CHÚA NHẬT THỨ 3 PHỤC SINH, NĂM A
NHẬN RA CHÚA LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG
(Cv 2,14.22- 28; Pr 1,17- 21; Lc 24,13- 35)
Ở đời, người ta thường có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong đời sống đức tin cũng vậy, nếu chỉ tin khi thuận buồm xuôi gió, hoặc có lợi cho mình thì thật dễ. Tuy nhiên, tin cả khi mây mù dày đặc, tức là tin cả những lúc không thuận với ý ta thì đây mới là đức tin mang tính trưởng thành.
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại sự kiện Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau khi các ông đang trở về quê vì sự thất vọng qua cái cái chết của Thầy. Họ chán trường, hoang mang vì đã tin vào một Đức Giêsu bị thất bại và kết cục cuộc đời lại bị treo trên thập giá như một tử tội. Tuy nhiên, Đức Giêsu phục sinh đã làm cho các ông bừng sáng lên niềm hy vọng và can đảm tuyên xưng cũng như loan truyền về Ngài cho anh chị em…
Vậy, đâu là điều mà các môn đệ nhận ra Ngài, tin theo và loan truyền?
1. Các ông đã nhận ra Đức Giêsu
Hai môn đệ đang trên đường trở về quê, các ông bước đi trên đôi chân rã rời vì mệt mỏi, cộng thêm tinh thần thất vọng vì đã đặt nhầm niềm tin vào Đức Giêsu! Thật vậy, các ông vừa đi vừa bàn chuyện, nhưng không phải là chuyện làm ăn, buôn bán, lao động, giao thương…, hay chuyện gia đình, mà bàn về chuyện một con người, con người đó là chính Đức Giêsu. Câu chuyện được khởi đi từ một tinh thần buồn bã của các ông.
Thấu hiểu tâm can các môn đệ, Đức Giêsu đã hiện đến và hỏi: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24, 17), họ trả lời: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24, 19-20).
Đức Giêsu đã đi bước trước để đến với hai môn đệ, nhưng họ vẫn không nhận ra Ngài. Vẫn trong vai trò là người chủ động, nên Ngài cùng bộ hành với các ông và bắt đầu giải thích cho các ông hiểu về Đấng Mêsia, Ngài nói: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã trao đổi về vai trò của người Tôi Trung đau khổ, đến để hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha trong vai trò Thiên Sai, đồng thời, Ngài cũng giúp cho họ hiểu rằng: con đường cứu độ là con đường đau khổ, phải qua đó thì mới bước vào vinh quang.
Đức Giêsu còn đang nói, thì trời đã về chiều, nhưng lòng các môn đệ đã ấm lên và vẫn muốn nghe lời Ngài giải thích. Tuy nhiên, dù muốn nghe nữa, các ông cũng không thể, vì ngày đã ngả bóng hoàng hôn và đêm đã về, nên hai ông đã mời Đức Giêsu ở lại với mình. Ngài đã đồng ý, và Người Bộ Hành này đã ngồi vào bàn ăn, vẫn các cử chỉ quen thuộc là cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Chính vì vậy mà họ đã nhận ra Ngài. Nhưng cũng chính ngay lúc này, họ không còn được thấy Ngài cách thể lý nữa, vì Ngài đã biến mất. Điều này cho thấy, từ nay, Đức Giêsu sẽ hiện diện trong hành động Bí tích.
