Hiệp thông với Giáo Hội, và hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về tháng Truyền Giáo Ngoại Thường; cách riêng là những thành viên của Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, chúng tôi cũng thể hiện tấm lòng nhiệt thành của người tông đồ, luôn luôn thao thức với Giáo Hội để đến với những người dân ngoại, đi đến những vùng ngoại biên. Đó cũng là một trong những nét chính yếu mà linh đạo của Hiệp Hội chúng tôi đòi buộc ở mỗi thành viên khi dấn thân cho sứ vụ truyền giáo.
Theo lời mời gọi của cha Tổng Phụ Trách và Ban Truyền giáo của Hiệp Hội, mỗi thành viên trong cộng đoàn cần có những hành động cụ thể đó là dành riêng một giờ trong ngày để cầu nguyện cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội và của Hiệp Hội. Ngoài ra, mỗi người cũng phải đi ra đến với những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, những người già neo đơn, trẻ em nghèo khổ, bệnh tật…để chia sẻ, giúp đỡ, ủi an họ. Riêng với cộng đoàn thánh Tôma Aquinô, đây cũng là cộng đoàn gồm những anh em học triết học cũng “đi ra” đến thăm hỏi, cụ thể là anh em dành ngày cuối tuần để đến thăm viếng, chia sẻ, giúp đỡ ở Viện Dưỡng Lão Chùa Diệu Pháp ngụ tại số 188 Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh, Tp. HCM.
Nơi đây có khoảng 40 cụ, là nơi quy tụ các cụ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn đến từ khắp mọi miền của đất nước. Đến đây, chúng tôi cảm nhận được niềm vui từ chính các cụ, dù mỗi người đều có những hoàn cảnh khó khăn riêng nhưng khi sống với nhau các cụ yêu thương nhau như chị em. Hình ảnh các cụ cũng gợi cho chúng tôi nhớ đến hình ảnh ông bà của mình và cũng gợi cho chúng tôi nhìn đến hình ảnh trong tương lai. Khi ngồi nói chuyện với các cụ, anh em chúng tôi được nghe các cụ kể về gia đình, những ký ức tuổi trẻ, buồn có, vui có, khi đang tự hào kể về con cái hay những công việc thời trẻ như vậy, đang vui như vậy, các cụ lại quay ra khóc được ngay. Lúc này, chúng tôi lại phải dỗ dành các cụ như một đứa trẻ vậy. Hoặc có cụ hơi lẫn một chút rất thích hát, nhưng sau mỗi bài hát phải cho một gói cà phê mới chịu hát. Chúng tôi nhận thấy niềm vui trên gương mặt các cụ khi có sự hiện diện của chúng tôi. Đến đây, ngoài việc ngồi nghe các cụ kể chuyện, chúng tôi cũng làm một số việc nhỏ như lấy nước uống, cắt móng tay móng chân, đưa các cụ đi vệ sinh hay dắt các cụ đi tập thể dục…
Chúng tôi thường hay được nghe cha bề trên dạy rằng: “Các con đến với họ kinh nghiệm là phải: mở mắt, mở tai, khép miệng; vì người già họ rất thích kể chuyện, thích được nói về những ký ức”.
Rời Viện Dưỡng Lão mà trên khuôn mặt của anh em chúng tôi, ai nấy cũng tràn đầy niềm vui, và chưa muốn rời khỏi nơi đây.
Đúng là chỉ cần làm một việc nhỏ bé với tấm lòng nhiệt thành, một tình thương rộng lớn thì đời sống thành quý giá. Bởi “không phải mỗi người có một sứ mệnh, nhưng mỗi người là một sứ mệnh” (Đức Thánh Cha Phanxicô).
Hành trình kế tiếp là các cộng đoàn dưới Bình Phước, đây là những cộng đoàn trong Hiệp Hội, chúng tôi đến đây để thăm hỏi, động viên; và cũng nhằm mục đích để biết được đời sống anh em mình. Ngoài ra, cũng để thắt chặt tình huynh đệ trong Hiệp Hội, bởi “sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội không chỉ ở khía cạnh đoàn kết, mà còn là sứ mệnh hướng đến những người ở xa, hướng đến những người thân cận, những người ở bên cạnh chúng ta”. Về đây, chúng tôi được giao lưu thể thao với nhau, có anh em thì đi câu cá, có anh em nấu ăn… Trong bữa ăn hôm đó đầy ắp tiếng cười vì mọi người được gặp gỡ nhau, được chia sẻ với nhau. Thật đúng là “ngọt ngào tốt đẹp lắm thay! anh em được sống sum vầy bên nhau” (TV 133, 1).
Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc, chúng tôi phải rời anh em của mình để trở lại Sài Gòn, nhưng tâm hồn ai nấy cũng thoải mái, đầy ắp niềm vui, và không phải là kết thúc mà chỉ là mới bắt đầu cho sứ mệnh tương lai, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta cất giữ cuộc đời và đức tin, nhưng Ngài mời gọi chúng ta làm cho nó sinh lợi”; điều đó cũng thúc bách chúng ta trở thành những người chủ động với những nén bạc sẵn có.
Ước mong sau những chuyến đi như thế này, mỗi anh em chúng tôi luôn luôn được thúc bách “đi ra”, để biết đi thật nhiều, biết mang trong mình tình thương, nhiệt huyết, biết chia sẻ, nâng đỡ, ủi an với những người nghèo khổ, bệnh tật, già yếu; nhất là luôn thể hiện được hình ảnh của Chúa Giêsu cho mọi người. Biết noi theo gương thánh Quan Thầy là mang Chúa đến cho những người dân ngoại; nhưng để làm được điều đó, thì trước tiên, mỗi chúng tôi phải thật sự có Chúa ở trong mình trước mới có thể sẻ chia cho người khác.
Cộng Tác Viên Ban Truyền Thông