ĐẠI DỊCH COVID-19 TRONG MÙA CHAY
Đại dịch Covid-19 đang lan tràn trên toàn thế giới và con người đang phải gồng mình để ngăn chặn đại dịch này. Đây cũng là thời gian mà người tín hữu Công Giáo bước vào Tuần Thánh, tuần cao điểm của mùa chay và đỉnh cao là Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
Mùa chay năm nay thật đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đúng vào thời điểm này. Covid-19 đã làm cho mọi sinh hoạt trong xã hội bị trì trệ, cuộc sống thường nhật của người dân cũng bị đảo lộn do sự ảnh hưởng nặng nề của nó. Các công ty, nhà máy, xí nghiệp bị đóng cửa, các quán xá bị tạm ngừng hoạt động, người lao động mất đi cơ hội làm việc, và mọi người phải hạn chế không còn được gặp gỡ nhau thường xuyên. Cách riêng với người Công Giáo, tiếng chuông ở các giáo đường vẫn vang lên nhưng giờ đây lại vắng bóng giáo dân; bởi chúng ta tạm thời không còn được đến nhà thờ để tham dự thánh lễ hằng ngày như trước nữa mà thay vào đó là thánh lễ trực tuyến. Đây cũng là thời gian giúp mỗi người chúng ta nhìn lại thân phận của mình để biết tín thác hơn vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Cũng là lúc chúng ta biết đối diện với bản thân, để nhìn lại lối sống và cách hành xử của mình.
Những câu hỏi về dịch bệnh Covid-19 chắc hẳn đã không ít lần gợi lên trong chúng ta, và có lẽ những câu trả lời hiện nay vẫn chưa có. Một con vius tuy nhỏ bé so với con người to lớn nhưng sự tác hại của nó quá ư là nặng nề, và hiện nay vẫn chưa có vacxin nào để khống chế được nó. Điều đó cho thấy, con người thật giới hạn. Dù chúng ta có to lớn, vĩ đại thế nào đi chăng nữa thì vẫn mang thân phận là con người bất toàn.
Đại dịch Covid-19 cũng làm cho chúng ta biết trân quý mạng sống của mình và mọi người hơn. Hằng ngày, chúng ta vẫn nghe hay đọc những thông tin trên mạng thống kê về số người nhiễm và chết vì dịch bệnh này quá nhiều. Vẫn có hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh và hàng ngàn người tử vong vì Covid-19 trên khắp thế giới.
Khi đại dịch lan rộng thì vẫn có nhiều người lo tích góp lương thực, thực phẩm dự trữ để đảm bảo cho cuộc sống của bản thân. Câu hỏi đặt ra, nếu đại dịch Covid-19 không xuất hiện, liệu rằng mỗi người chúng ta có biết trân quý mạng sống của chính mình hay không? có để ý đến giá trị của mạng sống con người không?
Tôi đã phải giật mình khi đọc được những lời cảnh tỉnh của một bệnh nhân sau khi khỏi bệnh covid-19, xin được trích dẫn câu chuyện: “Sau khi một bệnh nhân 93 tuổi ở Ý trở nên tốt hơn trong bệnh viện, ông được bảo trả tiền cho máy thở trong một ngày, và ông đã khóc. Bác sỹ khuyên ông đừng khóc vì hóa đơn. Nhưng câu nói của ông lão đã khiến tất cả các bác sỹ ở đó đều khóc. Ông nói: “Tôi không khóc vì tiền tôi phải trả, tôi có thể trả tiền. Tôi khóc vì tôi đã hít thở không khí của Chúa trong 93 năm qua, nhưng tôi không phải bao giờ trả tiền cho nó. Phải mất 5000f để sử dụng máy thở trong bệnh viện trong một ngày. Bạn có biết tôi nợ Chúa bao nhiêu không? Tôi đã không cảm ơn Chúa vì điều đó trước đây.”
Sự thật của tin tức không thể được xác minh, nhưng những lời của ông đáng để chúng ta suy ngẫm. Khi chúng ta hít thở không khí một cách tự do mà không bị đau đớn hay bệnh tật, không ai coi trọng không khí. Chỉ khi chúng ta vào bệnh viện, chúng ta mới có thể biết rằng ngay cả việc thở oxy bằng máy thở cũng phải trả tiền. Bởi vậy, chúng ta hãy quý trọng sự sống và thời gian hiện tại khi chúng ta còn có thể.
Câu chuyện trên cũng là thông điệp gửi tới tôi và bạn. Covid-19 cũng là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại và củng cố đời sống đức tin của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giữa bao nhiêu sinh hoạt, chúng ta thường bỏ quên điều thiết yếu, đó là đời sống thiêng liêng, tương giao của chúng ta với Chúa. Chúng ta hãy ngừng lại và cầu nguyện”. Có thể nói, đại dịch covid-19 đã làm cản trở chúng ta tụ họp đông người và vì thế mà chúng ta phải tham dự các thánh lễ cũng như các nghi thức tuần thánh bằng hình thức online trực tuyến trên truyền hình; đây là điều mà mỗi người chúng ta không hề mong muốn. Đây là dịp để chúng ta thể hiện đức tin, niềm khao khát, lòng mến yêu thánh lễ của mình trong hoàn cảnh như hiện nay. Cũng là dịp để mỗi người xét lại giá trị của thánh lễ, có bao giờ chúng ta bị ép buộc, thờ ơ, coi nhẹ giá trị các thánh lễ hằng ngày mà chúng ta có dịp tham dự?. Chắc hẳn, mỗi người chúng ta sẽ trân quý các thánh lễ được cử hành trang nghiêm, long trọng trong nhà thờ. Nơi mà chúng ta diện đối diện với Thiên Chúa, nơi mà chúng ta thể hiện được tính cộng đoàn và sự hiệp nhất với nhau. Bởi vậy, đây cũng là biến cố để chúng ta có thời gian cầu nguyện, xét lại mối tương quan với Thiên Chúa. Là dịp để chúng ta làm mới cũng như củng cố lại đời sống nội tâm nơi chính mỗi người chúng ta.
Covid- 19 là dịp để chúng ta thể hiện được mối quan hệ con người với con người, khi mà đại dịch covid-19 xuất hiện kéo theo bao hệ lụy, cuộc sống xã hội bị đảo lộn, kinh tế bị trì trệ. Những con người nghèo khổ nay không có lương thực, thực phẩm để sinh sống, những công nhân vì đại dịch cũng không có việc làm để trang trải cuộc sống gia đình. Những lúc như thế này là dịp để cho chúng ta thể hiện “lá lành đùm lá rách”, hay đối với người Kitô hữu cũng là lúc thể hiện tinh thần bác ái của mình như lời Chúa Giêsu dạy: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). Đặc biệt, chúng ta cũng cầu nguyện cho những nạn nhân bị nhiễm covid-19 cũng như các y bác sỹ đang ngày đêm chăm sóc và chữa trị cho họ.
Đại dịch covid-19 giữa mùa chay này đã làm đảo lộn hầu như tất cả cuộc sống của con người trong xã hội cũng như tôn giáo. Nhưng qua đại dịch và nhất là trong Mùa Chay thánh này, tôi và bạn liệu đã thay đổi như thế nào?
Antôn Vũ Văn Đan