Ở xứ sở phương nam này, không có những đợt gió lạnh cắt da như mùa đông xứ bắc, lại càng không có những cảnh tuyết trắng ngập đường như ở Bắc Mỹ hay trời Âu xa xôi. Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, trời bỗng nhiên se lạnh. Nhiều người dân Sài thành đã bắt đầu diện thêm cho mình những bộ áo mới, dầy hơn, ấm hơn để chống chọi lại với thời tiết bỗng trở nên biến đổi thất thường như thế.
Những ngày cuối cùng của tháng 12, tôi đi tìm kiếm những vị khách mời đặc biệt cho một buổi tiệc mừng tất niên năm Dương lịch.
Những vị khách đặc biệt, không phải là những ông hoàng bà chúa, không có xe hơi, nhà biệt thự lộng lẫy đắt tiền, không địa vị xã hội, không quyền không thế và lại là những người tôi không quen biết. Ở đâu đó, trong góc tối của một con đường, trong một góc công viên, dưới gầm những cây cầu lớn trong thành phố, họ nằm ngủ dưới nền đất lạnh lẽo, đối diện với những con gió lạnh căm với độc một bộ đồ cũ kỹ mặc cho những con gió lạnh lẽo thổi qua và những cái nhìn miệt thị, không mấy quan tâm của người đời. Nơi đó, họ chỉ có những con muỗi và côn trùng làm bạn. Giữa sự phồn vinh của Sài Gòn hoa lệ, họ sống như những chiếc bóng vật vờ, như những viên sỏi nhỏ lặng câm bên vệ đường vì đã bị xã hội, đồng loại tàn nhẫn loại ra ngoài.
Và tôi đã gặp hai người khách đặc biệt trong một đêm đầy sương gió như thế…
Con đường về khuya vẫn còn tấp nập người qua kẻ lại, tiếng kèn xe chốc chốc lại vang lên giữa màn đêm. Bên dưới những cây cầu lớn thường là nơi tá túc, che nắng che mưa của một số người nghèo khổ, sa cơ lỡ vận và ở chỗ cây cầu lớn này cũng không ngoại lệ. Một người đàn ông gầy gò đang lui cui bế một phụ nữ từ chiếc xe lăn và nhẹ nhàng đặt xuống manh chiếu rách. Sau đó, ông lấy ra từ trong cái túi đồ đã bạc thếch một cái mền nhỏ màu trắng với những vết bẩn loang lổ và đắp lên cho người phụ nữ. Từ từ, ông lấy ra một cái áo, cuộn lại làm thành một cái gối và kê vào bên dưới đầu. Xong đâu đấy, ông mắc một cái võng và nằm lên, mắt nhìn xuống người phụ nữ đang nằm bên dưới và dường như hai người đang cười với nhau. Khi tôi quay xe lại thì cả hai đã yên vị đâu đó và có vẻ như đã sẵn sàng cho giấc ngủ đang đến.
— Có chuyện gì không hả cháu? Người đàn ông ngước mắt lên nhìn tôi, tay đang cầm cái mũ màu đen đầy cáu bẩn.
– Dạ không ạ! Tại thấy chú nằm ngủ ở đây nên cháu đến hỏi thăm chút thôi ạ. Đây là mẹ của chú à?
– Ha ha! Vậy à? Ai cũng hỏi như vậy hết! Không phải đâu! Đây là vợ chú đấy!
Tôi đã lầm! Người phụ nữ đang nằm kia có mái tóc bạc trắng, da nhăn nheo và đôi tay gầy guộc gân guốc như que củi. Nhưng hoá ra, đó là một người phụ nữ mới 55 tuổi. Nghe có tiếng động, bà mở mắt ra nhìn tôi, đôi môi nở một nụ cười méo mó rồi nhắm mắt lại. Đôi mắt kia ánh lên một nét gì đó rã rời, cùng kiệt.
