Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần 1: Sách Khải Huyền

Vũ Văn An

3.6 Sách Khải huyền

45. Thuật ngữ “linh hứng” không xuất hiện trong Sách Khải huyền, nhưng nó chứa đựng thực tại mà thuật ngữ này chỉ định, khi trong bản văn có sự thừa nhận mối liên hệ phụ thuộc, chặt chẽ và trực tiếp, đối với Thiên Chúa. Chúng ta gặp lời khẳng định này trong phần mở đầu (xem Kh 1:1-3), chúng ta tìm thấy nó trong Kh 1:10 và Kh 4:2, khi Thánh Gioan, trong tương quan với nội dung cuốn sách, được đặc biệt tường thuật là tiếp xúc với Chúa Thánh thần, và khi, trong Kh 10:8-11, sứ mệnh tiên tri liên quan đến “cuốn sách nhỏ” được đổi mới cho ngài; cuối cùng lời khẳng định đó được tìm thấy trong cuộc đối thoại phụng vụ kết thúc, khi sự thánh thiện tuyệt đối của toàn bộ sứ điệp được nhấn mạnh, một sứ điệp từ nay được liên kết với chính cuốn sách (xem Kh 22:18-19). Những phần này của cuốn sách cung cấp một sự hiểu biết đầu tiên về ơn linh hứng trong sách Khải Huyền.

  1. Nguồn gốc thần thiêng của bản văn theo lời mở đầu của nó (Kh 1:1-3)

    Việc đọc kỹ lời mở đầu của Sách Khải huyền sẽ cung cấp cho chúng ta một tài liệu thú vị và chi tiết về con đường, theo bản văn của Sách Khải huyền, sẽ, từ bình diện của chính Thiên Chúa dẫn tới bình diện cụ thể của một cuốn sách có thể được đọc trong cộng đồng phụng vụ.

    Người ta có thể lưu ý một ám chỉ đầu tiên đến bình diện thần thiêng ở ngay đầu bản văn: đó là “mặc khải của Chúa Giêsu Kitô” (Kh 1:1a). Nhưng Chúa Giêsu Kitô không phải là nhà phát minh ra nó. Mà chính là “Thiên Chúa”, một thuật ngữ mà chúng ta có thể hiểu, theo cách sử dụng liên tục thuật ngữ này của Tân Ước, là “Cha”. Phát xuất từ Chúa Cha, và được ban cho Chúa Con Giêsu Kitô, do đó, có thể nói, luôn luôn tiếp xúc gần gũi với Thiên Chúa, mặc khải nhận được và giữ dấu ấn của Người.

    Từ bình diện Thiên Chúa, chúng ta sau đó, bước xuống bình diện con người. Chính tại đây, chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô: tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa – Cha được tìm thấy ở nơi Người, “Lời” hằng sống “của Thiên Chúa”. Khi Chúa Giêsu Kitô tự ngỏ lời với loài người, Người xuất hiện với họ, do đó, như một nhân chứng hoàn toàn đáng tin cậy, trong tư cách Thánh Tử ở bình diện Ba Ngôi, có khả năng đạt tới sự viên mãn của “nội dung” Chúa Cha, mà từ Người mọi sự đều phát xuất, và như Thánh Tử nhập thể, còn có thể truyền đạt nội dung này một cách thỏa đáng cho con người.

    Bằng cách này, mặc khải đã bước vào tiếp xúc với Thánh Gioan. Điều này diễn ra một cách đặc biệt: Chúa Cha, qua trung gian Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn là “người mang Người”, phát biểu mặc khải “bằng các dấu hiệu” tượng trưng được Thánh Gioan nhận thức, “nhìn thấy”, và ngài hiểu chúng một cách thỏa đáng, nhờ trung gian một thiên thần, đã giải thích chúng cho ngài. Đến lượt Thánh Gioan, ngài phát biểu sự mặc khải mà ngài có được trong sứ điệp ngài gửi cho các giáo hội, và, ở thời điểm đó, mặc khải trở thành một bản văn viết. Sự tiếp xúc với Chúa Cha và với Chúa Con nhập thể, Đấng đã khai sinh ra bản văn, vẫn còn ở đấy sau đó, trở thành một phẩm chất vĩnh viễn của nó. Ở giai đoạn cuối của hành trình, khi mặc khải bằng bản văn được công bố cho cộng đồng phụng vụ, nó mang bộ mặt tiên tri.

