Bài 3: Chứng Tá Đời Sống

BÀI 3: CHỨNG TÁ ĐỜI SỐNG

I. Đời sống chứng tá là gì?

  • Đời sống chứng tá là một nếp sống thường xuyên đáp ứng cách hoàn hảo và cụ thể những đòi hỏi thiết yếu của Tin Mừng: Những đòi hỏi của các nhân đức đối thần: Tin, cậy, mến; cũng như của các nhân đức luân lý như: công bình, bác ái, trung tín và thành thực…

II. Tầm quan trọng của đời sống chứng tá

  • Không ai có thể cho cái mình không có. Phải có Chúa chúng ta mới có thể đem Chúa đến cho người khác. Và cách đem Chúa đến cho người khác tốt nhất là sống đời sống chứng tá, nghĩa là làm chứng nhân. Đức Phaolô VI nói “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy. Nếu người ta cần thầy dạy, thì chỉ vì thầy dạy ấy cũng là những chứng nhân”.

III. Nền tảng của đời sống chứng tá

1. Trong Kinh Thánh: Dụ ngôn “muối cho đời, ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5,13-16). “Men trong bột” (Lc 13, 20-21).

  * Gương Chúa Giêsu:

  • – Chúa nhập thể sống kiếp phàm nhân để dạy về đức khiêm nhường.
  • – Chúa sống hoàn toàn khó nghèo để dạy về tinh thần khó nghèo.
  • – Chúa rửa chân cho các môn đệ để dạy tinh thần phục vụ.
  • – Chúa tự ý chịu chết để dạy về tình yêu đích thực.

2. Trong đời sống Giáo hội:

*  Gương các Thánh:

  • – Phanxicô Assisi: Từ bỏ mọi tài sản để dạy về đức khó nghèo.
  • – Phanxicô Xavie: Dấn thân rao giảng khắp nơi để dạy về nhiệt tình tông đồ.
  • – Inhaxiô: Luôn tìm vinh danh Chúa hơn là để dạy “Chúa là lẽ sống”.
  • – Têrêsa Hài Đồng Giêsu luôn hoàn toàn tín thác để dạy về con đường thơ ấu thiêng liêng.
  • – Các thánh Tử đạo Việt Nam sẵn sàng hiến mạng sống để dạy về lòng trung tín với Chúa.

IV. Giá trị của chứng tá:

  1. Đời sống chứng tá có giá trị minh chứng sự chân thành trong đời sống Tôn giáo: Không giả dối, không lừa đảo…
  2. Đời sống chứng tá có giá trị thuyết phục lòng người, vì nó chứng tỏ tính khả thi của niềm tin: Không ảo tưởng, không lý thuyết suông, và đồng thời nó biểu hiện một niềm hạnh phúc sâu sa của tâm hồn những người tin.

V. Chiều kích của đời sống chứng tá:

Đời sống chứng tá cần được thể hiện trong hai lĩnh vực:

  1. Chứng tá về niềm tin vào những chân lý nền tảng của Kitô giáo: Sự hiện hữu của Thiên Chúa, của thế giới thần linh, của cuộc sống vĩnh cửu, của linh hồn bất tử…được thể hiện qua những việc đạo đức thiêng liêng, cử hành các nghi lễ, việc cầu nguyện…
  2. Chứng tá về những giá trị cao quí và bền vững của những nguyên tắc luân lý Kitô giáo…được thể hiện qua những đức tính như thành thực, trung tín, công bình, bác ái, nhân nghĩa, chung thuỷ, hiếu thảo…

VI. Chủ thể và môi trường để thực thi đời sống chứng tá

  1. Đời sống chứng tá là một đòi hỏi tất yếu đối với mọi thành phần Dân Chúa, không ai được miễn chuẩn vì đây là một trong những điều kiện cốt yếu để việc Loan Báo Tin Mừng đạt được kết quả tốt đẹp: “Lời nói như gió thoáng qua, việc làm như tay lôi kéo” Ca dao Việt Nam.
  2. Đời sống chứng tá cần được thể hiện từ cá nhân cho đến các tập thể như cả gia đình, cả đoàn thể, cả Giáo xứ cùng làm, cùng sống…và phải được thực hiện trong mọi môi trường xã hội như chính Đức Kitô đã từng tuyên bố: “Các con là ánh sáng thế gian, các con hãy chiếu dãi ánh sáng của các con ra để thế gian xem thấy những việc lành các con làm, mà ngợi khen Cha các con Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 13-16).