MẦU NHIỆM VƯỢT QUA CỦA ĐỨC KI-TÔ DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA THÁNH VỊNH 22

Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô dưới ánh sáng của Tv 22

  1. Đức Ki-tô và Thánh Vịnh
  2. Thánh Vịnh 22 là lời nguyện của Đức Ki-tô

Lời nguyện Thánh Vịnh 22 được dệt nên bởi hai phần rất tương phản nhau : phần kêu cầu (c. 2-22) và phần ca tụng (c. 23-32). Phần kêu cầu giúp chúng ta chiêm ngắm cuộc Thương Khó, phần ca tụng giúp chúng ta thông phần vào niềm vui Phục Sinh. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận ra rằng ngay trên đồi Sọ, sự sống mới đã phát sinh rồi, khi Đức Ki-tô chịu đóng đinh ban “lời sự sống” làm khai sinh nhân loại mới (x. Ga 19, 25-27).

Tuy nhiên, theo lời kể của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu và Tin Mừng theo thánh Mác-cô, điều làm cho Tv 22 có một vị trí đặc biệt, đó là Trên Thập Giá, Đức Kitô đã đọc Tv 22. Các Tin Mừng chỉ đặt vào miệng Đức Giê-su câu đầu tiên: “Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?” (Mt 27, 46; Mc 15, 34), nhưng chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, Người đã nhận trọn vẹn lời nguyện Thánh Vịnh làm của mình, và Người không chỉ nhận làm của mình, nhưng còn sống và làm cho hoàn tất nơi hành trình Vượt Qua của mình.

Thực vậy, điều làm cho Tv 22 trở nên Thánh Vịnh của Đức Ki-tô, đó là Thiên Chúa đã để cho các sự việc đi rất xa, đến tận thời điểm mà bóng tối và ánh sáng phải tách rời nhau: “Chốn tử vong Chúa đặt vào” (c. 16), lưỡi kiếm, chó rừng, sư tử, trâu điên (c. 21-22); ở đây Chúng ta cần lưu ý đến các loài thú được Tv 22 nói tới : đàn bó, thú Basan, sư tử, chó rừng, trâu điên; đó là những con người, nhưng đã để thú tính làm chủ. Những lời này muốn nói rằng, cái chết là không thể tránh khỏi. Và sau cái chết, ánh sáng là ánh sáng, bóng tối là bóng tối, không còn lẫn lộn như ở bên này cái chết nữa.

Ở giữa lòng sự chết, người kêu cầu chẳng còn gì để nói nữa, bởi vì mình đã qua đi rồi, và đó là lúc công trình của Thiên Chúa được thực hiện một cách đúng nghĩa nhất và viên mãn nhất. Chỉ khi được giải thoát khỏi sự chết, người kêu cầu mới cất tiếng trở lại, và lời đầu tiên, đó là lời ca tụng. Đó chính là khoảng trống giữa câu 21-22 và câu 23. Đó là khoảng trống của sự chết, nhưng cũng là khoảng trống dành cho công trình kì diệu của Thiên Chúa. Bước vượt qua từ nước mắt sang niềm vui thật đột ngột và không có nguyên nhân hữu hình nào. Tương tự như khi chúng ta ngủ, trong giấc ngủ, chúng ta chẳng biết gì, nhưng Chúa vẫn làm việc, để chúng ta có thể trỗi dậy: “Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ. Rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi” (Tv 3, 6). Chính vì thế mà bắt đầu giờ kinh sáng chúng ta ngỏ lời nguyện xin :

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

  1. Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con…”

Khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô, chúng ta đã nghe được những lời nói gây kinh ngạc, thán phục và đầy quyền năng của Ngài. Nhưng trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, Ngài hầu như chẳng nói gì cả, Ngài im lặng. Nhưng chính lúc Ngài im lặng, im lặng ngay ở giữa cơn lốc tố cáo, phản bội, lên án, thóa mạ, sỉ nhục, la ó đòi mạng, Ngài lại nói cho chúng ta nhiều nhất. Vậy, khi chiêm ngắm Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, xin cho đôi mắt của chúng ta biết lắng nghe, lắng nghe “Lời Nói của Thập Giá”, đầy sức mạnh và khôn ngoan, như thánh Phao-lô nói (1Cr 1, 18).

Tuy vậy, trong cuộc Thương Khó, Ngài cũng nói, nhưng rất ít và rất ngắn. Và chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nói cuối cùng của Ngài, bởi lẽ lời cuối của Ngài, như lời cuối của bao người, là lời tha thiết nhất. Lời cuối tha thiết của Đức Ki-tô chịu đóng đinh:

– không phải là một lời nói chưa từng ai nói;

– cũng không là một lời nói quyền năng “biến đá thành bánh”, tự làm cho mình thoát khỏi sự bách hại, đau đớn và cái chết nhục nhằn của Thập Giá,

– và cũng chẳng phải là một lời nói khôn ngoan, mặc khải ý nghĩa tận cùng thân phận con người, của khổ đau và của sự chết.

Lời cuối tha thiết của Đức Ki-tô chịu đóng đinh là một lời nguyện Thánh Vịnh:

Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con? 
(Tv 22, 2)

Đó là một lời nguyện, đã từng được thốt lên bởi biết bao nhiêu người đau khổ có trước Đức Giê-su, bởi biết bao nhiêu người đau khổ có sau Đức Giê-su, trong đó có những người thân yêu của chúng ta, đã bước qua sự chết; và chắc chắn, cũng sẽ là của mỗi chúng ta, vào giờ phút thử thách tận cùng nhất, tận căn nhất của một đời người.

– Đó là một lời nguyện, không phải nói về vinh quang, nhưng là một lời nguyện bày tỏ tình cảnh bị bỏ rơi của mình; không phải chỉ bởi kẻ thù, cũng không phải chỉ bởi những người thân hay bạn bè, nhưng là bởi chính “Thiên Chúa của con”, Thiên Chúa mà con yêu mến, Thiên Chúa mà con thuộc về từ thủa sơ sinh: “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22, 10-11), Thiên Chúa mà con đã dâng hiến trọn cả cuộc đời để ca tụng và phục vụ.

– Đó là lời nguyện, không phải mặc khải cho loài người chúng ta lí lẽ tận cùng của thân phận con người, của khổ đau, của sự chết và của sự dữ, nhưng là lời nguyện chất vấn chính Thiên Chúa Tạo Thành: “Tại sao”?

Vậy thì con gì nữa, thuộc thân phận con người, thuộc đời người, thuộc số phận của chúng ta, và ngay cả tâm tình bị bỏ rơi bởi Thiên Chúa của mình, mà Đức Ki-tô đã không mang lấy?

Như thế, Thiên Chúa đã nhận lời nguyện tận căn của loài người, của từng người chúng ta làm của mình, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để ôm ấp, để chia sẻ, để an ủi, để thương cảm, để bao dung, trước khi dẫn đưa tất cả vào cung lòng Tình Yêu và Sự Sống vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta được mời gọi nhận lời kêu cầu của sách Thánh Vịnh, nhất là lời kêu cầu của Tv 22 làm của mình, vì đó là lời kều cầu của Đức Ki-tô, là lời kều cầu đã được Thiên Chúa nhậm lời nơi Đức Ki-tô phục sinh.

  1. Lời Kêu cầu (c. 2-22)

Trong cuộc Thương Khó, ngang qua lời nguyện của Tv 22, Đức Giêsu mang lấy mọi nỗi khốn khó của con người, mọi lời kêu cầu của loài người trong lịch sử. Tuy nhiên, ngay trong lòng lời kêu cầu của Thánh Vịnh, người đau khổ nhớ lại ơn huệ.

Thiên Chúa của con, con kêu suốt ngày,
và Ngài không đáp lại ;
ngay cả ban đêm,
con cũng không ngơi nghỉ.
Thế nhưng, Ngài là Đấng Thánh,
Ngài cư ngụ trong các bài ca tán tụng của Israel.
Chính ở nơi Ngài mà cha ông của chúng con đã hy vọng,
họ hy vọng, và Ngài đã giải thoát họ,
Khi họ kêu lên Ngài, họ đã thoát khỏi ;
nơi Ngài họ hy vọng và họ đã không thất vọng.

Những câu này của Tv 22 mang một đặc điểm rất lạ lùng: tình cảnh bị bỏ rơi của người kêu cầu không chỉ cắt đứt những ân huệ mà người này là người thụ hưởng với tư cách cá nhân, nhưng dường như còn cắt đứt chuỗi các ân huệ mà lịch sử Israel kể lại, chuỗi ơn huệ này dài hơn và phong phú hơn cuộc đời của người kêu cầu. Vì thế, chỉ có một mình Đức Ki-tô mới có thể mang lấy và hoàn tất được.

Nói về những ân huệ của quá khứ, chính là xướng lên bài ca tán tụng, và qua đó đi vào sự liên kết kín ẩn giữa lời tán tụng và lời kêu cầu. Đó là nói với Thiên Chúa : con biết ơn và chính lòng biết ơn của con kêu cầu Chúa, cũng như lòng tin tưởng của con ca tụng Chúa. Khi gọi Thiên Chúa là “Đấng Thánh” và nhắc lại các bài ca tán tụng của mình, đó chính là ca tụng Ngài, nhưng đó cũng là kêu cầu Ngài. Như thế, lời kêu cầu của Tv 22 nại đến những lời ca tán tụng với nội dung là Thiên Chúa đã nghe những người kêu xin. Bài tán tụng ca mừng lịch sử Israel như là lịch sử của những lời kêu cầu được nhậm lời và lời kêu cầu dùng lại lời của bài tán tụng. Mọi chuyển động đều xuất phát từ một trung tâm bất di bất dịch, đó là sự sống, và sự sống chỉ đến từ chính Thiên Chúa.

Và con, con là sâu bọ chứ đâu phải người,
bị người ta chế nhạo, bị dân con ruồng bỏ.

Ngài là Thiên Chúa, còn con không phải là người. Ngài là Đấng Thánh, còn con là sâu bọ. Ngài được ngợi khen trong các bài ca tán tụng, còn con bị chế nhạo. Israel và người kêu cầu có cùng cha ông, bởi vì người kêu cầu gọi : “cha ông của chúng con”, chứ không phải là “cha ông của con” hay “cha ông của các người”. Tuy nhiên, người kêu cầu lại bị dân của mình ruồng bỏ ; Israel không nhận ra mình nơi người kêu cầu.

Mọi người nhìn thấy con đều nhạo báng,
họ cười khẩy và lắc đầu:

“Nó đã cậy nơi Chúa, thì Người hãy giải thoát nó!
Người hãy cứu nó, vì Người là bạn của nó!”

Người kêu cầu trở nên điều trái ngược của các bài ca Israel. Nhưng phải nói lên điều trái ngược này như thế nào, nếu không phải là vẫn với những lời của các bài ca, nhưng hiểu ngược lại để trở thành những lời chế nhạo? “Cha ông của chúng con đã hy vọng và Ngài đã giải thoát họ”, các bài ca nói như thế. Còn sự nhạo báng hôm nay nói: “Nó đã cậy nơi Chúa, Người hãy giải thoát nó!” Tác giả Tv 18 sung sướng nói: “Ngài đã giải thoát tôi, vì Người yêu thương tôi” (c. 20). Sự nhạo báng của Tv 22, 9 gần như là một câu trích của lời tạ ơn này! Như thế, những lời nói ngỏ với Thiên Chúa dần trở thành trống rỗng, trơ ì. Cái chết của lời nói loan báo cái chết của con người.