2. Đức Giêsu là Đấng giải phóng con người cách toàn diện trên bình diện ân sủng
Khi đọc lại bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy niềm hy vọng của các môn đệ, cũng như các Tông đồ và nhiều người Dothái thời bấy giờ là mong muốn một vị Cứu Tinh quyền uy lẫy lừng, đánh đông dẹp bắc, giải phóng dân tộc bằng quyền lực của sức mạnh, binh đao… Họ không thể tin vào một vị Thiên Chúa mà lại bị thất bại ê chề trong tay người phàm qua cái chết tủi nhục đắng cay như vậy, nên các ông đã cảm thán khi được Đức Giêsu hỏi chuyện, trong tâm trạng vô vọng, họ đã thốt lên: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (Lc 24, 18). Ngài hỏi tiếp: “Chuyện gì vậy?” và họ đã cảm phiềm: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24, 19-20). Thực ra lời nói này mang đầy tính thất vọng. Họ đã không hiểu nổi sứ vụ Thiên Sai của Ngài, nên trước đó, họ trách khéo Người Khách Lạ này xem ra có vẻ vô tâm, vô tình nên không hay biết chuyện mới xảy ra…, nhưng giờ đây, Đức Giêsu đã khiển trách họ khờ dại và không hiểu biết gì…
Như vậy, Đức Giêsu đã giúp cho họ một lần nữa đi xa hơn về lộ trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài không giải thoát con người theo thiển ý của họ, nhưng Ngài giải phóng con người trên bình diện ân sủng, đó là: giải thoát con người khỏi tội lỗi, biết sống công bằng, chia sẻ bác ái và yêu thương hết mọi người, kể cả kẻ thù… để thế giới này chỉ có một Thiên Chúa là Cha và mọi người có nhau là anh em… Đây mới là sự giải phóng toàn diện của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Khi nhận ra cốt lõi của mầu nhiệm cứu chuộc nơi Đức Giêsu, ngay lập tức, các ông đã can đảm, hăng say trỗi dậy, trở lại Giêrusalem để loan tin vui mừng này cho các Tông đồ đang còn ở lại nơi đây.
Nguyên nhân để có một thái độ đặc biệt này là họ đã hiểu được Đức Giêsu qua việc Ngài giải thích Thánh Kinh và nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay được dàn trải cách tiệm tiến: bắt đầu là việc thông tri sự kiện; thứ đến là được Đức Giêsu giải thích; và, cuối cùng là họ nhận ra Ngài rồi lên đường loan truyền Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng tình thương của Đức Giêsu cho mọi người…
Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắn gửi chúng ta rằng:
Trước tiên, muốn hiểu, tin và sống mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu thì cần phải loại bỏ sự thất vọng. Hãy tin tưởng trong sự đơn sơ, không bám víu vào những triết lý cao siêu, nhưng sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời của Ngài hướng dẫn, từ đó ta sẽ được biến đổi hầu trở nên chứng nhân của Ngài.
Thứ đến, hãy tin tưởng vào Chúa ngay trong những thất bại của cuộc đời, vì Ngài luôn có mặt và đồng hành với chúng ta như Ngài đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Hãy gắn bó với Giáo Hội của Đức Giêsu, mặc cho phong ba bão táp; mặc cho những phần tử trong Giáo Hội có những chuyện chẳng hay, thì Giáo Hội Chúa vẫn còn và không ngừng hướng tới sự thánh thiện cũng như là trung gian để thông chuyển ơn cứu độ của Chúa đến với muôn dân.
Tiếp theo, hãy yêu mến Thánh Kinh, vì đây chính là sự hiện diện của Chúa cách đặc biệt. Nếu các môn đệ không được Đức Giêsu hiện ra để giải thích Thánh Kinh cho họ, chắc họ đã không có cơ hội để nhận ra Chúa. Vì thế, chúng ta muốn trở nên nghĩa thiết với Chúa thì phải yêu mến, đọc, học và siêng năng suy gẫm Lời Ngài, vì đây là kho tàng mặc khải trọn vẹn và phong phú mà Thiên Chúa dành cho con người. Có thế, chúng ta mới hy vọng nhận ra Ngài và can đảm, hăng say lên đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đặt niềm hy vọng vào Ngài là Đấng đã Phục Sinh. Luôn yêu mến và gắn bó với Chúa. Sẵn sàng làm chứng cho Chúa khi đã nhận ra Chúa. Amen.
Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.