Chiều Chúa Nhật 01/12, khi đến thăm thị trấn Greccio, cách Roma 96 km về phía bắc, và cầu ngyện ngay tại nơi thánh Phanxicô đã dựng hang đá Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký Tông thư “Admirabile Signum” – Dấu chỉ tuyệt vời, giải thích về ý nghĩa của hang đá Giáng sinh. Sau đây chúng tôi xin tóm tắt một vài điểm chính yếu của Tông thư.
Đức Thánh Cha mở đầu Tông thư “Admirabile Signum” như sau: Dấu chỉ tuyệt vời của hang đá, rất thân thương đối với dân Kitô giáo, luôn gợi lên sự kinh ngạc và suy tư.
Hang đá là lời rao giảng Tin Mừng cần được tái khám phá và hồi sinh
Trong số 1, Đức Thánh Cha khẳng định rằng hang đá là lời rao giảng Tin Mừng cần được tái khám phá và hồi sinh. Ngài giải thích: “Mô tả sự kiện Chúa giáng sinh là công bố mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa với sự đơn giản và niềm vui… Khi chúng ta chiêm ngắm khung cảnh Giáng sinh, chúng ta được mời gọi tham gia vào một cuộc hành trình thiêng liêng, được lôi cuốn bởi sự khiêm nhường của Người, Đấng đã làm người để gặp gỡ mọi người. Và chúng ta khám phá ra rằng Người yêu thương chúng ta đến mức liên kết với chúng ta, để chúng ta cũng có thể liên kết với Người.”
Tiếp tục truyền thống làm hang đá
Và Đức Thánh Cha giải thích mục đích của Tông thư: “Với thư này, tôi muốn khuyến khích truyền thống tốt đẹp chuẩn bị máng cỏ trong những ngày trước Giáng sinh của các gia đình chúng ta, cũng như phong tục trang trí cảnh giáng sinh ở nơi làm việc, trường học, bệnh viện, nhà tù, quảng trường … Đây thực sự là một công việc với trí tưởng tượng sáng tạo khi sử dụng các vật liệu khác biệt nhất để tạo ra những kiệt tác nhỏ xinh đẹp. Từ khi còn là một đứa trẻ, chúng ta học từ cha mẹ, ông bà, tiếp tục thói quen vui tươi gói gọn lòng đạo đức bình dân phong phú này. Tôi hy vọng rằng việc thực hành này không bao giờ bị mất đi; thật vậy, tôi hy vọng rằng, nơi nào truyền thống này bị rơi vào quên lãng, nó có thể được tái khám phá và hồi sinh.”
Hang đá đầu tiên do thánh Phanxicô thực hiện ở Greccio
Trong số 2, Đức Thánh Cha nhắc lại nguồn gốc Tin Mừng của hang đá Giáng sinh của Chúa Giêsu như được trình bày trong các phúc âm. Từ nguyên ngữ Latin “Praesepium” có nghĩa là máng cỏ. Đức Thánh Cha trích dẫn lời của thánh Augustino, người cảm thấy ấn tượng với biểu tượng của máng cỏ: Chúa Giêsu “nằm trong máng cỏ, trở thành lương thực cho chúng ta”. Và Đức Thánh Cha đã nhắc lại nguồn gốc làm hang đá giáng sinh của chúng ta ngày nay.
Tháng 12/1223, trên đường từ Roma trở về, thánh Phanxicô đã dừng chân tại Greccio, một thị trấn nhỏ của Ý. Các hang động ở Greccio gợi lại trong tâm trí thánh nhân miền quê Bêlem mà ngài đã thăm viếng trước đó. 15 ngày trước lễ Giáng sinh năm 1223, thánh nhân đã yêu cầu một người địa phương tên là Gioan giúp ngài thực hiện mong ước “tái hiện ký ức về hài nhi được sinh ra ở Bêlem, để có thể thấy với chính đôi mắt của tôi, sự nghèo khó thiếu thốn của hài nhi, cách Người nằm trong máng cỏ, và cách Người được đặt nằm trên một chiếc giường đệm cỏ với các con bò lừa đứng bên cạnh. Ngày 25/12 các tu sĩ từ nhiều nơi và dân chúng trong vùng kéo đến Greccio và trang trí nơi này với những bông hoa và những ngọn đuốc chiếu sáng đêm đen. Mọi người hiện diện vui mừng hân hoan với hang đá đầu tiên. Thánh Phanxicô đã cử hành Thánh lễ trên mang cỏ, chứng tỏ sự liên kết giữa mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa và bí tích Thánh Thể.
Ngạc nhiên và cảm động vì Thiên Chúa trở nên nhỏ bé
Trong số 3 Đức Thánh Cha nhận định: “Thánh Phanxicô, bằng sự đơn giản của dấu hiệu đó, đã thực hiện một công việc truyền giáo tuyệt vời. Giáo huấn của ngài đã đi vào trái tim của các Kitô hữu và vẫn tồn tại cho đến thời đại của chúng ta như một hình thức chân chính để tái tạo vẻ đẹp đức tin của chúng ta bằng sự đơn giản.”
