Image by VOV
Bạn thân mến,
Vậy là mấy tuần lễ nay chúng ta không thể nào gặp nhau đông đủ. Chúng ta cũng chưa biết khi nào nghi thức phụng vụ, thánh lễ được cử hành trở lại trong ngôi thánh đường này. Đó không chỉ là thời gian dài mong mỏi đối với các bạn. Với tôi cũng thế. Đó là nỗi buồn vô tận mà một thánh đường như tôi đang phải trải qua. Dù là những thánh đường nguy nga tráng lệ, hay những nhà thờ đơn sơ nhỏ bé, tất cả chúng tôi đều chung nỗi buồn miên man đó. Một mình tôi với Thiên Chúa trong nhà tạm. Nhìn cha xứ với vài người giúp lễ cử hành phụng vụ, lòng tôi đau lắm!
Dẫu các bạn có thể nhìn thấy tôi trong các phương tiện truyền thông nơi thánh lễ Online, nhưng làm sao bằng chúng ta cùng nhau hiện diện. Cộng đoàn quy tụ với nhau bao giờ cũng sống động và lan tỏa niềm vui của Chúa nhanh hơn. Tôi tin mỗi người đều có cảm giác là lạ nào đó trong những ngày Tuần Thánh. “Ôi! nhà thờ mình kìa, cha xứ mình kìa” – có người thốt lên. Tiếc là các bạn cũng chẳng thể cử hành các nghi thức tuần thánh với cha xứ của mình, trong ngôi thánh đường tôi đây. Ai cũng chạnh lòng!
Dĩ nhiên đây là kinh nghiệm rất khác cho tôi. Buồn có, thổn thức và lo lắng cũng có. Từ trước tới giờ, chẳng ai có thể ngăn cản giáo dân đến với thánh đường để phụng thờ Thiên Chúa. Vậy mà chỉ với virus Covid–19 cực nhỏ, chúng ta phải xa cách. Không chỉ tại Giáo Hội Việt Nam, nhưng hầu hết ở nhiều quốc gia, các nhà thờ chúng tôi và giáo dân đều trải qua kinh nghiệm vô tiền khoáng hậu này. Hôm nay tôi viết cho các bạn, từ một nơi thánh đường thanh vắng, nhìn ra khoảng sân rộng bao la, không một bóng người.
Các bạn ở nhà, cách ly xã hội, có khỏe không?
Trong thánh lễ Online, thi thoảng nghe cha xứ cũng hỏi thăm sức khỏe của con chiên mình, nhưng tôi không nghe thấy các bạn hồi âm. Dẫu sao tôi tin các bạn và gia đình vẫn nhiều bình an trong thời gian này. Bởi tôi biết, Thiên Chúa không chỉ ở trong thánh đường, vốn như Ngài vẫn chờ đợi con chiên, nhưng thời đại dịch, chính Thiên Chúa còn đến tận nhà các bạn. Chúa muốn thánh hóa gia đình và tâm hồn mỗi người. Có Thiên Chúa hiện diện, tôi mong các bạn luôn hồn an xác mạnh.
Ở nhà, các bạn có lo lắng không?
Cũng qua cha xứ, và vài người còn lui tới nhà thờ, tôi nghe loáng thoáng nhiều người đang hoang mang vì đại dịch ngày càng bùng phát ở nhiều nơi. Tuy Đức Giêsu đã phục sinh, nhưng không ít người vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa quan phòng. Thực ra đó là nỗi lo của nhiều người trên thế giới. Mong các bạn đừng quá hoang mang mà ảnh hưởng đến đời sống và hành trình đức tin.
Thánh đường là dấu chỉ hiện diện của Giáo Hội tại địa phương. Dĩ nhiên nơi giáo đường, các tín hữu gặp gỡ và thờ phượng Thiên Chúa, đặc biệt là Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Trong nghĩa này, tôi đoán rằng nhiều người thường nhìn về hướng nhà thờ để nguyện cầu với Chúa. Cứ nhìn về tháp chuông, nhìn lên Thiên Chúa để trao những lo lắng ấy cho Ngài. Chẳng phải nhiều lần chúng ta trong nhà thờ nghe Đức Giêsu trấn an sao: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50).
Khi ở nhà, các bạn có biết cha xứ như thế nào không?
