[Thư Mục Vụ] Chủ đề:  “Tình Yêu Chúa Quan Phòng”

TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN

HIỆP HỘI THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI

881/4 CMT8, P.7, Q. Tân Bình, TP. HCM

ĐT: 028.3970.8814; 0935.814.026

Email: [email protected]; [email protected]

Số 01/TMV/TYCQP/05/2021/TPT

 

     THƯ MỤC VỤ THÁNG 5 NĂM 2021

Chủ đề:  “TÌNH YÊU CHÚA QUAN PHÒNG”

 

Kính thưa Quý Cha, Quý Thầy và Quý Anh Em,

Hôm nay, tôi muốn quý anh em cùng ôn lại, học hỏi thêm về tình yêu Quan phòng của Chúa, hãy tín thác mọi công việc hằng ngày của chúng ta để được thánh hóa, được hoàn thiện theo cách Chúa muốn.

Quan phòng: Providentia, Providence.

Quan: Chú ý nhìn xem; phòng: gìn giữ

Quan phòng: Chú ý nhìn xem và gìn giữ.

Sự quan phòng là việc Thiên Chúa lo liệu trong mọi sự khôn ngoan và tình thương của Ngài. (x. GLHTCG 321)

Thiên Chúa không tạo dựng nên mọi sự rồi bỏ mặc chúng, nhưng quan tâm, bảo tồn săn sóc và hướng dẫn chúng theo ý định muôn thuở của Ngài. Mọi thụ tạo được dựng nên đều tốt lành và hoàn hảo nhưng chưa tuyệt đối. Chúng đang tiến đến sự hoàn hảo tối hậu do Thiên Chúa định sẵn. Sự quan phòng chính là đường lối Ngài xếp đặt để đưa vạn vật tới sự hoàn hảo đó (x. GLHTCG 301-302). Thiên Chúa cũng ban cho con người khả năng tham dự vào sự quan phòng của Ngài qua việc làm cho trái đất (x. GLHTCG 307).

Chúa Giêsu mời gọi các tín hữu phải phó thác vào sự Quan phòng của Cha trên trời với tình con thảo (Mt 6,31-33; 10,29-31).

Lòng tín thác: Fiducia Filialis, Filial Trust, confiance filiale.

Lòng: Biểu tượng của tình cảm, tinh thần, tin.

Tín thác: Tin tưởng và trao phó cho ai điều gì.

Tín tác: Fiducia filialis: lòng tin cậy của người con.

Chúa Quan phòng: Mt 6,25-34: Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 

Câu 26: Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? 

Câu 27: Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? 

Câu 28: Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, 

Câu 29: Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 

Câu 30: Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 

Câu 31: Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 

Câu 32: Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 

Câu 33: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 

Câu 34: Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.

Lòng tín thác còn được gọi là lòng hiếu tin, là tâm tình phó thác của con người đối với Thiên Chúa, như người con đối với người cha của mình.

Đối tượng của lòng tín thác là chính Thiên Chúa. Lòng tín thác được diễn tả qua việc tin tưởng vào Lời Chúa, phó thác cho sự dẫn dắt của Ngài, kể cả khi ta gặp khó khăn thử thách.

 Những mẫu gương của lòng tín thác Chúa Giêsu

Lòng tín thác của Chúa Giêsu là một trong những yếu tố diễn tả mối tương quan mật thiết với Chúa Cha.

Nổi bật nhất là lúc hoàn tất Hy tế Thập giá, Người đã trút hơi thở trong tiếng kêu đầy tràn niềm tin phó thác: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 25,46).

Đức Maria

Đức Maria khiêm tốn, vâng lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế trong niềm tin phó thác: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).

Để nhìn lại diễn biến truyền tin: Đức Maria được sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì? Đức Mẹ đã dâng lên Thiên Chúa cuộc đời trần thế của mình làm hiến tế tôn thờ Chúa (chú giải Mt 1,18).

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,31), và này đây Bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai… Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng”… Sau đó, Đức Maria luôn có ý thức Chúa hiện diện và hướng dẫn mọi quyết định của mình, nên sau khi được thiên thần giải thích, khuyến khích, Mẹ Maria với tấm lòng khiêm nhu, vâng lời sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Tiếng xin vâng của Mẹ là sự vâng phục trọn hảo song Mẹ cũng sáng suốt nhận ra những hệ lụy của lời xin vâng ấy, trong đó đầy ắp tinh thần tín thác vào Chúa Quan phòng.

