Những Tv này chiếm hơn 1/3 tổng số các Tv. Các chuyên viên phân loại những Tv xin ơn và tạ của cá nhân, và những Tv như thế của tập thể, điểm khác nhau là đối tượng của lời xin và lời tạ ơn.
Mỗi Tv loại này thường gồm 4 phần (thứ tự có thể khác nhau) : kêu lên Chúa, trình bày hoàn cảnh, đưa những lý do để Chúa nhận lời, kết thúc.
Hoàn cảnh có thể rất nhiều, chẳng hạn :
– Bệnh nặng gần chết.
– Bị cư xử bất công.
– Bị lưu đày.
– Xin cho quân đội Israel chiến thắng.
– Xin trừng phạt quân thù (những Tv này được gọi là “Thánh vịnh nguyền rủa”. Chúng đặt ra một vấn đề hóc búa, ta sẽ nghiên cứu riêng).
– Xin tha tội.
Lời nguyện của chúng ta :
Những Tv này vừa dễ mà cũng vừa khó đối với chúng ta nếu muốn dùng chúng để cầu nguyện : dễ gì hoàn cảnh trong đó cũng giống hoàn cảnh chúng ta ; nhưng khó vì nhiều khía cạnh
– Có nhiều hình ảnh xa lạ. Những chú thích trong Thánh kinh có thể giúp ta hiểu một số. Tuy nhiên trong thi văn thì không nhất thiết lúc nào cũng phải hiểu hết mọi chi tiết !
– Có nhiều hoàn cảnh mà chắc không bao giờ chúng ta rơi vào. Nhưng ta phải nhớ rằng Tv là lời nguyện của mọi người. Bởi đó ta phải ra khỏi hoàn cảnh của riêng mình để cảm thông với hoàn cảnh người khác. Tiếng “tôi” trong những Thánh vịnh này không nhất thiết là “tôi cá nhân” mà còn là “tôi tập thể”.
– Kiểu xin xỏ thế này có thể khiến ta ngại, vì Thiên Chúa đâu phải là kẻ chuyên lo gỡ bí khi chúng ta bất lực. Đúng vậy, nhưng đã thương nhau thì không ái ngại nói hết cho nhau nghe những khó khăn của mình.
NHỮNG THÁNH VỊNH NGUYỀN RỦA.
Làm sao ta có thể cầu nguyện được với những lời nguyền rủa quân thù, xin Chúa bẻ gãy răng chúng, xin Chúa giết chúng chết hết…? Dù vậy ta có thể dùng chúng để cầu nguyện bằng 2 cách :
– Khi tâm tình của tôi chưa hợp với Tin mừng (“Cha ơi xin tha cho chúng“) ít ra tôi cũng có thể dùng những Tv trên để bày tỏ những cảm xúc sôi sục trong lòng mình và sau đó chờ cho Lời Chúa uốn nắn lòng mình cho hợp với Tin mừng hơn.
– Nhưng tốt hơn nữa là tôi cùng đọc những lời ấy với Chúa Kitô. Ngài bị quân thù làm khổ tơi bời và đã dùng tình thương để đè bẹp lại chúng, như thế Ngài đã thánh hiến tất cả những đau khổ ấy thành giá chuộc loài người.
NGHIÊN CỨU VÀI THÁNH VỊNH
1) Thánh vịnh 22 : Chúa ơi sao Chúa bỏ Con ?!
– c 2-3 : kêu Chúa và xin cứu.
– c 4-12 : trình bày những lý do khiến Chúa nhận lời : vì Chúa ở gần, vì Ngài đã giải cứu các tổ tiên, vì Ngài vẫn hằng che chở kẻ tin Ngài…
– c 13-22 : trình bày hoàn cảnh.
– c 23-27 : tạ ơn vì tin chắc sẽ được Chúa giúp, mời toàn dân cùng tạ ơn với mình, mời những người nghèo tham dự bữa ăn lễ tế mà mình sẽ dâng cho Chúa.
Từ đầu tới đây là lời nguyện cá nhân. Nhưng bây giờ chuyển thành lời nguyện tập thể với cc 28-32 được thêm vào : loan báo các dân sẽ hoán cải và vương triều của Thiên Chúa sẽ ngự đến.