Thi thoảng tôi nghe người ta gọi điện hỏi thăm cha xứ. Nhiều cha xứ bên cạnh cũng thường xuyên liên kết với con chiên trên mạng Internet. Tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa, vì rất nhiều cha xứ của các bạn cẩn trọng đưa Mình Thánh Chúa, trao ban bí tích sau cùng đến những ai cần. Trong thời điểm này, nhà xứ vắng bóng giáo dân, tôi thấy cha xứ lui tới nhà thờ để chầu thánh thể nhiều hơn. Trái tim vị mục tử luôn cầu nguyện cho mỗi con chiên của mình. Các ngài chẳng biết làm gì hơn ngoài những sáng kiến trong khả năng của mình. Cộng với ơn Chúa, các ngài tin rằng giáo dân của mình được thật nhiều bình an trong thời gian này.
Khi ở nhà, các bạn có thể cầu nguyện được không?
Trong mỗi lần thánh lễ Online, tôi thường nghe cha xứ nhắn các bạn cầu nguyện thật nhiều. Có lần chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại nhà nguyện thánh Mát–ta khuyên các tín hữu thường cầm hai thứ này trong tay: Kinh Thánh và Chuỗi Mân Côi. Đó là phương thế để giúp chúng ta cầu nguyện. Tôi thấy cuốn Kinh Thánh trong các nhà thờ luôn mở, những chuỗi mân côi ở tượng Đức Mẹ luôn có. Chỉ khác là lúc này, người ta chẳng thể quy tụ để nguyện cầu. Vậy đây là thời cơ để gia đình các bạn cùng với Thiên Chúa và Đức Mẹ nguyện cầu thật nhiều. Tôi tin gia đình của các bạn cũng là nơi thánh đường thu nhỏ. Nhà của các bạn là hội thánh tại gia. Hãy để đền thờ tâm hồn của các bạn vang lên tiếng nguyện cầu, lời van xin và những thánh ca du dương dâng về Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, ngay giữa những mối bận tâm lúc này, các bạn có thể nâng tâm tình lên với Chúa qua việc “Rước lễ thiêng liêng”. Đó là cách tuyệt vời để thổ lộ với Chúa những khao khát, và để kết hiệp với Ngài khi không thể đến nhà thờ. Tôi nhớ có lần Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu viết: “Con không thể rước lễ thường xuyên như con muốn; nhưng Chúa ơi, Ngài không phải là Đấng toàn năng sao? Xin hãy ở trong con, như trong Nhà Tạm, đừng bao giờ rời xa của lễ hiến tế nhỏ bé của Ngài.” Chẳng lẽ bạn van nài như thế, Thiên Chúa lại không ngự vào tâm hồn bạn sao?
Khi ở nhà, các bạn còn làm gì nữa?
Đó là câu hỏi tôi muốn gửi đến cho mỗi người. Mong rằng sau thời gian đại dịch, đoàn giáo dân lại hoan hỷ chạy đến ngôi thánh đường tôi đây. Khi đó, chúng ta hãy kể về những kinh nghiệm lúc này với cha xứ, với nhau và với tôi nữa nhé! Tôi tin mỗi người đều có kinh nghiệm độc đáo, cá vị về Thiên Chúa. Ngài vẫn đang lao tác để cứu độ con người. Thiên Chúa không chỉ ở nơi nhà tạm, trong nhà thờ. Tôi thấy Ngài còn ở từng gia đình của các bạn. Ngài đang ở gần các bệnh nhân, các y bác sĩ, các tổ chức thiện nguyện. Ngài đang khóc thương biết bao nạn nhân nơi nghĩa trang. Cũng như các bạn, tôi tin rằng Thiên Chúa cũng đang miệt mài soi sáng cho các nhà khoa học tìm ra Vác–xin và phương thuốc chữa trị con virus này.
Vài lời muốn chia sẻ với các bạn trên đây. Về phần tôi, tuy có chút buồn miên man khi thấy trong nhà thờ vắng giáo dân, ngoài nhà thờ cũng im hơi lặng tiếng, nhưng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Tôi vẫn đứng sừng sững giữa giáo xứ của các bạn. Trên cao, tôi có thể nhìn thấy gia đình các bạn; dưới đất dù ở xa, các bạn cũng có thể thấy tháp chuông hoặc nóc nhà thờ tôi đây. Chúng ta vẫn liên lạc với nhau mà, đúng không? Đừng quên chính Thiên Chúa mới quan trọng, thánh đường chỉ là nơi để chúng ta gặp Thiên Chúa. Hết mùa dịch, chúng ta lại gặp nhau mà.
Chúc các bạn có một Mùa Phục Sinh thật nhiều ơn Chúa! Nhớ các bạn thật nhiều, nhiều lắm!
Ký tên: nhà thờ những ngày vắng giáo dân. (WHĐ)
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