Bài 2: Hy Sinh Cho Công Cuộc Truyền Giáo

BÀI 2: HY SINH CHO CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

 

I. Tầm quan trọng của hy sinh trong sứ vụ LBTM

Thành công nào cũng cần hy sinh. Điều này đúng trong mọi lãnh vực : chính trị, kinh tế, văn hoá , xã hội, tôn giáo…

– Gương Chúa Giêsu:

+ Ngài sinh ra trong cảnh thiếu thốn: “Thời ấy, hoàng đế Au-gut-tô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ…Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trọ”(Lc 2, 1-7).

+ Trước khi bước vào đời hoạt động Tông đồ, Ngài ăn chay bốn mươi đêm ngày “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỉ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4, 1 – 2).

+ Suốt cuộc đời Ngài sống nghèo khổ “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58 ).

+ Người chịu khổ nạn và chết một cách đau thương (Ga 18 – 19).

– Lời daỵ của Chúa Giêsu:“ Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu thối đi thì nó mới sinh được nhiều hạt khác” ( Ga 12, 24).

II. Hiệu quả của sự hy sinh trong sứ vụ LBTM

1. Sự kiện Kinh Thánh:

Tên trộm bên hữu Chúa đã tin Chúa là Đấng công chính “ Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình và cứu cả chúng tôi với! Nhưng tên kia mắng nó rằng : Mày đang chịu chung hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc chúng ta làm. Chứ ông này đâu có làm gì sai trái” ( Lc23, 39- 41).

– Viên sĩ quan chỉ huy đám lính giết Chúa trở lại: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Chúa Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói : Quả thật Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39).

– Ba ngàn người trở lại sau khi nghe thánh Phêrô minh chứng là Chúa Giêsu đã bị họ giết: “ Vậy toàn thể nhà It-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đấng Kitô. Nghe nói thế họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô cùng các tông đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?”. Ông Phêrô đáp : “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần”. Vậy những ai đón nhận lời ông đều chịu phép rửa. Và hôm ấy có thêm ba khoảng ngàn người theo đạo” ( Cv 2,26- 38. 41).

2. Sự kiện trong Giáo Hội:

– Nơi đâu có các thánh tử đạo, nơi đó đạo phát triển. Giáo phụ Tertulianô nói “ Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra những người có đạo”. Điều này được minh chứng trong Giáo Hội:

+ Cuộc tử đạo  của thánh Stêphanô đã đem lại ơn trở lại cho thánh Phaolô (Cv 7).

+ Cái chết của các thánh tử đạo Việt Nam làm cho Giáo Hội Việt Nam ngày càng phát triển:“ Các Ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất để Hội Thánh Việt Nam thu được một mùa lúa dồi dào” ( Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

+ Sự hy sinh của các nhà truyền giáo nơi những vùng đất truyền giáo xa xôi đã đưa nhiều người về với Chúa.

3. Sự kiện trong đời sống hàng ngày:

Nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và các anh chị em giáo dân đã hy sinh hãm mình và chấp nhận những vất vả, nên đã đưa được nhiều người vào đạo.

III. Ý nghĩa của hy sinh

  1. Giá trị đền bù tội lỗi “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật toàn năng dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14- 15).
  2. Canh tân cuộc sống: đau khổ làm cho người ta trở lại. Điều này được minh chứng rất rõ trong dụ ngôn Ngươi Cha nhân hậu trong Thánh Kinh ( Lc 15, 16- 31).
  3. Minh chứng tình yêu: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của Người thí mạng vì bạn hữu” ( Ga 15,13).

IV. Phân loại hy sinh

  1. Hy sinh do sứ vụ LBTM gây nên : mất thời giờ , hao tốn tiền của, chịu sỉ nhục…
  2. Hy sinh do đời sống chứng ta gây nên: để sống chứng nhân mình phải chịu nhiều thiệt thòi. Chẳng hạn giữa một xã hội chạy theo hưởng thụ mình, sống theo Tin Mừng mình phải khổ.
  3. Hy sinh do tự nguyện : chay tịnh, hãm dẹp những nhu cầu, vui lòng đón nhận những khổ đau hàng ngày vì truyền giáo.

 V. Thái độ của chúng ta đối với hy sinh:

  1. Nhìn lên Chúa Giêsu.
  2. Tránh tiêu cực.
  3. Thực hiện cách tích cực.