“Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng Chúa,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi”
(Tv 104)
Cầu nguyện với Tv 104, chúng ta được mời gọi ra khỏi mình để nhìn ngắm thiên nhiên, nhất là thiên nhiên mà chúng ta nhìn thấy và hưởng dùng. Và, ngang qua dấu chỉ “bánh hằng ngày”, chúng ta hãy xin ơn được nhận ra Chúa nuôi sống chúng ta từng ngày, và đón nhận sự sống hằng ngày của chúng ta trực tiếp đến từ Thiên Chúa, bởi vì đó là cách thức chúng ta sống căn tính “hình ảnh Thiên Chúa” của chúng ta ; và xin cho chúng ta, khi dùng bánh hằng ngày Chúa ban, biết khao khát bánh hằng sống. Đó chính là những kinh nghiệm thiêng liêng có sức mạnh khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta lòng ước ao : “Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng Chúa, sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi” (c. 33)
- Trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày” (St 1, 1 – 2, 4a) và Tv 104
- Điểm giống
Cấu trúc “bảy ngày” (St 1, 1 – 2, 4a) của Tv 104:
– Ngày thứ nhất (St 1, 3-5: ánh sáng): Tv 104, 1-2a
Cẩm bào Ngài khoác : muôn vạn ánh hào quang
(hay: Ngài có áo khoác là ánh sáng[1]) (c. 2a)
– Ngày thứ hai (St 1, 6-8: vòm trời): Tv 104, 2b-4
Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,
điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không. (c. 2b-3a)
– Ngày thứ ba (St 1, 9-13: đất, biển, cây cỏ): Tv 104, 5-18
Băng qua núi qua đồi,
chảy xuôi ra đồng nội về nơi Chúa đặt cho. (c. 8)
– Tiếp đến, trên mặt đất xuất hiện lá cành, cỏ xanh, thảo mộc, lúa mì, vườn nho, rừng cây hương bá (c. 12-18). Ngày thứ tư: (St 1, 14-19: mặt trời, mặt trăng, các vì sao): Tv 104, 19-23
Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết,
dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian. (c. 19)
– Ngày thứ năm (St 1, 20-23: sinh vật dưới nước, chim chóc trên trời): Tv 104, 24-26
Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng. (c. 25)
– Ngày thứ sáu (St 1, 24-31: sinh vật trên mặt đất, con người, lương thực) : Tv 104, 27-30
Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.
Ngài ban xuống, chúng lượm về,
Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước. (c. 27-28)
– Ngày thứ bảy (St 2, 1-4a: hoàn thành, nghỉ ngơi): Tv 104, 31-53. Ngày thứ bảy, điểm tới của công trình tạo dựng, là ngày Thiên Chúa ngưng mọi việc. Là ngày duy nhất, Thiên Chúa vừa chúc phúc và vừa thánh hóa. Đó là ngày của hoàn tất, của nghỉ ngơi, của ca tụng, của niềm vui. Ngày Sa-bát đối với người Do Thái, và ngày Chúa Nhật đối với chúng ta, là ngày con người được mời gọi tự do với gánh nặng của cuộc sống, cảm nếm một chút sự tự do và nghỉ ngơi và nhất là hướng về sự nghỉ ngơi và niềm vui ca tụng mãi mãi trong Chúa.
- Điểm khác
Thiên Chúa sáng tạo hôm nay, và trong thế giới sáng tạo hôm nay, tạo vật gây ấn tượng nhất, nổi bật nhật, và vì thế nói về Thiên Chúa rõ nhất, đó là các sinh vật. Thật vậy, St 1 kể lại công trình sáng tạo và đánh dấu từng ngày vào lúc khởi đầu; trong khi Tv 104 mô tả công trình sáng tạo bây giờ. Thế mà, chiều kích nổi bật nhất của thế giới sáng tạo hôm nay, là tất cả những gì sinh động, hay “động đậy”:
Dòng nước => Thảo mộc => Sinh vật
Điều nổi bật nhất của sáng tạo hôm nay, chính là sự sống, sự sống của các sinh vật và sự sống của con người. Chính vì thế, trong Thánh Vịnh 104, loài vật và loài người không chờ đến ngày thứ sáu mới xuất hiện như trong St 1, nhưng tất cả đã xuất hiện ngay từ lúc Thánh Vịnh mô tả những yếu tố đầu tiên (của ngày thứ ba):
Đem nước uống cho loài dã thú,
bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê.
[…] (c. 10)
Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,
làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. (c. 11.14)
Việc phân chia giữa ngày và đêm (công trình của ngày thứ tư) đã có hiệu quả, theo Tv 104, là con người và các dã thú không chạm mặt nhau:
Ánh dương lên, chúng bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ.
Đến lượt con người ra đi làm lụng, những mải mê tới lúc chiều tà. (c. 22-23)
Và khi mô tả các sinh vật to nhỏ vẫy vùng dưới nước (công trình của ngày thứ năm), Thánh Vịnh của chúng ta đã cho thấy bóng dáng các con tàu, trên đó hẳn nhiên là có thủy thủ đoàn:
Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng,
nơi tàu bè cỡi sóng và thuỷ quái tung tăng,
là vật Chúa tạo thành để làm trò tiêu khiển. (c. 25-26)
Như thế, Tv 104 duy trì trình tự các yếu tố được sáng tạo trong St 1, nhưng đưa các sinh vật sống động vào trong các yếu tố này. Do đó, ở đây chúng ta không còn chiêm ngắm tuần thứ nhất của quá khứ, nhưng là chiêm ngắm hành vi sáng tạo hữu hình hôm nay. Chúng ta có thói quen nghĩ rằng Thiên Chúa đã sáng tạo và chúng ta hình dung ra những kết quả, nhưng Tv 104 nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa sáng tạo ở hiện tại. Trong sự sinh động hiện tại, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm chính hành vi sáng tạo và chiêm ngắm hành vi này ở hiện tại. Thiên Chúa sáng tạo hiện tại của chúng ta, và hiện tại thì luôn sinh động. Thế mà, điều gì có thể hiện tại hơn và điều gì có thể sinh động hơn các sinh vật ? Vì thế, dường như theo Tv 104, Thiên Chúa tiên vàn là Đấng Sáng Tạo các sinh vật ; hay nói cách khác thế giới sinh vật mà chính chúng ta là thành phần, tạo nên “sáng tạo điểm” theo Tv 104.
Dòng nước chảy (c. 6-13), vốn làm cho Thánh Vịnh của chúng ta trở nên sinh động, là biểu tượng tuyệt vời cho điều mà Thánh Vịnh muốn truyền đạt cho chúng ta: dòng nước chảy vừa diễn tả sự sống động của thiên nhiên và nhất là của các sinh vật, và vừa làm cho các sinh vật sống động: “đem nước uống cho loài dã thú, bẩy ngựa hoang đang khát được thỏa thuê”. Và dòng nước chảy không phải là chuyện hôm qua, nhưng dòng nước đang chảy xuôi bây giờ, “băng qua núi qua đồi, về nơi Chúa đặt cho” !
- “Sáng tạo điểm”: các sinh vật
- Cấu trúc của Tv 104
Dựa vào sự hiện diện của các sinh vật, chúng ta có thể nhận ra lời nguyện Tv 104 có cấu trúc song song đối xứng như sau:
- (A) Ca tụng khởi đầu (c. 1-9)
- (B) Tương quan giữa Thiên Chúa và các sinh vật, con người (c. 10-30)
- (A’) Ca tụng kết thúc (c. 31-35)
Tương đồng và khác biệt giữa phần A và A’
- Tương đồng: câu đầu và câu cuối; những công trình sáng tạo cần cho sự sống.
- Khác biệt: ước ao ca tụng Thiên Chúa suốt đời; và thái độ triệt để đối với tội (tội theo năng động thiêng liêng của Thánh Vịnh là không nhìn nhận Thiên Chúa để ca tụng Người). Sự khác biệt này làm nên chuyển động thiêng liêng của Thánh Vịnh. Đó chính là ơn tái sinh, nghĩa là ước ao sống cho một mình Thiên Chúa, được ban nhờ sự nhận biết tương quan sự sống giữa Thiên Chúa và con người.
Kinh nghiệm thiêng liêng nào, làm nên chuyển động thiêng liêng của lời nguyện Tv 104 ? Đó chính là kinh nghiệm khám phá ra tương quan thiết thân giữa Thiên Chúa và các sinh vật, trong đó có con người (phần B)
- Các sinh vật và Thiên Chúa(c. 11-30)
Ơn lương thực là điểm tới của công trình sáng tạo theo St 1, 29. Vì thế, Chúa không chỉ ban lương thực lúc khởi đầu, nhưng nuôi sống muôn loài mỗi ngày. Ngoài ra, Chúa không duy chỉ sự sống muôn loài bằng ơn huệ lương thực, nhưng còn bằng hơi thở của chính Người nữa. Thật vậy, động từ “tạo dựng” chỉ được sử dụng chỉ một lần, và đó là để diễn tả hành vi làm cho các sinh vật hiện hữu, nghĩa là hành vi ban hơi thở
Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này. (c. 30)
Thế mà không có gì mong manh như là hơi thở ; và mong manh chính là thân phận của sinh vật. Đó là cách thế các sinh vật sống trong trong hiện tại: mong manh, hoàn toàn phụ thuộc vào khoảng khắc, vào lương thực, và vào hơi thở.
Ngài ban xuống, chúng lượm về,
Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.
Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. (c. 28-29)
Trong thế giới sáng tạo, chỉ có sinh vật là hình ảnh của “Thiên Chúa sống động”. Nhưng làm sao giải thích được sự kiện cái gần với Thiên Chúa nhất trong sáng tạo lại là cái chóng qua nhất, mong manh nhất[2] ? Bởi vì cái mong manh diễn tả yếu tính của hiện tại, và chiều kích hiện tại nơi các sinh vật, nơi loài người chúng ta là hình ảnh diễn tả yếu tính thuần khiết của Thiên Chúa, bởi vì nơi Thiên Chúa, chỉ có hiện tại mà thôi. Nhưng chúng ta chỉ cảm nghiệm được hiện tại trong mức độ nó đang qua đi !
Vì vậy, sự sống mong manh và chóng qua của chúng ta lại gắn liền với chính thân phận hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng nên hình ảnh của Ngài như là một hiện tại mau qua, bởi vì hình ảnh của Thiên Chúa chỉ có thể tồn tại bằng cách đón nhận chính hiện hữu của mình từ Thiên Chúa. Sẽ chẳng có hình ảnh của Thiên Chúa, nếu hình ảnh đó đón nhận mình từ chính mình. Sống như là sự mau qua, chính là cách sống duy nhất có thể có của hình ảnh ; đó là sống bởi tình yêu Quan Phòng của Thiên Chúa. Không có tình yêu, sẽ không có hình ảnh của Thiên Chúa, hay không có hình ảnh của Thiên Chúa ở ngoài Thiên Chúa[3].
Tương quan giữa đặc tính mau qua và yếu tính của hình ảnh được diễn tả cách tuyệt vời trong sự kiện hơi thở, vốn là chính sự mau qua, cũng là cái thuộc về yếu tính của Thiên Chúa, bởi vì sự sống là hơi thở của Thiên Chúa : “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này”.
