PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH LỊCH SỬ
Mối tương quan giữa cách tiếp cận văn chương hiện đại đối với Kinh thánh và phương pháp luận phê bình-lịch sử truyền thống hơi mơ hồ. Mặt khác, các phương pháp tiếp cận văn chương có thể được xem như những phát triển mang tính hợp lý bên trong và sự mở rộng của phương pháp phê bình hình thức và phê bình giai đoạn biên soạn. Thêm nữa, các phương pháp tiếp cận văn chương đầy mới mẻ này kết hợp các khái niệm được bắt nguồn từ những phong trào phê bình văn chương mang tính thế tục, điều mà phủ nhận ý nghĩa của việc khảo sát lịch sử đối với việc giải thích các bản văn.
Ở đây, chúng ta cần lưu ý đến những khác biệt nền tảng giữa ngành phê bình văn chương và phê bình lịch sử.
1. Phê bình văn chương tập trung vào hình thức hoàn chỉnh của bản văn. Mục tiêu của những phân tích phê bình văn chương không phải là khám phá quá trình văn bản ra đời mà là nghiên cứu bản văn hiện đang tồn tại. Đối với các nghiên cứu mang tính phê bình lịch sử, bối cảnh lịch sử sáng tác của bản văn thường rất quan trọng. Theo định nghĩa, Phương pháp Phê bình nguồn được dành để xác định và đánh giá các tài liệu có trước các sách Tin Mừng hiện tại của chúng ta cũng như những tài liệu dùng làm nguồn cho các Tin Mừng này. Phương pháp Phê bình hình thức quan tâm đến hình thức truyền thống mà một pericope (một đoạn trích từ một văn bản, đặc biệt là một đoạn trong Kinh thánh) đã giả định trước khi được đưa vào khuôn khổ của một Tin Mừng cụ thể. Phương pháp phê bình giai đoạn biên soạn duy trì cả hai mối quan tâm này nhằm đánh giá rõ hơn vai trò của các thánh sử trong giai đoạn sáng tác cuối cùng của văn bản. Phương pháp phê bình văn chương mặc dù không phủ nhận những quan sát này liên quan đến sự phát triển của bản văn, thế nhưng, nó lại bỏ qua chúng. Cuối cùng, phương pháp phê bình văn chương không có gì khác biệt với cách giải thích mang tính văn chương cho dù một số phần nhất định của bản văn đã từng tồn tại ở một nơi nào đó trong một số hình thức khác. Mục tiêu của phương pháp phê bình văn chương là giải thích bản văn hiện tại, ở hình thức hoàn chỉnh của nó. ”
2. Phê bình văn chương nhấn mạnh tính thống nhất của toàn bộ văn bản. Các Phân tích văn chương không mổ xẻ văn bản mà phân tích các sợi dây kết nối, liên kết nó lại với nhau. Các sách Tin Mừng được xem như là những câu chuyện mạch lạc và các đoạn văn riêng lẻ được giải thích trong sự đóng góp của chúng cho toàn bộ câu chuyện nhìn một cách tổng thể. Trong phương pháp phê bình lịch sử, các sách Tin Mừng được xem như là sự tổng hợp của các bộ phận có mối liên hệ lỏng lẻo với nhau, và những đơn vị truyền thống riêng lẻ này thường là chủ đề dùng để phân tích. Trong phương pháp phê bình nguồn và phê bình hình thức, một nỗ lực được thực hiện để giải thích những câu nói hoặc câu chuyện khác biệt so với bối cảnh của chúng trong Tin Mừng được cọi như một tổng thể. Ngay cả trong phương pháp phê bình giai đoạn biên soạn, đôi khi người ta chú ý nhiều hơn đến sự so sánh giữa một đoạn văn và đoạn song song, đoạn tương đồng của nó trong các sách Tin Mừng khác hơn là chú ý đến các mối liên hệ nội tại mà nó có thể có với các đoạn văn khác trong cùng một cuốn sách.29
3. Phê bình văn chương xem văn bản tự nó như một cứu cánh. Mục tiêu trước mắt của một nghiên cứu văn chương là hiểu tường thuật. Câu chuyện được kể và cách thức kể lại câu chuyện đó đáng được các học giả chú ý. Phương pháp Phê bình lịch sử chắc chắn coi văn bản như là một phương tiện để kết thúc hơn là tự nó kết thúc cho chính nó. “Kết thúc hay cứu cánh” đối với phương pháp phê bình lịch sử là việc tái tạo một cái gì đó mà bản văn chứng thực, chẳng hạn như cuộc đời và giáo huấn của Đức Giê-su, điều lưu tâm của những Ki-tô hữu sơ khai, những người gìn giữ truyền thống liên quan đến Đức Giê-su hoặc mối quan tâm của các thánh sử cũng như của các cộng đoàn của họ.
Sự khác biệt giữa các cách tiếp cận này đã được mô tả một cách khéo léo thông qua các phép ẩn dụ về một chiếc cửa sổ và một tấm gương. Phương pháp phê bình lịch sử liên hệ đến bản văn tựa như một chiếc cửa sổ mà qua đó các nhà phê bình hy vọng rằng có thể học biết được điều gì về một khoảng thời gian và một không gian khác. Khi đó, văn bản đứng giữa người đọc và thông tin chi tiết được tìm kiếm và có thể cung cấp các phương tiện mà thông qua đó, thông tin chi tiết đó có thể đạt được. Ngược lại, phương pháp phê bình văn chương coi bản văn như một tấm gương; nhà phê bình quyết định nhìn vào bản văn chứ không phải nhìn vào điều gì khác thông qua nó và bất kỳ cái nhìn sâu sắc nào thu được sẽ được tìm thấy trong cuộc gặp gỡ của người đọc với chính bản văn.
