Về Nhà Đi Con! – Câu Chuyện Người Cha Nhân Hậu Trong Sách Sáng Thế

VỀ NHÀ ĐI CON!

CÂU CHUYỆN NGƯỜI CHA NHÂN HẬU TRONG SÁCH SÁNG THẾ

Có lẽ mỗi người chúng ta đã quá quen thuộc với câu chuyện người con hoang đàng hay người cha nhân hậu trong Lc 15,11-32 và ngày hôm nay, tôi sẽ không bàn về khái niệm tội tổ tông là gì, cũng không bàn về những phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa phú tặng cho con người ngay từ thủa ban đầu, thế nhưng, tất cả chỉ đơn thuần là một câu chuyện gia đình, một câu chuyện kể về người cha hết mực nhân hậu và đứa con ngỗ nghịch của ông. Câu chuyện được rút ra từ 3 chương đầu của sách Sáng Thế.

Cả người Cha lẫn người con trong câu chuyện này đều được miêu tả một cách đầy tinh tế. Xét về bên ngoài, người Cha là một người vô cùng giàu có, cả vũ trụ này đều được ông tạo dựng, hết thảy đều là gia sản của ông, ông vui thích vì điều đó và mọi sự đều tốt đẹp (Sáng thế chương 1). Về phương diện gia đình, Người Cha ấy hết mực yêu thương con cái, ông không chỉ đóng vai trò là người cha nhưng còn là người thầy, dạy cho con biết cuốc đất, biết lao động trong vườn (Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây …ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai, St chương 2) , hay thậm chí ông còn đóng vai trò người bạn, hàng ngày cùng tản bộ, cùng vui đùa với những đứa con của mình.

Về phần người con, câu chuyện miêu tả người con này hao hao giống người cha vì được sinh ra theo hình ảnh của ông (St 1,26-27). Thế nhưng, dầu sao con vẫn là con, cậu không giống với người cha về tất cả mọi mặt bởi lẽ cậu còn mang trong mình một sự yếu đuối, mỏng manh và bất toàn, cậu không đáng được gọi là cục đất, cậu chỉ là bụi đất mà thôi (St 1,7).

Thế nhưng, người cha chẳng bao giờ coi thường cậu, ông nâng niu, chăm sóc cậu từng chút một và cho phép cậu quản lý toàn bộ tài sản của ông. Nếu như trong 6 ngày ông đã vất vả làm lụng thì ngày thứ bảy ông nghỉ ngơi. Tuy vậy, chúng ta cần hiểu rằng, người cha nghỉ ngơi không phải vì ông quá mệt mỏi nhưng chỉ vì ông muốn lui lại phía sau sân khấu để nhường chỗ cho đứa con yêu của mình mà thôi. Ông cũng trao cho cậu đặc quyền sở hữu, quyền đặt tên trên tài sản của ông (so sánh chương 1 và chương 2: Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”; Thiên Chúa gọi vòm đó là “trời”… hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế). Không chỉ dừng ở đó, người cha luôn tôn trọng tự do của con, ông dặn dò cậu: “Con xem con ở cùng cha, hết mọi sự của cha đều là của con, ở cùng cha và nghe lời cha con sẽ sống tốt và luôn hạnh phúc; không nghe lời cha thì chỉ có khổ thôi! Tự do là của con, tùy con chọn lựa!”

Một ngày kia, tên gia nhân gian xảo nói với người con: “Có phải ông chủ không cho cậu bất kỳ đặc quyền gì phải không?” (Khi đọc kỹ St 3,1 và liên hệ với văn hóa Cận Đông cổ chúng ta sẽ hiểu vì sao tác giả lại sử dụng hình tượng con rắn ở đây. Thứ nhất, tác giả Kinh Thánh đã vay mượn hình tượng con rắn là kẻ đã cướp cây trường sinh của người anh hùng Gilgamesh trong sử thi của người Ba-bi-lon. Thứ hai, trong tín ngưỡng của các quốc gia Cận Đông cổ, rắn được tôn sùng như một vị thần của sự phì nhiêu và sự sống. Thế nên, việc tác giả sử dụng hình tượng con rắn và câu “Đức Chúa là Thiên Chúa” ở đây như một lời tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa đích thực và thần rắn – thần của sự sống, của sinh sản chỉ là sự giả dối, phù phiếm mà thôi. Điều thú vị còn đẩy đến cao trào khi tác giả sử dụng lối chơi chữ: trần truồng và xảo quyệt (arum –arumim) là hai từ đọc gần giống nhau. Sự xảo quyệt của con rắn được thể hiện qua việc nó bóp méo lệnh truyền của Thiên Chúa, sự trần truồng cũng là hậu quả của việc Eva bắt chước con rắn bóp méo lệnh truyền của Thiên Chúa trong suy nghĩ, trong lời nói và trong chính hành động của bà (ĐỨC CHÚA phán: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn ; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết; Eva nói: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo : ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’)).

Cậu con trả lời: “Đâu có, tôi được hưởng đặc quyền đấy chứ, chỉ có điều cha tôi nói ngày nào mà tôi không ở với ông, không nghe lời ông thì chỉ có khổ mà thôi!”. Tên gia nhân gian xảo đáp: “Giời ạ, khổ cái gì đâu, chẳng qua ông ta muốn kiềm chế cậu, muốn giữ bo bo tài sản của mình, chắc là ông ta sợ nếu cậu không còn ở cùng ông, không nghe lời ông thì cậu sẽ trở thành ông chủ lớn, có khi thành công hơn nữa ấy chứ!”. Nghe lời bùi tai, cậu con trai quyết định đoạn tuyệt với cha mình bằng cách không vâng phục ông nữa. Tham vọng đã làm mờ mắt của cậu, cậu không còn nhận ra người cha luôn yêu thương cậu hết mực, chăm sóc cậu hết tình. Trong mắt cậu bây giờ chỉ có cái đặc quyền làm ông chủ cuộc đời mình và đối với cậu, người cha dường như đã trở thành một đối thủ, một kẻ ngáng đường trước tham vọng không đáy của cậu.

Khi biết được ý muốn của người con, dầu đau khổ nhưng người cha vẫn quyết định tôn trọng tự do và chọn lựa của cậu. Ông nói với cậu: “Cha tôn trọng lựa chọn của con, thế nhưng con nên nhớ rằng ở ngoài sẽ chẳng bao giờ được như ở nhà, con sẽ phải cực khổ lao động, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được miếng ăn!”.

Thế rồi người cha để cho cậu ra đi, để cho cậu trải nghiệm điều mà cậu đã chọn. Trước khi đi ông không quên làm một bộ áo và tự tay mặc vào cho cậu ( St 3, 21). Cho dù người con có từ chối vâng phục ông, có làm cho ông đau khổ, thế nhưng cha vẫn mãi là cha, ông vẫn luôn yêu thương người con yếu đuối và bất toàn của mình, từng giây, từng phút, Người cha vẫn đợi chờ ở đó, ông chờ người con trở về với ông, trở về với nguồn cội của cậu…

Bạn thân mến! câu chuyện người cha nhân hậu của Sáng thế vẫn còn để mở ở đó và chúng ta sẽ là những người viết tiếp câu chuyện ấy bằng chính cuộc đời của mình. Người Cha không ai khác là chính Thiên Chúa, người con là nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Mặc dù những trình thuật tiếp theo của Kinh Thánh tỏ lộ rằng thay vì quay trở lại cùng Cha thì càng ngày người con lại càng chạy ra xa hơn, càng ngày càng thể hiện sự bất tuân và bội phản của mình cách mãnh liệt hơn; Thế nhưng, Kinh Thánh cũng tỏ lộ cho chúng ta khuôn mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa, tình yêu của Ngài luôn lớn hơn sự bội phản của chúng ta. Tình yêu ấy đầy kiên nhẫn, bao dung, tìm mọi cách để đưa chúng ta trở về với Ngài, đỉnh cao là qua biến cố nhập thể, chịu khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.

Đáng tiếc thay, chúng ta thường chỉ đọc và cảm nghiệm câu chuyện Kinh Thánh này cũng như các đoạn Kinh Thánh khác một cách phiến diện. Chúng ta dễ dàng khám phá ra sự yếu hèn của con người nhưng lại quên đi khía cạnh tình yêu bao la của Thiên Chúa. Chúng ta nhấn mạnh đến sự kiêu ngạo của tổ tông khi bội phản mà quên đi rằng nguyên nhân của sự kiêu ngạo ấy hệ tại nơi việc nguyên tổ không dám tin, không dám tín thác cuộc đời mình trong sự tốt lành vô bờ của Thiên Chúa và đó là hành động chối từ tình yêu. Cuối cùng, chúng ta thường nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ biết phạt, phạt và phạt mà quên đi lời nhắn gửi yêu thương của Ngài: “Con hãy ra đi, đi để cảm nghiệm tình thương của cha lớn lao dường nào và rồi vào một ngày, con sẽ trở về với Cha!”. Thật thế, qua Kinh Thánh, Thiên Chúa không chỉ tỏ lộ về những mầu nhiệm của Thiên Chúa, những mầu nhiệm của chính Ngài, nhưng còn tỏ lộ những mầu nhiệm về con người.

Nơi Đức Giê-su Ki-tô, qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được mời gọi để trả lời cho câu hỏi mà Thiên Chúa đã hỏi con người năm xưa: “Ngươi ở đâu ?”. Câu hỏi này được đặt ra không phải vì Thiên Chúa không biết chúng ta là ai hay ở đâu, thế nhưng câu hỏi ấy mời gọi chúng ta nhìn về phẩm giá đích thực của mình, nhìn về hành trình mà chúng ta đang bước trên đường đời và quan trọng nhất là lựa chọn cuối cùng của mỗi chúng ta: Chúng ta lựa chọn vâng lời Thiên Chúa, tuân theo sự thật để được sống hay bất tuân với Ngài, bước theo ma quỷ, theo sự gian dối để rời xa Ngài. (Đối với người Ki-tô hữu, Thiên Đàng hay Hỏa Ngục, hạnh phúc miên trường hay đau khổ vĩnh viễn không hệ tại ở nơi chốn hay hình khổ nhưng hệ tại vào mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, là ở gần Ngài hay rời xa Ngài.)

Lê Tùy Vũ Đức Anh, SSP.