Tổ phụ Abraham

Lần thứ nhất, Ðức Chúa phán với ông Ápram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”.

 Ông Ápram ra đi, như Ðức Chúa đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kharan. Ông Ápram đem theo vợ là bà Xarai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kharan. Họ ra đi về phía đất Canaan và đã tới đất đó (St 12,1-5).

Lần thứ hai, Chúa phán: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất, nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi (St 14,16). 

Lần thứ ba, Chúa lại phán trong chương 17 của sách Sáng thế:

Câu 1: Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. 

Câu 2: Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông…. 

Câu 4: Ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. 

Câu 5: Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Ápram nữa, nhưng là Ápraham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc. 

Câu 6: Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều.

Câu 15: Thiên Chúa phán với ông Ápraham: “Xarai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Xarai nữa, nhưng tên nó sẽ là Xara

Câu 16: ….nó sẽ trở thành những dân tộc…

Câu 17: Ông cười và nghĩ bụng: “Ðàn ông trăm tuổi mà có con được sao? Còn bà Xara đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao? ”

Nhưng Thiên Chúa phán: Không đâu! Chính Xara, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là Ixaác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó… và Ítmaên, Ta nghe lời ngươi xin… 

Câu 20: Này ta chúc phúc cho nó…và Xara sẽ sinh cho ngươi vào độ này sang năm.

Trong chương 21

Câu 1: Đức Chúa viếng thăm bà Xara như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa.

Câu 2: Bà Xara có thai và sinh cho ông Ápraham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa. 

Câu 3: Ông Ápraham đặt tên cho đứa con sinh ra cho ông là Ixaác.

Câu 4: Ông cắt bì cho Ixaác, con ông, lúc nó được tám ngày, 

Câu 6: Bà Xara nói: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi”.

Sau 3 lần hứa cho Abraham sinh ra một dòng dõi đông đúc. Bấy giờ Ápraham đã được Chúa thương cho ông một con trai là Ixaác đã lớn, Chúa thử ông: “Hãy đem con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho”.

St 22,1-12: Ông vâng lời tuyệt đối, không một lời khiếu nại. Ông cũng nhớ Chúa 3 lần hứa cho dòng dõi ông nhiều như bụi mà nay có con lại đưa đi lên lễ toàn thiêu tại núi cách 3 ngày đường đi bộ… Ápraham không do dự, chuẩn bị mọi sự lên được đến nơi Chúa dạy. Khi gần đến nơi, Ixaác thưa với cha: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?”. Nghe lời con hỏi, mặc dầu ông Ápraham đang khó hiểu về việc Chúa truyền, ông đã trả lời con: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ”.

Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Ápraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Ápraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình. Nhưng sứ thần của Ðức Chúa từ trời gọi ông: “Ápraham! Ápraham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người nói: “Ðừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” 

Ông Ápraham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Ápraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình. Ông Ápraham đặt tên cho nơi này là “Ðức Chúa sẽ liệu”.

 Bởi đó, bây giờ có câu: vì ngươi đã không tiếc đứa con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. 

Như vậy, lòng tín thác vào Chúa thật chân thành, mạnh mẽ của Tổ phụ Ápraham lôi cuốn chúng ta vào đường lối nhiệm mầu Quan phòng, để ta vững bước tin vào Chúa Quan phòng nhân hậu hay yêu thương trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai.

Nếu tìm về ý nghĩa cuộc sống của các thánh, chúng ta đều nhận thấy nơi các ngài lòng Tin – Cậy – Mến vào tình yêu thương của Chúa Quan phòng, dù các ngài sống công khai hay kín đáo, âm thầm hay bày tỏ… mọi hành vi, tác động, thói quen của các ngài đều toát lên một lòng tín thác vào Chúa Quan phòng.  Anh Em thân mến, noi gương các thánh, chúng ta cũng hãy quyết tâm cầu nguyện, suy gẫm, chiêm ngắm về Chúa Quan phòng để cảm nhận được ân sủng mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ dành cho mỗi người chúng ta, để chúng ta vững bước đi trong Ánh Sáng dịu huyền của Chúa.

 

Trụ Sở Hiệp Hội, ngày 03/05/2021.

Lm.  Louis Bertrand Cao Đức Thuận, S.S.P.

Tổng Phụ Trách   

Thư Mục Vụ tháng 5.2021