Khi chàng thanh niên 19 tuổi Nicholas Peters hiểu rằng cuộc sống của mình không còn kéo dài bao lâu nữa, anh đã quyết định dành những ngày còn lại để phục vụ cho những người bị lãng quên, những người vô gia cư sống trên những đường phố của thành phố to lớn San Francisco.
Nicholas Peters thuộc giáo xứ thánh Charles ở San Carlos. Nicholas và em gái Lauren theo học tại trường Công giáo của giáo xứ từ mẫu giáo cho đến lớp 8. Năm Nicholas 16 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán cậu bị ung thư gan. Và từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, căn bệnh đã trở nên trầm trọng hơn.
Hiểu rằng cuộc sống của mình không còn dài, Nicholas đã dành mỗi tuần 40 tiếng đồng hồ và có khi còn nhiều hơn nữa, để chăm sóc an ủi những người vô gia cư hay những người buộc phải ở trong nhà vì không còn có thể đi lại được. Nicholas cũng làm thiện nguyện viên tại các bếp ăn nấu súp cho người nghèo, tại các nơi định cư của người vô gia cư và các trung tâm dành cho người lớn tuổi. Bà Becky Peters, mẹ của Nicholas cho biết, khi anh cảm thấy mình còn sức để làm thêm, anh mang súp đến các công viên thành phố gần đó cho những người không có thức ăn.
Mang “thức ăn và Thiên Chúa” cho những người đang cần
Trong thời gian trị liệu ung thư, Nicholas đã đọc sách Kinh Thánh 15 lần. Cùng với Mel, một người được gia đình thuê, luôn ở bên cạnh để đồng hành và trợ giúp thiêng liêng cũng như sắp đặt các công việc cho mình, mỗi ngày Nicholas đi ra ngoài để mang “thức ăn và Thiên Chúa” cho những người đang cần đến cả hai điều này. Tất cả thời gian Nicholas còn lại trên thế gian, anh dành để ở bên những người dễ bị tổn thương và những người nghèo.
Hạnh phúc của Nicholas là có thể giúp đỡ an ủi những người khốn khổ
Niềm hạnh phúc của Nicholas là có thể giúp đỡ an ủi những người khốn khổ. Mẹ của anh kể: “Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được buổi sáng khi tôi bước vào phòng của Nick, tên gọi thân thương của Nicholas, và nó nhìn tôi với nụ cười thật tươi trên gương mặt. Nick nói với tôi rằng nó đã ngủ thật ngon chưa từng có bởi vì nó biết rằng một người đàn ông vô gia cư tên là Joseph được có một nơi ngủ ấm áp, khô ráo và an toàn.” Nicholas và Mel đã tìm được một phòng tại một nhà trọ cho ông Joseph đêm đó. Nicholas đã dành tuần sau đó để làm giấy tờ cho ông Joseph.
Thay đổi cuộc đời nhiều người
Nicholas đã gặp gỡ giúp đỡ nhiều người và hành động của anh đã thay đổi cuộc đời của họ. Bà Anabel, một bà mẹ vô gia cư bị mất quyền chăm sóc con vì bà nghiện ma túy. Bà nói với Nicholas rằng bà chắc chắn là Thiên Chúa không còn yêu thương bà nữa. Nhưng sau khi Nicholas bảo đảm với bà rằng Thiên Chúa luôn yêu thương bà, bà đã trở về nhà của cha mẹ mình và bắt đầu tiến trình phục hồi.
Lựa chọn muốn trở nên con người như thế nào
Jennifer Kau là một y tá ở bệnh viện nhi Lucile Packard của đại học Stanford, nơi Nicholas được điều trị, đã viết cho anh một lá thư, cho biết rằng sự can đảm yêu thương của anh đã thay đổi cô mãi mãi. Jennifer viết: “Nicholas, dù không chủ ý, nhưng em đã dạy cho tôi một bài học: thước đo phẩm chất, giá trị của chúng ta nằm trong sự lựa chọn chúng ta muốn trở nên con người như thế nào khi chúng ta phải đối diện với những thời khắc tăm tối nhất trong cuộc đời của mình.”
Giải thưởng tinh thần Nicholas J. Peters Ozanam
Hội thánh Vinh Sơn Phaolô ở quận San Mateo của thành phố San Francisco đã công nhận di sản tình yêu Kitô giáo của Nicholas bằng cách đổi tên giải thưởng hoạt động giới trẻ của hội thành Giải thưởng tinh thần Nicholas J. Peters Ozanam. Giải thưởng này công nhận sự phục vụ dành cho người nghèo và người khốn khổ, dành để tôn vinh Frederic Ozanam, một sinh viên đại học người Pháp, người đã thành lập Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô vào năm 1833 để đối mặt với tình trạng nghèo đói khủng khiếp mà anh nhìn thấy trên đường phố Paris.
Phát biểu tại buổi tiệc trao giải thưởng hàng năm của Hội thánh Vinh Sơn Phaolô vào tháng 9 vừa qua, bà Peters nói: “Sứ mạng lớn nhất của Nicholas là truyền bá lời Chúa và giúp cho người vô gia sống với nhân phẩm của họ.
Hồng Thủy – Vaticannews