Thiên Chúa Thử Lòng Ông Áp-ra-Ham

THIÊN CHÚA THỬ LÒNG ÔNG ÁP-RA-HAM

LM. Inhaxiô Hồ Thông 

LỜI MỞ ĐẦU

Khoa chú giải hiện đại giới thiệu cho chúng ta nhiều cách thức tiếp cận bản văn Kinh Thánh.[1] Các cách thức tiếp cận này có thể được quy tụ vào hai phương pháp: “bình phẩm lịch sử” và “bình phẩm văn chương”. Phương pháp bình phẩm lịch sử chú ý đến những dị biệt trên bản văn chung cuộc để rồi từ đó khám phá những nguồn, những chứng liệu, những truyền thống ẩn sau bản văn. Phương pháp bình phẩm văn chương coi bản văn chung cuộc như “một tượng đài mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng và thán phục vì giá trị thẩm mỹ của nó”[2] qua lối hành văn, kỹ thuật sử dụng ngôn từ cú pháp, nghệ thuật xây dựng nhân vật…
 

Phương pháp bình phẩm lịch sử đòi hỏi một kiến thức sâu rộng như thông thạo các cổ ngữ, hiểu biết sâu xa các nền văn hóa thời xưa, khảo cổ…, vì thế vượt quá khả năng của đa số người đọc. Phương pháp bình phẩm văn chương đòi hỏi khiếu thẫm mỹ văn chương vừa đủ, vì thế phù hợp với đa số người đọc.
 

Chuyện tích “Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham” (St 22: 1-19) có một tầm quan trọng đặc biệt đối với khoa chú giải Ki-tô giáo, vì nó đánh dấu bước phát triển của khoa chú giải hiện đại trong lãnh vực nghiên cứu Kinh Thánh. Các nhà chú giải theo phương pháp bình phẩm lịch sử thường tiếp cận chuyện tích này, vì họ dễ dàng gặp thấy trong chuyện tích này những dấu vết của các nguồn, các chứng liệu, các truyền thống.[3] Các nhà chú giải theo phương pháp bình phẩm văn chương cũng thường tiếp cận chuyện tích này, vì họ gặp thấy chuyện tích này là “một viên ngọc của nghệ thuật văn chương Cựu Ước”[4] và là “chuyện tích toàn bích về hình thức và không dò thấu về nội dung trong tất cả những chuyện tích thời tổ phụ”.[5]
 

Trong bài viết này, người viết xin mượn chuyện tích “Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham” để giới thiệu phương pháp bình phẩm văn chương, một phương pháp đọc bản văn Kinh Thánh vừa tầm tay của những ai muốn múc lấy nguồn phong phú từ các bản văn Kinh Thánh cho cuộc đời của mình.

TÌM HIỂU CHUYỆN TÍCH: “THIÊN CHÚA THỬ LÒNG ÔNG ÁP-RA-HAM” (St 22, 1-19) THEO PHƯƠNG PHÁP BÌNH PHẨM VĂN CHƯƠNG

Chuyện tích “Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham” (22: 1-19) được dàn dựng theo lối hành văn “đối xứng đồng tâm” như sau:

-Dẫn nhập (22: 1)
A-Thiên Chúa truyền lệnh (22: 2)
       B-Ông Áp-ra-ham thi hành (22: 3-5)
            C-Cuộc đối thoại giữa cha và con (22: 6-8)
       B’-Ông Áp-ra-ham chứng tỏ đức vâng phục của mình (22: 9-10)
A’-Sứ thần Đức Chúa chứng thực đức vâng phục của ông Áp-ra-ham (22: 11-18)
-Kết (22: 19)

 DẪN NHẬP (22: 1)

Ngay từ đầu chuyện tích, người kể chuyện giới thiệu bối cảnh của câu chuyện: “Sau các việc đó”, và chủ đề của câu chuyện: “Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham” (22: 1). Với diễn ngữ thời gian: “Sau các việc đó”, người kể chuyện nhắc người đọc nhớ lại các sự việc xảy ra trước đó (ch. 21). Sau một thời gian dài chờ đợi, trì hoãn và đôi khi thất vọng, cuối cùng đứa con kế thừa lời hứa chào đời. Ngày I-xa-ác chào đời đã là một niềm vui, nhưng cũng kéo theo một cuộc tranh cãi về quyền thừa kế trong gia đình của ông Áp-ra-ham khi bà Sa-ra nói cách dứt khoát: “Con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với I-xa-ác, con trai của tôi” (21: 10). Thiên Chúa đứng về phía bà Sa-ra khi đảm bảo với ông Áp-ra-ham: “Chính nhờ I-xa-ác mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi” (21: 12). Cuối cùng, ông Áp-ra-ham gạt nước mắt, đuổi vợ thứ là cô Ha-ga và đứa con trai trưởng của ông là cậu Ít-ma-en. Trong bối cảnh này, người kể chuyện giới thiệu chủ đề của chuyện tích: “Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham” (22: 1).

 Với chủ đề: “Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham”, người kể chuyện lưu ý người đọc hai điều. Trước hết, qua danh xưng Thiên Chúa có mạo từ, người kể chuyện xác định rõ Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham không là vị thần linh nào, nhưng chính là Thiên Chúa mà ông Áp-ra-ham đã có một lịch sử quan hệ dài lâu với Ngài. Qua kinh nghiệm này, ông Áp-ra-ham hiểu rằng khi Thiên Chúa thử thách ông, Ngài có cách thức riêng của Ngài. Cách thức của Ngài đôi khi xem ra là vô lý và khác thường, nhưng cuối cùng mở ra tương lai cho ông, chẳng hạn như cuối cùng ban cho ông I-xa-ác, người con kế thừa lời hứa. Nếu hiện nay, Thiên Chúa thử thách ông, chắc chắn Thiên Chúa có một chương trình hay một kế hoạch cho tương lai của ông. Dù không thể nào hiểu thấu kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng ông tin và niềm tin của ông không phải vô căn cứ, nhưng được đặt nền tảng trên kinh nghiệm của ông về Thiên Chúa của ông. Người ta có thể nói rằng kinh nghiệm của ông Áp-ra-ham về Thiên Chúa của ông trong chuyện tích này đạt đến mức độ chín mùi.

