Đã bao giờ bạn tự hỏi mình rằng: “tại sao tôi tin” chưa?. Còn tôi, đã từ rất lâu, xét dưới khía cạnh cá nhân, tôi chưa bao giờ ngừng nỗ lực để suy tư và truy tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Tại sao lại như vậy! bạn có thắc mắc không? Có lẽ những suy tư, thao thức này cũng giống như những gì mà bạn đang khao khát kiếm tìm đấy. Bởi lẽ nó là một điều quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người. Chúng ta hãy thử tìm hiểu điều này nhé.
Nói theo kiểu của người bình dân, không hiểu nhiều hay không nghiên cứu chuyên biệt về niềm tin trong khía cạnh tâm lý của con người thì tôi bảo rằng: Tin là một điều giúp tôi cảm thấy an toàn, chắc chắn và yên tâm. Nói rõ hơn, những sự vật hay đối tượng mà được tôi tin thì tôi thích chơi với họ hơn; chơi một cách chân thành, chắc chắn, bền vững mà không chút tính toán, e ngại. Cũng vậy, ở một khía cạnh cao hơn nữa, khi tôi “tin”, mà cái “tin” đặt ở nơi Thiên Chúa thì tôi nhận thức được sự hiện hữu của Ngài. Hay đúng hơn, khi nói: “tôi tin vào Thiên Chúa” thì đồng nghĩa với việc tôi tin Có Thiên Chúa và Người đang hiện diện bên tôi, chơi với tôi như một người bạn và vì tôi mà Ngài dám chịu khổ, chịu thiệt. Nếu như thế thì rõ ràng tôi đã tìm được câu trả lời một cách dễ dàng cho câu hỏi khó về niềm tin của mình rồi. Vậy còn phải truy tìm làm gì?
Tôi thiết tưởng, bạn cũng sẽ thầm nghĩ như vậy khi đọc đến đoạn này và cho rằng: “nói như anh thì dễ lắm vì anh là một Kitô hữu, anh hiểu giáo lý và tin vào Đấng mà anh đang theo đuổi; còn chúng tôi, chúng tôi không hiểu và cũng không tin vào người đó, vậy làm sao chúng tôi có thể cảm nhận được Thiên Chúa hiện diện bên mình? Người mà anh tin”. Hơn thế nữa, cuộc sống đầy rẫy những lọc lừa đã khiến chúng tôi mất dần niềm tin hay đối tượng để tin ngay từ thuở ban đầu. Tự hỏi, ở đời có ai chưa một lần bị lừa gạt không? Còn tôi, tôi cảm thấy rằng, dường như cuộc đời luôn lừa phỉnh tôi, nó chơi khăm tôi và bắt chẹt tôi nhiều điều. Cụ thể, những điều mà tôi tin thực sự là như thế này hay như thế kia. Vậy mà, chính những điều mà tôi tin đó lại làm ra một thứ trò đùa cho người khác châm chọc, bóc phốt. Tôi đã bị nó hạ bệ quá nhiều. Vậy làm sao có thể tin một cách hời hợt, dễ dãi được? Nếu muốn tin cũng phải nhắm đối tượng để tin chứ?; đối tượng ấy phải là người trung tín trong mọi sự và là người luôn giữ lời hứa chứ? Vì “một lần bất tín vạn lần bất tin”. Vậy đối tượng ấy là ai? Thật ra, dưới thang giá trị này ta không có cơ hội, vì cuộc đời mà, ai có thể tìm kiếm được người như vậy? Cũng chính vì thế mà hiếm có ai tin tưởng trọn vẹn vào một người mà không có chút bận tâm, nghi ngờ nào. Nhưng cũng đừng vội nản lòng mà đâm ra tiêu cực đến mức cho rằng: đời chẳng tin ai được; hay nói rằng ngay cả bản thân tôi mà tôi còn không tin thì làm sao tôi có thể tin vào người khác được. Hãy cẩn trọng kẻo chính những tư tưởng và quan niệm này lại đưa chúng ta vào chỗ biệt lập. Vì tiêu cực đối với niềm tin như thế làm sao ta có thể cộng tác với người khác để sống hạnh phúc được; khó khăn sẽ ập đến, chẳng ai có thể sống đơn độc một mình, chúng ta cần có sự cộng tác và giúp đỡ của cộng đồng như thế mới có thể tồn tại. Do dó, dù bạn theo Phật giáo, hay đạo Hòa hảo hoặc bên Lương đi nữa thì xin cho phép tôi được nói về người này, người mà đã bị chúng tôi lừa phỉnh, bắt bớ và giết chết nhưng vẫn chấp nhận chơi với chúng tôi, vẫn xác tín trong những việc Người làm để cứu độ chúng tôi. Người đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng trung tín và là đấng giải thoát chúng tôi khỏi sự nghi ngại.
Chắc hẳn, tôi đã làm bạn rối trí rồi. Cố gắng nhé! tôi sẽ chia sẻ điều này kỹ hơn. Tại sao tôi lại nói rằng: “tôi vẫn hằng khao khát và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về niềm tin của mình?” Niềm tin là một thứ gì đó không nằm trong cảm thức của tôi, bằng trực giác hay cảm nghiệm vật lý tôi không nhận thức được nó. Miệng nói tin, tâm nghĩ tốt, nhưng hành động lại khác. Là một Kitô hữu khi bảo rằng mình tin, liệu những điều mà luật cấm, bạn đã từ bỏ chưa? Những điều buộc phải làm, vì tin, bạn có chịu thực hiện không? Trong giây phút bị bách hại, có thánh nhân nào không sợ? Quả thật, nhiều khi các ngài còn muốn bỏ chạy để lại niềm tin ở phía sau. Đương nhiên, sau cùng các ngài vẫn chịu chết vì niềm tin của mình mà danh từ ngày nay ta gọi là tử đạo. Vậy phải giải thích thế nào? Tôi suy tưởng thế này. Chỉ bằng ân sủng thì tôi mới nhận thức điều mà tôi đang tin. Quả thực, trong lúc khó khăn, bằng ân sủng trong Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ cho niềm tin của tôi được thể hiện, niềm tin trong sự xác tín triệt để và tuyệt đối nơi Đấng Tạo Hóa. Đây chính là điều mà tôi luôn truy tìm. Vì vậy, khi Tin tôi mới biết phó thác, Tin giúp tôi dám cậy nhờ mọi sự, Tin làm tôi không biết nghi ngờ, Tin tạo cho tôi sự nhẫn nại, Tin mang lại cho tôi niềm hạnh phúc, Tin giúp tôi can đảm không sợ hãi; và đặc biệt, Tin khiến tôi nhận ra Thiên Chúa,… Thế nên, chỉ có niềm tin trong ân sủng mới giúp chúng ta gắn kết với nhau một cách bền vững.
Đi sâu hơn về niềm tin mà tôi đang theo đuổi để có phần bênh vực cho sự nghi ngờ của bạn, và cũng để giúp bạn hiểu được những điều mà tôi đã đề cập đến. Khi nói đến thánh Tôma tông đồ thì Kitô hữu nào cũng biết ông được mệnh danh là kẻ chậm tin. Không tin vào sự sống lại của Đức Giêsu thì còn dễ chấp nhận, nhưng ngay cả những vấn đề thường ngày cũng rất khó thuyết phục được lòng tin của ông. Một người kém tin mà còn trở thành một vị thánh như thế thì phương chi chúng ta. Do đó, chúng ta cũng có cơ hội để bào chữa cho chính mình. Nhưng làm thế nào mà ông đã tạo được một bước ngoặt lớn như vậy? Từ một người chậm tin trở nên người dám tin và rao giảng niềm tin ấy đến độ tử đạo. Phải chăng sau cái chạm nghi ngờ, Thiên Chúa đã biến đổi cuộc đời ông? Chính xác là vậy, đây quả thực là một sự biến đổi của ân sủng. Ta có thể đoán rằng, nơi thánh nhân, không phải niềm tin bị mất hẳn hay nói cách khác là nơi ông không có khái niệm tin. Nhưng chỉ là niềm tin có chọn lọc, niềm tin triệt để phải đến sau biến cố và kinh nghiệm mà thôi. Cũng giống như thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Rôma, đã nói về niềm tin như sau:
“Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. Kinh thánh nói: mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng.”
(Rm 10, 9 -10).
Ngoài ra, Abraham cũng vì tin mà đã được mệnh danh là tổ phụ của những kẻ tin. Niềm tin của ông đã chiến thắng mọi nỗi sợ, mọi bất hòa, mọi tranh chấp và mọi chia rẽ. Vì vậy hãy tìm cách để tin, dù niềm tin ấy dành cho ai đi nữa thì nó cũng sẽ biến đổi cuộc sống của bạn; vì chưng, Đấng Tạo Hóa sẽ trợ giúp bạn.
Tổng hợp những điều ở trên, các bạn sẽ giải thích được câu hỏi “Tại sao tôi tin?”. Với tôi thì niềm tin này được đặt ở nơi Thiên Chúa, vì rằng: “Lạy Chúa! Con tin tưởng nơi Ngài”. Và điều này sẽ giúp tôi thực hiện được một nghĩa cử cao đẹp dành cho Đấng mà tôi yêu. Một câu trả lời tích cực cho một câu hỏi khó “khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng? (Lc 18, 8). Chắc chắn rằng, bạn sẽ cảm thấy rất vui sướng, hạnh phúc, và mọi sự trong bạn sẽ trở nên xinh đẹp, xanh tươi và nhiều màu sắc hơn khi bạn nhận được câu trả lời tương tự từ người khác rằng: “tôi tin bạn như tôi đã nói với Thiên Chúa của tôi”.
Dom. Tùng