Người Ki-tô hữu làm gì khi tự nguyện “ở nhà” vì covid-19

Thư hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19.03.2020 của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn có đoạn viết như sau:

Những người dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi, và những ai đang có các loại bệnh nặng nhẹ khác nhau: được miễn chuẩn tham dự thánh lễ Chúa nhật và không được đến nơi tập trung đông người.

Dù không tham dự thánh lễ, nhưng các tín hữu vẫn có bổn phận cầu nguyện tại nhà, bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa theo ngày, hoặc lần hạt Mân Côi, rước lễ thiêng liêng (tức là khao khát được kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong đức tin và lòng mến, dù không được rước lễ thực sự).

Mỗi ngày đều có thánh lễ trực tuyến được phát trên trang mạng của Tổng giáo phận. Người ở nhà có thể theo dõi vào lúc thuận tiện, chứ không nhất thiết phải là trực tiếp (livestream), để hiệp thông với phụng vụ của Hội Thánh. Hiệp thông với thánh lễ trực tuyến không thay thế việc thực sự tham dự thánh lễ, nhưng có thể giúp nuôi dưỡng đức tin nếu biết hiệp thông với tâm hồn cầu nguyện và thái độ nghiêm túc, chứ không giống như xem một bản tin”. [1]

Trong khi đó, vào chiều ngày 22-3 vừa qua, thủ tướng CPVN cũng đã nhắc nhở trong buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) là người trên 60 tuổi hãy ở nhà. Nội dung cụ thể là: người trên 60 tuổi hãy ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác; đeo khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, nâng cao sức khỏe. Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.

Ảnh: new.zing.vn

Chúng ta cũng biết rằng, diễn biến dịch bệnh Covid-19 cho thấy, người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công và “gục ngã” khi mắc phải bệnh Covid-19 do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, và đa số người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo.

Theo tổng kết của một nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một người cao tuổi Việt Nam trung bình mắc 2,6 bệnh, con số này sẽ là 6,8 bệnh ở nhóm trên 80 tuổi.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (như hết thuốc, cần chỉnh liều…); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài nhà. [2]

Vậy người già trên 60 tuổi nếu không có nhu cầu cần kíp, thì nên ở nhà theo khuyến cáo của ngành y tế dự phòng. Việc người cao tuổi ở nhà sẽ đảm bảo hai điều: a- Tránh bị lây bệnh do tuổi tác và cơ địa mẫn cảm dịch bệnh; b- Có thời gian nghỉ ngơi, trau dồi và làm mới bản thân.

Chúng ta cũng biết rằng, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các y bác sĩ tại VN cũng như khắp thế giới đang lan truyền thông điệp “We stay at work for you. Please stay at home for us”, nghĩa là “Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin hãy ở nhà vì chúng tôi”.

Như vậy, việc người cao tuổi tự nguyện ở nhà theo khuyến cáo của chính quyền cũng như của giáo quyền được xem là một hành vi đạo đức, nhân bản và là một sự hy sinh bản thân rất đáng khâm phục. Chúng ta chấp nhận ở nhà là do sự vâng phục bề trên trong Hội thánh cũng như để chấp hành đề nghị của chính quyền, nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân ta và của cả cộng đồng.

Bác ái Ki-tô giáo: Mình vì mọi người

Tiến sĩ Leonard J. DeLorenzo trong bài “Không được đi dự lễ vì covid-19: một hy sinh lớn lao của người Công giáo Mỹ” đã viết như sau: [3]

“Rất may là cho đến lúc này ở Việt Nam, những giáo dân khỏe mạnh vẫn có thể đi tham dự thánh lễ, cho dù phải đeo khẩu trang, phải ngồi xa nhau… Nhưng ở Mỹ hiện nay thì khác. Covid-19 bùng phát cách đáng sợ: trách nhiệm của người Mỹ là phải ở nhà và hy sinh không tham dự thánh lễ. Đây là sự mất mát đáng buồn nhất cho các tín hữu Công giáo Mỹ. Đây cũng là cái giá họ phải trả để có thể chu toàn trách nhiệm đối với nhau. 

“Khi tôi nghe biết vị giám mục của chúng tôi ra quyết định miễn chuẩn thánh lễ Chúa nhật, tôi đã rất lo lắng. Đó không phải là nỗi lo về con virus, mà lo rằng, chỉ vài ngày nữa thôi, tôi sẽ phải lựa chọn có nên đi dự lễ với gia đình nữa hay không. Đây là một tình huống lý tưởng cho người Công giáo phạm tội: Chúng ta có thể đi dự lễ, vậy mà lại không đi. Nhưng không thể biết chắc được con virus đang có ở đây hay không, và nó đang ẩn mình như thế nào, nên tất nhiên tôi phải lo lắng cho vợ con của tôi, và lo lắng cho chính bản thân mình nữa.

