HÃY TIẾN BƯỚC
VÌ CHÚA MUỐN CHÚNG TA “SỐNG”
Quý anh em rất thân mến, khi đọc và suy ngẫm chương đầu tiên của sách Đệ Nhị Luật, em cảm thấy thật ngỡ ngàng vì bối cảnh của dân Ít-ra-en lúc bấy giờ thật giống với tâm tình của anh em Hiệp Hội chúng ta trong giây phút này. Thế nên, dưới sự soi dẫn của ánh sáng Lời Chúa, em xin mạn phép chia sẻ một vài tâm tình xuất phát từ tận đáy lòng của mình. Thân mời anh em cùng đọc với em chương đầu tiên của sách Đệ Nhị Luật, cùng nhìn lại một vài chặng đường quan trọng của Hiệp Hội và để rồi cùng bừng lên niềm hy vọng xác tín rằng: “Chúa muốn chúng ta sống”.
Đnl 1,1 thuật lại “Đây là những lời ông Mô-sê nói với toàn thể Ít-ra-en, ở bên kia sông Gio-đan, trong sa mạc, trong thung lũng A-ra-va”. Đúng thế, dân Ít-ra-en sau 40 năm trời lưu lạc trong hoang mạc giờ đây họ đang dừng lại tại một thời điểm then chốt, một cột mốc quan trọng. Chỉ cần một bước, một bước nữa thôi, qua bên kia sông Gio-đan là họ có thể đến với miền đất chảy đầy sữa và mật, miền đất mà Thiên Chúa trung tín đã hứa ban cho cha ông của họ cũng như dòng dõi của các Ngài. Giờ đây, có lẽ tất cả anh em trong Hiệp Hội của chúng ta cũng đang hồi hộp đợi chờ một bước tiến trong thời khắc then chốt này, sau 15 năm hình thành (từ nhóm anh em đầu tiên năm 2009), sau 8 năm được ký sắc lệnh thiết lập hiệp hội (2016) và sau 2 năm mỏi mòn đợi chờ kết quả kinh lý (2022). Có vẻ như chúng ta đang bị khựng lại hay đúng hơn đang bị kẹt trong một mớ bòng bong tiến thoái lưỡng nan như tình trạng của dân Ít-ra-en năm xưa, nên ở hay nên đi, tiếp tục hướng về đất hứa hay trở về Ai Cập?
“Các ngươi ở núi này đã lâu rồi. Hãy chuyển hướng và lên đường” Đnl 1, 6-7
Sự chờ đợi kéo dài dường như càng làm cho chúng ta cảm thấy sốt ruột hơn. Đúng thế, đối với nhiều anh em, chúng ta ở trong tình trạng này đã quá lâu rồi, chúng ta chờ đợi đã quá lâu rồi, phải chăng chúng ta cũng nên “chuyển hướng và lên đường” để tìm một nhà dòng mới, một nơi trú ngụ mới có vẻ tươi sáng hơn và chắc chắn hơn. Phải chăng Chúa thực sự muốn chúng ta “ chuyển hướng và lên đường” theo nghĩa thay đổi ơn gọi? Để trả lời cho câu hỏi này, giống như dân Ít-ra-en, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại hành trình từ quá khứ cho đến giây phút then chốt của hiện tại để khám phá ra điều Chúa thực sự muốn nơi cuộc đời của chúng ta.
