Các Thánh thời đại dịch

Trong những thời khắc khốc liệt của lịch sử, đã xuất hiện các vị thánh được ơn chữa lành và ơn an ủi các nạn nhân như dấu chỉ của lòng thương xót Chúa vẫn dành cho nhân loại.

Âu châu thời Trung Cổ chìm đắm trong những cơn đại dịch kéo dài hàng mấy thế kỷ, lúc dữ dội lúc tạm lắng nhưng luôn bao trùm bầu tử khí khắp nơi.

Cơn đại dịch Cái Chết Đen bắt đầu vào thế kỷ XIV và bùng phát từ năm 1346-1351, sát hại khoảng một nửa dân số Âu châu lúc bấy giờ (25-50 triệu người).

Thế kỷ XVII, tại Ý lại bùng lên cơn dịch hạch kéo dài từ 1629-1631 bắt đầu từ thành phố Milanô rồi lan sang các nơi khác như Verona, Venezia, Firenze… cướp đi mạng sống của gần 300.000 người, trong đó có đến một nửa dân Verona và 1/3 dân thành Venezia.

Đại dịch Luân Đôn hoành hành nhiều lần thành phố này và kéo dài từ thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII, nhất là giữa những năm 1665-1666 mà có lúc 8.000 người chết trong một tuần. Cơn dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 75.000-100.000 người.

Cơn đại dịch Marseille, Pháp, khởi phát vào năm 1720 tại thành phố hải cảng này. Người ta chết như rạ khắp nơi. Khi cơn dịch qua đi vào năm 1722, ước tính khoảng 100.000 người đã chết.

Trong những thời khắc khốc liệt ấy, đã xuất hiện các vị thánh được ơn chữa lành và ơn an ủi các nạn nhân như dấu chỉ của lòng thương xót Chúa vẫn dành cho nhân loại. Có vị đã phải đánh đổi bằng chính mạng sống mình khi phục vụ các nạn nhân. Xin được giới thiệu dưới đây những vị thánh tiêu biểu trong thời đại dịch.

Thánh Rôcô (1295-1327)

Theo truyền thống, thánh Rôcô sinh khoảng năm 1295 tại Montpellier, nước Pháp. Lớn lên, Rôcô theo học ngành y. Sau khi cha mẹ qua đời, thánh nhân bán hết tài sản thừa kế, đem phân phát cho người nghèo, gia nhập Dòng Ba Phan Sinh rồi lên đường hành hương Rôma đang lúc Cái Chết Đen khởi phát ở Âu châu. Trên đường đến Rôma, thánh Rôcô đã cứu giúp nhiều bệnh nhân bằng các phép lạ chữa lành nhờ lời cầu nguyện, dấu thánh giá và việc người đặt tay trên họ. Nhưng rồi chính thánh nhân cũng nhiễm bệnh. Người rút vào một cái hang ở ngoại ô thành Piacenza nước Ý. Lúc bệnh nặng hầu chết, bỗng có một chú chó mang thức ăn đến mà nhờ đó người đã được cứu sống. Hình thánh Rôcô thường có một con chó và cây gậy. Đó là cây gậy hành hương và chú chó ân nhân của người. Thánh Rôcô qua đời ngày 16 tháng 8 năm 1327 khi mới hơn 30 tuổi.

Vậy chúng con xin nhờ lời ông thánh Rôcô chuyển cầu cho chúng con, dám xin Chúa vì công nghiệp Người, khẩn cứu chúng con hồn xác đều khỏi ôn dịch hiểm nghèo. (Kinh Ông Thánh Rôcô)

Thánh Catarina Siêna (1347-1380)

Catarina sinh ngày 25 tháng 3 năm 1347, đúng lúc Cơn Dịch Đen đạt đỉnh điểm sự tàn phá của nó cướp đi cả một nửa dân số Âu châu. Catarina là con út trong một gia đình 25 người con. Cô bé đã may mắn sống sót và lớn lên trong thời đại dịch. Catarina đã không ngần ngại làm việc phục vụ các bệnh nhân vì chị thấy họ rất cần được quan tâm chăm sóc. Bấy giờ có một linh mục tuyên úy bệnh viện nhiễm bệnh nặng và đang nằm chờ chết. Chị Catarina đã đi thẳng vào phòng ngài mà gọi: “Dậy thôi cha ơi! Cha cần phải ăn lấy sức vì có nhiều việc phải làm, không có thì giờ để nằm liệt đâu, thưa cha”. Vị linh mục ngỡ ngàng, ngài ngồi dậy và thấy mình hết bệnh ngay lúc đó.

