TẠI SAO NÓI CON NGƯỜI LÀ TỘT ĐỈNH CỦA SÁNG TẠO (St 1, 26 -31)?

TẠI SAO NÓI CON NGƯỜI LÀ TỘT ĐỈNH CỦA SÁNG TẠO (St 1, 26 -31)?
 
26 Thiên Chúa phán : “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp ! Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ sáu.
 
 
Rất nhiều lần trong cuộc đời Ki-tô hữu, chúng ta từng được nghe câu “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. Quả thế khi đọc thật chậm St 1, 26-31, ta thấy rằng tác giả kinh thánh đã phô bày trước mắt chúng ta một bức chân dung tuyệt diệu về con người, một con người với phẩm giá vô cùng cao quý và được coi như là tột đỉnh của sáng tạo. Tuy nhiên, việc khẳng định con người là tột đỉnh của sáng tạo trong bản văn St 1, 26-31 có phải chỉ được thể hiện qua một khía cạnh duy nhất“con người là hình ảnh của Thiên Chúa”hay không ? Tác giả Kinh Thánh muốn diễn tả điều gì qua thuật ngữ “hình ảnh” này? Và liệu rằng trong St 1, 26-27 tác giả còn dùng những biện pháp tu từ hay hình ảnh nào khác để thể hiện việc con người thực sự là tột đỉnh của sáng tạo ?
Quay trở lại với bản văn, chúng ta nhận thấy rằng trình thuật tạo dựng con người trong St 1, 26-31 được mở đầu với việc Thiên Chúa phán “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” Điều làm cho người ta ngạc nhiên đó là ở đây xuất hiện từ “Chúng ta – ngôi thứ nhất số nhiều” nơi môi miệng của Thiên Chúa. Không giống như những ngày tạo dựng trước đây, “Thiên Chúa phán và mọi sự liền có”, nơi công việc tạo dựng con người dường như Thiên Chúa cũng cần “nhóm họp, thảo luận”. Ta có thể tạm liên hệ với tâm lý thông thường của chúng ta ngày nay, khi chuẩn bị làm một việc gì đó thật quan trọng, trước hết người ta cần bàn bạc, trao đổi để rút ra những phương thế, chiến lược sao cho công việc mình sẽ thực hiện đạt được kết quả tốt nhất, mỹ mãn nhất. Và như thế, qua cách nhân hình hóa Thiên Chúa, tác giả Kinh Thánh đã muốn diễn tả rằng việc tạo dựng con người thật sự là một kỳ công, một “dự án” vô cùng quan trọng trong ý định, trong trái tim của Thiên Chúa đến nỗi chính Thiên Chúa cũng cần “họp bàn, thảo luận” với nhau. Lẽ dĩ nhiên, một điều chúng ta cần lưu ý đó là dưới nhãn quan của anh em Do Thái thì từ “chúng ta” ở đây không hiểu là Ba Ngôi Thiên Chúa vì họ chưa tin nhận Đức Giê-su cũng như mạc khải về Mầu Nhiệm Ba Ngôi mà chúng ta biết đến qua Tân Ước. Thế nhưng, từ “chúng ta” ở đây theo cách hiểu của anh em Do Thái chỉ đơn thuần là triều đình Thiên Quốc dưới nhãn quan của vùng Cận Đông cổ và với mục đích duy nhất là làm nổi bật tầm quan trọng của “dự án con người” trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà thôi.
Một chi tiết vô cùng nổi bật trong bản văn này mà chúng ta cần bàn sâu hơn đó là Thiên Chúa tạo dựng con người theo “צֶלֶם –tselem – hình ảnh” của Ngài. Khi nói đến đây, chắc hẳn không ít người sẽ đặt ra câu hỏi, tại sao lại là hình ảnh mà không phải là điều gì khác? Để trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ chúng ta cần đặt mình vào trong bối cảnh văn hóa của vùng Cận Đông Cổ lúc bấy giờ. Bạn hãy hình dung rằng, dân Do Thái đang cư ngụ giữa vô số dân tộc với tín ngưỡng đa thần. Những dân tộc ấy thờ phượng các nhiên thần: mặt trời, mặt, trăng, tinh tú…các nhân thần: thần el, thần Baal, thần Át-tô-rét…Đặc biệt người cổ đại tin rằng các vị thần hiện diện và ban sức mạnh của họ thông qua những vật trung gian cụ thể là những hình tượng biểu trưng của vị thần ấy. Tuy nhiên, Ít-ra-en lại không được phép “tạc tượng ảnh Thiên Chúa”, không được phép làm những tượng thần hư ảo bằng gỗ, đá, bạc, vàng, không được phép làm những thứ thần:
“ Có mắt có miệng, không nhìn không nói,
có mũi có tai, không ngửi không nghe.
Có hai tay, không sờ không mó
có hai chân, không bước không đi,
từ cổ họng, không thốt ra một tiếng” ( Tv 115, 5-7)
Tại sao họ lại không được làm ư? Vì chính Thiên Chúa đã tự tay làm nên hình ảnh của mình, và hình ảnh ấy không gì khác chính là con người. Thật thú vị khi ta nói rằng Thiên Chúa hiện diện và ban sức mạnh qua “צֶלֶם –tselem – hình ảnh” của Ngài. Và rồi từ đây, người ta có thể tìm kiếm và phám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính bản thân mình và nơi anh chị em của mình. Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo, tiếp tục yêu thương trong và qua những “hình ảnh” của Ngài, đó quả thật là những món quà vô giá mà Thiên Chúa phú ban cho con người đã được tác giả Kinh Thánh diễn tả cách đầy tinh tế qua hạn từ “hình ảnh”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ý thức rằng, một nguyên bản thì có nhiều hình ảnh khác nhau cùng với sự đa dạng và phong phú của nó, đồng thời đã là hình ảnh thì không phải là nguyên bản hiểu theo nghĩa trọn vẹn. Do đó, con người chúng ta, những “hình ảnh của Thiên Chúa” luôn cần có nhau và hành trình khám phá sự đa dạng về “hình ảnh” của Thiên Chúa nơi những anh chị em khác sẽ giúp chúng ta có một nhãn quan đa chiều hơn, chân thực hơn về “nguyên bản – Thiên Chúa”. Một khi chúng ta ảo tưởng đặt bản thân mình hay đặt bất cứ điều gì không phải Chúa trở nên nguyên bản của cuộc đời chúng ta thì đó chỉ là một sự thất bại, méo mó và kệch cỡm.
Thật thú vị khi ngay sau câu“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” lại là“để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” Qua vế phía sau, tác giả đã tỏ lộ ý định, mục đích của Thiên Chúa nơi việc tạo dựng con người. Lẽ dĩ nhiên, việc liệt kê cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất không phải là một việc thừa thãi nhưng đúng hơn đó là việc Thiên Chúa điểm lại công trình sáng tạo của Ngài và thấy rằng mọi sự đã sẵn sàng. Điều này tựa như việc bạn đã có sẵn bản vẽ, đã có kế hoạch thi công và khâu tiếp theo sẽ là kiểm tra vật liệu đã sẵn sàng chưa để rồi bắt tay vào xây dựng. Cũng thế, chúng ta thử tưởng tượng nếu con người được tạo dựng vào ngày đầu tiên nơi mọi sự còn hoang vu, cảnh sắc còn mịt mù thì thử hỏi ngày mà họ được tạo dựng sẽ buồn thảm là dường nào. Nếu con người được dựng nên không theo hình ảnh của Thiên Chúa, không được phú tặng khả năng sinh sản và yêu thương, thì chắc hẳn họ sẽ trở nên một thụ tạo thật tồi tệ, một điều gì đó chẳng đáng được hoan nghênh. Thế nhưng, thực tế là con người được tạo dựng vào ngày thứ sáu, ngày mà mọi sự đã sẵn sàng. Khi đọc đến đây, chúng ta nhận ra rằng những hình ảnh mang màu sắc bi thảm như bóng tối và vực sâu của buổi hỗn mang ban đầu không còn nữa, đúng hơn, thứ chào đón con người là một bầu không khí đặc quánh sự sống. Sự sống …sự sống…sự sống. Bạn hãy thử hình dung cảnh những đàn chim bay đầy trời, những đàn cá dày đặc tung tăng dưới nước, những hàng cây trĩu quả, những đóa hoa tươi nở ven đường và ánh mặt trời đang tỏa những tia nắng ấm của sự sống, tất cả đang phơi bày vẻ huy hoàng ấy trước mắt bạn. Đúng thế, con người được tạo tác và được đặt trong khung cảnh của sự sống chứ không phải đặt trong khung cảnh lạnh lẽo, u ám của sự sợ hãi và cái chết. Khi hình dung về điều này, ta thấy câu nói của giáo phụ I-rê-nê năm nào thật thấm thía “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống”. Như thế, con người được tạo dựng vì tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và ý định từ ban đầu của Ngài đó là tạo dựng để con người được sống và sống dồi dào. Một điều khác cũng cần lưu ý đó là cụm từ “làm bá chủ” trong bản văn không có nghĩa là thống trị theo kiểu tùy ý tàn sát, tùy ý phá hoại thế nhưng việc “làm bá chủ” của con người -hình ảnh Thiên Chúa phải giống như nguyên bản của mình tức là trong một mối tương quan yêu thương và hài hòa.
Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, tác giả Kinh Thánh đã khẳng định con người là tột đỉnh của sáng tạo cách vô cùng mạnh mẽ qua St 1, 27
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.”
Trong thực tế, người Do Thái không sử dụng tính từ hay trạng từ để nhấn mạnh, so sánh nhất hay so sánh cực cấp như chúng ta thường dùng. Chẳng hạn trong tiếng Việt 3 từ đẹp, rất đẹp, cực kỳ đẹp thể hiện những cấp độ, sắc thái đẹp khác nhau. Tuy nhiên người Do Thái không dùng từ rất hay cực kỳ để nhấn mạnh hoặc so sánh cực cấp , đúng hơn họ sẽ dùng phương pháp lặp để thể hiện sắc thái này. Chẳng hạn khi muốn sử dụng biện pháp so sánh nhất thì họ sẽ lặp lại hai lần, vd khi muốn nói bài ca tuyệt diệu nhất thì họ sẽ nói “Bài ca của các bài ca” ; Vị vua đích thực, vị vua, vị Thiên Chúa duy nhất – Vua muôn vua, Chúa các Chúa. Tương tự như thế, số ba vốn là số biểu thị sự hoàn hảo đối với người Do Thái và do đó người Do Thái sẽ lặp lại ba lần một từ hoặc một cụm từ để diễn tả lối so sánh cực cấp. Vd; Thánh – Thánh –Thánh nghĩa là không còn có sự gì thánh hơn được nữa. Cũng vây, qua St 1, 27, tác giả đã 3 lần lặp lại cụm từ: “Thiên Chúa sáng tạo con người” và đây cũng chính là một lối so sánh cực cấp, một tuyên xưng niềm tin mạnh mẽ chính Thiên Chúa là đấng sáng tạo và con người không gì khác chính là tột đỉnh của sáng tạo. Nếu như ở trên chúng ta đã được chiêm ngưỡng sự huy hoàng của khung cảnh tạo dựng qua những hình ảnh đầy sống động thì giờ đây chúng ta một lần nữa được đắm mình, được lắng nghe sự hòa điệu của sáng tạo qua điệp khúc: “Thiên Chúa sáng tạo con người…Thiên Chúa sáng tạo con người…Thiên Chúa sáng tạo con người”, với tất cả sự phong phú và đa dạng của giai điệu ấy (Theo hình ảnh Ngài, theo hình ảnh Thiên Chúa có nam có nữ).
Qua phần trình bày trên, chúng ta thấy rằng bằng các hạn từ “Chúng ta”, “hình ảnh”cũng như các biện pháp tu từ: phép liệt kê và phép lặp (lối so sánh cực cấp), tác giả Kinh Thánh đã diễn tả một cách đầy khéo léo thông điệp con người chính là tột đỉnh của sáng tạođồng thời qua đó tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương, sáng tạo và quan phòng.
 
Lê Tùy Vũ Đức Anh, SSP