Bài 1: Cầu Nguyện Trong Sứ Vụ Truyền Giáo

BÀI 1:  CẦU NGUYỆN TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

A. Nền tảng của việc cầu nguyện trong sứ vụ truyền giáo

I. Nền tảng Thánh Kinh

– Tất cả mọi công việc tông đồ đều cần đến ơn Chúa. Truyền giáo là công việc tông đồ, nên rất cần ơn Chúa. Để có ơn Chúa chúng ta phải cầu nguyện. Nếu không cầu nguyện, công việc truyền giáo của chúng ta sẽ thất bại như lời Chúa nói “Không có Thầy các con chẳng làm gì được” (Ga15, 5). Điều này đuợc minh chứng rất rõ nơi các tông đồ. Các ông đánh cá vất vả cả đêm mà chẳng đuợc con cá nào, vì các ông cậy dựa vào sức mình. Nhưng khi các ông cậy dựa vào Chúa, thì kết quả tuyệt vời (Ga 21,1- 6).

– Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. “Ngài bảo họ : Mùa màng nhiều, thợ gặt ít. Vậy các ngươi hãy xin chủ mùa sai thợ gặt đồng lúa của Người” (Lc 10, 2).

– Chính Chúa Giêsu đã nêu gương sáng cho ta về việc cầu nguyện cho truyền giáo :

+   Ngài cầu nguyện 30 năm tại Nagiaret để chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo.

+   Ngài cầu nguyện 40 đêm ngày trong hoang địa trước khi chính thức đi truyền giáo

+   Trên bước đường truyền giáo, Ngài cầu nguyện hàng ngày vào sáng sớm và mỗi chiều tối.

II. Nền tảng trong giáo huấn của Giáo Hội

Thông điệp sứ vụ Đấng Cứu Độ được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 07-12-1990 có ghi “Để thực thi Sứ vụ truyền giáo, ngoài việc trực tiếp Loan Báo Tin Mừng do một số người đảm trách, còn tất cả được mời gọi cộng tác với tất cả khả năng của mình. Đây vừa là bổn phận vừa là quyền lợi của người KiTô hữu. Trong các hình thức, cộng tác về phuơng diện thiêng liêng là quan trọng hàng đầu : đó là Cầu nguyện, Hy sinh và Chứng tá đời sống” số 77, chương 7.

– Sứ điệp truyền giáo của các Đức Giáo Hoàng của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, mục 4 có ghi   “Cùng với những người đang hoạt động trực tiếp cho việc rao giảng Tin Mừng- và nơi đây tôi tỏ lòng biết ơn nhớ đến tất cả những nhà truyền giáo – tôi cũng nhớ tới nhiều người khác, các thiếu nhi, các bạn trẻ và những người lớn mà qua lời cầu nguyện cùng những đóng góp cách này cách khác, đã góp phần vào việc mở rộng Nước Chúa trên trần gian. Tôi hy vọng sự tham gia này sẽ tiếp tục gia tăng qua việc đóng góp của mọi người

– Thư của Đức Cha chủ tịch UB/LBTM gởi cho giáo phận chúng ta trong năm 2006 có đoạn ghi “ Về ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2006: như ý muốn của Mẹ Hội Thánh, và chúng ta đã thực hiện trong những năm qua, các Giáo Hội địa phương được mời gọi cầu nguyện và góp phần hy sinh cụ thể vào việc cộng tác truyền giáo”.

III. Sứ mạng truyền giáo là sứ mạng thiêng liêng

Thiêng liêng tự nguồn gốc. Vì bắt nguồn từ chính sứ mạng cứu thế của Chúa Kitô. Chính Ngài trao sứ mạng này cho Giáo Hội : “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” ( Ga20, 21b). Do tính chất thiêng liêng của sứ mạng, để chu toàn, chúng ta cần phải cầu nguyện.

-Thiêng liêng trong chủ đích vì nhằm làm vinh danh Chúa và nhằm đưa các linh hồn về với Chúa. Do đo, sứ mạng này không thể thực hiện đuợc nếu không có ơn Chúa nhờ cầu nguyện.

IV. Đối tượng của việc cầu nguyện.

  • Cầu nguyện cho tất cả những người KiTô hữu, đặc biệt là người Công giáo biết sống đời chứng nhân.

    –    Cầu nguyện cho những người xa Chúa được trở về với   Chúa.

  •   Cầu nguyện cho những người trực tiếp rao giảng Tin Mừng được ơn soi sáng để làm đúng thánh ý Chúa và ơn can đảm để lướt thắng mọi thử thách gian nan.

    –      Cầu cho anh em lương dân được Chúa tác động, biết mở lòng ra đón nhận Chúa, tin Chúa và trở thành con cái Chúa.

C . Hình thức cầu nguyện

  1. Phụng vụ:

   Phụng vụ là hình thức cầu nguyện cao quý nhất. Phụng vụ gồm: Thánh  lễ, các bí tích , các giờ kinh phụng vụ…

      2. Việc đạo đức bình dân:

        Chầu Thánh Thể, trao Mình Thánh Chúa, các nghi thức làm phép…
         Lần chuỗi, cầu nguyện riêng, đàng thánh giá, dâng hoa…

D. Ai cầu nguyện?

    Mọi thành phần trong Giáo Hội gồm cá nhân, gia đình, khu xóm, các giới, các đoàn thể… đều phải cầu nguyện vì việc cầu nguyện rất cần thiết và hữu ích.

  • Để việc cầu nguyện sốt sắng, đạt hiệu quả tối đa ta nên đặt ý cầu nguyện rõ ràng cho từng thời điểm.

         Vd : Chúng ta dâng giờ kinh này để cầu nguyện cho gia   đình ông A được ơn trở lại; cầu cho các nhà truyền giáo; cầu cho ơn gọi truyền giáo…

E. Hiệu quả của việc cầu nguyện cho việc truyền gio.

  • Gây ý thức truyền giáo cho những người cầu nguyện. Bởi lẽ khi mình cầu nguyện cho truyền giáo là mình đang nhắc nhở chính mình về bổn phận truyền giáo mà mình được Chúa trao phó khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và kiện toàn trong Bí tích Thêm sức.
  • Những người trực tiếp nói về Chúa cho người khác sẽ biết phải nói gì và nói thế nào cho anh em lương dân biết  Chúa. Hơn nữa , nhờ ơn  Chúa những người ny sẽ nhiệt tâm với sứ mạng, chấp nhận gian khổ và kiên trì vượt mọi khó khăn khi làm việc truyền giáo.

   Những người được truyền giáo nhờ ơn Chúa,  họ khao khát Chúa, tìm Chúa và gặp được Chúa. Điều này rất quan trọng. Bởi lẽ người ta chỉ có thể đến với Chúa nhờ ơn Chúa, như Chúa Giêsu đã nói “ Vì thế, Thầy đã bảo anh em : Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha  không ban ơn ấy cho” (Ga 6,65).