Những lời nhạo báng mà chúng ta vừa giải thích chất đầy những hiểm họa. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết. Một khi môi miệng tuyên bố: ơn huệ này làm sao mà kiểm chứng được, thì con tim đã tìm cách hủy diệt nó rồi.

Chính Chúa đã kéo con ra khỏi cung lòng mẹ con,
đã đặt con an toàn vào vòng tay mẹ.

Con đã được trao cho Chúa ngay lúc mới sinh;
ngay từ lòng mẹ, Ngài là Thiên Chúa của con.

Một đặc điểm đáng ngạc nhiên khác của Tv 22: người kêu cầu, vốn tháp mình rất tự phát vào toàn thể Israel, đã không xóa đi tí nào dấu ấn sự sống của riêng mình. Người này nói lên “cha ông của chúng con” cùng với những bản văn lớn của Kinh Thánh, nhưng cũng nói “mẹ của con”, là điều hoàn toàn thiết thân, là của riêng mình.

Cái chết của người kêu cầu đang cận kề; thế nhưng, người này lại nói về thời điểm mình sinh ra, như thể muốn sống lại ân huệ này! Thật vậy, nếu Thiên Chúa đã “giải thoát” con người khỏi hư vô, thì con người có quyền hi vọng, Ngài sẽ giải thoát con người một lần nữa, khi con người phải trở lại với hư vô ngang qua cái chết. Và người kêu cầu thực sự có thể sống lại biến cố sinh ra của mình, bởi vì trọn vẹn hữu thể của người này đã hiện diện nơi thời điểm đầu tiên như là đang hiện diện ở thời điểm sau cùng. Nếu mọi lời kêu cầu đều gợi nhớ một ân huệ, thì tiếng kêu thốt lên trước cái chết sẽ đi ngược lên tới tận thời điểm sinh ra như là ơn giải thoát, ở thời điểm này người kêu cầu “đã được kéo ra khỏi cung lòng mẹ”, “được đặt an toàn vào vòng tay mẹ”. Ơn đầu tiên của tất cả các ơn giải thoát, chính là ơn được sinh ra, và ơn này do chính Thiên Chúa khởi xướng. Vì được sinh ra luôn có trước lời nguyện của con người, nên con người đã không thể đón nhận ơn huệ này cách nào khác hơn là bởi ân sủng hoàn toàn nhưng không, vì Thiên Chúa là nhưng không. Chính trong đặc tính có trước triệt để này của ơn huệ mà con người nhìn nhận Thiên Chúa như là Thiên Chúa: “Ngài là Thiên Chúa của con”. Cùng một cách gọi Thiên Chúa: “Thiên Chúa của con” (c. 2) vốn đã khởi đầu như là lời than vãn, giờ đây kết thúc như là lời ca tụng.

Vô số loài ác thú đang lượn quanh con,
cả đàn bò mộng Basan vây hãm con.
Những con sư tử sẵn sàng cắn xé gầm thét,
há to mồm chực tấn công con.
Con như vũng nước bị vương vãi,
tất cả chi thể của con rã rời,
tim con trở nên giống như sáp,
nó đang tan chảy ngay trong ruột gan con.
Sức lực con khô cạn như đất sét,
lưỡi con dính chặt vào vòm miệng,

Chúa dẫn con đến tro bụi của sự chết;

Bầy chó đang vây quanh con,
cả một lũ vô lại xiết chặt vòng vây.
Chúng đâm con thủng cả tay và chân,
Con có thể đếm được tất cả xương cốt của con.
Những người này thấy con và chăm chú nhìn con.
Chúng chia nhau áo ngoài của con,
và bắt thăm xem ai lấy được áo trong.

Sự xuất hiện của loài thú có nghĩa là giờ của lời nói đã qua rồi ; miệng của các con thú há ra để làm cho sợ và sẵn sàng cắn xé ; đó là giờ của sợ hãi. Bình thường, con người sử dụng những con chó để săn bắt thú vật, nhưng ở đây thì ngược lại : các con mãnh thú sử dụng những con chó để bắt người. Thực ra, “những con chó” chính là những con người mang gươm giáo (gươm giáo cũng là miệng lưỡi nữa ; nên đọc Hc 28, 13-26). Ở đây, Tv 22 như trình bày cho chúng ta một dụ ngôn: những con chó được hướng dẫn bởi những tay thợ săn, trong khi, theo Tv 22, những kẻ làm điều xấu là những con người bị điều khiển bởi những con thú, nghĩa là bởi những sức mạnh thú vật của lòng ghen ghét và của sự câm lặng hủy diệt của con người (ơn gọi của con người là làm chủ thú tính để trở nên nhân tính, nghĩa là theo hình ảnh của Thiên Chúa). “Con Thú” (hình ảnh con rắn trong St 2-3) sai phái con người chống lại con người. Giống như một cuộc săn đuổi, nạn nhân bị “vây quanh”, bị  “xiết chặt vòng vây”, bị đe dọa bởi những tiếng động dồn dập, vì thế nạn nhân có dư thời gian để mà sợ hãi, héo khô và tan chảy. Những điều gây ra nỗi sợ hãi được mô tả chi tiết hơn là chính những vết thương (c. 13-16).

Hạn từ “chết” không được nêu ra ở cuối đoạn mô tả về mối hiểm nguy (c. 12-22), nhưng ở giữa, bởi vì nó dẫn tới hồi kết thúc cuộc săn đuổi (c. 16) ; nhưng điều này còn muốn nói rằng cái chết mà nạn nhân đã trải qua, là cái chết đã đến từ từ, nghĩa là nạn nhân đã chết dần chết mòn trước khi tắt thở.

  1. Lời ca tụng (c. 23-32)

Lời ca tụng diễn tả lời đáp của Thiên Chúa, diễn tả ơn giải thoát của Thiên Chúa. Như thế, trong Đức Kitô, Thiên Chúa lắng nghe và đáp lại tiếng kêu cứu của loài người. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đáp lại một lần cho tất cả.

Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương”

Trong khi sự chết là sự bỏ rơi, là cô độc, là chia lìa thì sự sống được bày tỏ như là hiệp thông, vì thế người được cứu ngay tức khắc hướng về người khác. Cũng nhanh như là đứa bé mới chào đời liền quay về phía mẹ, người được cứu quay về phía những người anh em của mình để “công bố” danh Đấng Cứu Độ của mình. Trong hoàn cảnh bi đát, bách hại, người kêu cầu đã nói với Thiên Chúa về những kẻ thù nghịch của mình ; còn trong KN ơn huệ, người hát bài tán tụng lại nói với những người anh chị của mình về Thiên Chúa. Lời cám ơn đích thật, chính là lời loan báo được diễn tả trong những bài tán tụng, loan báo hướng đến “những người anh em” (c. 23), sau đó đến các dân tộc xa xôi (c. 28), và sau cùng đến tương lai của Israel, được biểu thị bởi các trẻ em (c. 31-32). Chính vì thế, kinh nghiệm ơn huệ của Thiên Chúa, Kinh Nghiệm sự sống của Thiên Chúa là quyết định cho ơn gọi và sứ mạng của chúng ta.

Khi được giải thoát khỏi sự chết, Đức Kitô cũng hướng về anh em của mình, qui tụ và tìm gặp những người anh em của mình; và qua họ, là toàn thể nhân loại, trong đó có chúng ta hôm nay.

Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!”
Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà:
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê.
Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” 
(Mt 28, 9-11)

Tam Nhật Thánh 2014
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc