THƯ MỤC VỤ TUẦN THÁNH VÀ PHỤC SINH NĂM 2020 CỦA CHA TỔNG PHỤ TRÁCH

TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

HIỆP HỘI THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI

881/4 CMT8, P.7, Q. Tân Bình, TP. HCM 

ĐT: 028.3970.8814; 0982.706.966

Email: [email protected]; [email protected]

Số 01/TMVTT –PS/04/2020/TPT


THƯ MỤC VỤ TUẦN THÁNH VÀ PHỤC SINH NĂM 2020

TẢI VỀ FILE PDF

 

Kính thưa toàn thể Anh Em Hiệp Hội rất quý mến,

Trước tiên tôi xin gửi lời chào thăm sức khỏe và cầu chúc bình an đến toàn thể Anh Em.

Hơn ba tháng trở lại đây, kể từ khi phát hiện ra con Vi-rút Corona mới, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng không ngừng của nó, khởi đi từ một vùng đất đặc biệt của Trung Quốc, sau đó lan sang 208 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự bùng phát của nó đã làm 1.258.198 người bị nhiễm, 68.310 ca tử vong và trên 259.600 ca bình phục. Hiện nay còn 45.424 trường hợp đang nguy tử [1].

Vi-rút Corona mới đã làm ảnh hưởng kinh tế trên các quốc gia, gia đình, cá nhân và nhất là người nghèo. Một cách chắc chắn nó đã đang và sẽ trở nên rất khủng khiếp.

Nhưng với hoàn cảnh hiện tại, chúng ta được mời gọi sống Tuần Thánh cũng như Đại Lễ Phục Sinh sắp tới trong bầu không khí tĩnh mịch, trầm lắng, bình tâm, để dành nhiều khoảng lặng hơn với Chúa, chia sẻ bằng kinh nguyện và hy sinh với thế giới, đặc biệt là những người đang gặp đau khổ, lo âu cũng như phó thác cho Thiên Chúa những anh chị em đã qua đời.

Anh Em rất thân mến,

Ngay lúc này, chúng ta đang phải đối diện với những đảo lộn nhịp sống như: các cử hành tôn giáo bị hạn chế tối đa; học đường bị đóng cửa; nhiều người bị thất nghiệp; giao thương, công ty, xí nghiệp bị ngưng trệ; người nghèo và những người vô gia cư rơi vào tình trạng mất “đất sống”; sự hạn chế tiếp xúc được đề cao; cảm giác mất an toàn luôn thường trực trong tâm trí. Những thông tin về sự bùng phát dịch bệnh trên các quốc gia và vùng lãnh thổ gia tăng từng giờ; số người nhiễm và chết vì dịch bệnh lên tới hàng vạn. Và, con đường lây lan của dịch bệnh có lẽ gần chúng ta hơn bao giờ hết!

Tất cả những điều đó làm cho chúng ta hoang mang, hoảng loạn, bởi lẽ không ai khác mà là chính chúng ta có thể bị cướp mất mạng sống bất cứ lúc nào!

Tưởng chừng như nó chỉ là tác động đơn thuần và làm đảo lộn đến mọi sinh hoạt của đời sống – xã hội… Tuy nhiên, không chừng, nó cũng có thể sẽ len lỏi và tác động tiêu cực vào đời sống đức tin, ơn gọi và trong tương quan giữa người với người.

Chẳng hạn như: giữa cơn đại dịch, chúng ta không được phép quy tụ, phải dè dặt, tránh né với mọi người. Chúng ta cũng cảm thấy ngại nói chuyện, ngại thăm hỏi và không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. Phần vì sợ bị lây bệnh từ họ; phần vì e ngại sự sợ hãi đến từ người tiếp xúc.

Trong bối cảnh ấy, một điều hết sức tự nhiên có thể làm cho chúng ta nhạt nhòa tình nghĩa anh em và mất dần sự quan tâm đến nhau mà chỉ nghĩ đến mình, đến sự an toàn của bản thân và những người thuộc về mình mà thôi.

Nhưng trong thực tế, chúng ta được mời gọi: cần khôn ngoan để phòng ngừa cho mình và cho người khác. Thực hiện tốt các chỉ thị cũng như những khuyến dụ mà người có trách nhiệm và chuyên môn yêu cầu. Mặt khác, chúng ta không được phép coi thường sự lây lan và phát tán nguy hiểm của dịch bệnh.

Tuy nhiên, điều cần thiết đối với chúng ta là những người dâng hiến cuộc đời cho Chúa và hiến thân phục vụ anh chị em thì thái độ cần có và cần sống đó là tạo cho mình một đời sống nội tâm sâu xa.

Có đời sống nội tâm sâu xa để tin yêu phó thác, biết đặt tất cả niềm hy vọng nơi Chúa là một thái độ căn bản để có thể vượt qua thử thách. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với Người để ký thác đường đời cho Người và hết lòng tin tưởng, vì chính Người sẽ ra tay (x. Tv 37, 5).

Có đời sống nội tâm sâu xa, chúng ta sẽ được khơi nguồn từ ánh sáng của Lời Chúa, để qua đó, mỗi người khám phá những bài học giá trị cho đời sống thiêng liêng từ những thử thách đến với mình.

Có đời sống nội tâm sâu xa, chúng ta sẽ được thức tỉnh và đặt mọi kế hoạch đời mình trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa.