Thứ nữa, người kể chuyện giới thiệu ngay từ đầu chủ đề của chuyện tích: “Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham” cho thấy một điều gì đó gian khổ mà ông Áp-ra-ham phải vượt qua, càng gian khổ càng sáng tỏ phẩm chất của mình. Tuy nhiên, chỉ người đọc mới biết đây chỉ là thử lòng ông Áp-ra-ham để xem ông có một lòng một dạ với Thiên Chúa không, nhưng ông Áp-ra-ham, nhân vật chính của chuyện tích, không biết. Vì thế, cuộc thử thách mà ông Áp-ra-ham sẽ trải qua lại càng khốc liệt hơn, đồng thời hình thành nên sự căng thẳng ở nơi người đọc: liệu ông Áp-ra-ham có đứng vững trong cuộc thử thách của Thiên Chúa hay không?

A-THIÊN CHÚA TRUYỀN LỆNH (22: 2)

Nội dung của cuộc thử thách là mệnh lệnh của Thiên Chúa được câu trúc thành mẫu đối thoại, trước hết Thiên Chúa gọi: “Áp-ra-ham”, đoạn ông Áp-ra-ham trả lời: “Dạ, con đây!” (22: 1), và cuối cùng mệnh lệnh của Thiên Chúa (22: 2). Lời đáp trả của ông Áp-ra-ham: “Dạ, con đây!”, diễn tả sự vâng phục, tư thế sẵn sàng tiếp nhận lời Thiên Chúa. Jacques Goldstain thấy ở lời đáp trả của ông Áp-ra-ham là người cha đầy lòng tin, như sau này trên môi miệng của trẻ Sa-mu-en (1Sm 3: 4, 6, 8), của ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr 28: 16) và của cả Đức Trinh Nữ (Lc 1: 39): “Phải nói rằng ông Áp-ra-ham là người sáng tạo tiếng ‘Xin vâng’. Ông là người đầu tiên nói ‘Xin vâng’ trước tiếng gọi của Thiên Chúa”.[6]
 

Mệnh lệnh của Thiên Chúa cốt là ba lệnh truyền được giàn trải theo mức độ kịch tính tăng dần, điểm nhấn được đặt trên I-xa-ác, đứa con kế thừa lời hứa. Lệnh truyền thứ nhất bắt đầu từ mối quan hệ chung của người cha với “con của ngươi”, đoạn vén mở tình thân thiết gắn bó của người cha với “đứa con một yêu dấu của ngươi”, sau cùng kết thúc với tên của đứa con này: “I-xa-ác”. Đối với ông Áp-ra-ham, tên của con trẻ này không chỉ gợi lên mối quan hệ thân thiết của người cha dành cho con ông, nhưng cũng nhắc ông nhớ lại sự chờ đợi dài lâu về sự chào đời kỳ diệu của đứa con thừa kế lời hứa này. Việc vén mở tình yêu gắn bó giữa cha và con rất cần thiết để tránh cho người đọc thấy ở nơi ông Áp-ra-ham một người lòng chai dạ đá, lạnh lùng, vô cảm.
 

Lệnh truyền thứ hai xác định hướng đi của cuộc hành trình: “Hãy đến xứ Mô-ri-gia”. Địa danh Mô-ri-gia trong bản Híp-ri được Bản Bảy Mươi giải thích “trên vùng đất cao” và được Bản Phổ Thông đọc “trong miền đất của Thị Kiến”. Từ “thị kiến” phát xuất từ động từ gốc: “thấy” hay “liệu”. Địa danh này báo trước lời ông Áp-ra-ham nói với I-xa-ác: “Chính Thiên Chúa sẽ thấy / liệu, con ạ” (22: 8) và cũng là nơi ông sẽ đặt tên là “Đức Chúa sẽ thấy / sẽ liệu” (22: 14) để tưởng nhớ biến cố này.
 

Lệnh truyền thứ ba: “Dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên ngọn núi Ta sẽ chỉ cho”, đạt đến tận mức kịch tính của cuộc thử thách. “Lễ toàn thiêu” là từ khóa được lập đi lập lại nhiều lần trong chuyện tích này (22: 3, 6, 7, 8, 13). Sách Lê-vi mô tả lễ toàn thiêu như sau: trước hết, tế vật phải là “toàn vẹn” (Lv 1: 3); thứ nữa, lễ toàn thiêu là hy tế duy nhất ở đó tế vật bị hỏa thiêu hoàn toàn trên bàn thờ; và cuối cùng, qua tế vật đại diện người dâng, người dâng hiến trọn thân mình cho Thiên Chúa. Vì thế, sách Lê-vi định nghĩa: “Đó là lễ toàn thiêu, lễ hỏa tế, là hương thơm vui lòng Đức Chúa” (Lv 1: 9).

Tế vật mà ông Áp-ra-ham được lệnh dâng làm lễ toàn thiêu đã được kể ra ở lệnh truyền thứ nhất:“Con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác”. Chính trên I-xa-ác mà tất cả những lời hứa của Thiên Chúa với ông Áp-ra-ham sẽ được thành tựu. Vì thế, đối với ông Áp-ra-ham, I-xa-ác tiêu biểu mối quan hệ không đơn thuần giữa cha và con, nhưng đặc biệt giao ước giữa ông Áp-ra-ham với Thiên Chúa. Vì thế, hiến tế I-xa-ác đồng nghĩa hiến tế tương lai của ông, vì đứa con này hiện thân lời hứa. 
 

Mệnh lệnh của Thiên Chúa ở đây âm vang mệnh lệnh đầu tiên của Thiên Chúa ở St 12. Trong cả hai trường hợp nầy, Thiên Chúa truyền cho ông Áp-ra-ham rời bỏ những gì càng lúc càng thân thiết với ông: trước đây, “xứ sở – họ hàng – và nhà cha ngươi”, và nay “con của ngươi – đứa con một yêu dấu của ngươi – I-xa-ác”; trước đây “tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”, nay “trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho”. Như trước đây trong cuộc ra đi từ Kha-ran, trong cuộc ra đi lần này hướng đi được chỉ ra, nhưng nơi đến chưa cho biết, để mà “cuộc dấn thân càng toàn diện, sự vâng phục càng hoàn hảo và sự tự bỏ càng tuyệt mức”. Trước đây, vâng lời đã dẫn ông Áp-ra-ham đến sự sinh hạ đứa con kế thừa lời hứa; giờ đây, vâng lời dẫn ông đến cái chết của đứa con kế thừa lời hứa.
 

