HƯỚNG VỀ MIỀN TRUNG

Thương lắm miền Trung ơi! Đau xót quá miền Trung ơi! Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những lời kêu than, rên siết của rất nhiều người Việt Nam trong những ngày gần đây khi chứng kiến cảnh tượng lũ lụt ở miền Trung. Bản thân tôi cũng cảm thấy vô cùng xúc động, đồng cảm và chạnh lòng khi nghĩ đến đồng bào miền Trung.

Miền Trung của đất nước Việt Nam chúng ta từ trước tới nay luôn được cả nước hướng về, nhìn về với tên gọi thân thương là “khúc ruột miền Trung”. Tại sao lại gọi là “khúc ruột miền Trung”? Đôi lúc tôi cũng thắc mắc về điều này và suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, có hai lý do để giải thích điều này. Thứ nhất, xét về mặt địa lý, miền Trung Việt Nam là một dải đất hẹp và kéo dài, nó khiến ta liên tưởng tới hình ảnh khúc ruột. Thứ hai, xét về mặt đời sống xã hội, chính điều kiện sống nghèo khổ, hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt nơi đây làm cho mọi người luôn cảm thấy đau “quặn lòng” khi nghĩ về cuộc sống và con người của mảnh đất này. Và thuật ngữ “khúc ruột miền Trung” có lẽ ra đời từ đó chăng? Và trong rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về đời sống của người miền Trung, có một câu đã lột tả được thuật ngữ trên:

“Đói lòng ăn quả khổ qua

Nuốt vào thì đắng, nhả ra bạn cười”

Đối với bản thân tôi, đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến và cảm nhận những mất mát, đau thương mà người dân miền Trung đang hứng chịu. Ngay từ khi còn bé, từ lúc tôi còn là cậu học sinh lớp Một của một trường Tiểu học ngoài Thủ đô Hà Nội, tôi đã được nghe nói về cuộc sống cơ cực của người dân miền Trung qua lời kể của các thầy, cô giáo. Trong các giờ học về môn Đạo Đức hay trong những giờ sinh hoạt lớp, các cô giáo có kể cho tôi và các bạn nghe về những câu chuyện bi thương mà những bạn nhỏ cùng người dân nơi dải đất miền Trung phải đối mặt. Tuy còn nhỏ tuổi, thế nhưng tôi cũng biết được rằng tôi và các bạn trong lớp là những người thật may mắn. Tôi và các bạn được sinh ra và lớn lên nơi thành phố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, điều kiện sống thì vô cùng thoải mái. Tôi muốn gì được nấy, tôi được ba mẹ chiều chuộng và đáp ứng mọi điều mà tôi thích. Vì lẽ đó, tôi đã không thể hiểu được cái cảm giác khốn khổ và thiếu thốn mà những người bạn cùng trang lứa ở Nghệ An, Hà Tĩnh hay Quảng Bình, Quảng Trị phải chịu đựng và trải nghiệm từng ngày. Hồi nhỏ, tôi chỉ nhớ là ba tôi hay kể cho tôi về cuộc sống nơi miền Trung, ba tôi nói những vùng đất đó nghèo lắm, nghèo đến nỗi người ta gọi là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Và chính vì thế mà người dân miền Trung họ có ý chí mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.

