Thư Mục Vụ Tháng 7/2020 của Cha Tổng Phụ Trách

TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

HIỆP HỘI THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI

881/4 CMT8, P.7, Q. Tân Bình, TP. HCM

ĐT: 028.3970.8814; 0935814026

Email: [email protected]; [email protected]

Số 01/TMV/ĐKN/07/2020/TPT

THƯ MỤC VỤ THÁNG 7 NĂM 2020

 

Chủ Đề: ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

 

Đầu thư tôi mến chúc quý Cha, quý Anh Em sức khỏe và bình an.

Kính thưa quý Cha và Anh em trong gia đình Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại.

Trong thư mục vụ này, tôi muốn cùng anh em trong đại gia đình Thánh Phaolô học hỏi về Đức Khiêm Nhường. Trước hết ta phải chân nhận rằng con người chúng ta là không tự mình mà được diễm phúc hiện diện trên trái đất này. Chúng ta là thụ tạo, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa dựng nên chúng ta qua cha mẹ chúng ta.

Khi chúng ta lọt lòng mẹ, tính ta bản thiện, ta được nuôi dưỡng, lớn lên trong môi trường xã hội đầy gương xấu, ham danh, trục lợi, dâm ô, bất công, bất hòa… Tiềm năng tốt nhưng vẫn đẵm mình giữa bụi đời tăm tối, tránh sao những lầm lỗi đáng tiếc về mối tội đầu; “khiêm nhường chớ kêu ngạo.

Đức khiêm nhường là gì?

Khiêm nhường: Humilitas – Humility – Humilité.
Đức: Phẩm chất tốt đẹp.
Khiêm: Nhún nhường.
Nhường: Nhịn nhường.

Khiêm nhường có nghĩa nhũn nhặn trong đối xử. Khiêm nhường là nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và nhìn nhận sự thật về mình.

Khiêm nhường, nhân đức chủ yếu của Tin Mừng. Anh em khi mới nhập tu phải nghĩ ngay tới nhu cầu thiêng liêng là phải học hỏi khiêm nhường, nền tảng phải có cho bước đường tập tu.

Khiêm nhường là nhân đức người Kitô hữu phải có cho đời sống tu đức, sống đời bé nhỏ, đơn sơ, thanh tịnh, chân chính để dễ vào Nước Trời.

Địa vị càng cao, càng phải học, phải sống khiêm nhường. Để cuộc sống được cân bằng. Ta đừng quên địa vị của ta là chức thừa ủy, vay mượn, nên dễ thay đổi. Không chấp nhận chức vị có mùi cai quản, thống trị, hà khắc. Khi hết trách nhiệm, hết nhiệm kỳ, ta trở về địa vị thành viên như bao người khác.

Chúa dạy chúng ta bắt chước Chúa, Chúa khuyên chúng ta: “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt: 11,29).

Trong Tin Mừng Mt: 22,24 Chúa Giêsu nghe các Tông đồ cãi nhau sôi nổi xem ai là người lớn nhất, Chúa liền can thiệp, bảo các ông: Vua chúa trần gian thì dùng uy mà thống trị dân (câu 25), nhưng Chúa dạy ngược lại ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ nhất…sau đó Chúa hỏi: giữa kẻ ngồi ăn với người phục vụ ai lớn hơn? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ (câu 27).

Người dạy chúng ta hãy trở nên trẻ nhỏ (Mt: 18,31). “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Vậy ai tự hạ, cúi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời”. Vì trẻ nhỏ thật thà, đơn sơ, vô tư, hồn nhiên, khiêm tốn đón nhận (Mt 19,4).

Chúa nói trở lại! thường chúng ta đến tuổi thanh thiếu niên, chúng ta muốn độc lập, thoát khỏi cảnh lệ thuộc cha mẹ. Lúc đó con người có chút vốn kiến thức, kiếm ra được chút tiền, con người dễ bị lao vào lốc xoáy tham ô, bạo lực, xảo trá, ích kỷ, ham muốn bất chính…của xã hội. Nên Chúa lôi kéo anh em trở lại.