Tuy nhiên, có một sự khác biệt cốt yếu giữa hai cuộc hành trình này. Trong cuộc hành trình lần thứ nhất, lời hứa đã được ban ngay sau mệnh lệnh (St 12: 2-3). Trái lại, trong cuộc ra đi lần sau cùng, lời hứa được ban hầu như ở cuối câu chuyện (11: 15-18), chỉ sau khi ông bày tỏ đức vâng phục hoàn hảo: “Ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình” (22: 10). Quả thật, cuộc hành trình thứ nhất được nuôi dưỡng bằng lời hứa, nhưng cuộc hành trình thứ hai này là sát tế đứa con kế thừa lời hứa. Chính không phải vì đứa con kế thừa lời hứa này mà ông Áp-ra-ham chấp nhận rời bỏ “xứ sở, họ hàng, và nhà cha ngươi” sao? Chính không phải vì đứa con kế thừa lời hứa mà ông Áp-ra-ham đã đành lòng trục xuất đứa con huyết thống của ông là Ít-ma-en “bởi vì chính nhờ I-xa-ác mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi” (21: 12) sao?
 

Người ta có thể nói rằng trong cuộc hành trình thứ nhất, ông Áp-ra-ham đã được lệnh hiến tế quá khứ của ông ngỏ hầu tương lai của ông được mở ra ở nơi lời hứa. Trái lại, trong cuộc hành trình thứ hai, ông Áp-ra-ham được lệnh hiến tế đứa con hiện thân lời hứa. Đây là cuộc thử thách tột cùng nhất mà người cha phải trải qua.“Điều được nhấn mạnh ở đây là trái tim con người bị xé toang từng mãnh hơn là kế hoạch của Thiên Chúa”.[7]
 

B-ÔNG ÁP-RA-HAM THI HÀNH (22: 3-5):
 

Sau mệnh lệnh của Thiên Chúa không sao hiểu được, người kể chuyện không nói cho người đọc biết bất cứ điều gì xảy ra trong tâm trí của tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng chỉ mô tả những hành động nối tiếp nhau của ông: “Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là I-xa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo” (22: 3). Gordan Wenham nhận xét như sau: “Như thường hằng trong chuyện tích này, không chỉ những điều được nói mà những điều để lại không được nói đem lại cho câu chuyện chiều sâu và phong phú biết bao”.[8]
 

Tuy nhiên, trình tự không hợp lý của những hành động này để lại trong tâm trí của người đọc nhiều câu hỏi. Tại sao ông Áp-ra-ham không bổ củi trước rồi sau đó mới thắng lừa? Thông thường, người ta bổ củi trước, sau đó thắng lừa. Phải chăng việc bổ củi phải hoãn lại sau cùng, vì củi gợi lên trực tiếp nỗi đau khổ của ông về việc hiến tế con ông, I-xa-ác? Quả thật, sau này, chính trên đống củi này mà ông Áp-ra-ham sẽ dâng con ông làm lễ toàn thiêu (22: 9). Phải chăng, qua chi tiết này , người kể chuyện để lộ cho người đọc nỗi đau khổ sâu thẳm trong tâm hồn của ông Áp-ra-ham?
 

Nơi đến không có sẵn củi hay sao mà ông Áp-ra-ham phải bổ củi trước khi ra đi? Nếu vậy, làm thế nào ông biết, vì nơi đến chưa cho ông biết? Hay phải chăng ông muốn chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho lễ toàn thiêu để tránh bất kỳ điều gì có thể ngăn cản ông khi đến đó? Phải chăng chi tiết bày tỏ thái độ vâng phục của ông thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa cho đến cùng? Hay trái lại, phải chăng ông muốn trì hoãn cuộc hành trình khủng khiếp này lâu chừng nào có thể được?

Tại sao ông không bảo các đầy tớ của ông bổ củi và thắng lừa, một công việc như vậy thì thích hợp cho các đầy tớ hơn ông chủ? Quả thật, trong chuyện tích của chúng ta, những đầy tớ không làm gì cả. Họ đơn giản chỉ ở đó. Khi nhận lấy những công việc mà các đầy tớ có bổn phận phải làm, phải chăng ông Áp-ra-ham muốn xua tan những tư tưởng ám ảnh tâm trí của ông về sứ mạng khủng khiếp này? Hay đơn giản ông không muốn cho bất kỳ ai biết mục đích của cuộc hành trình cho đến giây phút cuối nếu có thể được? Phải chăng qua chi tiết này, người kể chuyện cho thấy ông Áp-ra-ham hoàn toàn cô độc trong cuộc thử thách của mình?
 

Cuộc hành trình được tóm gọn ở nơi diễn ngữ thời gian: “Sang ngày thứ ba”. Phải chăng diễn ngữ thời gian này được dùng ở đây đơn giản chỉ ra khoảng cách từ Bơ-e Se-va đến nơi Thiên Chúa chỉ định, hay còn ám chỉ đến một nghĩa nào khác nữa? Theo truyền thống Do thái, diễn ngữ “ngày thứ ba” được dùng để nhấn mạnh tinh thần kiên vững và tâm trí minh mẫn của ông Áp-ra-ham. Vì thế, “ba ngày” là thời gian cần thiết để ông Áp-ra-ham suy nghĩ chín chắn và để ông có cơ hội có thể quay trở lại, nếu như ông nhận ra mình phản ứng quá hấp tấp. Theo Calvin, “Thiên Chúa không đòi hỏi ông sát tế con của ông ngay lập tức, nhưng buộc ông suy đi nghĩ lại cuộc sát tế này trong tâm trí suốt ba ngày, ngỏ hầu khi chuẩn bị sát tế con của ông, mọi giác quan của ông hành hạ ông càng nghiêm khắc hơn”.[9]
 

Trước đây Thiên Chúa cũng mời gọi ông Áp-ra-ham “ngước mắt lên” để chiêm ngắm miền đất mà Ngài sẽ ban cho ông và dòng dõi của ông mãi mãi (St 13: 14-17), nhưng lần này ông ngước mắt lên và thấy nơi ông sẽ hiến tế đứa con kế thừa lời hứa. Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau tận đáy lòng của ông. Về phương diện địa lý, sự kiện “Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên” (22: 4) lưu ý người đọc đến chiều cao của ngọn núi chỉ ra nhiều khó nhọc để leo lên đó, nhưng về phương diện tâm linh, đây là thành ngữ Kinh Thánh ám chỉ “thái độ của người công chính, của người chờ đợi mọi sự từ Thiên Chúa”.[10]
 

