ĐTC Phanxicô: Đời sống Ki-tô hữu đích thực có thể làm chứng cho Chúa Ki-tô
Hồng Thủy – Vatican News
Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 2/5/2021 Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ V mùa Phục Sinh (Ga 15,1-8), Chúa Giê-su giới thiệu Người là cây nho thật và gọi chúng ta là những cành nho mà nếu không kết hiệp với Người sẽ không sống được: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5). Sẽ không có cây nho nếu không có các cành nho, và ngược lại. Các cành không tự nó sống nhưng hoàn toàn dựa vào cây nho, nguồn sống của chúng. Và Chúa cần chúng ta để chúng ta làm chứng cho Người
Sự ở lại tích cực và hỗ tương
Chúa Giê-su nhấn mạnh đến động từ “ở lại”. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa lặp lại động từ này bảy lần. Trước khi từ giã thế giới này và trở về với Chúa Cha, Chúa Giê-su muốn trấn an các môn đệ rằng họ có thể tiếp tục được kết hiệp với Người. Chúa nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4). Đây không phải là ở lại cách thụ động, “ngủ yên” trong Chúa, để chính mình bị cuộc đời ru ngủ. Không phải như thế. Chúa Giêsu đề nghị ở lại cách tích cực và hỗ tương. Tại sao? Bởi vì những cành nho không có cây nho thì không thể làm gì được, chúng cần nhựa sống để sinh trưởng và kết trái; nhưng cây nho cũng cần cành, vì quả không mọc trên thân cây. Đó là sự cần thiết lẫn nhau, là vấn đề ở lại trong nhau để sinh hoa kết trái.
Chúng ta cần Chúa
Đức Thánh Cha giải thích: Trước hết, chúng ta cần Chúa. Chúa muốn nói với chúng rằng trước khi tuân giữ các điều răn của Người, trước các mối phúc thật, trước các hoạt động thương xót, cần kết hiệp với Người, ở lại trong Người. Chúng ta không thể là Ki-tô hữu tốt nếu chúng ta không ở lại trong Chúa Giê-su. Nhưng với Người, chúng ta có thể chịu được mọi sự (xem Pl 4,13).
Chúa cần chúng ta: một ý tưởng táo bạo?
Nhưng Chúa Giê-su, giống như cây nho cần cành nho, cũng cần chúng ta. Đối với chúng ta, có vẻ táo bạo khi nói điều này, và vì vậy chúng ta tự hỏi: Chúa Giê-su cần chúng ta theo nghĩa nào? Người cần chứng tá của chúng ta. Giống như cành nho, hoa trái mà chúng ta cần mang lại chính là làm chứng về đời sống của Ki-tô hữu. Sau khi Chúa Giê-su trở về với Chúa Cha, nhiệm vụ của các môn đệ, cũng là nhiệm vụ của chúng ta, là tiếp tục loan báo Tin mừng, bằng lời nói và việc làm, về Vương quốc của thế giới. Và họ làm việc này bằng cách làm chứng cho tình yêu của Chúa: hoa trái được sinh ra chính là tình yêu. Được gắn kết với Chúa Ki-tô, chúng ta nhận các ơn Chúa Thánh Thần, và bằng cách này chúng ta có thể làm điều tốt cho tha nhân và xã hội, cho Giáo hội. Chúng ta nhận ra cây nhờ trái của nó. Một đời sống Ki-tô hữu thật sự có thể làm chứng cho Chúa Ki-tô.
Hoa trái tốt của cuộc sống nhờ vào cầu nguyện
Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào? Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (c. 7). Cuộc sống của chúng ta mang lại hoa trái tốt là nhờ vào cầu nguyện. Chúng ta có thể xin được suy nghĩ như Chúa, hành động như Người, nhìn thế giới và mọi thứ bằng đôi mắt của Chúa Giê-su. Và như thế, yêu thương anh chị em của chúng ta, bắt đầu từ những người nghèo nhất và những người đau khổ nhất, như Chúa đã làm, và yêu thương họ bằng cả trái tim và mang đến cho thế giới những hoa trái của sự tốt lành, bác ái và hòa bình.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria. Mẹ luôn luôn kết hợp hoàn toàn với Chúa Giê-su và Mẹ đã mang lại nhiều kết quả. Xin Mẹ giúp chúng ta ở lại trong Chúa Ki-tô, trong tình yêu và trong lời của Người, để làm chứng cho Chúa Phục Sinh trong thế giới.
Chân phước bác sĩ José Gregorio Hernández Cisneros: tấm gương chăm sóc người đau khổ
Sau khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nhắc đến lễ phong chân phước cho bác sĩ José Gregorio Hernández Cisneros hôm thứ Sáu 30/4 vừa qua tại Venezuela. Đức Thánh Cha nhận xét đây là một bác sĩ “có kiến thức rộng rãi và đức tin mạnh mẽ, biết nhận ra gương mặt của Chúa Ki-tô nơi các bệnh nhân; giống như người Samaria nhân hậu, ngài giúp đỡ các bệnh nhân với lòng bác ái của Tin Mừng. Tấm gương của ngài giúp chúng ta chăm sóc cho những người đau khổ về thể xác và tâm hồn.
Một kinh Kính Mừng cho Myanmar
Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc rằng chúng ta đã bước vào tháng Năm mà lòng đạo đức bình dân diễn tả lòng sùng kính Đức Mẹ bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, năm nay, tháng 5 được cử hành với sự kiện “Marathon cầu nguyện” tại các đền thánh kính Đức Mẹ quan trọng trên toàn thế giới, cầu xin cho đại dịch sớm chấm dứt. Chiều thứ Bảy 1/5/2021 sự kiện đã bắt đầu với chặng thứ nhất tại Vatican.
Đức Thánh Cha cũng nói đến một sáng kiến đánh động ngài rất nhiều trong bối cảnh này. Đó là Giáo hội Myanmar mời gọi cầu nguyện cho hòa bình và dành một kinh Kính Mừng trong chuỗi Mân Côi hàng ngày cầu nguyện cho nước này. Ngài nói: “Mỗi chúng ta đều hướng về mẹ khi gặp khó khăn, hoạn nạn; trong tháng này, chúng ta cầu xin Mẹ của chúng ta nói với trái tim của tất cả những người có trách nhiệm ở Myanmar để họ có thể tìm thấy can đảm để bước đi trên con đường gặp gỡ, hòa giải và hòa bình.
Chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân tai nạn ở Núi Meron, Israel
Và Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với dân tộc Israel về tai nạn tại Núi Meron hôm thứ Sáu 30/4/2021, khiến cho 45 người chết và nhiều người bị thương. Đức Thánh Cha đoan chắc nhớ cầu nguyện cho các nạn nhân và người thân