Cũng có những lúc, chị cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, chị nói: “Lạy Chúa, Ngài đang ở đâu khi mà trái tim con bấn loạn vì những cám dỗ điên dại và đáng ghét ?”. Sau một thời gian, Chúa lại hiện đến với chị, Người nói: “Hỡi con, Ta ở trong trái tim con và nâng đỡ con bằng ân sủng”. Catarina được những lời này an ủi và soi sáng, chị tiếp tục thực thi tình thương và lòng trắc ẩn sâu xa đối với các bệnh nhân trong cơn đại dịch.

Thánh Catarina qua đời ngày 29 tháng 4 năm 1380 khi mới 33 tuổi.

Lạy Chúa là Đấng đã ban cho bà thánh Catarina nên vinh hiển về ơn riêng đức đồng trinh và đức nhịn nhục, mà thắng trận các quỉ dữ cùng giữ lòng kính mến Tên Chúa cách vững vàng, thì xin Chúa ban cho chúng con bắt chước Người, để khi đã giày đạp sự trái thế gian cùng vượt khỏi các mưu kế giặc thù thì được đến nơi cả sáng Chúa bằng an. Vì Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen. (Kinh Bà Thánh Catarina)

Thánh Vinh Sơn Phêriô (1350-1419)

Thánh Vinh Sơn được Thiên Chúa ban cho đặc sủng làm phép lạ đến nỗi người ta nói rằng “Thánh Vinh Sơn không làm phép lạ mới là lạ”.

Thánh nhân sinh tại Valencia, Tây Ban Nha, ngày 23 tháng Giêng năm 1350. Chuyện kể rằng ngay từ trong lòng mẹ, Vinh Sơn đã làm phép lạ: Một hôm, thân mẫu người, khi đang mang thai, đã đến thăm một phụ nữ mù lòa. Người phụ nữ này nghiêng đầu trên bụng thai phụ để nghe xem thai nhi động tĩnh thế nào và lập tức bà được sáng mắt!

Lúc Vinh Sơn chào đời cũng là lúc cơn đại dịch Cái Chết Đen đang hoành hành dữ dội nhất (1348-1350). Chỉ trong hơn 2 năm, nó đã cướp đi sinh mạng dân chúng Âu châu ước tính từ 75-200 triệu người, làm sụt giảm khoảng một nửa dân số. Cơn dịch này còn nhiều lần trở lại cho mãi đến thế kỷ XVIII mới chấm dứt.

Là linh mục Dòng Đa Minh được đặc sủng giảng thuyết và làm phép lạ, thánh nhân đã đi khắp Âu châu mà rao giảng kêu gọi người ta hoán cải, quay về với Thiên Chúa hầu sớm thoát khỏi tai ương. Người đã làm rất nhiều phép lạ để cứu chữa các bệnh nhân trong thời kỳ này. Mỗi ngày hai lần, các bệnh nhân được đưa đến với người và người chữa lành hết thảy. Người ta tính rằng mỗi ngày thánh nhân thực hiện cả trăm phép lạ. Vì thế trong Kinh Ông Thánh Vinh Sơn có lời rằng: “Chúng con lại xin Người phù hộ chúng con phần xác, cho khỏi những sự bệnh nạn, giữ ruộng vườn chúng con cho khỏi những mưa đá bão táp, cùng trừ cất mọi sự gian nguy kẻo làm hại chúng con nữa” và lời khác rằng: “Kẻ mù kẻ què, kẻ đã chết cùng kẻ ốm yếu tật nguyền chạy đến cùng Người; sự chết cùng những sự nguy hiểm cheo leo vâng lời Người. Khí trời cùng đám mây, ôn dịch cùng lửa nóng, biển sông cùng sóng gió, ma quỉ cùng thế gian; cả thay thảy phải thua Người”.