Trong thời điểm này, tôi muốn lặp lại lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII được trích từ Tin Mừng theo thánh Mátthêu chương 16, 3 nhắc người Kitô hữu về nhu cầu phải đọc những dấu chỉ trong đời sống để nhận thức điều Thiên Chúa nói với chúng ta, ngài viết: “… Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi” (Mt 16,3). Thánh Công Đồng Vatican II cũng dạy rằng: “Giáo Hội phải luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng. Làm được điều đó, Giáo Hội mới có thể đưa ra lời giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau”[2].

Như vậy, dưới ánh sáng Tin Mừng, mỗi Anh Em hãy trân trọng thời khắc đặc biệt này và hãy nắm bắt chúng như là cơ hội, nhằm giúp chúng ta tìm về một ý nghĩa, một sứ điệp của Thiên Chúa muốn gởi trao cho nhân loại và cho riêng mỗi người.

Xác tín như vậy, “Anh Em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28) như những người tràn đầy niềm tin mà không bi quan hay sợ hãi. Lời của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đâyđừng s!” (Mt 14, 27) và Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Năm Đời Sống Thánh Hiến cũng khuyên rằng: “Giữa những hoang mang mà chúng ta cùng chia sẻ với bao nhiêu người đương thời, hãy bừng lên niềm hy vọng của chúng ta. Đó chính là hoa trái của niềm tin vào Đấng làm chủ lịch sử, Người không ngừng lặp lại với chúng ta: “Đừng sợ… Ta đang ở với con” (Gr 1,8)[3]

Thế nhưng, muốn nhận ra dấu chỉ thời đại, Anh Em phải đặt mình trong một thái độ tin tưởng, lắng nghe và thuần phục thánh ý Chúa. Có thế, chúng ta mới biết rõ những gì đang diễn ra. Biết rõ nó tức là hiểu được ý nghĩa của biến cố và cũng tìm được bài học từ những sự kiện ấy[4]. Nhờ thế mà chúng ta sẽ cảm nghiệm sâu xa rằng: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Chúa” (Rm 8, 28).

Thưa toàn thể Anh Em,

Niềm tin và sự tín thác của chúng ta vào Chúa cho phép mỗi người thưa lên với Chúa rằng:“Spe salvi facti sumus – chúng ta được cứu độ trong hy vọng”.[5]

Trong Tuần Thánh và Đại Lễ Phục Sinh sắp tới, tôi mời gọi Anh Em hãy kết hợp với Chúa Giêsu, để nhớ lại những trận chiến lớn và các khủng hoảng Ngài đối mặt, cũng như nhớ lại cái chết của Ngài trên cây Thánh Giá như một hiến tế vì tình yêu trọn vẹn. Nhưng cả sự đau khổ lẫn cái chết đã không có tiếng nói cuối cùng trên sự sống của Ngài thì chúng ta cũng vậy, niềm hy vọng và tin tưởng vào sự sống đời sau sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi, lo âu và nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đã nói với các môn đệ của Ngài khi xưa, nay vẫn đang nói với chính từng người trong Anh Em: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 28);  “Thầy ở cùng các con cho đến tận thế!”( Mt 28, 20). 

Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những ai đã qua đời được ơn cứu độ, cho các bệnh nhân được bình phục, cho các y bác sĩ, các nhà khoa học, những nhà cầm quyền, người có trách nhiệm biết hết lòng phục vụ anh chị em mình theo tinh thần của Chúa.

Nguyện xin bình an và ân sủng của Đức Kitô Phục Sinh ở cùng Anh Em. Và, nguyện xin Ánh Sáng Phục Sinh của Người làm vang lên tiếng nói của tình yêu thương trong cuộc đời chúng ta.

Xin Mẹ Maria Đồng Hành là Ánh Sao Hy Vọng soi đường chỉ lối, giúp chúng ta vượt qua mọi thách đố của đời sống, để luôn trung thành với Chúa và tin tưởng hướng về tương lai với sứ mạng đặc thù là loan báo Tin Mừng cho anh chị em “dân ngoại”; đồng thời làm rực sáng lên niềm hy vọng cũng như sẵn sàng trả lời cho tất cả những ai chất vấn chúng ta về niềm hy vọng (1 Pr 3,15).

Xin Anh Em thêm lời cầu nguyện cho tôi và cho toàn Hiệp Hội.

Mến chào Anh Em trong tình yêu của Chúa Kitô.

                                                                                   Làm tại Trụ Sở ngày 06 tháng 04 năm 2020

                                                                                       Thân ái,

                                                                                     (đã ấn ký)

 

                                                                                  Lm. Louis Bertrand Cao Đức Thuận, S.S.P.

                                                                                     Tổng Phụ Trách

 _________________

T/B: Trong dịp đặc biệt này, các Trưởng Cộng Đoàn hãy sáng kiến và tạo điều kiện thuận lợi cho Anh Em trong Cộng Đoàn có dịp thể hiện và xây dựng tình huynh đệ với nhau, ngõ hầu những biến cố tiêu cực của đại dịch không làm lu mờ niềm vui đời dâng hiến cũng như làm giảm đi sự  nhiệt huyết dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.


[1] X. Dịch COVID-19 sáng 6/4/2020, đăng trên https://tuoitre.vn. Truy cập ngày 06/04/2020.

[2] Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 12.

[3] Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số I, 3

[4] Bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 23 tháng 10 năm 2015 tại nhà nguyện thánh Marta.

[5] Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, Tông huấn Thiên Chúa là Tình yêu.