Dân It-ra-el Tuyên Xưng Đức Chúa là Đấng Duy Nhất Họ Tôn Thờ
(CN XXI-B, Gs 24, 1-2a.15-17.18b)
Giuse-Tuân Vũ Chí Thành SJ
(Tại Si-khem, Giô-suê và dân Ít-ra-en tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa duy nhất họ tôn thờ. Ông Giô-suê đã dựng tảng đá làm chứng như trong hình (hình ảnh từ Internet). Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng đây là tảng đá nguyên thủy mà ông Giô-suê đã dựng lên.)
- Lời Chúa
1 Ông Giô-suê quy tụ ở Si-khem mọi chi tộc Ít-ra-en và triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa. 2 Ông Giô-suê nói với toàn dân: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: 15 Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.”
16 Dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! 17 Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua.18 …. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi. (Gs 24, 1-2a.15-17.18b)
- Tìm hiểu Gs 24, 1-2a.15-17.18b
Giô-suê là nhân vật được nhắc tới nhiều lần trong bộ Ngũ Thư, 5 cuốn sách đầu của Kinh Thánh. Vị này là con ông Nun, thuộc chi tộc Ép-ra-im (Ds 13, 8.16), là người phụ tá thân cận của ông Mô-sê (Xh 24,13; 33,11). Ông cũng là vị chỉ huy quân Ít-ra-en chiến thắng trong trận đánh người A-ma-lếch (Xh 17,8-16),… và là người dẫn đầu dân Ít-ra-en sau khi Mô-sê qua đời.
Sách Giô-suê được tổng hợp lại từ nhiều nguồn, kể về những câu chuyện xoay quanh thời kỳ ông lãnh đạo dân Ít-ra-en, sau thời Mô-sê. Thời gian bắt đầu soạn thảo sách này thì không ai rõ nhưng kết thúc vào khoảng thời kỳ ngay trước hoặc trong lưu đày (tức khoảng những năm 587-583 TCN), trừ đoạn trình thuật về đại hội ở Si-khem (24,1-28).
Ở phần cuối, cuốn sách Giô-suê tả lại trình thuật ông Giô-suê quy tụ các kỳ mục, thủ lãnh, thẩm phán, ký lục và toàn dân Ít-ra-en tại Si-khem để ở đó, họ xác định và tuyên bố rõ ràng rằng Đức Chúa, Đấng là Chúa của các tổ phụ, đã đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập và làm nhiều dấu lạ để chăm sóc họ, chính là Thiên Chúa duy nhất mà họ tôn thờ. Đây thực ra là một trình thuật có nguồn gốc cổ xưa và được thêm vào trong hoặc ngay sau thời kỳ lưu đày.
Si-khem là một vùng đất miền trung của Ít-ra-en, nằm giữa hai ngọn núi Ê-van và Gơ-ri-dim. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lớn trong cuộc đời các tổ phụ của dân. Do đó, nơi này cũng được coi là một nơi thánh.
Ở câu 1, chúng ta thấy ông Giô-suê là người quy tụ dân lại, nhưng ngay câu sau đó, tác giả lại nói dân đứng trước nhan Thiên Chúa. Điều đó có thể cho chúng ta suy nghĩ rằng Si-khem thực sự thích hợp để được coi là nơi tổ chức một cuộc đại hội tôn giáo. Dân quy tụ lại không phải vì một người phàm nhưng vì chính Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.
Câu 2 là mở đầu cho một đoạn mà ông Giô-suê nói lại những lời Đức Chúa nói với dân (cc.3-13). Khi đó, Thiên Chúa nói ở ngôi thứ nhất và dân ở ngôi thứ 2. Sau đó, từ câu 14, ông Giô-suê nói với vai trò là sứ giả của Đức Chúa. Do đó, chúng ta thấy ở câu 15, lời Chúa nói ở thể văn tường thuật qua môi miệng của Giô-suê.
Một điều có thể làm chúng ta ngạc nhiên là việc trình thuật này mô tả rằng dân được quyền chọn lựa thần để thờ, hoặc có thể chọn thần của người Ca-na-an, thần của người Ai-cập, của người bên kia Mê-sô-pô-ta-mi-a hay bất kỳ thần nào khác; hoặc như gia đình ông Giô-suê là trung thành với Đức Chúa (c.15). Điều này rất hiếm khi xảy ra trong Kinh Thánh Cựu Ước. Như thế, trình thuật cho thấy rằng dù dân đã nhiều lần bất tuân, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và giờ đây còn cho họ đặc ân được chọn lựa thần để thờ. Dĩ nhiên, ai chọn Chúa, người ấy sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thật (Tv 33,12). Có người cũng cho rằng, đây là kiểu Thiên Chúa “giận yêu” với dân mà Ngài chiều chuộng. Mặt khác, vì dân sống với nhiều dân tộc xung quanh thờ đủ thứ thần ngoại lai, nên dân cũng dễ bị ảnh hưởng và chạy theo các thần khác, có thể sống vô luân, trái mắt Đức Chúa. Đây là dịp để dân ý thức và sống trung thành với Thiên Chúa duy nhất và đích thực.
Ở câu 16-18b, chúng ta thấy rằng con cái Ít-ra-en đã ý thức và tuyên xưng niềm tin vào Đức Chúa, Đấng đã đưa dân ra khỏi Ai-cập, đã gìn giữ họ nhãn tiền trên đường băng qua sa mạc và ban cho dân một vùng đất tốt tươi. Họ tuyên bố với nhau rằng Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất họ phụng sự và tôn thờ.
Nội dung bài đọc 1 này cho chúng ta liên tưởng tới lời tuyên xưng trong Tin Mừng hôm nay (Ga 6, 61-70) của thánh Phê-rô, đại diện cho các môn đệ, rằng: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai, vì Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” Đức Giê-su thực sự là Thiên Chúa, Đấng duy nhất mà mỗi chúng ta phải phụng sự và tôn thờ. Bởi lẽ, Người là Thiên Chúa thật từ đời đời, Đấng đã yêu thương xuống thế làm Người để cứu độ chúng ta.
nguồn: https://sjjs.edu.vn
Tham khảo:
- Auld (2001, c1984). Joshua, Judges, and Ruth. The Daily study Bible series, Louisville: Westminster John Knox Press, pp.120-125.
- CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.387-395, 433-434.