Ở dưới chân núi, ông Áp-ra-ham bảo hai người đầy tớ chờ đợi ở đây cùng với con lừa, trong khi ông cùng với con ông tiếp tục cuộc hành trình lên núi. Cách hành xử của ông khiến người đọc nêu lên biết bao câu hỏi. Tại sao ông không muốn hai người đầy tớ giúp ông đưa hành trang lên núi? Vì ông không muốn họ làm chậm bước chân của hai cha con? Hay vì ông sợ những đầy tớ ngăn cản ông khi thấy ông dâng con ông làm lễ toàn thiêu? Dù sao, thái độ của ông Áp-ra-ham ở đây gợi lên thái độ của ông Mô-sê. Chỉ một mình ông Mô-sê được phép lên núi, còn dân chúng phải đứng chờ ở dưới chân núi (Xh 19: 20, 24; 24: 1-2).
 

Nhưng lời căn dặn của ông Áp-ra-ham với các đầy tớ làm cho người đọc ngạc nhiên: “Các anh ở lại đây với con lừa, còn tôi và đứa trẻ đi lên tận trên kia”. Tại sao ông Áp-ra-ham gọi I-xa-ác là “đứa trẻ”chứ không là “con tôi”? Rõ ràng “đứa trẻ” thì kém trìu mến hơn “con tôi”. Qua tiếng gọi kém trìu mến này, phải chăng ông Áp-ra-ham muốn giữ khoảng cách với con ông vì ông nhất quyết dâng hiến con ông cho Thiên Chúa?
 

Lời của ông Áp-ra-ham: “Rồi, chúng tôi sẽ trở lại với các anh”, không là: “Rồi tôi sẽ trở lại với các anh”, làm tăng sự nghi ngờ về sự vâng phục của ông Áp-ra-ham trước mệnh lệnh của Thiên Chúa. G. J. Wenham nhận xét rằng: “Một lời nói dối vô hại, một lời tiên báo, một niềm hy vọng, thậm chí sự bất tuân chắc hẳn có thể đồng hiện diện trong lòng người tin, đặc biệt vào những lúc khủng hoảng nghiêm trọng. Sự mơ hồ khó hiểu của câu nói: ‘chúng tôi sẽ trở lại’ có thể hiểu như những tư tưởng khá mâu thuẩn đang tác động trong tâm trí của ông Áp-ra-ham vào lúc khủng hoảng này: ‘Tôi tin, nhưng xin Ngài giúp lòng tin yếu kém của tôi’ (Mc 9: 24)”.[11]
 

Truyền thống Do thái lý giải câu nói: “Chúng tôi sẽ trở lại”, như một lời khẳng định đức tin của ông Áp-ra-ham, vì truyền thống thích hiểu “chúng tôi” ở nơi câu nói: “Chúng tôi sẽ lên tận trên kia”, nghĩa là chúng tôi muốn lên tận nơi để thấy Thiên Chúa hóa giải lời hứa của Ngài với ý muốn hiện nay của Ngài như thế nào. Dù đối mặt với sự mâu thuẫn giữa lệnh truyền sát tế đứa con kế thừa lời hứa và sự trung thành với lời hứa, ông Áp-ra-ham không bao giờ mất niềm tin vào Thiên Chúa của mình, Đấng đã giao ước với ông và đã hứa với ông. Thiên Chúa chắc chắn sẽ giải quyết sự mâu thuẫn này theo cách của Ngài. Điều ông Áp-ra-ham tự hỏi là chuyện này sẽ xảy ra như thế nào. Quả thật, Thư gởi tín hữu Do thái đọc thấy đức tin của ông Áp-ra-ham theo cách này: “Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con một này, Thiên Chúa đã phán bảo: ‘Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi’. Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết sống lại. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Dt 11: 17-19). Theo J. Chaine, “Trên đường lên núi, ông Áp-ra-ham bước đi trong đức tin và lòng mến, đó là điều Thiên Chúa muốn”.[12]
 

Chúng ta cũng thấy ở nơi niềm tin của ông Áp-ra-ham niềm tin của ông Gióp. Trong cơn thử thách, dù mất tất cả, gia sản, con cái, ông Gióp không hề trách móc phạm  đến Thiên Chúa, nhưng kiên vững tin vào Thiên Chúa: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lấy lại đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1: 21). Tuy nhiên, niềm tin của ông Áp-ra-ham lớn hơn niềm tin của ông Gióp. Ông Áp-ra-ham không chỉ nhất mực tin vào Thiên Chúa công bình: “Đức Chúa ban cho, Đức Chúa lấy lại”, nhưng cũng vào Thiên Chúa trung thành với lời hứa: “Đức Chúa ban lại”.
 

C-CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA CHA VÀ CON (22: 6-8).
 

Khi ngọn núi định mệnh hiện ra trong tầm nhìn của mình, ông Áp-ra-ham biết rằng giây phút quyết định sắp xảy ra: “dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy”. Vào giây phút trang trọng này, người kể chuyện dành trọn không gian cho hai nhân vật chính diện này: cha và con, bằng cách khéo léo chuyển mọi chú ý của người đọc ra khỏi những điều phụ để tập trung vào hai nhân vật chính này.
 

Ông Áp-ra-ham nghĩ gì khi “lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai I-xa-ác, con ông”? Người kể chuyện không nói cho người đọc biết những cảm xúc trong lòng của ông Áp-ra-ham, nhưng gián tiếp gợi ra sự gắn bó yêu thương của ông Áp-ra-ham với “I-xa-ác, con ông”. Dù thế nào, bức tranh về sự phân phối hành trang giữa cha và con ở đây báo trước bức tranh về lễ toàn thiêu trên núi (22: 9-10), như G. Rouiller nhận xét: “Ở  nơi hình ảnh con trẻ I-xa-ác vác bó củi chúng ta chiêm ngắm trước lễ toàn thiêu, ở nơi hình ảnh ông Áp-ra-ham cầm lửa và dao, chúng ta tham dự trước cách nào đó hành vi sát tế”.[13]
 

Cuộc đối thoại giữa cha và con mở ra và đóng lại với cùng một diễn ngữ: “Cả hai cùng đi”, để cho thấy sự thinh lặng ngự trị trước và sau cuộc đối thoại, mà Speiser gọi là “sự thinh lặng đau nhói và hùng hồn nhất trong tất cả văn học”.[14]Cuộc trao đổi giữa cha và con trên đường lên núi Chúa không nhiều lời, nhưng để lộ tình cảm sâu lắng của người cha đối với đứa con yêu dấu của mình như Skinner nhận xét: “Sự thống thiết của cuộc đối thoại không thể nào bắt chước được: sự hiếu kỳ vô tư lự của đứa con, cảm xúc không thể nén được của người cha, và câu trả lời mơ hồ lạnh lùng của người cha, người đọc khó mà cầm được nước mắt”.[15] Đây là nét đặc trưng của câu chuyện này làm cho nó trở thành một tuyệt tác thuộc thể loại truyện ngắn.
 