Lời nguyện của chúng ta : theo Tin mừng Mt và Mc, Đức Giêsu trên thập giá đã cầu nguyện bằng Tv này. Bài tường thuật thụ nạn cũng mượn nhiều hình ảnh từ Tv này. Do đó nó trở thành lời nguyện của Đức Giêsu và của chúng ta.
2) Thánh vịnh 109 : Lạy Chúa, xin giết chúng chết hết.
Đây có lẽ là Tv nguyền rủa khủng khiếp nhất. Người ta cố gắng làm cho nó dịu bớt bằng cách đặt cc 6-19 vào miệng quân thù chống lại người tín hữu. Tuy nhiên ta nên giữ nguyên Tv này bởi vì ngay cả một thánh nhân như Giêrêmia có lúc cũng có những lời cầu nguyện tương tự (Gr 17,18; 18,21-23; 20,11-12).
Lời nguyện của chúng ta : Đức Giêsu đã từng cầu nguyện với Tv này như mọi người Do thái khác, do đó cũng có thể là một lời nguyện Kitô giáo ! Vả lại vì nằm trong bộ Thánh kinh nên nó cũng là Lời Chúa. Để dễ hiểu hơn bạn có thể đọc thêm bài trong khung sau đây :
NGỮ VỰNG CỦA TỘI
Trong chữ Híp-ri, tội được diễn tả bằng nhiều từ với những sắc thái khác nhau :
– Hatta có nghĩa là “hụt, không trúng đích”. Vậy phạm tội là “bắt hụt Chúa” và do đó cũng “bắt hụt” hạnh phúc (xem Tv 51, cc 4,5,6,7,9,11,1).
– Pésa nghĩa là cố ý xâm phạm quyền lợi người khác (con người, dân tộc, Thiên Chúa) các ngôn sứ đã dùng từ này để trách dân đã không vâng lời Chúa (cc 3,5,15).
– Awôn nghĩa là “đi lạc”, tội nhân là người đi lạc. Do đó phải quay trở lại (cc 4,7,11).
– Ra : đây là tên thông thường nhất của tội, chỉ một sự dữ, sự xấu (c.6).
3) Thánh vịnh 51 : Lạy Chúa xin thương con !
– c 3-4 : kêu lên Chúa và xin Ngài thứ tha.
– c 5-8 : con đã phạm tội chống lại Ngài.
– c 9-14 : xin Chúa thanh tẩy.
– c 15-19 : hứa sẽ tạ ơn với lễ vật là con tim kiêu hãnh đã bị tan nát.
– c 20-21 : cầu xin cho Giêrusalem. Những câu này xem ra không mạch lạc cho nên có lẽ được thêm vào về sau.
Tác giả sử dụng 3 ngữ vựng chính để giục lòng thống hối : ngữ vựng tội (xem khung phía trước), ngữ vựng thanh luyện và ngữ vựng yêu thương. Bạn thử tìm ngữ vựng ấy trong Tv này (chúng có nhiều dạng). Chúng thêm màu sắc gì cho Thánh vịnh ?
Thánh vịnh này cũng lấy lại sứ điệp của Êdêkiên : tác giả cảm nghĩ rằng mình thuộc về một dân tộc tội lỗi (Êd 16 20 23), ông biết chỉ có Chúa mới có thể làm cho tâm hồn ông trong sạch (Êd 36,26t), đó sẽ là việc làm của Thánh Linh (Êd 36,26t ; 37,14 ; 39,29 ; 29,47).
Tội nhân dựa vào những lý do nào để được tha thứ ?
Lời nguyện của chúng ta : nếu Đức Giêsu Kitô không có tội mà còn đọc Tv này vì liên đới với chúng ta thì chúng ta càng có thể dùng nó để cầu nguyện. Hơn nữa khi đã được mặc khải tình thương tràn đầy trong Đức Giêsu Kitô và khi đã nhận được Thánh Linh tràn đầy trong chúng ta, chúng ta càng có thể hết lòng trông cậy mà cầu nguyện với Tv này.
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/KINHTHAN/HuongDanDocCU/ChuongVIII-6.htm