WHĐ (4.11.2020) – Vào năm 1917, Đức Maria đã cho ba trẻ cộng tác với Mẹ; Ngày nay, Mẹ cũng muốn những đứa trẻ của chúng ta cộng tác với Mẹ.
Trẻ em có thể thay đổi thế giới
Đó là thông điệp của Fatima – cả trong những lần Đức Mẹ hiện ra với các trẻ chăn cừu năm 1917 tại Bồ Đào Nha, lẫn trong bộ phim về câu chuyện này ra mắt năm 2020. Đây cũng là chủ đề của quyển sách Fatima Family Handbook mà tôi đã viết.
Trẻ em có nhiều khả năng hơn những gì chúng ta khen ngợi chúng. Dưới đây là một vài bài học mà trẻ em (và cả người lớn) có thể rút ra từ bộ phim này.
Bài học đầu tiên là về năm mà câu chuyện trong bộ phim mở đầu, năm 1989 – một năm dạy chúng ta rằng: việc cầu nguyện sẽ giúp giải quyết những vấn đề to lớn.
Năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ, và theo sau đó là sự tan rã của khối Cộng sản chủ nghĩa ở Đông Âu. Tôi thích những gì mà Jody Bottum đã viết về sự kiện này: “Có lẽ người quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản của thế kỷ 20 không phải là Ronald Reagan… nhưng là một bé gái 10 tuổi tên là Lucia dos Santos.”
Những đứa trẻ Fatima, lớn nhất là Lucia, nhân vật tiêu điểm của bộ phim, đã được Đức Maria giao cho thông điệp rằng: tất cả chúng ta phải cầu nguyện cho hòa bình, và cho sự hoán cải của nước Nga. Điều này đã truyền cảm hứng cho thế giới và trợ giúp vô số người chống lại bộ máy tuyên truyền đang cố gắng biến chủ nghĩa cộng sản thành tương lai vô thần tất yếu của thế giới.
Thứ hai, việc nói đến chiến tranh trong bộ phim dạy chúng ta một bài học: Bất cứ diễn ra khi nào, chiến tranh là sự thất bại.
Bộ phim “Fatima” cho thấy sự thật của chiến tranh: với hình ảnh những người lính bị thương trở về gia đình trong kinh hoàng, hoặc không thể trở về nữa; và với hình ảnh về vụ ám sát nhằm vào Đức Giáo Hoàng.
Những hình ảnh minh họa đó rất thích hợp. Nhân vật Công Giáo có tác động lớn đến những sự kiện trong năm 1989 là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã bị ám sát vào ngày 13 tháng 5, ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima.
Tự bản thân, ngài biết chiến tranh không giải quyết được những vấn đề của châu Âu. Ở Ba Lan, “Ngày giải phóng” kỷ niệm việc đánh bại Đức Quốc Xã trong chiến tranh – nhưng nó cũng đánh dấu ngày thống trị của chế độ cộng sản vô thần, những người đã thâu tóm đất nước và đặt các tín hữu ra ngoài vòng pháp luật. Đức Gioan Phaolô II đã trở về Ba Lan với tư cách là Giáo hoàng để rao giảng về phẩm giá con người.
Sau đó, ngài viết trong thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên): “Những sự kiện năm 1989 là một ví dụ cho thành công của đối thoại chân thành và của tinh thần Phúc Âm”. Phúc Âm đã chiến thắng những điều mà chiến tranh không thể.
Thứ ba, bộ phim cho thấy tội lỗi là một loại chiến tranh, một cuộc chiến chống lại Thiên Chúa.
Bộ phim Fatima đào sâu lĩnh vực mà người ra thường tránh nói đối với trẻ em như: những cám dỗ của Satan và thị kiến về địa ngục.
Mỗi người cha người mẹ nên quyết định cái gì là thích hợp cho con của mình, nhưng suy nghĩ của tôi về những gì trẻ em nên thấy đã được thay đổi bởi Barbara Nicolosi, một trong những biên kịch của bộ phim, người đã viết nhiều năm về trước rằng: “Trẻ em có quyền được làm phiền một cách chính đáng.” Bà ấy lập luận: trong khi nhiều hình ảnh đáng lo ngại chắc chắn nên được giữ xa khỏi trẻ em, thì những hình ảnh đáng lo ngại khác phải được cho chúng thấy.
Có vẻ như Đức Mẹ đồng ý với điều này. Vào năm 1917 cũng như trong bộ phim, Mẹ cho những đứa trẻ thấy một thị kiến về hỏa ngục, thứ đã làm chúng khiếp sợ. Đức Mẹ biết rằng ma quỷ đang tấn công những đứa trẻ của Mẹ, và chúng đáng được cảnh báo về hỏa ngục.
Thứ tư, bộ phim cho thấy trẻ em có thể là một gương mẫu mạnh mẽ.
Trong bộ phim, trẻ em là những người dẫn đường, điều này khác với hầu hết các bộ phim “anh hùng nhí”. Những đứa trẻ trong Gia đình siêu nhân, những người bạn của Harry Potter và những Điệp viên nhí là những đứa trẻ phải mạnh mẽ hơn người lớn để giành chiến thắng. Còn những đứa trẻ làng Fatima chiến thắng bằng cách mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể bắt chước, đó là: hy sinh, vâng lời và cầu nguyện.
“Vì sao Đức Mẹ chọn một đứa trẻ từ giữa muôn ngươi?” Một nhân vật trong bộ phim đã hỏi như thế về những thị kiến, và sau đó tự trả lời: “Những sứ giả ngây thơ khiến cho thông điệp càng xác thực và không thể bị công kích.”
Những lời của Lucia khi về già là một tuyên bố hoàn hảo về sứ mệnh cho trẻ em: “Tôi chỉ có thể cho bạn lời chứng của tôi. Tôi không thể cho bạn câu trả lời về mọi thứ.”
Thứ năm, bộ phim có thể bắt đầu một cuộc đào sâu vào biến cố Fatima.
Nếu bộ phim này không thích hợp với những đứa trẻ của bạn, thì hãy chú ý đến những phiên bản trình bày khác về câu chuyện Fatima như: Bộ phim phiên bản năm 1952 là một tuyệt tác và bản audio “Holy Heroes – Những anh hùng thánh” là rất tuyệt vời.
Hãy nói với chúng: trẻ em có thể thay đổi thế giới nhờ làm 3 việc Fatima này (bắt đầu với 3 chữ C): An ủi Chúa Giêsu (Consoling Jesus), Hoán cải các tội nhân (Converting Sinners), và Phó dâng cho Đức Maria (Committing to Mary).
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã với một nhóm trẻ em ở Fatima: “Đức Mẹ cần tất cả các con.” Thật vậy, Đức Mẹ cần những đứa trẻ của chúng ta!
Từ: aleteia.org