệm được rằng: Cánh đồng truyền giáo quả thật bao la và rộng lớn. Rất cần đến những tâm hồn nhiệt huyết và dám từ bỏ nơi phố thị để đến với họ, để đồng hành với họ trên hành trình tiến về nhà Cha. Nhiều đêm tôi nằm suy tư; cũng là một kiếp người, nhưng sao số phận của họ hẩm hiu đến thế; nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn, đói rét, thiếu ánh sáng đức tin… Khi đặt chân đến với những buôn làng xa xôi heo hút trong các khu rừng, hoặc nơi những mảnh đất khô cằn sỏi đá… mới cảm thấy thương họ biết bao. Có lẽ cảm thông được sự khốn cùng của họ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ chúng ta rằng: “Cha muốn Giáo Hội ra đi, đi đến vùng ngoại biên. Cha muốn chúng ta chống lại những gì là thế gian, là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị, là khép kín chính mình… Cha muốn Hội Thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn. Một Hội Thánh thực sự tốt đẹp khi biết ra đi”.
Vâng, có ra đi mới thấy được sự cần thiết và cấp bách của sứ vụ loan truyền ơn cứu độ cho muôn dân. Vừa qua, tôi đã đến một số buôn người đồng bào để thăm hỏi, để làm việc từ thiện, để học hỏi thêm ngôn ngữ và kinh nghiệm, tôi mới thấy được rằng: Truyền giáo cho người đồng bào là một vấn đề hết sức nan giải và cấp bách. Vì họ sinh đẻ rất nhiều mà sự giáo dục lại không có. Tiếng kinh thì không biết được nhiều cho nên họ chỉ sống với rừng núi mà thôi. Niềm vui của các em ở những nơi này chỉ là quanh quẩn với các con suối nhỏ, cảnh rừng sâu hun hút hoặc cùng lắm thì cũng chỉ nghịch đất quanh quẩn gần nhà mà thôi. Ngoài ra không có gì nữa hết, tương lai thì mù mịt. Cha mẹ thì lên nương cũng chỉ biết trồng mì trồng sắn chứ chưa biết áp dụng kỷ thuật khoa học vào sản xuất nông nghiệp, nên sự nghèo nàn lạc hậu cứ bám riết lấy họ.
Vâng, có ra đi thực tế thì mới thấy được sự truyền giáo thật bao la và cấp bách biết bao. Có đến với muôn dân thì mới cảm nhận được họ cần đến tình người, tình yêu thương và sự nâng đỡ của chúng ta. Nếu chúng ta không ra đi, thì nền văn minh và tình người sẽ không đến được với họ, và dĩ nhiên họ cũng chẳng nhận được TÌNH YÊU THIÊN CHÚA.
Tu sĩ Anrê Dũng Lạc Trần Anh Văn, SSP.