Để Lắng Nghe và Giữ Mệnh Lệnh Chúa Truyền
(CN XXII – TN B, Đnl 4,1-2.6-8)
Bài đọc:
(Đnl 4,1-2.6-8)
Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em. Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em. Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: ‘Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!’ Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?”
Phân tích nội dung:
Sách Đệ Nhị Luật diễn giải những điều luật của Thiên Chúa dành cho dân Ít-ra-en qua môi miệng ông Mô-sê. Đây là quyển sách cuối trong bộ Ngũ Thư (Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số, Đệ nhị luật). Đoạn trích Đnl 4,1-2.6-8 hôm nay nói về việc ông Mô-sê khuyên dạy dân Ít-ra-en phải kính sợ Thiên Chúa mà biết lắng nghe và đem ra thực hành những điều luật Chúa truyền dạy để có thể được sống yên hàn (x. Đnl 30,15-16) trên vùng đất mà Thiên Chúa hứa ban cho tổ phụ (x. Đnl 6,17-18), và để được coi là một dân tộc khôn ngoan, vĩ đại trên hết mọi dân tộc.
Ngay câu đầu, chúng ta có thể thấy rằng ông Mô-sê đã đánh giá vai trò của lắng nghe lời dạy với việc thực hành những lời ấy. Thoạt tiên, khi đọc thấy cụm từ “thánh chỉ và phán quyết tôi (tức là Mô-sê) dạy cho anh em (tức là con cái Ít-ra-en)” thì chúng ta dễ nghĩ rằng đây là điều xuất phát từ chính Mô-sê. Tuy nhiên, câu tiếp theo đã giải thích rõ hơn: đó là “những mệnh lệnh của Đức Chúa” mà ông Mô-sê chỉ là người truyền đạt lại. Do vậy chính ông cũng cẩn thận nhắc nhở dân chúng không được thêm bớt lời nào. Việc không thêm bớt cũng là hành vi kính sợ và tuân phục Thiên Chúa. Hơn nữa, những khoản luật và nghi lễ đã được truyền dạy sẽ trở nên quy tắc sống của dân trên vùng đất Thiên Chúa hứa ban này (c.5, x. 12,1). Ở đây, ông Mô-sê muốn nhắc con cái Ít-ra-en như đã nói ở núi Si-nai phải kính sợ Thiên Chúa, nguồn cội của mọi khôn ngoan, mà một lòng trung thành giữ huấn lệnh của Người (x. Xh 20,18-20).
Đối với những thánh chỉ, mệnh lệnh được nhắc tới ở đây là những điều luật trong giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Người, để họ được chiếm hữu vùng đất Người đã hứa ban cho tổ tiên họ và để họ được sống yên hàn trong vinh quang và danh dự trước mặt Chúa và các dân tộc khác. Khi tuân giữ giao ước, dân cũng sẽ được gần Thiên Chúa. Đây là một đặc ân mà không một dân tộc nào có được với thần linh của mình (cc.6-8). Thực vậy, trong khi các dân tộc cố gắng tìm kiếm sự khôn ngoan thì dân Ít-ra-en có được nó nhờ tự ý muốn Thiên Chúa mà Người đã thương ban cho dân này tại núi Si-nai. Chính sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa với con cái Ít-ra-en khiến dân này trở nên đặc biệt trước mọi dân tộc (Xh 33,16).
Hình ảnh một dân thánh và khôn ngoan được Thiên Chúa hộ phù đối nghịch lại với một dân “ngu xuẩn” bị tàn phá trong Gr 4, 22. Có thể nói, hình ảnh dân khôn ngoan ấy như lời vọng của “một dân lớn” mà Thiên Chúa đã hứa trong St 12, 2 (hoặc xem Đnl 1, 10). Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ của các dân tộc khác đối với dân khôn ngoan biết lắng nghe và tuân giữ mệnh lệnh của Thiên Chúa (cc.6-8) lại đối nghịch với hình ảnh bối rối của các dân khi nhìn thấy dân được đặc ân ở gần thần linh ấy lại bị giáng phạt vì bất tuân lời dạy (Đnl 29,24-28). Các câu 3-4 rõ ràng là một minh chứng cho kết quả của những ai sống theo hay không theo luật Chúa. Nội dung hai câu này gợi lên câu chuyện trích từ Ds 25,1-5 (hoặc xem Hs 9,10).
Như thế, việc lắng nghe lời truyền dạy của Chúa luôn phải đi đôi với việc thực hành lời ấy. Tuy nhiên, việc lắng nghe và thực hành mệnh lệnh của truyền chỉ thực sự có ý nghĩa nếu được khởi đi từ động lực sâu thẳm là lòng kính sợ Thiên Chúa chứ không dừng lại ở những hành vi biểu lộ bên ngoài. Chính động lực nội tại này quyết định những cách thế biểu lộ ngoại tại. Do đó, việc chỉ chăm chút giữ những tập tục, hành vi giả hình bên ngoài mà đánh mất hay thiếu quan tâm đến yếu tố động lực bên trong là điều mà Chúa Giê-su lên án trong Tin Mừng hôm nay (Mc 7,1-8a.14-15.21-23).
Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj
Tham khảo:
John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.139.
John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative: A Biblical Theological Commentary, Zondervan, 1992, tr.433-434.
nguồn: https://sjjs.edu.vn/