SÁCH XUẤT HÀNH
(chương 25-34)
I. TỔNG QUÁT
25,1-40: Đóng góp để dựng nơi thánh. Nhà Tạm và Hòm Bia. Bàn và trụ đèn
26,1-37: Những chỉ dẫn về việc làm nơi thánh trong sa mạc (Nhà Tạm, khung lều, bức trướng)
27,1-21: Bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, khuôn viên nơi thánh, dầu thắp đèn.
28,1-43: Phần phục tư tế (Túi đeo, áo khoác, dầu thánh hiến)
29,1-46: Nghi thức thánh hiến (thanh tẩy, mặc phẩm phục, xức dầu) – Các lễ vật trong việc thánh hiến tư tế – Lễ toàn thiêu thường nhật
30,1-38: Những chỉ thị khác (hương án, thuế thân, vạc đồng, dầu tấn phong)
31,1-38: Tuyển chọn các nghệ nhân – Ý nghĩa ngày sabát
32,1 – 34,35: Tội lỗi của Israel và tái lập giao ước (Sự kiện con bê bằng vàng – Đức Chúa nổi giận – Môsê chuyển cầu – Tái lập giao ước)
II. NHÀ TẠM VÀ HÒM BIA GIAO ƯỚC
1. Ý nghĩa
Trong trình thuật về cuộc Thần hiện (24, 15b-18), tác giả nối kết cuộc thần hiện trên núi Sinai với việc xây cất thánh điện (40,17,33b). Cũng như mây bao phủ núi Sinai và vinh quang Đức Chúa ngự trị ở đó (24,15-16) thì mây cũng bao phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Đức Chúa tràn ngập thánh điện (40,34). Như thế, việc thờ phượng trên núi Sinai là mẫu mực cho việc thờ phượng của dân.
Đồng thời Đức Chúa truyền lệnh cho Môsê làm một nơi thánh để Chúa ngự giữa dân. Nơi này được gọi bằng hai từ là Lều Hội Ngộ (40,34) và Nhà Tạm (25,9). Thiên Chúa là Đấng siêu việt nhưng Nhà Tạm sẽ là nơi Ngài gặp gỡ con cái Israel (29,42-43). Hòm Bia là hòm làm bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi; trong hòm đặt bia đá mà Đức Chúa đã ban cho Môsê (câu 16,21 // 31, 18).
2. Cho đời sống Kitô hữu
Trong các nhà thờ Công giáo, Nhà Tạm là nơi thánh, nơi Chúa ngự giữa dân Ngài, nơi dân được gặp Chúa. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã đích thân đến ở giữa loài người (Ga 1,14), và Ngài còn ở lại với chúng ta cho đến tận thế (Mt 28,20) trong bí tích Thánh Thể. Nhà Tạm là nơi cất giữ Thánh Thể. Vậy tôi có thực sự coi đó là nơi thánh, nơi Chúa ở giữa cộng đoàn, nơi tôi gặp gỡ Chúa không? Mỗi khi ta rước lễ, chính lòng ta trở thành “nhà tạm” của Chúa. Liệu chúng ta có ý thức về điều đó không, hay thói quen đã làm phai nhạt ý thức về sự thánh thiện đó? Và liệu người ta có thể thấy nơi chúng ta sự thánh thiện và tình thương của Chúa không?
Ở đây cũng là dịp cho ta chiêm ngắm Mẹ Maria. Truyền thống Công giáo gọi Đức Mẹ là Hòm Bia Thiên Chúa vì Mẹ mang trong lòng dạ Mẹ chính Thiên Chúa làm người. Đây cũng là nền tảng để các thánh suy niệm về mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chính vì Mẹ là Hòm bia Thiên Chúa nên Mẹ được giữ gìn khỏi tội Tổ tông truyền, và Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Đức Mẹ thực sự là dấu chỉ hi vọng và là mẫu gương tuyệt vời cho Dân Chúa trong hành trình về quê trời vĩnh cửu.
III. CON BÊ BẰNG VÀNG
Trình thuật về việc dân Isarel thờ lạy bò vàng (32,1-6) làm nổi bật ý nghĩa này: Con người tự làm ra thần thánh theo ý muốn của mình chứ không nhìn nhận Đấng Thiên Chúa đã làm nên họ và cứu sống họ (32,1). Ông Aaron đã nhượng bộ theo yêu cầu của dân quá dễ dàng.
Sách Xuất Hành cũng kể rằng Dân Israel muốn ruồng bỏ Môsê để có một vị lãnh đạo mới, và như thế họ ruồng bỏ chính Thiên Chúa (32,2-4). Sách Dân Số 12,1-8 còn ghi nhận Aaron đã chống lại Môsê khiến Đức Chúa nổi giận.
Trình thuật này là bài học quý giá cho người Kitô hữu. Chỉ trong Chúa Giêsu, ta mới biết Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Chỉ một mình Chúa Giêsu là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Vì thế, chỉ nơi Chúa Giêsu, chúng ta mới nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa đích thực, chứ không phải những thần thánh con người tự tạo ra theo sở thích và ý muốn của mình.
Thánh Phêrô và những đấng kế vị ngài là những người Chúa chọn để lãnh đạo Dân Chúa như Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Sức mạnh chống lại quyền lực tử thần không phải là sức mạnh của cá nhân Phêrô nhưng là quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong con người Phêrô cũng như trong các vị kế vị Thánh Phêrô và các tông đồ. Chính tầm nhìn đức tin này dẫn ta đến thái độ vâng phục đối với Đức Giáo hoàng là “nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu” (Hiến chế Giáo Hội, số 23).
nguồn: https://www.giaophanbaria.org