Nhịp điệu của cuộc đối thoại bị chậm lại bởi tiếng gọi của người con: “Cha ơi!”, được đáp trả trìu mến của người cha: “Cha đây con!”, nhằm nêu bật hai nhân vật chủ chốt của chuyện tích: cha và con. Hai nhân vật chủ chốt này bộc lộ tình yêu gắn bó với nhau. Đây là chuyện tích “nghiên cứu sâu xa nhất về đề tài tình phụ tử bằng cách thúc đẩy cảm xúc cho đến giới hạn tột cùng”.[16] Chuyện tích để lộ cuộc hành trình lên núi là cuộc hành trình về cái chết dần dần của người cha là ông Áp-ra-ham chứ không của người con là I-xa-ác, bởi vì chỉ một mình người cha biết lệnh truyền Thiên Chúa. Câu hỏi ngây thơ của người con: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu ở đâu?”cho thấy I-xa-ác nhận ra điều khác thường ở nơi lễ toàn thiêu mà cha cậu và cậu sẽ dâng: mọi việc đều sẵn sàng: củi, lửa và dao, nhưng con chiên, tế vật không thể thiếu đối với lễ toàn thiêu, lại không thấy. Câu trả lời của người cha: “Chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ”, dù nghiêm nghị, nhưng cũng khó thoát khỏi giọng nói nghẹn lời của tình cha dành cho con.
 

Xét về hình thức, câu trả lời của người cha tương xứng với câu hỏi của người con, nhưng xét về ý nghĩa, câu trả lời này cũng mơ hổ như những lời ông nói với hai đầy tớ trước đây. Câu trả lời này có thể được hiểu như một lời lãng tránh bằng cách giao trả vấn đề này lại cho Thiên Chúa: “Thiên Chúa sẽ thấy / liệu”; nhưng cũng có thể được hiểu như một lời tiên báo, vì sau này, ông Áp-ra-ham sẽ đặt tên nơi ấy là “Đức Chúa sẽ thấy / liệu” (22: 14); nhưng cũng có thể được hiểu như diễn tả lòng tin: dù mệnh lệnh của Thiên Chúa xem ra phi lý, nhưng ông Áp-ra-ham tin rằng Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa của Ngài: Thiên Chúa đã đưa ra sáng kiến này, chắc hẳn Ngài sẽ thấy / liệu.
 

Truyền thống Do thái tự hỏi tại sao Kinh Thánh lập lại cùng một diễn ngữ: “Cả hai cùng đi” ở câu 6 và câu 8, và giải thích rằng đây không đơn thuần lập lại. Sau câu trả lời của ông Áp-ra-ham: “Thiên Chúa sẽ liệu con chiên làm lễ toàn thiêu, con ạ”, cậu I-xa-ác hiểu rằng nếu không có con chiên làm lễ toàn thiêu, thì chính cậu sẽ là tế vật làm lễ toàn thiêu. Vì thế, diễn ngữ: “Cả hai cùng đi” của câu 6 đơn giản nói rằng cha con cùng nhau lên núi, trong khi diễn ngữ thứ hai: “Cả hai cùng đi” của câu 8 diễn tả người con chấp nhận ý muốn của cha mình.[17]
 

B’-ÔNG ÁP-RA-HAM CHỨNG TỎ ĐỨC VÂNG PHỤC CỦA MÌNH (22: 9-10)
 

Khi hai cha con đã “tới nơi Thiên Chúa đã chỉ” (22: 9), ông Áp-ra-ham biết rằng ông sắp phải thực hiện một hành động cuối cùng bi thảm nhất theo lệnh truyền thứ ba: “Dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đó” (22: 2). Như trước đây, người kể chuyện không nói cho người đọc biết những cảm xúc trong lòng của ông Áp-ra-ham, nhưng chỉ mô tả bốn hành động nối tiếp nhau của ông Áp-ra-ham: trước hết “dựng bàn thờ”, đoạn “xếp củi lên”, tiếp đó “trói con ông lại”, và sau cùng “đặt trên bàn thờ, trên đống củi” (22: 9).  Đây không là lần đầu tiên, nhưng nhiều lần ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ (St 12: 7, 8; 13: 18). Tuy nhiên, trong những lần trước, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ để cảm tạ Thiên Chúa của ông, Đấng đã hiện ra để khẳng định lời hứa, nhưng lần này, theo lệnh truyền của Thiên Chúa, ông dựng bàn thờ để chính tay ông sát tế đứa con thừa kế lời hứa.
 

Sự thinh lặng hay thái độ thụ động của cậu I-xa-ác ở đây nẩy sinh biết bao câu hỏi trong tâm trí của người đọc. Nếu I-xa-ác đã khôn ngoan đủ để biết lễ toàn thiêu đòi hỏi điều gì, chắc hẳn cậu phải nhận ra việc cha cậu dựng bàn thờ và xếp củi lên mà không có con chiên, hàm ý rằng cậu sẽ là con chiên làm lễ toàn thiêu. Nếu vậy, cậu có đủ thời gian chạy trốn. Hơn nữa, I-xa-ác có đủ sức mạnh để vác bó củi lên đỉnh núi, nếu như cậu phản kháng, thì làm thế nào cha cậu già yếu có thể dễ dàng bắt và trói cậu được chứ? Vì thế, trình tự bốn hành động nối tiếp nhau của ông Áp-ra-ham không chỉ cho thấy sự vâng phục của ông Áp-ra-ham trước mệnh lệnh của Thiên Chúa, nhưng cũng ám chỉ sự phục tùng của cậu I-xa-ác trước ý muốn của cha mình trong việc đáp trả mệnh lệnh của Thiên Chúa. I-xa-ác không cam chịu số phận của mình, nhưng cậu chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa qua ý muốn của cha cậu, như V. P. Hamilton nhận định: “Nếu ông Áp-ra-ham phô bày đức tin vâng phục, thì cậu I-xa-ác cũng không kém phô bày đức tin cộng tác”.
 

Quả thật, truyền thống Do thái đã không bỏ lỡ cơ hội để tô đậm vai trò tích cực của cậu I-xa-ác, vì thế gọi chuyện tích này là “Aqedah” (“trói”) chứ không “lễ toàn thiêu của ông Áp-ra-ham”. Ở nơi động từ“trói”, truyền thống thấy sự đồng thuận của cậu I-xa-ác với cha mình trong sự vâng phục mệnh lệnh của Thiên Chúa. Vì thế, đây là “lễ toàn thiêu của người con như lễ toàn thiêu của người cha”.[18]
 

Hành động dứt khoát sau cùng của ông Áp-ra-ham: “Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình” (22: 10), xua tan tất cả những nghi ngờ mà trước đây người đọc có thể có về những hành động không theo thứ tự hợp lý trước đây của ông Áp-ra-ham, cũng như những lời nói mơ hồ với các đầy tớ và với con ông. Hành động sau cùng này chứng tỏ ông Áp-ra-ham nhất quyết thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa cho đến cùng: “Dâng nó làm lễ toàn thiêu”.
 

A’-SỨ THẦN ĐỨC CHÚA CHỨNG THỰC ĐỨC VÂNG PHỤC CỦA ÔNG ÁP-RA-HAM (22: 11-18):
 

Ngay khi ông Áp-ra-ham giơ con dao lên sát tế I-xa-ác, sự căng thẳng của câu chuyện đạt đến đỉnh điểm. Nhưng ngay giây phút bi thảm tận mức này, sứ thần Đức Chúa xuất hiện và ngăn cản kịp lúc hành động sát tế của ông Áp-ra-ham. Sứ điệp của sứ thần Đức Chúa gởi đến ông Áp-ra-ham vào giây phút đầy kịch tính này bao gồm lệnh cấm không được làm bất kỳ điều gì hại đến đứa trẻ và một lời chứng về lòng kính sợ của ông Áp-ra-ham đối với Thiên Chúa của mình.
 

Sứ điệp này được cấu trúc theo cùng mẫu đối thoại trước đây của Thiên Chúa với ông Áp-ra-ham (22: 1b-2). Tuy nhiên, chúng ta ghi nhận rằng có hai sự khác biệt: ông Áp-ra-ham được gọi tên đến hai lần: “Áp-ra-ham, Áp-ra-ham” (22: 11) chứ không một lần như trong trường hợp trước đó và danh xưng thần linh được thay đổi từ “Thiên Chúa” sang “Đức Chúa”.
 

Về việc sứ thần Đức Chúa gọi tên ông Áp-ra-ham đến hai lần ở đây được Claus Westermann giải thích như sau: “Gọi tên một lần ở câu 1 giới thiệu những lệnh truyền khiến ông Áp-ra-ham cúi đầu buồn bả; gọi tên đến hai lần ở câu 11 reo vang tin vui, tin mừng. Đây thật sự là nghệ thuật kể chuyện bậc thầy”.[19]
 

Về việc đổi tên thần linh từ Thiên Chúa sang Đức Chúa được Walter Vogels và Delitzsch giải thích như sau. Theo Walter Vogels, Thiên Chúa siêu việt đã thử lòng ông Áp-ra-ham, nhường chỗ cho Đức Chúa trung thành với lời hứa. Như trong câu chuyện của chúng ta, trong câu chuyện về cô Ha-ga, sứ thần Đức Chúa đã can thiệp vào giây phút sau cùng để cứu Ít-ma-en, đứa con huyết thống của ông Áp-ra-ham (St 21: 17). Theo Delitzsch, “Đấng đòi hỏi ông Áp-ra-ham giao nộp I-xa-ác là Thiên Chúa Sáng Tạo, nhưng Đức Chúa hiện thân nơi sứ thần của Ngài cấm ông hành động đến cùng, vì người con kế thừa lời hứa không thể chết được”.[20]

Lệnh cấm của Đức Chúa quy chiếu lệnh truyền thứ ba của Thiên Chúa có liên quan đến I-xa-ác. Tuy nhiên, có hai điểm khác biệt giữa lệnh truyền của Thiên Chúa trước đây và lệnh cấm của Đức Chúa hiện nay. Trước hết, lệnh cấm của Đức Chúa hiện nay: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó”, hủy bỏ lệnh truyền của Thiên Chúa trước đó: “Dâng nó làm lễ toàn thiêu”. Ý định của Đức Chúa được công bố ở đây trùng hợp với niềm tin của ông Áp-ra-ham được diễn tả trước đây khi ông nói với các đầy tớ: “Chúng tôi sẽ trở lại với các anh” (22: 5) và với con ông: “Chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ”(22: 8).
 

Thứ nữa, ở nơi lệnh truyền của Thiên Chúa, I-xa-ác được gọi cách trìu mến: “con của ngươi” được tăng cường bởi “đứa con một yêu dấu của ngươi”, trong khi ở nơi lệnh cấm của Đức Chúa, I-xa-ác được gọi là “đứa trẻ” kém trìu mến hơn. Thật ra, ông Áp-ra-ham đã gọi I-xa-ác là “đứa trẻ” rồi trong cuộc nói chuyện của ông với các đầy tớ (22: 5) để cho thấy ông quyết định dâng hiến con ông cho Thiên Chúa. Vì vậy, về phương diện vật chất, ông Áp-ra-ham đã không thật sự hiến tế con ông, nhưng về phương diện tinh thần, ông đã thật sự dâng hiến nó cho Thiên Chúa rồi. Kể từ nay, I-xa-ác không còn là con ông, nhưng thuộc về Thiên Chúa.
 

Sự kiện ông Áp-ra-ham nhất quyết thực hiện mệnh lệnh của Thiên Chúa cho đến cùng làm bằng chứng để sứ thần Đức Chúa xác nhận: “Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa”. Kiểu nói Kinh Thánh:“Bây giờ Ta biết”, diễn tả tiếng reo vui của người đã cảm nghiệm những thành quả cứu giúp của Thiên Chúa (Xh 18: 11; 1V 17: 24; Tv 20: 7; 56: 10), nhưng ở đây lại là tiếng reo vui của Thiên Chúa. Tiếng reo vui này nói với chúng ta rằng qua cuộc thử thách này, Thiên Chúa biết rằng “ông Áp-ra-ham kính sợ Thiên Chúa”.
 

“Kính sợ Thiên Chúa” là thành ngữ Kinh Thánh được dùng để diễn tả thái độ thường hằng của người chấp nhận hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa qua vâng phục và tin tưởng. Tuy nhiên, bằng chứng mà sứ thần Đức Chúa đưa ra để xác nhận ông Áp-ra-ham kính sợ Thiên Chúa được đặt nền tảng trên lòng mến: “Đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (22: 12). Điểm nhấn trên lòng mến này nhắc nhớ lệnh truyền thứ nhất được công bố như thử thách: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác” (22: 2). Sự kiện Thiên Chúa thử thách người phụng sự Ngài để chứng thực người ấy có thực sự hết lòng yêu mến Ngài hay không được gặp thấy ở sách Đệ Nhị Luật: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không” (Đnl 13: 3). Trong thử thách, ông Áp-ra-ham chứng tỏ lòng mến dành cho Thiên Chúa của ông còn lớn hơn tình yêu mà ông dành cho con ông. Vì thế, ông Áp-ra-ham xem ra đã thực hiện tròn đầy giới răn thứ nhất và căn bản nhất trước khi giới răn này được công bố: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6: 5).
 

Câu chuyện của ông Áp-ra-ham ở đây giống với câu chuyện của ông Gióp. Như ông Áp-ra-ham, ông Gióp cũng bị thử thách để làm bằng chứng sự kính sợ Thiên Chúa (G 2: 3), nhưng như ông Áp-ra-ham, ông Gióp cũng không biết rằng đây chỉ là sự thử thách của Thiên Chúa (G 1: 9). Tuy nhiên, một sự khác biệt chủ yếu giữa sự thử thách của ông Áp-ra-ham và sự thử thách của ông Gióp chính là Thiên Chúa đã thử thách ông Gióp bằng cách lấy đi mọi thứ để xem trong cơn khốn khổ ông có một lòng một dạ với Ngài không, trong khi Thiên Chúa thử lòng Áp-ra-ham bằng cách truyền lệnh cho ông tự mình hiến tế người con kế thừa lời hứa. Vì thế, ông Gióp cam chịu số phận của mình, trong khi ông Áp-ra-ham bị đòi hỏi phải tự mình thực hiện số phận của mình.
 

Sau sứ điệp của sứ thần Đức Chúa, người kể chuyện, như trước đây, không nói cho chúng ta biết bất kỳ tâm tư tình cảm nào trong lòng của ông Áp-ra-ham, nhưng mô tả hai hành động cụ thể cùa ông để đáp lại sứ điệp của sứ thần Đức Chúa. Lệnh cấm không được làm bất kỳ điều gì hại đến đứa trẻ được ông trả lời bằng cách bắt một con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây cách mầu nhiệm làm lễ toàn thiêu thế chỗ cho con ông. Việc sứ thần Đức Chúa chứng nhận ông kính sợ Thiên Chúa được ông đáp trả bằng cách đặt tên nơi ấy là “Đức Chúa sẽ liệu” để tưởng niệm biến cố này. 
 

Cuối cùng, sứ thần Đức Chúa lập lại lời hứa, nhưng với hai nét đặc trưng. Trước hết, lời hứa ở đây được bảo đảm bằng lời thề: “Ta lấy chính danh Ta mà thề”. Đây là lần đầu tiên Kinh Thánh kể ra rằng Thiên Chúa đã cam kết mình vào lời hứa bằng lời thề. Thư gởi tín hữu Do thái giải thích: “Quả thế, khi Thiên Chúa hứa với ông Áp-ra-ham, Người đã không thể lấy danh ai cao trọng hơn mình mà thề, nên đã lấy chính danh mình mà thề” (Dt 6: 13). Lời thề của Thiên Chúa không chỉ củng cố lời hứa, nhưng cũng bảo đảm rằng lời hứa không thể bị hủy bỏ được (Rm 11: 29; Dt 6: 13tt). Sau này, mỗi lần lời hứa được nhắc lại, người ta luôn luôn nhớ lại lời thề của Thiên Chúa như là nền tảng chắc chắn cho lời hứa.[21]
 

Thứ nữa, trước đây lời hứa đặt nền tảng chỉ trên ý muốn và mục đích của Đức Chúa, giờ đây trên đức vâng phục của ông Áp-ra-ham.[22]Quả thật, lời hứa bắt đầu và kết thúc với đức vâng phục của ông Áp-ra-ham như nhân với quả (22: 16 và 18). V. P. Hamilton nhận định: “Những lời hứa này khẳng định rằng vì sự vâng phục của ông Áp-ra-ham, lời chúc phúc của Đức Chúa sẽ trải rộng vượt quá ông Áp-ra-ham đầy lòng tin. Chúng sẽ trải rộng đến những thế hệ sau này. Quả thật, sau này Ít-ra-en sẽ mang ơn vị tổ phụ đầy lòng tin đối với sự tồn tại và lời chúc phúc của Đức Chúa trên cộng đoàn của họ”.

KẾT (22: 19)
 

Người kể chuyện kết thúc chuyện tích nổi tiếng này khi kể ra việc ông Áp-ra-ham trở về Bơ-e Se-va nơi ông đã ra đi. Rõ ràng, trong chuyện tích người kể chuyện đã nói với người đọc đến hai lần hai cha con cùng nhau lên núi Đức Chúa (22: 6, 8), nay ghi nhận chỉ một mình người cha trở lại với các đầy tớ mà không nói gì đến I-xác khiến người đọc ngạc nhiên. Sự vắng mặt của I-xa-ác ở cuối câu chuyện là có chủ ý. Nó gợi ra rằng: ý muốn của ông Áp-ra-ham sẵn sàng hiến tế I-xa-ác tự nó được coi như hành động hiến tế rồi. Hành vi của ông Áp-ra-ham sẵn sàng hiến tế I-xa-ác tương đương với hành vi bên ngoài ông Áp-ra-ham dâng hiến I-xa-ác cho Thiên Chúa như lễ toàn thiêu.
 