Chắc hẳn anh em chúng ta đã từng nghe chuyện cha Tổng Phụ Trách cầu nguyện cùng Chúa cho ơn gọi của Hiệp Hội tăng lên đông số. Hiệp Hội chúng ta có thời điểm lên đến số lượng gần 100 anh em. Thế nhưng, khi thấy đông quá và sợ không lo nổi, cha đã thầm cầu nguyện với Chúa rằng: “Chúa gửi anh em liên tục như vậy làm sao con lo nổi” và kết quả là trong tháng ấy không có một anh em nào đến xin tìm hiểu. Thấy tình trạng như vậy, cha Tổng xin với Chúa: “Con nghĩ lại rồi, xin Chúa cứ gửi anh em đến!”. Tâm tình của cha Tổng Phụ Trách có lẽ cũng giống như tâm tình của Mô-sê được đề cập ở Đnl 1, 9 -12 “Một mình tôi không thể gánh vác anh em được. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em nên đông đúc, và hôm nay, coi đó : anh em nhiều như sao trên trời. Làm sao một mình tôi gánh được những phiền hà, yêu sách, tranh tụng của anh em ?”. Thật lạ lùng, khi một ông cụ năm nay đã tròn 100 tuổi, nghĩa là 85 tuổi mới bắt đầu quy tụ nhóm anh em đầu tiên, lớn hơn tổ phụ Áp-ra-ham 10 tuổi khi tổ phụ rời Kha-ran để đến đất hứa (Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran – St 12,4); lớn hơn tổ phụ Mô-sê 5 tuổi khi ngài bắt đầu lãnh đạo Ít-ra-en trong cuộc xuất hành (Ông Mô-sê và ông A-ha-ron làm như ĐỨC CHÚA đã truyền cho các ông ; các ông đã làm như vậy. Ông Mô-sê được tám mươi tuổi, còn ông A-ha-ron tám mươi ba, khi các ông đến nói với Pha-ra-ô – Xh 7, 6-7). Đây quả thật đã là một phép lạ nhưng cũng là một nỗi khổ tâm. Người đã trăm tuổi vẫn còn phải trăn trở về những phiền hà, yêu sách, tranh tụng của một đàn con “có lớn mà vẫn chưa có khôn; có đông mà vẫn chưa có mạnh”.
Trong suốt hành trình 15 năm hình thành và phát triển ấy cũng không thiếu những điều gây ngán ngẩm như được mô tả trong Đnl 1, 19 “Chúng ta đã lên đường từ Khô-rếp và đã đi qua sa mạc mênh mông khủng khiếp ấy mà anh em đã thấy”. Khủng khiếp ở chỗ phải ở nhà mượn, nhà thuê, chạy tiền ăn từng bữa, bị mang tiếng là ăn bám, lệ thuộc vào ân nhân. Khủng khiếp ở chỗ quá nhiều xì-căng-đan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Hiệp Hội trong con mắt của các đấng bản quyền cũng như với bà con giáo dân. Khủng khiếp vì niềm hy vọng, chỗ cậy dựa của Hiệp Hội lúc bấy giờ là Đức Tổng Phao-lô Bùi Văn Đọc với bao nhiêu hứa hẹn đột ngột được Chúa gọi về. Khủng khiếp còn len lỏi vào tầng sâu tâm khảm của mỗi anh em khi sống trong những mối tương quan rạn nứt, khi bị áp lực từ bà con, xóm giềng, những người thân quen với những câu nói tưởng chừng như quan tâm, vô hại nhưng thực ra lại chứa đầy tổn thương “Thế đi tu bao giờ chịu chức?”; “Dòng đấy sắp giải thể rồi còn tu làm gì?”; “Dòng đấy toàn hàng phế, hàng thải, chẳng ra đâu vào đâu, không có tương lai”, “Dòng đấy đang bị ngưng rồi, có thấy khấn bái gì đâu?”…Khủng khiếp thật !!!
Khủng Khiếp ở chỗ, đã có lúc, nhiều anh em tưởng chừng như thành công vốn đã cầm chắc trong tay, cứ vào Hiệp Hội này đi, chức linh mục dễ dàng lắm như Đnl 1, 20-21 đề cập “Anh em đã tới miền núi của người E-mô-ri, miền núi mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ban cho chúng ta. Coi đó : ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã trao đất này cho anh (em) ; hãy lên và chiếm hữu, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em). Đừng sợ, đừng hãi.” Thế nhưng, bỗng chốc cơ hội vụt mất và dường như tất cả sụp đổ. Cũng có những anh em mang trong mình suy nghĩ, thôi thì mình cứ thăm dò, ở tạm xem thế nào, cứ lo học hành xong cái đã, có chỗ ăn, chỗ ở, còn hỗ trợ tiền học nữa, sau đó thì ra khỏi Hiệp Hội cũng đâu có sao. Điều này cũng không phải là điều quá mới lạ nhưng cũng đã được đề cập trong Đnl 1,22: “Chúng ta hãy phái người đi trước chúng ta để thăm dò đất cho chúng ta ; họ sẽ báo cáo cho chúng ta về con đường chúng ta phải đi qua và về các thành chúng ta sẽ đến”. Cũng có khi, những bất hòa, chia rẽ, mâu thuẫn trong cộng đoàn làm cho chúng ta lẩm bẩm than trách, nghi ngờ về ơn gọi của chính mình trong Hiệp Hội, tương tự như dân Ít-ra-en năm xưa đã kêu than trong lều trại của họ: “Chính vì ĐỨC CHÚA ghét chúng ta mà Người đã đưa chúng ta ra khỏi đất Ai-cập, để trao chúng ta vào tay người E-mô-ri và tiêu diệt chúng ta. Chúng ta sắp lên chỗ nào đây ? Anh em chúng ta đã làm cho chúng ta nản lòng khi nói rằng : ‘Dân đó lớn và cao hơn chúng ta. Các thành thì lớn, tường luỹ ngất trời. Chúng tôi cũng thấy ở đó con cái A-nác nữa.” Đnl 1, 27-28
Phải chăng Thiên Chúa ghét chúng ta nên mới đưa chúng ta đến với Hiệp Hội này, sống trong cộng đoàn này, ở với những con người này và rồi để chúng ta phải CHẾT?
KHÔNG PHẢI NHƯ THẾ, CHÚA KHÔNG MUỐN CHÚNG TA PHẢI CHẾT NHƯNG NGÀI MUỐN CHÚNG TA ĐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO!
Thật an ủi khi Đnl 1,25 đã khẳng định rằng “Miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ban cho chúng ta, tốt tươi thật !” Mọi sự dường như vỡ òa khi chúng ta đọc thật kỹ, đọc thật chậm Đnl 1, 29 – 33: Tôi đã bảo anh em : “Đừng run khiếp, đừng sợ hãi ! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, Đấng đi phía trước anh em, sẽ chiến đấu cho anh em, đúng như Người đã làm cho anh em tại Ai-cập trước mắt anh em, và trong sa mạc, nơi anh (em) thấy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mang anh (em) như một người mang con mình, suốt con đường anh em đã đi cho tới khi anh em đến nơi này.” Đấng đi phía trước anh em trên đường để tìm chỗ cho anh em cắm lều ; ban đêm, Người ở trong lửa để cho anh em thấy đường anh em đi, và ban ngày, Người ở trong đám mây.
Có thể chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục bước đi trong “hoang mạc mênh mông khủng khiếp” của đời tu nơi Hiệp Hội Thánh Phao-lô này, thế nhưng, đối với em, tính cho đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm 3 tháng trong mái nhà của Hiệp Hội – một khoảng thời gian không quá dài cũng không quá ngắn khi so với 15 năm hình thành và phát triển, em tin chắc rằng anh em chúng ta cũng ít nhiều kinh nghiệm về một Thiên Chúa ôm lấy, mang lấy anh em như một người mang con của mình, suốt con đường anh em đã đi, từ lúc anh em bước vào mái nhà của Hiệp Hội cho đến thời khắc then chốt này.
Chúa ôm lấy chúng ta – thế nên dù cha Tổng Phụ Trách và thầy Tổng Quản lý phải lo chạy ăn từng bữa – chúng ta vẫn sống.
Chúa ôm lấy chúng ta – thế nên sau biết bao nhiêu xì căng đan, sau biết bao nhiêu lời xầm xì đàm tiếu, tin đồn giải thể – chúng ta vẫn sống.
Chúa ôm lấy chúng ta – thế nên mặc dù Đức Tổng Phao-lô Bùi Văn Đọc qua đời đột ngột, cánh cửa này tạm khép lại thế nhưng Chúa lại xoa dịu mỗi buồn của chúng ta bằng những ân huệ thật riêng tư mà chỉ từng anh em mới biết – chúng ta vẫn sống.