Đôi khi, phương pháp phê bình văn chương đề cập đến chức năng thi ca của một văn bản, trong khi phương pháp phê bình lịch sử lại đề cập đến chức năng quy chiếu của nó. Điều này có nghĩa là các nhà phê bình văn chương có thể đánh giá cao câu chuyện tự sự bên ngoài việc xem xét mức độ nó phản ánh hiện thực. Thế giới câu chuyện của trình thuật tự sự phải được thâm nhập và trải nghiệm chứ không phải được đánh giá dưới góc độ lịch sử. Trong các sách Tin Mừng Tân Uớc, người ta có thể nghe thấy tiêng của Thiên Chúa từ trời, những phép lạ kỳ diệu là điều thường thấy, và con người tương tác một cách tự do với các thụ tạo thần thiêng như thiên thần và ma quỷ. Những đặc điểm như vậy đôi khi gây trở ngại cho các nhà phê bình lịch sử, những người đánh giá các trình thuật Tin Mừng theo chức năng quy chiếu của chúng, tức là khả năng quy chiếu đến thế giới hiện thực của chúng. Tuy nhiên, nhà phê bình văn chương thì quan tâm đến sự đóng góp của những yếu tố này đối với câu chuyện và nhận biết tác động của một câu chuyện như vậy đối với độc giả của nó.
Điều này không có nghĩa là các nhà phê bình văn chương đặt câu hỏi, nghi ngờ hay phá đổ tính hợp lý của việc tìm hiểu lịch sử. Không nên cho rằng họ chấp nhận một cách ngây thơ bất cứ điều gì họ đọc đều hoàn toàn mang tính lịch sử hoặc họ xem Kinh thánh như là một bộ sưu tập những câu chuyện có rất ít cơ sở trong thực tế. Thay vào đó, những nhà phê bình văn chương vẫn đặt ra những câu hỏi về tính lịch sử để tập trung vào bản chất của bản văn là tính văn chương. Những nhà phê bình văn chương không phủ nhận rằng các tường thuật trong Kinh thánh cũng có thể phục vụ một chức năng mang tính tham chiếu hoặc cũng có thể trở nên hữu ích khi nghiên cứu bản văn trong khía cạnh đó.
4. Phê bình văn chương dựa trên các mô hình giao tiếp của lý thuyết diễn thuyết.Các cơ sở triết học cho phương pháp phê bình văn chương được bắt nguồn từ các lý thuyết về giao tiếp. Một trong những lý thuyết đơn giản nhưng sâu sắc nhất trong số những lý thuyết này là mô hình hành động lời nói do Roman Jakobson đề xuất. Theo học giả này, mọi hành động giao tiếp đều liên quan đến người gửi, thông điệp và người nhận.Trong văn chương, người gửi có thể được xác định là tác giả, thông điệp là văn bản và người nhận là độc giả.
Right Arrow: TÁC GIẢ BẢN VĂN ĐỘC GIẢ
Cách thức chính xác mà các thành phần này tương tác với nhau được các trường phái phê bình văn chương khác nhau hiểu theo những cách khác nhau (xin xem chương 2). Tuy nhiên, tất cả các lý thuyết văn chương đều hiểu văn bản như là một hình thức giao tiếp mà một thông điệp được truyền từ tác giả đến độc giả.
Mặt khác, phương pháp phê bình lịch sử đã tiếp cận các bản văn trên cơ sở một mô hình tiến hóa.32 Bản văn được xem như là hình thức cuối cùng của một điều gì đó đã phát triển qua các giai đoạn tuần tự. Do đó, nhiệm vụ diễn giải bao gồm một quá trình phân tích nhằm xác định các giai đoạn này và làm việc lùi lại qua chúng trong việc tái tạo lại một mô hình giả định về nguồn gốc của bản văn. Trong trường hợp của các sách Tin Mừng, các học giả Tân Ước thường công nhận một quá trình phát triển tiến hóa tương tự như sau:
SỰ KIỆN LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG TRUYỀN KHẨU CÁC NGUỒN VIẾT SƠ KHỞI BẢN VĂN
Trong mô hình này cũng như trong mô hình giao tiếp được biểu thị ở trên, bản văn có thể được xác định là bất kỳ một trong các Tin Mừng Tân Ước của chúng ta. Tuy nhiên, trong phương pháp phê bình văn chương, bản văn này được coi là thành phần trung gian của một hành động giao tiếp, trong khi trong phương pháp phê bình lịch sử, bản văn được coi là sản phẩm cuối cùng của một quá trình phát triển. Ngoài mối quan tâm chung của những phương pháp tiếp cận này đối với văn bản, hai cách tiếp cận trên không hề trùng lặp với nhau thế nhưng được ví như một thanh ngang và một thanh dọc giao nhau nơi chính bản văn.
Có khả năng là hai cách tiếp cận này khác nhau vì chúng được đặt nền trên các mô hình triết học khác nhau nên sẽ tạo ra các kiểu hiểu biết khác nhau. Phương pháp Phê bình văn chương có nhiều khả năng mô tả ý nghĩa của một bản văn về những gì mà nó giao tiếp giữa tác giả và độc giả và phương pháp phê bình lịch sử có nhiều khả năng mô tả ý nghĩa của bản văn liên quan đến nguồn gốc cũng như quá trình phát triển của nó. Tuy nhiên, những hiểu biết, những cách tiếp cận này không nhất thiết phải mâu thuẫn với nhau và vì vậy, hai mô hình này có tiềm năng được sử dụng theo những cách khác biệt và bổ sung cho nhau. “
Trích từ “Phương pháp Phê bình thuật chuyện là gì?” tác giả: Mark Allan Powell – Chuyển ngữ: Lê Tùy Đức Anh, SSP