Trong bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 15 thường niên, ngày 12/07/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích dụ ngôn người gieo giống và mời gọi các tín hữu hãy biến tâm hồn mình thành mảnh đất tốt tươi, để hạt giống Lời Chúa lớn lên và trổ sinh hoa quả tốt đẹp.
Mặc dầu thời hậu covid-19, du khách hành hương vẫn nhiều như những năm trước, nhưng ngài vẫn hiện diện nơi ban công cửa sổ của Tòa Thánh Vatican để gặp gỡ các tín hữu và ban lời huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền tin. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em thân mến!
Lời Chúa là chính Chúa Kitô; đón nhận Lời Chúa là đón nhận chính Chúa Kitô. Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Chúa Nhật 15 thường niên, ngày 12/7/2020) Chúa Giêsu kể với đám đông dân chúng dụ ngôn người gieo giống mà tất cả chúng ta đều biết rõ. Người này gieo hạt giống trên bốn loại đất khác nhau. Lời Chúa, được biểu tượng bằng các hạt giống, không phải là một Lời Chúa trừu tượng, nhưng là chính Chúa Kitô, Ngôi Lời của Chúa Cha đã nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria. Vì thế, đón nhận Lời của Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận chính Chúa Kitô.
Lời Chúa rơi bên vệ đường: là tâm hồn bị xao lãng bởi nhiều bận tâm.
Có những cách đón nhận Lời Thiên Chúa khác nhau. Chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa giống như một con đường, nơi mà ngay lập tức chim trời đến và ăn các hạt giống. Đó là sự xao lãng, chia trí, một nguy hiểm rất lớn trong thời đại chúng ta. Bị bận tâm bởi quá nhiều câu chuyện tán phét, bởi rất nhiều ý thức hệ, bởi những điều có khả năng không ngừng làm người ta phân tâm trong gia đình và bên ngoài xã hội, người ta có thể đánh mất đi sự quý chuộng im lặng, suy tư, đối thoại với Chúa, đến mức có nguy cơ mất đức tin, không đón nhận Lời Chúa.
Lời Chúa rơi trên sỏi đá: là tâm hồn hời hợt nhất thời.
Một khả năng khác là chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất đầy sỏi đá. Hạt giống sớm nảy mầm, nhưng chẳng mấy chốc nó cũng khô héo, vì nó không thể bén rễ sâu. Đó là hình ảnh của những người đón nhận Lời Chúa với sự nhiệt tình nhất thời, nhưng thật sự chỉ hời hợt, không đồng hóa với Lời Chúa. Và như thế, ngay khi vừa gặp khó khăn, đau khổ, một sự xáo trộn của cuộc sống, niềm tin còn non yếu đó bị tan biến, giống như hạt giống rơi vào giữa đất đá.
Lời Chúa rơi giữa bụi gai: bị bóp nghẹt bởi các quan tâm của thế gian.
Một khả năng thứ ba mà Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn, đó là chúng ta cũng có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất có những bụi gai mọc lên. Và gai là sự giả dối của sự giàu có, thành công, các quan tâm lo lắng thế gian … Ở đó Lời phát triển một tí nhưng rồi bị bóp nghẹt, nó không lớn mạnh được, nó chết và không sinh kết quả.
Lời Chúa rơi trên đất tốt: là người lắng nghe, đón nhận, gìn giữ và thực hành Lời Chúa.
Cuối cùng, khả năng thứ tư, chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất tốt. Ở đây, và chỉ ở đây, hạt giống mới bén rễ sâu và sinh hoa kết quả được. Hạt giống rơi xuống mảnh đất màu mỡ này diễn tả những người lắng nghe Lời Chúa, đón nhận nó, gìn giữ nó trong tâm hồn để rồi đưa nó vào thực hành trong cuộc sống mỗi ngày”. (ĐTC Phanxicô).
Tâm hồn tôi thuộc loại đất nào?
Dụ ngôn người gieo giống này phần nào đó là “mẹ” của tất cả các dụ ngôn, bởi vì nó nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là một hạt giống phong phú và hiệu quả, nó có thể được gieo vào bất cứ nơi nào, nhưng điều kiện quan trọng là mảnh đất có được chuẩn bị sẵn sàng để hạt giống nảy mầm và mọc lên tốt tươi hay không?
Mỗi người chúng ta là một mảnh đất mà trên đó hạt giống của Lời Chúa có thể rơi xuống. Lời Chúa được ban cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi thuộc loại đất nào: đất vệ đường, đất sỏi đá, đất bụi gai, hay đất tốt tươi?
Hạt giống Lời Chúa lớn mạnh hay không tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Nếu chúng ta muốn, với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể trở thành mảnh đất tốt, được chăm sóc và canh tác cẩn thận, để cho hạt giống Lời Chúa lớn lên. Hạt giống này đã hiện diện trong tâm hồn của chúng ta, nhưng để làm cho nó sinh hoa quả thì tùy thuộc nơi chúng ta, nó phụ thuộc vào sự đón nhận mà chúng ta dành cho hạt giống này. Chúng ta thường bị phân tâm bởi quá nhiều lợi ích, bởi quá nhiều hấp lực của tiền tài danh vọng làm cho chúng ta khó phân biệt được giữa điều dở lẫn điều tốt, điều quan trọng hay điều chính yếu, đâu là Lời Chúa đâu là lời ma quỷ.
Dịch và suy tư.
Tu sĩ: Anrê Trần Anh Văn SSP.
Hòa Nam 12.7.2020