- Ơn huệ lương thực và ơn huệ Thánh Thể
“Sáng tạo” được biểu lộ qua sự kiện không ngừng có các sinh vật, sự sống có khả năng tự đổi mới. Động từ “sáng tạo”, trong bản dịch tiếng Việt : “được dựng nên” (c. 30), là hạn từ được dùng cho khả năng duy trì trên mặt đất sự mới mẻ của sự sống, duy trì những ngày luôn luôn mới, những sinh vật luôn luôn mới, nhưng giá phải trả là thế hệ cũ phải qua đi. Ăn để thở, thở để ăn. Đúng là lương thực và hơi thở, vừa là thực tại vừa là hình ảnh diễn tả sự sống, đến từ Thiên Chúa ; nhưng mọi sinh vật, trong đó có con người, đều phải chết (Hc 16, 30 và 17, 1). Vì vậy, chỉ có sáng tạo thực sự “mới”, mới có thể thoát khỏi sự lập đi lập lại chuỗi các sinh vật nối tiếp nhau.
Tv 104 mời gọi chúng ta nhận và cảm nếm tương quan mật thiết giữa các sinh vật (con người) và Thiên Chúa ngang qua ơn huệ lương thực ; và Đức Ki-tô hoàn tất tương quan mật thiết này, ngang qua mầu nhiệm Thánh Thể. Thực vậy, Thiên Chúa ban cho chúng ta Đức Ki-tô, là bánh hằng sống, là sinh khí hằng sống, để dẫn chúng ta đến sáng tạo mới và cảm nếm sáng tạo mới ngay hôm nay, bằng Lời và Mình Thánh của Ngài. Thánh Thể vừa làm rõ sự sống của chúng ta đến từ Thiên Chúa và vừa làm cho ơn huệ sự sống trở nên viên mãn ngay hôm nay.
Tương tự như Tv 139, 19-22, ước ao ca tụng và sống cho một mình Chúa, khởi đi từ kinh nghiệm được Chúa sáng tạo trong mỗi giây phút của hiện tại, làm cho tác giả Thánh Vịnh có thái độ triệt để với “Tội” (c. 35).
* * *
Sáng tạo mới được thực hiện nhờ, với và trong Đức Ki-tô: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” (Mc 14, 22)
- Bánh, biểu tượng của lương thực. Đức Giê-su cầm lấy và dâng lời chúc tụng, bởi vì lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban (St 1 và Tv 104 phù hợp với đức tin kinh nghiệm sống hằng ngày của chúng ta).
- Đức Giê-su bẻ ra trao cho các môn đệ: Người thực hiện hành vi ban lương thực của Đấng Tạo Dựng theo Tv 104, đó là ban lương thực.
- Và lương thực Người trao là chính Người: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”, vừa để diễn tả tình yêu đến cùng, bởi vì ơn lương thực hằng ngày đã diễn tả tình yêu Thiên Chúa, nhưng có thể nói, vẫn chưa đến cùng, hay đúng hơn, vẫn chưa đánh thức con tim chúng ta, chưa làm no thỏa con tim chúng ta; và vừa để trao ban cho chúng ta Bánh hằng sống, nghĩa là sự sống mạnh hơn sự chết của người. Sự chết và là cái chết, vừa là tất cả những gì gây ra bầu khí chết chóc: chia rẽ, hận thù, nghi nghờ, ghen tị, ham muốn, bạo lực, thú tính, loại trừ…
Và chính trong viễn tượng “sáng tạo thực sự mới” này mà chúng ta được mời gọi chia sẻ niềm hân hoan mà con người “chóng qua như cánh hoa ngoài đồng” cảm nghiệm được, trong và từ chính những giới hạn của mình :
Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi. (c. 33)
LNMT
———————————-
[1] Theo bản dịch của Liturgie des heurers, 1980.
[2] Đức Giêsu dùng hình ảnh con chim, bông huệ, sợi tóc,… để nói về sự hiện diện của Thiên Chúa.
[3] Đây là cách sống đời sống “nghèo khó” đích thật nhất.