Chúa ôm lấy chúng ta – thế nên có những điều tưởng chừng như trong mơ, những điều mà chúng ta tưởng chừng như không thể thực hiện được với sức riêng của mình lại đang hiện dần trước mắt, chẳng hạn việc sở hữu mảnh đất đồng tâm, cơ sở Bùi Thị Xuân, chiếc xe hơi cho nhà dòng, cha Tổng Phụ Trách vẫn còn sống với chúng ta và mới mừng kỷ niệm 69 năm linh mục ngày hôm qua…- chúng ta vẫn sống.
Chúa ôm lấy chúng ta – thế nên còn có những ơn gọi xin tìm hiểu nhà dòng, vẫn còn nhiều anh em còn khắc khoải, còn khao khát và còn bám trụ với Hiệp Hội cho đến hiện tại – Chúng ta vẫn sống.
Còn thật nhiều, thật nhiều những minh chứng cho thấy Chúa vẫn luôn ôm ấp và mang lấy chúng ta như người cha mang con mình. Em tin chắc rằng 15 năm hình thành và phát triển không phải là vô ích, dù cho kẻ ở có ít hơn người đi. Chúng ta có hai cha từng ở và gắn bó cùng Hiệp Hội giờ đây đã trở nên hiến lễ trước nhan Chúa là cha Phan-xi-cô Võ Ngọc Hiếu và cha I-nha-xi-ô Nguyễn Thanh Toàn, chắc chắn các cha sẽ không quên Hiệp Hội chúng ta, không quên những người anh em đã từng sống, từng gắn bó với các ngài. Chắc chắn những hy sinh, những giọt mồ hôi tuôn rơi trên mảnh đất đồng tâm, Nhà Mẹ, những giáo điểm truyền giáo; những tháng ngày miệt mài ôn thi, học hành nơi cộng đoàn trụ sở, Phạm Văn Hai, Học viện Bình Tân…tất cả những điều ấy sẽ không ra vô ích. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, và nếu như Ngài đã gieo những điều tốt đẹp ấy nơi mảnh đất này, mái nhà Hiệp Hội này thì chính Ngài cũng sẽ cho triển nở và mọc lên tươi tốt.
“Các ngươi ở núi này đã lâu rồi. Hãy chuyển hướng và lên đường” Đnl 1, 6-7
Đúng vậy, điều quan trọng giờ đây đối với mỗi anh em chúng ta không phải là ở đó tự huyễn, tự an ủi rằng Chúa yêu thương chúng ta như vậy thế nên chúng ta chẳng cần phải làm gì, cứ ở đó và đợi chờ lòng thương xót của Chúa. Nếu như thế, chắc hẳn chúng ta sẽ cứ mãi đứng bên bờ của cột mốc, chỉ ngắm nhìn đất hứa chứ chẳng bao giờ đặt chân lên.
Thực tế, Kinh Thánh đã chứng minh, dân Chúa không chỉ dừng lại ở bên kia sông Gio-đan nhưng đã thực sự tiến vào đất hứa như lời mời gọi mà Chúa dành cho họ “Đây, Ta trao đất đó cho các ngươi, hãy vào và chiếm hữu đất mà ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông các ngươi, là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho họ và dòng dõi họ sau này” Đnl 1,8.
Chúng ta cũng có thể làm được điều tương tự nếu như đáp lại lời mời gọi của Chúa: Hãy Tiến Bước. Thật thế, chúng ta ở trong tình trạng thụ động đã lâu rồi, hãy chuyển hướng và lên đường tiến tới đất hứa với sự dẫn dắt của Chúa qua linh đạo và đặc sủng của nhà dòng.
Thật thế, Chúa muốn tất cả anh em chúng ta “sống” và cảm niếm sự ngọt ngào mà Chúa hứa, Chúa ban cho chúng ta nơi Hiệp Hội Thánh Phao-lô Tông Đồ Dân Ngoại, để rồi chúng ta có thể xác tín thốt lên rằng: “Ngội nhà này, Hiệp Hội này, miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ban cho chúng ta, tốt tươi thật !”
Nguyện ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, tăng số anh em lên gấp ngàn lần và chúc phúc cho anh em như Người đã phán với anh em !” Đnl 1, 11
Lê Tùy Vũ Đức Anh
Phao-lô Bình Tân, 03/05/2024