Thánh nhân qua đời ngày 5 tháng 4 năm 1419 tại Vannes, nước Pháp.

Thánh Carôlô Bôrômêô (1538-1584)

Thánh Carôlô Bôrômêô sinh tại Milanô, nước Ý, ngày 2 tháng 10 năm 1538, thuộc gia đình quý tộc và đạo đức. Năm 1559, Carôlô nhận hai bằng tiến sĩ luật lúc mới 21 tuổi. Năm sau, người được triệu về Rôma và được phong hồng y kiêm tổng giám mục Milanô. Người phụ giúp Đức Piô IV trong cuộc bế mạc Công đồng Trentô vào năm 1563.

Vì lòng nhiệt thành, người đã không quản ngại hy sinh vất vả đến kiệt sức để phục vụ Giáo Hội và đoàn chiên. Khi cơn dịch tả và nạn đói xảy ra tại Milanô vào năm 1576-1577, thánh nhân đã dấn thân hết mình khi chính quyền và giới quý tộc đã bỏ chạy vì cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng. Thị trấn Locarnô dưới chân núi Alpơ, với dân số 4.800 người mà chỉ còn 700. Trước tình cảnh ấy, thánh Carôlô đã ban bố các chỉ dẫn để kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh, thiết lập các bệnh viện dã chiến, tổ chức các thiện nguyện viên và các nhân viên y tế tại các bệnh viện, bán tất cả đồ đạc trong tòa giám mục để lấy tiền cứu trợ các nạn nhân. Người miệt mài lo cho dân chúng, thăm viếng và giúp đỡ các bệnh nhân. Cuối cùng người kiệt sức và ngã bệnh mà chết vào ngày 3 tháng 11 năm 1584 khi mới 46 tuổi.

Lạy thánh Carôlô, xin cầu cho chúng con. Amen.

Thánh Camillô Lellis (1550-1614)

Camillô sinh ngày 25 tháng 5 năm 1550 tại miền Napôli, nước Ý, trong một gia đình quý tộc và đạo hạnh. Camillô có một tuổi thơ nghịch ngợm và thời niên thiếu lêu lổng. Nhưng năm 1575, Camillô được ơn hoán cải và quyết tâm dâng mình cho Chúa trong ơn gọi phục vụ các bệnh nhân. Năm 1582, thánh nhân thiết lập Dòng Tá viên phục vụ bệnh nhân (M.I.), quen gọi là Dòng Camillô.

Thời Đức giáo hoàng Grêgôriô XIV (1591), dịch bệnh hoành hành khắp thành Rôma, cướp đi 60.000 sinh mạng. Cha Camillô và các tu sĩ của dòng hiến thân phục vụ các nạn nhân của Cái Chết Đen. Các tu sĩ giúp bệnh nhân ăn uống tắm giặt, thuốc thang. Các vị cũng luôn cận kề bên những người lâm chung để an ủi động viên và cầu nguyện cho họ. Nhờ nỗ lực hết mình của các tu sĩ và nhờ ơn chữa lành của cha Camillô mà dân thành Rôma tin rằng cơn đại dịch đã bị dập tắt đến nỗi lúc bấy giờ người ta gọi cha Camillô là “Vị thánh thành Rôma”.

Thánh nhân qua đời ngày 14 tháng 7 năm 1614 tại Rôma và được Đức Thánh Cha Biển Đức XIV tôn phong hiển thánh vào năm 1746.

Thánh Luy Gonzaga (1568-1591)

Luy Gonzaga sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, nhưng đời sống lại như một thiên thần. Thánh nhân chào đời ngày 9 tháng 3 năm 1568 tại Castiglione, miền bắc nước Ý.

Năm 17 tuổi, Luy gia nhập Dòng Tên và khấn dòng năm 1587 lúc 19 tuổi. Năm 1591, nước Ý lâm cảnh đói kém và bệnh dịch hạch lan tràn. Trước cảnh khốn cùng của dân chúng, thánh Luy đã quyên góp quần áo, thực phẩm và thuốc men để giúp đỡ các nạn nhân. Thánh nhân đưa những người đang hấp hối trên đường phố đến bệnh viện, tận tình chăm sóc, tắm rửa và giúp họ lãnh nhận các bí tích sau cùng. Chính vì lòng bác ái đối với những người đau khổ mà thánh nhân cũng bị nhiễm bệnh. Trên giường bệnh, người đã viết thư cho thân mẫu với tất cả niềm tri ân và tin tưởng vào Chúa: “Thưa mẹ, con thú thật với mẹ rằng: mỗi khi con suy nghĩ về lòng tốt của Chúa, giống như biển không đáy không bờ, linh hồn con như rơi xuống vực sâu ấy, chìm trong cảnh bao la bát ngát, lạc lõng và không biết đáp lại làm sao, vì sau một thời gian làm việc vắn vỏi và sơ sài như thế mà con đã được Chúa ban cho nghỉ ngơi muôn đời”.

Sau ba tháng lâm bệnh, thánh Luy đã ra đi bình an ngày 21 tháng 06 năm 1591, khi mới 23 tuổi. Ngày 31 tháng 12 năm 1726, Đức Giáo hoàng Biển Đức XIII đã nâng người lên bậc hiển thánh.

Lạy Chúa, nhờ lời thánh Luy Gonzaga chuyển cầu, xin ban cho chúng con biết giữ mình khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, sống yêu thương và quảng đại phục vụ mọi người. Amen.

Thánh Vinh Sơn Phaolô (1581-1660)

Thánh nhân sinh ngày 24 tháng 4 năm 1581 tại Pouy, Gascony, nước Pháp. Ngay từ nhỏ, cậu Vinh Sơn có lòng bái ái cao cả đối với người nghèo khổ. Năm 1600, thầy Vinh Sơn chịu chức linh mục. Người nhận ra nhu cầu tâm linh của dân chúng miền quê nghèo khó và đó là khởi đầu cho việc thiết lập các tổ chức từ thiện bác ái, và cùng với thánh nữ Louise de Marillac sáng lập tu hội Nữ Tử Bác Ái với phương châm “tu viện là nhà thương, nguyện đường là nhà thờ xứ, phòng riêng là quán trọ, nội vi là đường phố hay khuôn viên bệnh viện”.

Thánh nhân dấn thân cho việc thiết lập các trại trẻ mồ côi, nhà thương, cứu trợ dân tị nạn, chăm sóc thương bệnh binh cũng như cứu giúp các bệnh nhân của trận dịch hạch thời bấy giờ. Trong thời dịch bệnh bùng phát từ năm 1624-1640, thánh nhân đẩy mạnh các hoạt động xã hội và nhân đạo, khuyến khích việc thiết lập các hội đoàn dấn thân cho việc chôn cất các nạn nhân, dọn dẹp và tẩy rửa những nơi có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan.

Thánh nhân qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Paris và được phong hiển thánh ngày 16 tháng 6 năm 1737.

Phải ưu tiên phục vụ người nghèo không được trì hoãn. Khi chị em bỏ đọc kinh cầu nguyện để giúp đỡ người nghèo thì hãy nhớ rằng chị em đang phục vụ Thiên Chúa”. (Bút ký của thánh Vinh Sơn Phaolô)

Lạy thánh Vinh Sơn Phaolô, xin cho chúng con biết nghe lời ngài dạy và bắt chước việc ngài làm mà xả thân vì bác ái. Amen.

Trong cơn đại dịch, chúng ta hãy chạy đến cùng các thánh mà kêu xin các ngài cứu giúp nhân loại ngày nay như xưa các ngài đã thương cứu giúp:

Thánh Rôcô, cầu cho chúng con.
Thánh Catarina Siêna, cầu cho chúng con.
Thánh Vinh Sơn Phêriô, cầu cho chúng con.
Thánh Carôlô Borrômêô, cầu cho chúng con.
Thánh Camillô Lellis, cầu cho chúng con.
Thánh Luy Gonzaga, cầu cho chúng con.
Thánh Vinh Sơn Phaolô, cầu cho chúng con.

 

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu