NHỮNG CHỦ ĐỀ CHÍNH TRONG SÁCH THÁNH VỊNH

  1. THIÊN CHÚA

Rõ ràng Thiên Chúa là chủ đề lớn nhất của các Thánh vịnh đến nỗi có thể nói rằng các Thánh vịnh chỉ nói với Chúa và về Chúa. Mọi chủ đề khác cuối cùng cũng hướng về Chúa: thế giới này hiện hữu là do Ngài và phải tôn vinh chúc tụng Ngài; dân Israel là dân được Chúa tuyển chọn, dẫn đưa, yêu thương và trừng phạt trong suốt dòng lịch sử; mỗi tín hữu được Ngài dẫn từng bước đi. Quả thật, Thiên Chúa hiện diện trong từng lời, từng chữ của các Thánh vịnh.

Khi nói về Chúa, các Thánh vịnh có thể sử dụng ngôn ngữ như nhân, diễn tả Thiên Chúa bằng những kinh nghiệm và tình cảm của con người. Tuy nhiên đây chỉ là hình ảnh, còn tự thâm sâu, tác giả Thánh vịnh ý thức rõ ràng Thiên Chúa siêu việt trên mọi thụ tạo của Ngài. Tính siêu việt này gắn với tính độc nhất, nghĩa là chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa. Hẳn nhiên có những cách diễn tả như Thiên Chúa siêu việt trên các thần (Tv 136,2-3; 97,7-9), hoặc nói đến những hữu thể thiêng liêng, có khi nói đến những hữu thể thần linh (Tv 8,6), nhưng toàn bộ sách Thánh vịnh cho thấy khẳng định độc thần giáo rất rõ ràng. Còn về ma quỷ, trong văn bản Hip-ri, ma quỷ không bao giờ được gọi tên rõ ràng nhưng chỉ được diễn tả là thù địch của Chúa, là những quyền lực xấu xa đe doạ và bách hại các tín hữu.

Một đàng, Thiên Chúa siêu việt trên các loài thụ tạo; đàng khác, Ngài lại liên hệ gần gũi với thụ tạo của Ngài. Ngài quan phòng lo liệu không những cho thế giới vật chất này có trật tự, mà còn để bảo vệ sự công bằng trên trái đất. Với người công chính, Ngài là Đấng bảo vệ và trả thù thay cho họ; với người tội lỗi có lòng hối cải ăn năn, Ngài là chốn nương thân; với kẻ nghèo hèn khiêm tốn, Ngài là lòng thương xót, từ tâm và nhân hậu.

  1. ƠN CỨU ĐỘ

Thiên Chúa hứa ban Ơn Cứu độ cho con người, nghĩa là một ngày nào đó Ngài sẽ can thiệp để bảo đảm sự chiến thắng của người công chính trên kẻ bất lương, và khai mạc triều đại của Ngài trong một thế giới mới. Lời hứa này chưa rõ nét trong những bản văn xa xưa, nhưng ngày càng rõ ràng hơn. Ơn Cứu độ sẽ đến tại Sion, núi thánh của Chúa. Ơn Cứu độ sẽ đến từ dòng dõi Đavít. Rõ hơn nữa, ngày nào đó, một người thuộc dòng dõi Đavít sẽ là Đấng Mêsia, vừa là Vua vừa là Tư tế, và sẽ thực hiện nơi chính bản thân mình tất cả mọi lời tiên tri. Đấng Mêsia đó sẽ bị bách hại nhưng Người sẽ chiến thắng. Người sẽ là vị vua hoà bình, mang nơi mình mọi nhân đức của vị vua lý tưởng, với trách nhiệm chăn dắt và xét xử toàn thế giới. Những mô tả về thời đại Đấng Mêsia cho ta thoáng thấy một triều đại mới, khi các dân tộc tuôn đổ về Sion và phủ phục trước Thiên Chúa của Israel.

III. CON NGƯỜI

Trước nhan Thiên Chúa, con người thật nghèo nàn và đáng thương. Trong rất nhiều Thánh vịnh, con người cất tiếng than van về nỗi khốn cùng của mình. Nhưng con người không bị bỏ rơi trong tuyệt vọng. Nhờ cầu nguyện, họ đón nhận phúc lành và sự đỡ nâng của Đấng Tạo hoá. Thiên Chúa giải thoát họ và họ dâng lời chúc tụng tạ ơn Ngài.

Đời sống luân lý hệ tại việc thực thi công chính, tuân giữ Lề luật, và tham dự việc thờ phượng. Những việc này không đối kháng nhau; đúng hơn đó là những mặt khác nhau của cùng một lý tưởng. Đền thờ được nhắc đến trong những Thánh vịnh cổ xưa cũng như những Thánh vịnh sau này. Vào thời sau này của Do thái giáo, việc nghiên cứu và suy niệm lề luật chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người công chính, nhưng đây cũng không phải là điều gì hoàn toàn mới mẻ; đúng hơn, chỉ là nhấn mạnh một khía cạnh trong tôn giáo của các tổ phụ.

  1. THƯỞNG PHẠT

Vấn đề thưởng phạt là chủ đề rất quan trọng trong toàn bộ lịch sử tôn giáo của Israel, do đó không nên ngạc nhiên khi thấy chủ đề này có mặt trong hầu hết các Thánh vịnh. Phần lớn các Thánh vịnh phản ánh quan niệm truyền thống của dân Israel, cho rằng lòng đạo và hạnh phúc đi đôi với nhau, còn đau khổ dứt khoát là hình phạt cho sự ác. Thế nhưng kinh nghiệm thực tế xem ra lại không như thế, và tác giả Thánh vịnh có thể có nhiều thái độ khác nhau: có khi tác giả khẳng định rằng sự thất bại của người công chính chỉ là thất bại bên ngoài thôi, ngược lại thành công của kẻ tội lỗi chỉ là thành công thoáng qua; có khi chứng kiến sự bất công thì tác giả cảm thấy bất nhẫn và than thở với Chúa, xin Ngài can thiệp; có khi tác giả nói đến sự thưởng phạt của Chúa trong tương lai xa.

Tuy nhiên ta nên cẩn trọng khi nói đến niềm tin vào đời sống tương lai được diễn tả trong các Thánh vịnh. Thật vậy, tác giả Thánh vịnh vẫn giữ những ý tưởng truyền thống về chủ đề này, nghĩa là nói đến sheol như nơi chốn bị lãng quên, xa cách thánh nhan Chúa, chứ không phải là sự phục sinh như ta hiểu ngày nay.

Trên đây là một vài chủ đề lớn trong sách Thánh vịnh, cũng là những mối quan tâm lớn trong đời sống Kitô hữu. Chính vì thế, Thánh vịnh luôn có mặt trong kinh nguyện của Hội Thánh, đồng thời thích hợp cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời.