Đức Chúa Ban Vinh Dự Cho Thành Thánh Mới (Is 62,1-5 – CN II – Thường Niên C)

Bài đọc: (Is 62,1-5)

62

1Vì lòng mến Xi-on,

tôi sẽ không nín lặng,

vì lòng mến Giê-ru-sa-lem,

tôi nghỉ yên sao đành,

tới ngày đức công chính

xuất hiện tựa hừng đông,

ơn cứu độ của thành

rực lên như ngọn đuốc.

2Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi,

mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng.

Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới,

chính là tên miệng ĐỨC CHÚA đặt cho.

3Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay ĐỨC CHÚA,

sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.

4Chẳng ai còn réo tên ngươi:

“Đồ bị ruồng bỏ!”

Xứ sở ngươi hết bị tiếng

là “Phận bạc duyên đơn.”

Nhưng ngươi được gọi:

“Ái khanh lòng Ta hỡi!”

Xứ sở ngươi nức tiếng

là “Duyên thắm chỉ hồng.”

Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái,

và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.

5Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ,

Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.

Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,

ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.

Tìm hiểu nội dung bản văn

Sách Isaia được chia thành 3 phần. Sau phần sách (ch.1-39) chủ yếu gồm những lời tố cáo tình trạng tội lỗi của dân thời trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị quân Át-sua vây hãm (701 TCN) là phần sách An Ủi (ch. 40-55) với giọng văn chủ đạo nhẹ nhàng, hy vọng trong bối cảnh cuối thời lưu đày và đế quốc Babylon bị sụp đổ. Sau cùng (ch. 56-66) bao gồm những lời khích lệ, động viên dân Xi-on hồi hương tái thiết Đền Thờ trong sự tin tưởng rằng Đức Chúa sẽ làm cho Đền Thờ trở nên vinh quang, chiếu tỏa trên mọi dân nước.

Đoạn trích (Is 60,1-62,12) có vai trò quan trọng khi diễn tả vinh quang của Nước Thiên Chúa. Điều này khích lệ lòng dân Xi-on vừa mới hồi hương và trước mắt họ không phải là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem tráng lệ ngày nào nhưng chỉ còn là đống đất đá hoang tàn, đổ nát. Thực ra, chương 62 lặp lại nhiều chủ đề đã được nói đến ở chương 60 và 61. Điểm nổi bật ở chương 62 là việc mô tả một đền thờ mới đầy vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban. Vinh quang ấy khởi đi từ chính tình yêu có sức biến đổi của Thiên Chúa.

Chủ ngữ “tôi” ở câu 1 không rõ ý ám chỉ là người của Đức Chúa hay chính Đức Chúa đang nói. Tuy nhiên, điều rõ ràng là đối tượng những lời tuyên phán là chính thành thánh Giê-ru-sa-lem của Đức Chúa. Qua đó, Thiên Chúa sẽ ban vinh quang cứu độ cho dân Người. Thiên Chúa sẽ ban cho Giê-ru-sa-lem chiếu tỏa ánh sáng như hừng đông sau đêm dài tối tăm (x. Is 60,2). Như được nói tiếp ở câu 2, khi ấy muôn dân không gì khác hơn là những chứng nhân cho điều Đức Chúa ban cho dân Người.

Cũng ở câu 2, thành Giê-ru-sa-lem mới được Thiên Chúa đặt một tên gọi khác. Có thể sau khi Đền Thờ bị phá hủy năm 587 TCN, để tái thiết một Đền Thờ mới, người ta đã dự tính đến việc thay đổi tên gọi như được thấy trong (Gr 33,16; Ed 48,35). Dù sao đi nữa, việc thay đổi tên gọi mang một ý nghĩa đặc biệt trong truyền thống văn hóa Do Thái, ý biểu trưng cho việc thay đổi cả căn tính của đối tượng được đổi tên. Mặc dù đổi tên không có nghĩa phủ nhận hoàn toàn cái cũ, Gia-cóp thì vẫn là Gia-cóp sau khi được đổi tên thành Ít-ra-en; hay như dân Xi-on được biết là chính dân thành Giê-ru-sa-lem hồi hương sau các cuộc lưu đày ở Babylon, nhưng vị thế của đối tượng ấy cũng như tương quan của đối tượng ấy với người đã đặt tên mới thay đổi hoàn toàn. Điều đó được thấy rõ qua việc Đức Chúa đã xem Giê-ru-sa-lem mới là hiền thê xinh đẹp lộng lẫy của Người (cc.2-5). Thiên Chúa yêu chuộng thành thánh mới này. Đền thờ mới này bao hàm cả dân của Chúa trong đó. Có thể nói, chính Đức Chúa tự nguyện trở thành chàng rể, yêu thương đón nhận dân Ít-ra-en làm hiền thê. Người ban tặng cho dân vinh quang mà muôn dân nước phải ngưỡng mộ. Như thế, dân Ít-ra-en sau thời gian đau khổ, tha hương lưu đày như kẻ bạc phận, bị Thiên Chúa ruồng bỏ; nay được thấy Thiên Chúa không hề bỏ rơi nhưng luôn yêu thương và chăm sóc cho mình.

Vị Thiên Chúa yêu thương dân Người đã tự hạ chấp nhận trở nên chú rể để cho dân một vị thế vinh dự vĩnh cửu là thể tử, là niềm vui của Người. Niềm vui của bữa tiệc cưới được kéo dài mãi mãi. Liên tưởng đến nội dung bài Tin Mừng hôm nay (Ga 2,1-12), qua phép lạ hóa nước thành rượu, chúng ta có thể thấy Đức Giê-su là chú rể mới trong bữa tiệc cưới Nước Trời. Trong bữa tiệc ấy, mọi sự đều hoàn hảo và niềm vui của bữa tiệc được trọn vẹn.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1652.

Gary V. Smith, An Introduction to the Hebrew Prophets As Preacher, Broadman & Holman publisher, 1994, e. edition, p.130.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.482.

Thomas L. Constable, Notes on Isaiah, 2012 electric ed., published by Sonic Light, pp.290-291.

Nguồn: sjjs.edu.vn