Sống KHIÊM NHƯỜNG trong cuộc sống giao lưu xã hội, ta gặp nhiều thuận lợi bởi ta tự biết mình, biết tài năng mà Chúa ban cho qua khiêm nhường, ta bằng lòng với chính mình, đồng thời ta cố gắng vươn lên giữa lúc ta tự nói: “lực bất tòng tâm”.

Việc rao giảng Lời Chúa của ta không phải là con đường phẳng đẹp, ngăn trở do “quyền lực trần gian” không chấp nhận để Chúa ngự trị trên nhân loại. Người Thừa Sai bị ngăn trở vì quyền lợi, danh dự, ham muốn của đối phương. Tóm lại, Người Thừa Sai là người luôn sống khiêm nhường để vượt thắng những thế mạnh trần thế, và ước mong thánh ý Chúa được thể hiện.

KHIÊM NHƯỜNG không đòi ta phải ráng quá sức mình: Chúa muốn hành động vừa phải, với tất cả lòng trông cậy…. là đủ, Chúa hài lòng về ta, vì ta biết vươn lên trong sự thánh thiện.

KHIÊM NHƯỜNG giúp ta không tham vọng quá cao, đến lúc vỡ mộng ta sẽ ngã gục. Khiêm nhường không so đo, bằng lòng với những gì mình có, nhờ Khiêm nhường ta cảm thấy mình lúc nào cũng vừa ý, do đó không tranh chấp. Thánh nữ Magarita Alacoque (1690), thưa với Chúa : con kém tài, phận đàn bà yếu hèn sao làm được « truyền bá tôn sùng trái tim Chúa….. ».

Chúa phán: chỉ có một sự rất cần là con phải khiêm nhường và tin thật, nếu không có Cha giúp, con chẳng làm gì được. Con hãy tin mình mạnh mẽ, Cha sẽ giúp con thành công, trong mọi việc Cha truyền cho con.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã thưa với Chúa: Con chỉ là một em gái nhỏ bất lực và yếu đuối, và chính sự yếu đuối của con đem lại cho con ơn can đảm tận hiến làm của lễ hi sinh cho tình yêu của Chúa, ôi Giêsu của con.

Chúng ta dùng ngôn ngữ nào để diễn tả lòng Khiêm nhường của Mẹ Maria qua lời tạ ơn Magnificat: Tạ ơn vì Chúa đã làm sự cả thể nơi Mẹ. Tạ ơn vì Chúa đã đoái thương đến sự thấp hèn của tôi tớ Chúa. Tạ ơn vì Mẹ biết mình thấp bé hèn hạ khi được trao Thiên chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

Thưa Anh Em,

Chúng ta cùng bỏ những nếp sống cũ không tốt do xu hướng kiêu kỳ, thói quen trịch thượng. Chúng ta làm lại cuộc đời dù khó khăn, ngại ngùng, hãy nhận lại thời gian, và sống kiên cường;

  • Hạ mình như trẻ nhỏ,
    – Sống khiêm tốn, không kiêu hãnh
    – Không tham vọng cao sang
    – Không lo âu tự ái
    – Để Nước Trời được thể hiện trong tâm hồn bình an.

Mến chào Quý Anh Em, và chúc Anh Em kín múc được nhiều ơn Chúa nhờ đời sống khiêm nhường qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh Cả Giuse và thánh Phaolô Tông đồ.

Trụ sở Hiệp Hội ngày 29/06/2020, Lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô.

                                                                                                                  (đã ấn ký)

 

                                                                                        Lm. Louis Bertrand Cao Đức Thuận, S.S.P.

                                                                                                              Tổng Phụ Trách

                                                                                                      Người Phục Vụ Anh Em