Và rồi, người đàn ông bắt đầu kể lại cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời chú bằng một giọng điệu trầm buồn…
Chú là Hoàng, hơn vợ 4 tuổi. Chú vốn là người Bạc Liêu, đã từng có một gia đình đàng hoàng, vui vẻ. Cô chú từng có một đứa con trai, nhưng năm lên 4 tuổi, cháu bị ung thư máu. Bao nhiêu tiền bạc trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Cô chú làm lụng được bao nhiêu cũng đều dành cả để lo thuốc thang cho con với ước mong cháu bé có thể sống thêm được lúc nào hay lúc ấy. Ban đầu, gia đình có một mảnh vườn trồng cây ăn trái, cộng thêm nghề thợ may của cô nữa nhưng vẫn không đủ tiền thuốc thang cho con. Mảnh vườn cuối cùng phải sang lại cho người khác nhưng bệnh tình con trẻ vẫn không mấy khả quan. Và rồi, cuối cùng vào một buổi chiều mưa định mệnh, cậu bé đã ra đi trong sự tiếc thương và đau xót của cha mẹ và người thân. Sau đó không bao lâu thì cô lại bị chứng tai biến mạch máu não và bị bại liệt luôn. Thương vợ, chú bán hết tất cả tài sản trong nhà để chạy chữa thuốc thang và đi làm nghề chạy xe ôm. Bà con, bạn bè giúp mãi rồi cũng chán, phàn nàn lời ra tiếng vào nên chú quyết định không dám nhờ vả, xin xỏ gì ai nữa. Nghề xe ôm cũng vắng khách và rồi đến lúc xe hư, chú không có tiền sửa. Ít lâu sau, chiếc xe cũng được thanh lý với cái giá chẳng được là bao. Vợ chồng chú phiêu bạt đó đây, lưu lạc lên đến đất Sài Gòn hoa lệ. Chú xin đi làm thợ hồ và bốc vác thuê. Đi đâu, chú cũng mang cả cô theo cùng. Ban đầu, người ta còn thuê mướn, nhưng về sau, thấy chú lúc nào cũng kè kè theo sau người vợ bệnh hoạn, tật nguyền, kể cả những khi ra ngoài công trường, người ta đâm sợ bị liên luỵ, phải gánh thêm trách nhiệm nên không thuê mướn nhiều nữa. Nhưng chú có thể gởi vợ ở đâu bây giờ? Để ở vỉa hè một mình không thể được! Ai lo chuyện ăn chuyện uống? Ai lo chuyện tắm giặt, vệ sinh? Nào ai có thể giúp chú được đâu, còn nếu bỏ vợ ở lại một mình thì chú cũng không thể an tâm làm việc được! Thôi thì đành vậy! Ai thuê thì làm, bao nhiêu cũng được, được ít tiền nhưng còn được có vợ mình bên cạnh vẫn tốt hơn!
Tôi nhìn chú bằng ánh mắt ngỡ ngàng và cảm phục! Trong cái xã hội xô bồ của chốn thị thành, trong sự phồn vinh và thế giới ưa chuộng về vật chất này, tình cảm vợ chồng chỉ còn mơ hồ như sương khói. Người ta chia tay nhau sau vài tuần đám cưới chỉ vì một điều gì đó không hợp nhau. Người ta xa nhau để đi tìm kiếm danh vọng, địa vị cho mình. Và đôi khi có những cặp vợ chông trẻ chia tay nhau vì không thấy thoả mãn về đối phương… Nếu ông ăn chả thì bà cũng ăn nem, làm gì có chuyện “một túp lều tranh, hai quả tim vàng”, những chuyện sống với nhau đến răng long đầu bạc thì quả là đếm được trên đầu ngón tay. Người ta ai cũng mong mình được tự do, không bị trói buộc, nghĩa tình tao khang nào có còn ai nhớ đến?
Vậy nhưng chú, người đã đánh đổi hết tất cả những vật chất thế gian để giữ lại bên mình người vợ tật nguyền. Có mấy người dám bán hết đất đai, nhà cửa để lo cho vợ và rồi cuối cùng phải ra sống nơi gầm cầu? Mấy ai có thể tận tâm chăm sóc, lo lắng cho người vợ tật nguyền, đau bệnh như vậy mà vẫn không hề kêu ca, than trách? Chú hoàn toàn có thể rời bỏ cô đi cho nhẹ gánh, việc gì phải mang lấy vào mình một gánh nặng như thế! Vậy mà chú vẫn cưu mang, lo lắng cho vợ như một tặng phẩm vô giá cho mình đã gần 10 năm nay!
Tôi hỏi xem chú có cần giúp đỡ gì không. Chú cười, một nụ cười bâng quơ mà chua chát. Có lẽ, chú cảm thấy nghi ngờ, không còn tin tưởng, không còn hy vọng gì vào lòng tốt của thế gian nữa chăng! Câu nói của tôi làm chú nghĩ như một trò đùa!
– Cháu có thể giúp được gì cho chú hả? Chú hỏi lại tôi
– Cháu có thể chứ! Còn nếu không được, thì cháu sẽ nhờ thêm người khác nữa!
– Vậy à? Chú im lặng hồi lâu. – nếu được, chú chỉ muốn tìm một nơi nào đó có mái che hẳn hoi để vợ chú có được một nơi để ngủ cho đàng hoàng hơn, không phải sợ mưa gió như bây giờ nữa. Khi ấy, chú sẽ an tâm hơn, sẽ đi làm được nhiều hơn để có thêm tiền lo cho bà ấy, để bà ấy không phải khổ như bây giờ nữa…
Câu nói thốt ra từ miệng một người đàn ông dãi dầu mưa nắng, đang lâm cảnh túng thiếu bần cùng nhưng thấm đẫm một tình yêu thương nồng nàn của một người chồng nặng tình với vợ. Chú không mong muốn, không cần thêm gì cho mình cả, nhưng chỉ mong cho người bạn đời được bớt khổ sở hơn thôi. Giữa thế giới đầy toan tính vật chất, nhiều tiền của nhưng thiếu thốn tình người, nhiều tham vọng mà thiếu vắng lòng chung thuỷ này thật là quý báu lắm thay! Bàn tay gân guốc và chai sạn kia không nắm giữ tiền bạc, vàng ròng nhưng là đang nắm giữ và chở che cho một bàn tay người khác…
Đêm nay, tôi trở lại nơi này để mời cô chú đi dự một bữa tiệc đặc biệt của một số Mạnh Thường Quân tổ chức để ủng hộ cho những người khó khăn, cơ nhỡ. Và hơn nữa, tôi mong chú đến dự bữa tiệc để may ra có thể tìm được một sự giúp đỡ nào đó chăng. Dù chỉ là ánh sáng của một que diêm vẫn còn hơn là sống trong màn đêm đầy tăm tối. Tôi thầm mong là chú sẽ chấp nhận lời mời của tôi.