Ngày còn bé, ở trường học các thầy cô giáo thường xuyên phát động những chiến dịch quyên góp tiền, sách vở hay quần áo để ủng hộ người dân và các bạn học sinh đang chịu cảnh thiên tai, lũ lụt nơi “khúc ruột miền Trung”. Đối với tôi và các bạn trong lớp hồi đó, mỗi ngày đến trường có khoảng 5.000 đồng hoặc 7.000 đồng trong tay để ăn quà sáng, để mua những đồ ăn vặt hay để mua một món đồ chơi ngoài cổng trường là một điều bình thường. Nhiều lúc, tôi còn xem nhẹ những đồng tiền mà ba mẹ vất vả làm lụng đưa cho. Có những lúc, thấy các bạn ở trường có tiền tiêu vặt, tôi xin mẹ tôi ít tiền. Mẹ tôi nói: “Con còn bé, không được tiêu tiền vặt, cứ tiêu vặt quen dần rồi hư người đi”. Có thể lúc đó, tôi nghĩ mẹ tôi keo kiệt, bủn xỉn nhưng bây giờ tôi mới hiểu được lời nói đó. Tôi biết rằng với tôi đó chỉ là những đồng tiền bình thường, nhưng đối với những con người nơi miền Trung khốn khó thì đó là một sự lao nhọc cùng cực, là những giọt mồ hôi phải đổ xuống đất giữa thời tiết oi bức, là những gì phải đánh đổi với thiên nhiên khắc nghiệt để có được. Tôi nghĩ, nếu tôi sinh ra ở miền Trung, có lẽ sẽ không bao giờ tôi đòi tiền tiêu vặt của ba mẹ. Tuy nhiên, qua đó tôi mới thấy được giá trị của đồng tiền, tôi mới thấy được công ơn cha mẹ, tôi mới hiểu được đời sống của con người miền Trung. Đó chính là điều mà tôi học được trong đời mình. Điều này đúng như lời nữ văn sĩ người Mỹ Helen Keller đã nói: “Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn cần phải sống mới hiểu được”.

 Với tôi, hồi còn nhỏ thì những quyển sách, quyển vở chỉ là những gì quá đỗi bình thường trong chiếc cặp sách trên đường tới trường và đi về nhà. Có những lúc, tôi để sách vở, đồ dùng học tập lung tung nhưng với những bạn học sinh miền Trung thì lại khác. Họ nâng niu và yêu mến từng trang sách, họ bảo quản và gìn giữ từng chiếc bút, cái thước kẻ vì họ sống trong hoàn cảnh nghèo khổ nên họ biết trân trọng những gì họ có dù cho đó là những điều nhỏ bé. Trong chiếc tủ đựng đồ của gia đình, tôi có rất nhiều những bộ quần áo. Quần áo đi học, quần áo đi chơi tôi đều có. Những đôi dép xăng-đan, đôi giầy để tới trường là những điều bình thường hay đôi khi thừa thãi đối với tôi. Nhưng khi đó, những người bạn cùng trang lứa ở miền Trung lại không có quần áo để mặc, các bạn đôi khi phải đi chân đất dưới cái nắng nóng rát để tới trường. Tôi suy nghĩ, nếu đem tôi so sánh với các bạn miền Trung, tôi hơn họ rất nhiều, và ngược lại, họ quá thiếu thốn và nghèo khổ so với tôi. Còn tôi thì sao? Tôi sống trong sự bao bọc và che chở của gia đình nên đâu thể biết yêu mến những gì xung quanh tôi. Nhiều lúc, tôi thấy ở lớp có ai có cái bút đẹp hơn cái bút của tôi, tôi đòi ba mẹ mua. Tôi thấy ai có truyện tranh Doremon, tôi đòi ba mẹ mua. Tôi đòi hỏi mà không hề biết rằng ba mẹ mình cảm thấy đau lòng khi những hy sinh của ba mẹ phải đem ra để đáp ứng đòi hỏi vô lý của tôi. Và nếu ba mẹ tôi là những người nông dân miền Trung, có lẽ ba mẹ tôi sẽ rất buồn và thất vọng về tôi. Nếu gia đình tôi là một gia đình ở miền Trung, chắc tôi cũng không dám đòi hỏi như vậy. Do đó, tôi cảm thấy mình quá may mắn khi sinh ra trong gia đình bình thường nơi thành thị. Sau này, khi tôi lớn lên, tôi được tiếp xúc với những khó khăn và thử thách của cuộc sống, tôi mới thấu hiểu được phần nào những nỗi khổ của người dân miền Trung. Cuộc đời tôi nhờ có trải nghiệm đau khổ mà biết được về miền Trung. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Jack Ma khẳng định: “Chúng ta sinh ra để sống và để trải nghiệm cuộc sống”.