Tại sao hang đá Giáng sinh khơi dậy sự ngạc nhiên và xúc động nơi chúng ta? Đức Thánh Cha giải thích: “Hang đá khơi dậy rất nhiều điều kỳ diệu và khiến chúng ta cảm động bởi vì nó biểu lộ sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với sự nhỏ bé của chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó để mời gọi chúng ta đi theo con đường khiêm nhường để gặp và phục vụ Người với lòng thương xót dành cho những anh chị em nghèo khổ nhất”.
Bầu trời đầy sao giữa đêm đen
Trong các số từ 4-9, Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa của các dấu hiệu và các nhân vật được đặt trong hang đá. Trước hết là bầu trời đầy sao trong bóng tối và trong sự im lặng của màn đêm: đó là đêm đen đôi khi bao quanh cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Cha viết: “Dù vậy, ngay cả trong những khoảnh khắc đó, Thiên Chúa không để chúng ta đơn độc, mà Người hiện diện và mang ánh sáng đến nơi chìm trong bóng tối và chiếu sáng những người vượt qua bóng tối của đau khổ”.
Các quang cảnh, thiên thần, sao chổi, người nghèo
Cảnh Giáng sinh còn có các quang cảnh, các mục đồng, các thiên thần, ngôi sao chỉ đường, những người nghèo. Cũng thường có những cảnh quan với những ngôi nhà và tòa nhà cổ đổ. Đức Thánh Cha giải thích, đó là “một dấu hiệu hữu hình của nhân loại sa ngã” mà Chúa Giêsu đã đến “để chữa lành và xây dựng lại”. Có những ngọn núi, dòng suối, chiên cừ, đại diện cho tất cả công trình sáng tạo tham gia vào ngày hội Đấng Thiên Sai đến. Các thiên thần và sao chổi là dấu hiệu cho thấy “chúng ta cũng được kêu gọi lên đường đến hang đá và thờ lạy Chúa”. Các mục đồng nói với chúng ta rằng họ là “những người thấp kém và nghèo hèn nhất và biết cách chào đón sự kiện Nhập thể”. Đức Thánh Cha giải thích: “Thực sự là người nghèo là những người được ưu tiên của mầu nhiệm này và, thông thường, họ là những người có khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta trong khi cung điện của vua Herode nằm ở xa xa, đóng chặt cửa, không nghe được lời loan báo tin vui. Đức Thánh Cha khẳng định: “được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa bắt đầu cuộc cách mạng thực sự và duy nhất mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt, bị gạt ra bên lề: đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng”.
Sự thánh thiện hàng ngày
Trong hang đã cũng thường đặt các tượng nhỏ mà dường như không có liên quan gì đến các trình thuật Tin Mừng. Đức Thánh Cha nhận định rằng những nhân vật này nói với chúng ta rằng “trong thế giới mới được Chúa Giêsu thiết lập, có chỗ cho tất cả mọi người và cho mọi sinh vật. Từ mục đồng cho đến thợ rèn, từ thợ làm bánh đến nhạc sĩ, từ những người phụ nữ mang bình nước cho những đứa trẻ chơi”, biểu thị cho” sự thánh thiện hàng ngày, niềm vui làm những công việc hàng ngày theo cách thức phi thường, khi Chúa Giêsu chia sẻ với chúng ta cuộc sống thần linh của Người”.
Mẹ Maria và thánh Giuse
Trong hang đá có Mẹ Maria và thánh Giuse. Mẹ Maria là “chứng tá của sự hoàn toàn phó thác trong đức tin theo thánh ý Chúa” và thánh Giuse cũng thế, “là người không mệt mỏi chăm sóc và bảo vệ Thánh gia.”
Hài Nhi Giêsu: tình yêu thay đổi lịch sử
Trong máng cỏ có Chúa Giêsu bé nhỏ. Đức Thánh Cha nhận xét: Việc làm của Thiên Chúa thì không thể đoán trước được, nằm ngoài kế hoạch của chúng ta và “Người tỏ mình ra như một đứa trẻ, để chúng ta ôm nhận Người trong vòng tay của mình. Bên dưới sự yếu đuối và mong manh, Người che giấu sức mạnh của mình, sức mạnh tạo ra và biến đổi mọi thứ bằng tình yêu. Hang đá làm cho chúng ta thấy, khiến chúng ta chạm vào sự kiện độc đáo và phi thường này, đã thay đổi tiến trình lịch sử”.
Các đạo sĩ: những người từ phương xa đến với đức tin
Cuối cùng là các đạo sĩ, dấu hiệu cuối cùng. Khi gần đến lễ Hiển Linh, chúng ta đặt ba bức tượng nhỏ của Ba Vua vào hang đá. “Ba Vua dạy chúng ta rằng chúng ta có thể khởi hành từ nơi rất xa để đến với Chúa Kitô.”
Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc
Đức Thánh Cha kết luận trong số 10, số cuối cùng: “Hang đá là một phần của quá trình quý giá và đòi hỏi của việc loan truyền đức tin”: không quan trọng là nó được làm như thế nào, “điều quan trọng là nó nói với cuộc sống của chúng ta”, nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta , “Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi để nói với chúng ta rằng Người gần gũi với con người, dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào” và nói với chúng ta rằng “hạnh phúc ở nơi chính điều này”.