“Cuối cùng tôi đã quyết định rõ ràng rằng sẽ không dự lễ Chúa nhật ở giáo xứ, không phải vì nghĩ đến gia đình, nhưng chính là vì nghĩ đến những người như vị giáo dân lớn tuổi kia. Chúng ta có thể là những người mang mầm bệnh- tôi có thể là người mang mầm bệnh- và đặt những người xung quanh vào tình trạng nguy hiểm khi đến với đám đông. 

“Đó là một suy nghĩ nghiêm túc. Đó cũng là một suy nghĩ mang xã hội tính. Đây là một thách đố lớn cho hầu hết chúng ta trong cơn đại dịch: nghĩ đến tập thể thay vì chỉ nghĩ đến cá nhân mình. Tôi có thể đi dự lễ hoặc muốn đi dự lễ, nhưng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm, không chỉ vì gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình mình, mà còn cho những người khác nữa. Chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau”… 

Việc chúng ta “được ở nhà” hay “phải ở nhà” đó không được xem là một mất mát lớn cho bản thân, gia đình, xã hội và Giáo hội, nhưng trái lại nó trở nên một cơ hội vàng nhờ đó chúng ta trở về với Chúa và với anh em qua việc tĩnh tâm, học hỏi và liên kết tha nhân.   

Ki-tô hữu tận dụng thời gian rảnh rỗi để củng cố đức tin, trau dồi kiến thức và làm mới bản thân mình

Đức Giám mục Robert Barron, 60 tuổi, giám mục phụ tá giáo phận Los Angeles là chuyên gia truyền thông xã hội, ngài rất tích cực trên Facebook, YouTube và Twitter, và hiện có gần hai triệu người theo dõi. Trong bài viết mới đây có tựa đề “Virus Corona và việc cách ly trong phòng một mình”, ngài đã nói rằng tất cả chúng ta đều có thể nghĩ về thời cách ly này như một lời mời gọi bước vào “nội vi một đan viện” nào đó, một cuộc đối đầu nghiêm túc với những câu hỏi quan trọng mà một số người chủ ý ngồi một mình trong phòng. Và ngài thử đưa ra một vài gợi ý liên quan đến “cuộc tĩnh tâm” của chúng ta. [4] Ngài viết:

“Bạn hãy mở Kinh Thánh ra và đọc toàn bộ một trong các Tin Mừng có thể là Tin Mừng Matthêu, mà chúng ta đang sử dụng cho thánh lễ Chúa nhật trong năm phụng vụ này. Hãy đọc chậm rãi, cầu nguyện, sử dụng một bản chú giải tốt nếu điều đó cần thiết. Hoặc thực hành nghệ thuật cổ xưa đã được một số Đức Giáo hoàng gần đây nồng nhiệt đề xuất, cụ thể là phương pháp Lectio Divina. Cách đọc Kinh Thánh theo phương pháp Lectio Divina bao gồm bốn bước cơ bản: Đọc, Suy niệm, Cầu nguyện và Chiêm niệm.

“Hoặc bạn đọc một trong những tác phẩm tâm linh kinh điển trong thời gian bị cách ly này. Hãy nhớ rằng, trước khi khoa học vật lý nổi lên thì những người giỏi nhất và thông minh nhất trong truyền thống trí tuệ phương Tây đã dấn thân vào các lĩnh vực triết học, thần học và tâm linh. Một trong những mặt tối của văn hóa thời hậu Ánh sáng của chúng ta là quên lãng kho tàng tâm linh đáng kinh ngạc do các thế hệ bậc thầy tâm linh lỗi lạc để lại.

Đặc biệt, ngài cũng nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Ngài viết:

“Và tất nhiên là cầu nguyện. Khi linh mục kiêm nhà văn Thomas Merton từng được hỏi điều gì là quan trọng nhất mà một người có thể làm để cải thiện đời sống cầu nguyện, ngài đã trả lời: “Hãy dành thời gian”.

“Tốt, bây giờ chúng ta có nhiều thời gian hơn rồi. Làm một giờ thánh mỗi ngày hoặc mọi ngày khác. Lấy chuỗi tràng hạt của bạn ra, mà tôi nghĩ đây là một trong những lời cầu nguyện tuyệt diệu nhất trong truyền thống Công giáo. Khi chúng ta lần hạt sốt sắng, chúng ta suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Kitô; mỗi chuỗi Mân Côi, chúng ta được nhắc nhở năm mươi lần về cái chết không thể tránh khỏi của chính mình (Bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen). Chúng ta phó thác bản thân cho Đấng Bầu Cử mạnh nhất ở dưới đất cũng trên trời.

“Đó là một cách không tồi để dành 20 phút. Dành thời gian vào cuối ngày để xét mình, kiểm tra lương tâm của bạn và đừng làm cho qua. Hãy làm cách cẩn thận, cầu nguyện, trung thực. Hãy tự hỏi lòng mình bao nhiêu lần trong ngày bạn bỏ lỡ cơ hội để thể hiện tình thương, bao nhiêu lần bạn không đáp lại ân sủng, bao nhiêu lần bạn rơi vào thói quen tội lỗi.