Lớn lên, với vị trí là một người Công giáo, qua việc tiếp xúc với internet và các phương tiện truyền thông – tôi hạnh phúc được biết một điều tuyệt vời. Đó là nơi miền Trung nghèo khổ có rất nhiều người tín hữu Công giáo sinh sống, họ là những người anh em và bạn hữu của tôi bởi tôi cũng là người Công giáo giống như họ. Tuy được sinh sống nơi mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, tôi vẫn cảm thấy mình thiếu thốn về đời sống tinh thần. Nhờ những người bạn Công giáo, tôi lại càng thêm hiểu về miền Trung nhiều hơn. Có lẽ, Thiên Chúa đã thông qua những người Công giáo miền Trung để rèn luyện và uốn nắn tôi trở nên một con người biết thương yêu và đồng cảm với những khó khăn mà nhiều giáo xứ, giáo họ và giáo dân nơi giáo phận Vinh và giáo phận Hà Tĩnh. Những ngày gần đây, tôi liên tục nhìn thấy những cảnh tượng đau lòng mà nhiều người giáo dân miền Trung đang phải gồng mình để vượt qua. Tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến việc cha xứ Cồn Sẻ Bonaventura Trương Văn Vút phải kiệu Mình Thánh ra khỏi nhà thờ vì nước lũ sắp ngập đến nhà tạm. Còn gì xót xa hơn khi ngôi thánh đường trang nghiêm – ngôi nhà nơi Chúa ngự bị ngập lụt hết. Ngày xưa, Chúa Giêsu đã phải tức giận khi nhiều người biến nhà Chúa thành nơi buôn bán, đổi chác với lổm ngổm những đàn dê, đàn cừu cùng những thói hư, tật xấu của thế tục. Tôi tự hỏi, nếu Chúa Giêsu nhìn thấy nhà Chúa bị nước lũ hoành hành, Ngài sẽ có cảm nghĩ như thế nào. Nhìn thấy cảnh lũ lụt nơi các giáo xứ miền Trung, tôi suy tư về cơn đại hồng thủy mà xưa kia Chúa đã thực hiện để làm trong sạch thế gian bị vướng nhơ bởi tội lỗi do chính con người gây ra. Có những lúc, tôi thắc mắc là tại sao không phải là miền Bắc, miền Nam chịu lũ lụt mà cứ phải là miền Trung. Tôi cứ thắc mắc và cứ hỏi tại sao để rồi bất lực trong việc tìm kiếm lời giải đáp. Từ chính sự bất lực đó, tôi nghi ngờ vào quyền năng và sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngài ở đâu khi những người giáo dân phải chịu đựng cái rét, cái đói? Ngài ở đâu khi chính nơi linh thiêng là nhà thờ cũng bị xáo trộn bởi những cơn nước lũ? Với cảnh tượng đó, các triết gia vô thần có cơ hội để phản bác tư tưởng Giáo Hội. Xenophanes cho rằng Thiên Chúa chỉ là do con người vẽ ra. Friedrich Nietzsche nói rằng Chúa chết rồi. Jean Paul Sartre cho rằng Chúa ném con người vào thế gian để chịu đau khổ. Karl Marx thì nói rằng con người bất lực trước thiên tai và Giáo Hội thì đang ru ngủ những con chiên ngây thơ bằng những mớ giáo lý vô bổ. Còn tôi, tôi không suy nghĩ giống như những vị triết gia đó. Qua lăng kính của Thánh