Như bất cứ người cha nào, ông Áp-ra-ham bị thử thách là muốn bám lấy đứa con của mình và từ chối dâng hiến nó. Giả như ông đã hành động như thế, ông sẽ cho thấy rằng đức tin của ông không nương tựa vào Thiên Chúa nhưng vào đứa con của ông. Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham không nhằm mục đích nào khác ngoài việc đặt ông Áp-ra-ham trước sự chọn lựa: hoặc đứa con kế thừa lời hứa hay Thiên Chúa, Đấng không chỉ ban lời hứa nhưng còn thực hiện lời hứa. Ông có thể giữ lấy đứa con cho mình, nhưng ông sẽ không đảm bảo được tương lai mà Thiên Chúa hứa. Từ I-xa-ác cũng có thể sinh ra một dân tộc, nhưng đó không thể nào là một dân tộc kế thừa lời hứa và chúc phúc của Thiên Chúa được. Khi sẵn lòng dâng hiến đứa con kế thừa lời hứa cho Thiên Chúa, ông chứng tỏ đức tin vàng ròng của ông: phó thác vào chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng không chỉ ban cho ông đứa con kế thừa lời hứa, nhưng còn là Đấng thực hiện lời hứa. Chính từ đứa con kế thừa lời hứa này, Thiên Chúa sẽ thực hiện một lời hứa vĩ đại khác: một dân tộc đông đúc như sao trên bầu trời, như cát dưới bãi biển.
 

Cuối cùng, để kết thúc cuộc tìm hiểu chuyện tích chất chứa biết bao ý nghĩa này, chúng ta khó lòng quên được lời khẳng định của thánh Phao-lô: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8: 32), và lời quả quyết của thánh Gioan: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4: 10).

[1] X. “Giải Thích Kinh Thánh trong Hội Thánh”.

[2] R. WELLEK, Concepts of Criticism, London 1963, 15.

[3] Nói cách tồng quát, chúng ta dễ dàng nhận ra bản văn này gồm một chuyện tích kể về việc Thiên Chúa truyền lệnh dâng con người làm lễ toàn thiêu (22: 1-10), và một bản văn phụng vụ theo đó Đức Chúa qua sứ thần của Ngài cấm không được dâng con người làm lễ toàn thiêu, nhưng đòi buộc dâng con vật làm lễ lễ toàn thiêu, đồng thời ban lời hứa và chúc phúc (22: 10-18).

[4] G. WENHAM, Word Biblical Commentary, collection of the authors, Genesis 16-50, 1994, 108.

[5] G. von RAD, La Genese, Corbaz S. A, A Montreux (Suisse) 1968, 241.

[6] J. GOLDSTAIN, Promesses et Alliance, Ed. de la Source, 1971, 150-151.

[7] A. COUFFIGNAL, L’epreuve d’Abraham, le recit de l’Abraham, Toulouse-Le Mail 1976, 10.

[8] G. WENHAM, Genesis 22: 1-19, 105.

[9] Trích từ G. J. WENHAM, Genesis 22, 1-19, 107.

[10] Dom de la MAISONNEUVE, L’Hebreu biblique par les textes, 107.

[11] G. J. WENHAM, Genesis 22: 1-19, 108.

[12] J. CHAINE, Le Livre de la Genese, Cerf: 1948, 271.

[13] R. ROUILLER, Le sacrifice d’Isaac (Gen 22, 1-19), 22.

[14] E. A. SPEISER, Genesis 22, 1-19, ABI; New York: 1964, 1965.

[15] J. A. SKINNER, A Critical and Exegetical Commentary on Genesis, Edinburgh 1910, 329-330.

[16] A. ABELA, The Themes of The Abraham Narrative, 72.

[17] J. SKINNER, A Critical and Exegetical Commentary on Genesis, 329-330.

[18] Targum, Sanhedrin, 89b.

[19] C. WESTERMANN, Genesis 12-13, 361.

[20] DELITZSCH, 2: 91, trích từ G. J. WENHAM, Genesis 22, 1-19, 109.

[21] X. St 24: 7; 26: 3; 50: 24; Xh 13: 5; Đnl 1: 8, 35.

[22] MOBERLY, VT 38, 1988, 320.

nguồn: http://gpbanmethuot.com

https://1win-qeydiyyat24.com, https://1xbet-az-casino.com, https://1win-azerbaycanda24.com, https://mostbetsitez.com, https://vulkan-vegas-erfahrung.com, https://1xbetsitez.com, https://vulkan-vegas-spielen.com, https://1win-azerbaijan24.com, https://mostbet-azerbaijan2.com, https://1win-az24.com, https://vulkanvegas-bonus.com, https://1xbet-azerbaycanda24.com, https://1xbetaz777.com, https://mostbetuzonline.com, https://1xbet-azerbaijan2.com, https://1xbet-az-casino2.com, https://pinup-bet-aze.com, https://1xbet-azerbaycanda.com, https://mostbet-uz-24.com, https://mostbet-oynash24.com, https://mostbet-az.xyz, https://1winaz777.com, https://mostbet-az-24.com, https://mostbet-ozbekistonda.com, https://1xbetaz888.com, https://vulkan-vegas-24.com, https://vulkan-vegas-kasino.com, https://mostbet-azerbaycan-24.com, https://most-bet-top.com, https://1xbetaz3.com, https://1xbetkz2.com, https://mostbet-azerbaijan.xyz, https://vulkan-vegas-casino2.com, https://mostbet-qeydiyyat24.com, https://1win-az-777.com, https://mostbet-royxatga-olish24.com, https://mostbetaz2.com, https://mostbetuzbekiston.com, https://1x-bet-top.com, https://mostbettopz.com, https://1win-azerbaijan2.com, https://vulkan-vegas-bonus.com, https://1xbetaz2.com, https://mostbetcasinoz.com, https://pinup-qeydiyyat24.com, https://kingdom-con.com, https://mostbet-kirish777.com, https://pinup-azerbaijan2.com, https://vulkanvegasde2.com, https://vulkan-vegas-888.com, https://mostbetsportuz.com, https://1xbet-az24.com, https://mostbet-azerbaycanda.com, https://mostbet-uzbekistons.com, https://mostbet-azerbaycanda24.com, https://mostbet-azer.xyz, https://mostbetaz777.com, https://pinup-az24.com, https://1xbetcasinoz.com, https://mostbetuztop.com, https://mostbet-az24.com, https://pinup-bet-aze1.com, https://1winaz888.com, https://vulkanvegaskasino.com, https://pinup-azerbaycanda24.com