Nơi hai vợ chồng chú thường nằm ngủ đây rồi. Nhưng chiếc võng đâu? Cả chiếc xe lăn cũng không thấy? Chỉ thấy một mình chú đang nằm đó, co ro. Hay là chú đã tìm được một nơi nào đó tốt hơn để gởi vợ rồi? Nếu như thế thì chú phải ở lại đó chứ, sao lại về đây nằm một mình như vậy? Trong lòng tôi thấy dâng lên một niềm vui.
Chú đã ngủ rồi, vẻ mặt vẫn khắc khổ và mệt nhọc. Trên đầu chú vẫn là chiếc nón kết cáu bẩn như hôm nào. Bên cạnh không có thêm vật gì khác nữa ngoài một chai nước nhỏ đặt trước mặt. Thấy chú đã ngủ say nên tôi cũng ngại đánh thức. Tôi phải lay gọi mãi đến lần thứ ba mới thấy chú cựa mình và mở mắt nhìn tôi.
– Cháu đó à? Chú thều thào hỏi. Có chuyện gì không hả? Vợ chú đã mất 3 hôm rồi cháu ơi. Bây giờ chú đã mất hết rồi! Mất hết tất cả rồi! Không còn gì cả!
Tôi đứng chết lặng người, không biết nên làm gì trong lúc này. Tôi còn chưa giúp được gì cho vợ chồng chú như đã hứa. Tôi cảm thấy mình quả thật bất lực. Tôi những mong mình có thể thắp lên trong chú một chút ánh sáng nhỏ nhoi, nhưng đã quá muộn rồi, tất cả đã trở thành bóng tối!
Cuộc đời này sao quá mong manh vậy? Kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài… Vậy là hết! nhưng điều tôi phải nghĩ ngợi chính là bộ dạng thất vọng của chú. Chú không ngồi lên, chỉ nằm đó và thốt lên những lời cay đắng kia. Nói xong, chú kéo cái mũ sụp xuống che kín khuôn mặt như đang giấu đi đôi dòng lệ đang lặng lẽ tuôn rơi trên khuôn mặt dặn dày sương gió. Chú không nhẹ nhõm, không thở phào đi vì mình đã được vơi bớt gánh nặng mỗi ngày. Chú không thấy rằng như vậy sẽ làm cho mình được thoải mái hơn nhưng lại có thể đau đớn thốt lên rằng mình đã “không còn gì cả!”. Ôi, vợ đã mất rồi! Niềm vui nho nhỏ cuối cùng trong cuộc đời này đã mất theo!
Giờ đây, chú không còn ai để quan tâm, để lo lắng, không còn ai để chăm sóc thương yêu. Trong cuộc sống này, chú không cần bất cứ thứ gì cả nhưng chỉ cần một người thôi, dù là một người bệnh hoạn, tật nguyền đi chăng nữa. Nhưng đó là tất cả của chú, một người vợ để thương yêu, một người bạn đời để chăm sóc, chia sẻ vui buồn. Từ nay, không còn ai để yêu thương! Thật không còn nỗi cô đơn nào hơn được nữa! Ai có thể thay thế, lấp đầy hố sâu thăm thẳm trong tâm hồn của chú đây? Cuộc sống từ đây còn biết lấy ai để chia sẻ, còn có ai để cùng chú trải qua những thăng trầm, buồn vui trong đời và còn có ai để cho chú tìm được hơi ấm của bàn tay?
Tôi có thể nói gì đây, trong hoàn cảnh như thế này? Một người đang đau buồn, tuyệt vọng vì mất người thân. Tôi có thể nói gì với một người có vết thương lòng đang rỉ máu? Mời chú đi dự tiệc ư? Tôi có thể sao? Tôi đang chế giễu, đang cười nhạo người khác ư? Bây giờ, chú đâu còn cần gì những sự giúp đỡ ấy nữa? Tôi cảm thấy mình cũng thật nhỏ bé và mỏng manh trước những cơn gió lạnh đang thổi ngoài kia.
Tôi ngồi lại với chú thêm một lát nữa rồi lặng lẽ ra về. Tôi biết, đêm nay, trong thành phố này, có người sẽ cảm thấy lạnh hơn…
Trời đêm Sài thành hôm nay có vẻ như lạnh hơn. Lạnh của đất trời và lạnh cả trong tim…
Phong Trần.