Augustinô hay Thánh Irênê, tôi được biết những gì mà các tín hữu ở miền Trung gánh chịu chỉ là những phương thế để Thiên Chúa đào luyện họ trở nên cứng rắn và mạnh mẽ. Sự dữ không phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng Ngài để cho sự dữ xảy đến với con người để uốn nắn con người. Hơn nữa, từ sự dữ Thiên Chúa sẽ làm ra điều tốt lành bằng chính quyền năng tối thượng của Ngài. Suy tư về phép rửa của ông Gioan, tôi nghĩ những cơn mưa lớn, những dòng nước lũ chỉ là những gì mà Thiên Chúa sử dụng để thanh tẩy và gột rửa những vết nhơ nơi trần thế. Xét theo khía cạnh đức tin, những người giáo dân nơi miền Trung sẽ trở nên những con người mới sau những thách thức của thảm họa thiên nhiên, họ cũng có thể trở nên những chứng nhân cho Chúa về lòng dũng cảm, lòng nhân ái và tình đoàn kết. Những điều này được thể hiện qua những chuyến thăm mục vụ của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, qua những lời kể và lời chia sẻ đầy xúc động của các vị chủ chăn và giáo dân về những ngày bão lũ. Đức Cha Phaolô chính là minh chứng rõ nét cho một tình yêu đích thực vì ngài yêu thương giáo dân miền Trung không chỉ bằng lời rao giảng trong các thánh lễ, mà còn bằng chính những hành động thiết thực của ngài. Tấm gương của Đức Cha Phaolô làm nổi bật câu nói của nhà văn Hoa Kỳ William Arthur Ward: “Yêu không chỉ là một danh từ – nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc – nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh”. Tôi nhìn về miền Trung, tôi hướng về miền Trung với lời cầu xin Thiên Chúa che chở và nâng đỡ những con người nơi đây. Chính trong thời gian đau thương này, tôi cảm nhận được sự hiệp thông của Hội Thánh dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Cao hơn nữa, sâu xa hơn nữa, tôi cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa đang hiện hữu tại chính những nơi đau thương, tang tóc của miền Trung. Nghĩ tới đây, tôi gặp được câu nói của Thánh Gioan Don Bosco: “Yêu thương là không đủ nhưng chúng ta phải nhận thấy là chúng ta được yêu thương”. Tôi nhận thấy mình phải thêm lời cầu nguyện cho các giáo xứ tại Vinh và Hà Tĩnh bởi họ đều là anh chị em, bạn hữu của tôi. Nếu tôi không yêu mến họ, đồng nghĩa với việc tôi không yêu mến Thiên Chúa. Vì thế, tôi nghĩ những ngày lũ lụt cũng là dịp để tôi nhận thức được nhiều bài học hay trong cuộc sống. Đó là một trải nghiệm thú vị mà chính Chúa muốn tôi thực hiện như lời nói của Soren Kierkegaard – một triết gia hiện sinh hữu thần người Đan Mạch: “Cuộc sống không phải là một vấn đề cần phải được giải quyết, mà là một thực tại cần phải được trải nghiệm”.

Năm 2013, tôi cảm thấy buồn và sốc khi biết tin Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm và không còn lãnh đạo Giáo Hội. Tôi buồn bởi vì Giáo Hội cũng đang phải gồng mình để chịu đựng một cơn lũ lụt giống như miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, cơn lũ lụt của miền Trung là một thảm họa hữu hình, là một sự dữ về mặt thể lý. Thảm họa đó chúng ta có thể cảm nhận bằng chính những giác quan thông thường của một con người. Còn thiên tai mà Hội Thánh trên khắp thế giới đang phải đối mặt là một thảm họa vô hình, chúng ta không thể cảm nhận được. Thảm họa đó là những bê bối, những vấn nạn, những điều xấu xảy ra ngay trong lòng Giáo Hội. Những bê bối đó giống như những cơn sóng thần, dòng nước lũ đang không ngừng tấn công vào Hội Thánh nơi trần thế. Vì thế, đôi lúc tôi nhìn về miền Trung cùng với những suy tư, trăn trở khi con thuyền Giáo Hội cũng đang trong tình cảnh lênh đênh giữa biển cả thế gian, vậy mà người thuyền trưởng lại ra đi. Nhưng sau đó, tôi lại cảm thấy hân hoan và vui mừng vì con thuyền Giáo Hội có một vị thuyền trưởng mới, đó là Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi nghĩ Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp có nhiều điểm giống với vị Giáo Hoàng tới từ Nam Mỹ. Đó là tình yêu thương vô bờ bến, là lòng khiêm nhường lạ lùng. Và chính những đức tính đó đã giúp Đức Phanxicô ngăn cản được những cơn sóng dữ của thế tục. Cũng với những đức tính đó, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã giúp đỡ các tín hữu ở miền Trung xua tan được nỗi lo âu, nỗi buồn tủi trong dịp mưa lũ. Đức Thánh Cha Phanxicô có rất nhiều câu nói hay và ý nghĩa. Ngài nói: “Đừng từ bỏ mơ ước cho một thế giới công bằng hơn”. Người dân miền Trung cũng đang phải chịu những bất công vì không được thiên nhiên, khí hậu ưu đãi, đời sống của họ không bao giờ dư đầy như người dân những nơi khác. Là một tín hữu, tôi biết mình phải cầu nguyện cho họ và mong muốn những điều tốt lành đến với họ. Đức Giáo Hoàng của những người nghèo có hai câu nói về tình yêu và hòa bình rất hay, đó là “Bình an là ngôn ngữ chúng ta phải nói”“Tình yêu là thước đo của đức tin”. Khi những người tín hữu miền Trung gặp nạn, chúng ta phải biết gửi những lời chúc bình an cho họ. Thêm vào đó, khi chúng ta xây dựng tình yêu thương, nghĩa là chúng ta làm theo Lời Chúa vì chúng ta tin vào những gì Thiên Chúa đã nói với chúng ta. Tin vào Thiên Chúa là tin vào một Đấng đầy tình thương yêu. Còn một câu nói nữa vô cùng ý nghĩa của Đức Phanxicô: “Khi một người sống dựa vào tiền bạc, sự kiêu hãnh hay quyền lực thì không thể thực sự hạnh phúc”. Tôi suy nghĩ về câu nói đó, tôi thấy rằng nếu tôi không có sự cảm động, sự thông cảm với những người dân miền Trung, tôi không thể hiểu họ và hiểu được chính mình. Nếu tôi không biết chia sẻ những đồng tiền, những tài sản mình có cho người nghèo tôi sẽ mãi sống trong ngục tù của sự ích kỷ. Vậy, nhờ có Đức Thánh Cha mà tôi có thêm một cái nhìn mới khi nghĩ về miền Trung, tôi có thêm một con đường để trở nên nhân chứng của Thiên Chúa cho người nghèo.

Để kết lại những suy nghĩ và thao thức của bản thân về mảnh đất miền Trung, tôi xin được trích dẫn vài lời trong bài hát “Mưa chiều miền Trung”. Tôi rất thích nghe bài hát này bởi nó chứa đựng nhiều điều sâu sắc về thiên nhiên, khí hậu cũng như tình cảm chân tình đầy yêu thương của con người miền Trung. Với tôi, đây là một ca khúc đầy tình cảm và sâu lắng được nhiều ca sĩ thể hiện, trong đó có ca sĩ người Công giáo Cẩm Ly:

 

“Miền Trung đất bồi phù sa

Người miền Trung gian khó nhiều đời qua

Từ khi anh xa quê nhà từ đó em nhớ mong người xa

Mùa đông mây lững lờ trôi

Trời miền Trung mưa lắm bạn tình ơi

Chờ anh nay bao đông rồi mà anh chưa về bến đợi

 

 

Dòng sông vẫn trôi, đò xưa nay không còn nữa

Mây kia vẫn bay, sao hờ hững giữa đất trời

Miền Trung nước lên đau lòng xa rồi người em

Ơi! Quê hương man mát buồn

Chiều miền Trung mưa tím bến sông”.

Giuse Phạm Quang Huy.