    b. Sự biến đổi của Thánh Gioan được thực hiện bởi Chúa Thánh thần, qui hướng về Chúa Kitô (Kh 1:10; 4:1-2)

    46. Ở đầu phần thứ nhất (Kh 1:4-3:22) và phần thứ hai (Kh 4:1-22:5) của bản văn, tác giả Sách Khải huyền, người tự nhận mình là Gioan (xem Kh 1:2,4), cho ta một sự chính xác đáng chú ý về tính năng động của mặc khải, một tính năng động khởi đi từ Chúa Cha và băng qua Chúa Giêsu, cuối cùng trở về với Người: sự can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần đã biến đổi Thánh Gioan và đưa ngài vào mối liên hệ đổi mới với Chúa Giêsu Kitô, một liên hệ dẫn ta đến chỗ biết rõ hơn về Người.

    Điều này trước hết được biểu lộ ở phần đầu của cuốn sách (xem Kh 1:10),nhắc đến toàn bộ phần này. Ẩn dật tại đảo Patmos, luôn nghĩ tới và thương nhớ cộng đồng Êphêsô xa xôi của ngài, Thánh Gioan tri nhận “ngày của Chúa”, đặc điểm của cộng đồng phụng vụ, việc Chúa Thánh thần tỏ mình ra một cách mới mẻ: “Tôi đã được Thánh Thần chiếm hữu vào ngày của Chúa”. Sự kiện được Chúa Thánh thần chiếm hữu và được tiếp xúc với Người, đưa Thánh Gioan vào một sự biến đổi bên trong, một sự biến đổi không nhất thiết phải đạt đến một mức độ ngất trí, làm ngài có khả năng tiếp nhận và giải thích dấu hiệu tượng trưng phức tạp sẽ được tỏ bầy với ngài. Nó phát khởi nơi Thánh Gioan một kinh nghiệm hiện sinh, nhận thức và xúc cảm mới mẻ về Chúa Giêsu Kitô phục sinh, mà từ Người, ngài sẽ nhận được nhiệm vụ gửi đi một thông điệp viết cho bảy Giáo hội (xem Kh 1:10b-3:22).

    Sự tiếp xúc đặc biệt này với Thánh Thần được đổi mới ở đầu (Kh 4:1-2) phần thứ hai của sách (Kh 4:1-22,5): “Ngay lập tức tôi được chiếm hữu bởi Thánh Thần” (Kh 4:2) và được giữ nguyên như thế cho đến khi kết luận. Giống như lần tỏ mình ra trước đây, lần tỏ mình ra mới mẻ này của Chúa Thánh thần nhằm sự biến đổi bên trong của Thánh Gioan. Nó được đi trước bởi sự can thiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng bảo Thánh Gioan từ bình diện dưới đất vươn tới bình diện trên trời. Trong sức mạnh của sự biến đổi thứ hai này trong Chúa Thánh thần, Thánh Gioan sẽ có thể nhận thức được nhiều “dấu hiệu” mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngài qua Chúa Giêsu Kitô, và được thuật lại một cách thỏa đáng trong bản văn. Sự tiếp xúc đổi mới này với Chúa Thánh thần sẽ được làm cho nổi bật bằng một số đặc điểm nói lên bản chất mối liên hệ của Thánh Gioan với Chúa Giêsu Kitô. Đây là trường hợp ở Kh 17:3, trước khi trình bày một cách hết sức phức tạp, cuộc phán xét “gái điếm vĩ đại” (xem Kh 17:3-18:24), kẻ, dưới ảnh hưởng của Quỷ Dữ, vốn thể hiện trong lịch sử việc đối lập triệt để nhất đối với các giá trị của Chúa Giêsu Kitô. Sau đó, khi đã được ban cho “dấu hiệu” kết luận tuyệt vời về Giêrusalem mới, một Giêrusalem sẽ biểu lộ mối liên hệ yêu thương bền vững giữa Chúa Giêsu Kitô Chiên Con và Giáo hội trở thành cô dâu của Người, sẽ là một việc nhắc đến Thánh Thần nữa (x. Kh 21:10), Đấng sẽ mở cho Thánh Gioan đạt tới một sự hiểu biết cao nhất về Chúa Giêsu Kitô. Việc mở rộng sự hiểu biết do Chúa Thánh thần tạo ra nhằm “cái hơn” này trong mối liên hệ với Chúa Giêsu Kitô sau đó sẽ được chuyển từ Thánh Gioan sang công việc của ngài, và sau đó sang cho độc và thính giả của ngài.

    c. Hệ luận nhân bản để phát biểu sứ điệp tiên tri (Kh 10,9-11)

    47. Việc mở rộng sự hiểu biết trên, được Thánh thần tạo ra, phát triển trong con người như thế nào? Về phương diện này, chúng ta tìm thấy một dấu mốc đáng lưu ý trong Kh 10:9-11. Một thiên thần, một biểu hiện long trọng của Chúa Kitô (xem Kh 10:1-8), cầm trong tay trái một “cuốn sách nhỏ”, chứa sứ điệp của Thiên Chúa, có lẽ là nội dung “sổi” của Kh 11:1-13, và mời Thánh Gioan cầm lấy nó: “Ngài bảo tôi: “Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong “(Kh 10:9). Ở lần đầu tiên tiếp xúc với cuốn sách nhỏ, Thánh Gioan rất ngạc nhiên và trải nghiệm sự ngọt ngào khôn tả của Lời Chúa. Nhưng sự quyến rũ của lời nói nghe được sẽ phải nhường chỗ cho việc hấp thụ nó một cách mệt nhọc. Lời Chúa sẽ phải chuyển từ bình diện thần thiêng sang bình diện thông đạt nhân bản qua một việc làm nặng nhọc bên trong, một điều đòi hỏi trí thông minh, cảm giới và khả năng sáng tạo văn chương của Thánh Gioan. Một khi giai đoạn mệt nhọc này đã được hoàn thành, Thánh Gioan sẽ có thể công bố Lời Chúa, một lời từ nay đã rời khỏi trạng thái “sổi” ban đầu của nó, để trở thành lời nói của con người, nhờ việc triển khai công phu này.

    d. Đặc tính không thể thay đổi của cuốn sách được linh hứng (Kh 22:18-19)

    48. Đến cuối tác phẩm của mình, khi bản văn soạn thảo có thể được gọi bằng biểu thức “cuốn sách này” (Kh. 22:18,19 b), tác giả, khi đặt toàn bộ vào miệng Thánh Gioan, đưa ra tuyên bố triệt để về tính cách không thể thay đổi của chính cuốn sách.

    Lấy các bản văn Đệ nhị luật khác nhau làm khởi điểm (xem Đnl 4:2; 13:1; 29:19), tác giả Sách Khải huyền nhấn mạnh đến tính triệt để của nó: từ nay, cuốn sách hiện được soạn thảo có được sự hoàn hảo riêng của Thiên Chúa, Đấng không có gì có thể được thêm vào hoặc bớt đi. Sự tiếp xúc kéo dài mà ngài có được trong thời gian soạn thảo, với Chúa Giêsu, qua trung gian Thánh thần, đã đóng vào cuốn sách một dấu ấn thánh thiêng: người ta có thể nói rằng “một cái gì đó” của Chúa Giêsu Kitô và của Thánh Thần còn lại trong đó, do đó làm cho bản văn xứng đáng đóng vai trò một lời tiên tri, có thể đi vào cuộc sống với khả năng biến đổi nó.

    e. Một tổng hợp đầu tiên về chủ đề “nguồn gốc thần thiêng”

    49. Các nhận xét đã đưa ra cho phép chúng ta nhấn mạnh, liên quan đến chủ đề của chúng ta, một số đặc điểm căn bản của bản văn Khải huyền. Bản văn này có nguồn gốc thần thiêng rõ ràng, trực tiếp phát xuất từ Thiên Chúa Cha và từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ban nó cho Người. Đến lượt Người, Chúa Giêsu Kitô ban nó cho Thánh Gioan, đem vào đó nội dung các “dấu lạ” tượng trưng mà Thánh Gioan, với sự giúp đỡ của Thiên thần, đã giải thích, đã thành công trong việc tri nhận. Sự tiếp xúc ban đầu và trực tiếp này của bản văn với bình diện thần thiêng kéo dài sau đó, suốt cuốn sách, trong phần thứ nhất cũng như trong phần thứ của sách, dưới hành động chuyên biệt và chặt chẽ của Thánh thần, Đấng làm mới và biến đổi Thánh Gioan từ bên trong, tạo nơi ngài một “bước nhảy vọt về phẩm chất” trong việc hiểu biết Chúa Giêsu Kytô.

    Nội dung mặc khải không tự động chuyển từ bình diện thần thiêng nơi nó phát sinh để phát triển ở bình diện nhân bản nơi nó phải được nghe. Đoạn văn làm cho Lời của Thiên Chúa trở thành lời không kém của con người đòi hỏi nơi Thánh Gioan, sau niềm hân hoan phấn khởi lúc đầu tiên tiếp xúc với Lời, một việc triển khai công phu cho phép sứ điệp bắt tay với thân phận người và trở nên dễ hiểu. “Đoạn văn” này không làm cho nó mất đi đặc điểm khởi nguyên của nó: trong toàn bộ bản văn, từ nay được viết một cách dứt khoát và trở thành một cuốn sách, vẫn còn một chiều kích thánh thiêng vốn thuộc cõi thần thiêng. Chiều kích thánh thiêng này một mặt làm cho bản văn thành không thể thay đổi được, không có khả năng thêm vào hay bỏ bớt, và mặt khác, chiều kích này mang lại cho nó sức mạnh của lời tiên tri khiến nó có khả năng biến đổi hiện sinh một cách quyết định.

    Nhóm các tính năng phức tạp trên, một nhóm vốn tạo thành một toàn bộ, giúp ta hiểu, như tác giả của Sách Khải huyền trải nghiệm và hiểu các thành phần của điều ngày nay chúng ta gọi là “linh hứng”: ở đây muốn nói tới sự can thiệp thường hằng của Thiên Chúa Cha; sự can thiệp thường hằng, đặc biệt phong phú và được xây dựng tốt đẹp của Chúa Giêsu Kitô và sự can thiệp thường trực của Chúa Thánh thần. Đây cũng là sự can thiệp của Thiên thần, người diễn giải, và cuối cùng, liên quan đến việc kết nối bản văn với con người, sự can thiệp chuyên biệt của Thánh Gioan. Cuối cùng, bản văn này, Lời của Thiên Chúa đến tiếp xúc với con người, sẽ thành công không những trong việc làm nội dung khai sáng của nó được hiểu rõ, mà còn làm cho nó tỏa sáng trong cuộc sống: nó sẽ được linh hứng và truyền linh hứng.

    Cuối cùng, chúng ta hãy lưu ý một sự kiện gây ấn tượng này là cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, một cuốn sách chứa đựng nhiều tham chiếu nhất về Cựu Ước và dường như là một tổng hợp của nó, do đó là cuốn sách chứng thực nguồn gốc thần thiêng và đặc tính linh hứng của Cựu Ước, một cách chính xác nhất và được xây dựng tốt nhất. Do đó, một chiều kích mới đã được thêm vào việc tiếp xúc với Chúa Kitô: Cựu Ước cũng được linh hứng và truyền linh hứng nhờ cách giải thích theo Kitô học này.

    Kỳ tới: Mối liên hệ “Thiên Chúa – tác giả loài người”

http://vietcatholic.org/News/Home/Archive?date=2019-08-13