“Bây giờ chúng ta được yêu cầu giữ một khoảng cách nhất định với người đồng loại, vậy hãy nắm lấy sự cô độc và im lặng một cách tỉnh táo về mặt tinh thần. Hãy đi bộ trên những bãi biển dài, băng qua những cánh đồng, trên những ngọn đồi, bất cứ nơi nào bạn muốn ở một mình. Và chỉ nói chuyện với Chúa. Hỏi Ngài xem Ngài muốn bạn làm gì.

“Hãy cầu nguyện cho con cái của bạn hoặc cho cha mẹ của bạn hoặc bạn bè của bạn, những người có thể đang phải chiến đấu. Nói cho Ngài biết bạn yêu Ngài nhiều như thế nào và bạn muốn kết hợp với Ngài nhiều hơn như thế nào. Và xin vui lòng cất điện thoại đi! Hãy mở mắt ra, ngẩng đầu lên và chiêm ngưỡng vẻ đẹp công trình sáng tạo của Chúa và tạ ơn Ngài về điều đó”…

Đó là một vài gợi ý rất hay của ĐGM Robert Barron. Có thể đối với một số người, những việc ấy, tuy rất cơ bản đối với một Ki-tô hữu, nhưng có thể xem là xa lạ và khó thực hiện. Nhưng cũng có thể là “khả thi” đối với một số người khác đã từng có thói quen thực hành những việc đạo đức ấy.

Đọc kinh, cầu nguyện, xét mình, đọc sách đạo đức, lần chuỗi, suy gẫm…sẽ trở nên dễ thực hành và có ý nghĩa hơn khi mà tuổi tác và hoàn cảnh giúp ta có cơ hội củng cố đức tin và trau dồi đạo đức.

Ngoài ra, thiết nghĩ đây cũng là dịp thuận tiện để ta tập sống khỏe, sống lạc quan, sống yêu đời. Trước hết là vấn đề gìn giữ và tăng cường sức khỏe.

Làm sao để có điều kiện được hít thở không khí trong lành. Ta có thể ngồi gần cửa sổ, mở tung cửa cho ánh nắng tràn vào. Có thể tận dụng thời điểm này để đọc sách, báo, lướt facebook, nghe nhạc hay học một ngoại ngữ nào đó.

Tập thể dục: người ta cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể đạt những hiệu quả tinh thần tương đương khi tập thể dục tại phòng tập và ở nhà, thậm chí chỉ đơn giản là dọn dẹp nhà cửa. Vì vậy trong thời gian ở nhà ta hoàn toàn có thể tìm kiếm các bài tập thể dục đơn giản và tập luyện trong các khoảng thời gian trống. Chúng ta đều biết rằng tập thể dục có thể giải phóng những endorphin quan trọng giúp cải thiện tâm trạng. Đồng thời, giữ sức khỏe thể chất ở mức tốt có thể giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần của chúng ta, bởi cơ thể khỏe mạnh giúp ta có đề kháng tốt và bớt lo lắng về dịch bệnh. 

Vấn đề ăn uống cần được quan tâm. Người lớn tuổi luôn cần bồi dưỡng bởi những thực phẩm có dinh dưỡng cao và giúp tăng cường đề kháng tốt. Đặc biệt, có thể uống sinh tố C hằng ngày, nhờ đó có sức chống lại bệnh tật.

Bên cạnh đó, ta có thể thực hiện những sở thích cá nhân mà ta chọn lựa theo điều kiện chủ quan của mình. Người ta cho rằng việc theo đuổi một sở thích cá nhân nào đó có thể giúp kích thích tâm trạng của ta và lấp đầy thời gian trống. Các sở thích bất kỳ như đàn, hát, nghe nhạc, vẽ tranh, đọc sách … đều có thể mang lại hiệu quả cao. 

Theo đuổi sở thích là một cách tuyệt vời để không làm tâm trí xao lãng, bị ảnh hưởng vì chúng đòi hỏi chúng ta chỉ tập trung vào một việc, từ đó hạn chế những luồng suy nghĩ tiêu cực khác hình thành trong tâm trí.

Một công việc khác xem ra cũng khá thích hợp cho những ai “ở nhà” tránh dịch bệnh. Đó là kết nối mạng xã hội. Đây vừa là việc giải trí, vừa là kênh để theo dõi thông tin về dịch bệnh đang diễn ra một cách gay gắt hàng ngày trên thế giới. Ngày nay nhiều người lớn tuổi khá say mê và thích thú với những tiện ích của Internet và mạng XH, vì nhờ đó mà cuộc sống thêm phần “hương sắc”, nhất là vào thời kỳ đang diễn ra dịch cúm Covid-19 kinh hoàng./.

Aug. Trần Cao Khải

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN